Có những chuyện tình như thế...
Đứa con tinh thần đã được thai nghén từ lâu, giờ mới nhớ Spiderum để có thể giúp mình lưu giữ lại.
“Bà nhìn này, ông lúc trẻ trông giống hệt ba con!”
“Phải là ba con giống ông chứ.”
Bà cười hiền, xoa đầu đứa cháu gái mới lớn. Nói rồi, lại nhẹ nhàng và trìu mến nhìn xấp ảnh đã cũ được sắp xếp gọn gàng. Những vệt ố vàng khiến người và cảnh không còn rõ ràng nữa. Dẫu vậy, bà vẫn cảm nhận được ánh sáng của sự nhiệt huyết, khát vọng và tuổi trẻ ánh lên trong đôi mắt người con trai đó.
Dường như, người đó vẫn luôn ở đây, ngay trong chính căn nhà này, và trong trái tim của bà.
____________
“Bà kể thêm cho con nghe về ông đi.”
“10 giờ rồi, đi ngủ đi con, mai cả nhà sẽ đi thăm ông rất sớm đấy.”
“Đi mà bà! Bà kể thêm một tí thôi, con hứa mai con tự dậy được luôn.”
“Để khi khác, bây giờ phải đi ngủ thôi con. Ngủ đủ giấc mới khỏe được.”
Cô nhóc phụng phịu vâng dạ và chui vào chiếc chăn ấm bên cạnh bà, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chẳng bao lâu sau, một giấc mơ thật đẹp tìm đến, nhẹ nhàng xoa dịu tâm hồn non nớt và tò mò của cô.
Trong mơ, cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm chiều. Có bà, ba, mẹ, và có cả ông. Tóc bà khi ấy chưa xuất hiện nhiều sợi bạc như bây giờ, đang tươi cười hỏi han về món ăn với mẹ, và cả đứa cháu nội đang hình thành trong bụng mẹ nữa. Bên cạnh là ánh mắt ba nhìn mẹ rất trìu mến, cũng lo lắng sợ mẹ ăn không hợp khẩu vị. Đặc biệt là ông, giống hệt như những gì được bà kể lại, ân cần mà tình cảm, và luôn làm cả nhà cười với những câu đùa hài hước mà duyên dáng, chỉ là, ông có chút già hơn so với trong ảnh.
Khung cảnh ngập tràn hạnh phúc của một gia đình 4 người, sắp tới sẽ chào đón thêm thành viên thứ 5. Một giấc mơ mà theo như lời bà nói, ông nhớ cháu gái quá nên về thăm một chút đấy.
“Dậy thôi con. Sắp muộn giờ rồi.”
“Cho con ngủ thêm 5 phút thôi.”
“Dậy nào. Muốn nghe bà kể thật nhiều về ông thì phải dậy sớm chứ.”
Cô bé nhanh chóng cựa mình, rời khỏi vòng tay ấm áp của người bạn chăn bông, háo hức mong chờ chuyến đi đặc biệt của ngày hôm nay.
Mẹ và ba đều đã sẵn sàng. Trong lúc chờ đợi cô bé, bà cùng họ sắp xếp các món đồ cần mang theo. Tiếng nói chuyện rôm rả và hạnh phúc vang vọng khắp căn nhà nhỏ.
7 giờ sáng,
Cả gia đình có mặt tại nghĩa trang. Không ai tỏ ra buồn bã. Họ đều vui mừng khi được gặp lại người thân đã lâu chưa ghé thăm.
Ba mẹ dọn dẹp khu vực xung quanh mái nhà ấm cúng của người bố đã khuất. Bà và cháu gái sắp xếp hương, hoa và một số đồ vật khác trên mái nhà đó, như điểm xuyết thêm những sắc màu lung linh bên cạnh không khí ảm đạm của nghĩa trang lạnh lẽo.
Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, cả gia đình cùng nhau đứng trước ngôi mộ, thắp hương và khấn vái, tưởng nhớ người đã khuất. Cô bé biết, ông đã ngã xuống, nhưng rất oanh liệt, ông hy sinh để cả gia đình và dải đất hình chữ S có được ngày độc lập và tự do như hôm nay.
“Ông nhìn thấy không? Cháu gái ông đã lớn thế này rồi. Giá mà ông còn sống, con bé sẽ hạnh phúc lắm. Ông nói, khi con ta lớn, lập gia đình riêng, và ta sẽ có cháu, rồi ta yêu thương và chiều chuộng chúng. Giờ tôi dẫn cháu đến gặp ông, ông ở bên đó, nhớ phù hộ cho con cháu mình, rồi chờ tôi sang bầu bạn.”
Hoàn tất các thủ tục thì thời gian đã trôi qua hơn một giờ đồng hồ. Cả gia đình ngồi lại quây quần, họ tâm sự với nhau, và trò chuyện về người chiến sĩ đã yên nghỉ.
“Bà ơi, ông đi đánh giặc từ khi nào thế?”
“Lúc ba con được 4 tuổi là ông đi. Bà biết ông muốn đi lắm, nhưng lần lựa mãi, cứ lo bà một mình chăm ba con vất vả. Khi quyết tâm rồi, ra chiến trường, vẫn lo lắng cho gia đình. Bà gửi thư cho ông, dặn ông có thương bà, thương ba con, thì bảo vệ đất nước, thương đất nước nhiều hơn. Có như vậy, bà và ba con sẽ bớt khổ.”
“Bà và ông nhớ nhau quá thì phải làm sao hả bà? Bà nhìn mẹ và ba con kìa, xa nhau mấy hôm là mẹ con buồn rồi, ngày nào cũng phải gọi điện cho ba. Sao bà giỏi thế?”
“Con bé này. Mới bây lớn, làm sao đã hiểu hết được những chuyện tình yêu. Không phải cứ ở cạnh nhau thì được coi là yêu. Hồi xưa các ông các bà thương nhau, quý nhau, lo lắng cho nhau, dù xa đến mấy cũng cố gắng liên lạc, không có điện thoại thì ta gửi thư, thế mới gọi là tri kỉ.”
Bà nói sự thật, nhưng không phải là tất cả. Cũng có những khi bà rất nhớ ông, mong ông sớm trở về, thậm chí là không ra tiền tuyến nữa. Nhưng sau cùng, bà vẫn một lòng ủng hộ ông, và tin rằng một đất nước tự do là tiền đề cho gia đình hạnh phúc. Bà yêu ông, yêu con, cũng yêu đất nước. Nếu không thể cùng người bạn đời của mình ra chiến trường, bà lựa chọn đồng hành với ông từ hậu phương. Ông chiến đấu với bom đạn, với giặc ngoại xâm, thì bà chiến đấu với cái cuốc, cái cày, với những lo toan cho gia đình nhỏ và lo cho ông ở nơi chiến trường.
“Ông bà quen nhau từ bé. Khi ấy, làm gì có nhiều nhà cửa như bây giờ, toàn là đồng ruộng, ao hồ, cây cối. Trong xóm có vài ba gia đình thôi nhưng chơi thân với nhau lắm. Ông con thì nghịch, toàn bày trò quậy phá. Bà ghét lắm, chỉ muốn tránh càng xa càng tốt, vì ông con cứ phá khi bà học bài. Ông lấy cái vỏ trứng đựng đom đóm của bà làm đồ chơi, có lúc làm tắt đèn dầu, có khi mượn cái bút duy nhất của bà rồi làm hỏng,... Rồi ngờ đâu ông bà được học cùng lớp, lại ngồi cùng bàn, thế là đi học về cùng nhau, học bài cùng, bà chỉ bài cho ông với điều kiện là ông không được nghịch. Khi ấy, ông phải nghe bà, vì ông sợ không lên được lớp. Lớn dần thì quen nhau, hai gia đình cũng là nơi gần gũi nên đồng ý. Được 3 năm lấy nhau thì ông con nuôi chí, cố gắng học tiếp để sau này lo cho bà và ba con, để bà không phải đi làm ruộng vất vả.
Nhưng giặc đến, người ta cổ vũ đi chiến đấu, ông con gác lại việc học để đi cống hiến cho đất nước, ông bảo học có thể để sau, nhưng đất nước mất rồi thì có muốn học cũng không được. Bà muốn đi cùng, ông không cho, bảo bà ở nhà lo cho ba con và gia đình, làm hậu phương cho ông và các chiến sĩ. Thế là ông ra chiến trường một mình. Cứ đều đặn 2 tuần ông gửi thư cho bà, ông hỏi thăm bà và ba con, hỏi thăm các cụ ở nhà, ông kể chuyện ở quân khu có người bạn vui tính, có gạo ngon từ hậu phương gửi ra,.. Mãi cho đến khi bà nhận được thư từ một người khác.”
“Mẹ kể nhiều cho Bống làm gì, khi nào lớn kể cũng chưa muộn mà.”
Mẹ cô bé, cũng chính là con dâu của bà, hiền từ và nhẹ nhàng tiến đến bên cạnh hai bà cháu. Nhìn con dâu và con trai, bà lại nhớ đến ngày xưa mình và chồng cũng có thời gian yêu thương và gắn bó như thế.
“Kể cho biết ông bà đã đồng hành với nhau như thế nào. Để sau này con và chồng con, cả cháu mẹ và chồng của nó nữa, phải biết ta đã khó khăn đến mức không được gặp nhau lần cuối, để mà trân trọng nhau, gặp chuyện thì phải cùng nhau mà vượt qua. Ông trời đã sắp đặt cho gặp nhau rồi, nó là cái duyên, nhưng con phải biết giữ cái duyên đó. Tình cảm gia đình không chỉ là tình yêu, mà là tình thương. Có đủ thương thì mới ủng hộ nhau làm điều đúng, và luôn là chỗ dựa ngay bên cạnh người sẽ sống cùng mình cả đời.”
Trên đường trở về nhà, và cho đến rất lâu sau này, cô bé luôn suy nghĩ về lời bà nói, về những câu chuyện của bà. Có rất nhiều điều khi còn nhỏ cô không hiểu. Đến khi lớn khôn hơn, mặc dù không nhớ toàn bộ những lời nói đó, nhưng cô bé biết, và cũng hiểu lí do bà luôn kể những câu chuyện như thế, dặn dò như thế.
___________
Mình có gia đình cần lo. Mình phải tiếp tục học tập và kiếm công việc ổn định.
Mỗi một ngày mới đến, ông lại chăm chỉ luyện tập, cả sáng, chiều và tối, không lúc nào là ông không ngừng suy nghĩ về những câu văