Macro, micro và những quyết định trong cuộc sống
Ngày trước mình xem phim Godfather I của Coppola khoảng 3 lần. Mình xem đi xem lại không phải vì thích mà vì không hiểu. Mình không...
Ngày trước mình xem phim Godfather I của Coppola khoảng 3 lần. Mình xem đi xem lại không phải vì thích mà vì không hiểu. Mình không hiểu tại sao mọi người lại cho rằng đó là một trong những phim được đánh giá tốt nhất mọi thời đại. Mình thấy nó bình thường và không có gì đặc sắc cả. Có lẽ có nhân vật bố già con (Michael) rất đặc biệt, hành động rất có chủ đích, vì gia đình trên hết. Nhưng nếu như thông điệp đó là thông điệp chính thì mình không cảm thấy ấn tượng lắm.
Có một đợt bố mẹ mình tới thăm mình nên mình có dịp dành ra rất nhiều buổi tối để xem phim. Nhân đợt ấy mình có cơ hội xem gần 100 phim trong danh sách IMDB của 250 phim xuất sắc nhất mọi thời đại do khán giả bình chọn cùng bố mẹ vào mỗi tối (nhân tiện, mình mong rằng các bạn cũng có thời gian làm việc này). Việc này làm cho mình xem cả 3 phim Godfather cùng một lúc. Khi xem xong Godfather 3 thì mình thấy một nhân vật bố già con đã trở thành bố già thật và tiếp quản family business. Bố già cũ (Don Vito) là kẻ mafia đời đầu, tuy là tội phạm nhưng có tình người, lấy gia đình làm trên hết và nói chung không làm hại kẻ vô tội, khi chết đi cũng tương đối hạnh phúc an bình. Michael, một người tuy là tinh thông hơn, khi tiếp quản thì mọi sự tuột khỏi tầm tay của anh ta. Anh ta về sau phải làm những việc như trừ khử những người thân của mình, điều này làm cho anh ta trở thành một kẻ mafia máu lạnh thật sự. Điều mình lúc đó nhận ra là nhân vật bố già con được xây dựng trên ý tưởng anh ta tính toán các bước đâu ra đấy, có trước sau, hệ thống tổ chức đàng hoàng. Nhưng cuối cùng con đường anh ta chọn làm cho Michael trở thành con người đối lập với những gì anh ta muốn thành giá trị của mình. Như vậy là một con người tình cảm, tính toán, thông thái cẩn thận trong từng đường đi nước bước trở thành một con người bế tắc và đau khổ.
Vậy nguyên do việc này từ đâu? Theo mình hiểu đó là việc Michael chọn (hoặc bị đẩy vào) con đường phạm tội. Đó là con đường sẽ làm cho con người ta lạc lối bất kể con người chọn nó có thông thái đến đâu.
Gần đây mình có dịp tự cảm nhận lại những gì đã diễn ra với chính mình và nói chuyện với một số người ở Việt Nam. Thật ra khi nhiều người chọn làm những việc không đàng hoàng để trục lợi cho mình rất nhiều khi là những người khôn khéo, có địa vị tiền bạc trong xã hội. Khi mình tiếp xúc thì mình nhận ra các lựa chọn đi xin xỏ, chạy chọt cho con cái người thân đều xuất phát từ tình thương gia đình họ hàng. Nhưng những điều tưởng chừng như là tốt trong tương lai gần đó, chỉ sau dăm năm, những người được nhận ân huệ đặc biệt mà mình được biết đều trở nên những con người rất không hạnh phúc. Người làm ơn cũng vì thế mà trở thành những người không hạnh phúc. Mình đã chứng kiến vài ba trường hợp như vậy và kết quả không khác nhau là bao. Cá nhân mình chưa thấy câu chuyện hạnh phúc nào đi ra từ chuyện chạy chọt.
Gần đây mình cũng gặp bạn cũ, bọn mình ngày còn đại học thích chơi game chiến thuật với nhau. Khi chơi game chiến thuật thì có hai kỹ năng quan trọng, macro và micro. Macro là tính toán về chiến thuật, tức là lúc nào làm cái gì. Micro là chỉ đạo từng binh lính ở trong một trận đánh, con gì thì phù phép gì, làm gì ở đâu xếp quân thế nào để dễ tạo được lợi thế trong trận đánh. Khi một người học chơi game thì học macro -- việc biết làm cái gì lúc nào là quan trọng nhất, đến khi chơi tốt rồi thì sẽ học micro. Hai người chơi tốt với nhau sẽ xem ai micro giỏi hơn nhưng về tổng thể thì một trận game chiến thuật, người có chiến thuật (macro) tốt hơn sẽ thắng (Đó cũng là lý do tại sao việc làm cho máy tính chơi game chiến thuật tốt là một bài toán rất khó).
Cũng như một trận game, những thứ để tạo lợi thế nhất thời là micro. Micro giỏi là một việc tốt, nhưng nếu chiến thuật macro sai thì nó không giúp một người micro tốt thắng một trận đánh. Đó là một điều mình luôn muốn ghi nhớ.
Vào việc thật, có nhiều việc micro rất tốt trong cuộc sống, ví dụ như làm cách nào để mua quả dưa hay miếng thịt ngon, làm cách nào tiết kiệm tiền thuê nhà một nửa, làm cách nào để có deal sale 50% quần áo, làm cách nào giảm được tiền đi du lịch, làm cách nào để thi TOEFL điểm cao, làm cách nào để đậu đại học, làm cách nào để thỏa thuận lương, ai nói xấu sau lưng mình, làm cách nào để có tấm bằng Master hay Ph.D. v.v. Những thứ đó tưởng như sống chết trong một lúc nào đó khi mình nhìn lại, những lựa chọn đó lại có không nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống hay hạnh phúc về lâu dài của mình. Mặt khác, mình nhận ra một số câu hỏi lớn như học cái gì, làm cái gì, thích cái gì, ghét cái gì thường trở thành những điều làm cho cho mình hạnh phúc hay bất hạnh nhiều hơn cả. Tức là một khi con đường lớn được định hình, thì con đường nhỏ sẽ dễ đi hơn. Nếu biết mình đi bắc nam đông tây rồi thì lạc một lúc không sao. Cũng như chơi game, khi biết chiến thuật của mình thì điều binh khiển tướng trong từng trận đánh. Còn nếu một người không biết mình muốn phát triển gì từ từng trận đánh thì thắng một vài trận nhờ biết micro cũng không làm người đó thắng cả game.
Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là micro không quan trọng. Micro đặc biệt quan trọng ở khởi đầu game, khi chúng ta có ít binh lính thì từng binh lính, từng trận đánh sẽ quyết định thắng thua. Cũng như vậy, với một người nghèo thì việc micro tốt là quan trọng (và ngược lại, khi giàu lên người ta không còn phải quá bận tâm vào micro nữa - khi càng nghèo thì micro sẽ càng mất thời gian). Khi ở đại học, mình quan tâm đến tiền bạc, tiết kiệm bao tiền một tháng, lãi suất bao phần trăm, tiết kiệm như hiện tại là bao phần trăm, có đủ về hưu không. Sau này mình nhận ra miễn là một người không luôn chạy theo cái mới nhất, không ham muốn những thứ hào nhoáng, có một công việc mình yêu thích và làm được tốt thì mình sẽ không bao giờ phải lo mình có tiền hưu không.
Nhưng trước khi bỏ quá nhiều công sức vào micro một việc gì đó, mình nghĩ ai cũng nên dừng lại và tự hỏi rằng ngay cả ta micro tốt thì việc micro này có phải là điều làm cho ta hạnh phúc khi 10 năm nữa ta nhìn lại hay không? Với mình, mình nhận ra rằng chỉ có một vài việc mình trả lời có, còn phần lớn là không. Đừng để macro hỏng vì mình hoàn toàn không biết micro, nhưng micro sai một vài lần thường không làm hỏng chiến thuật.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất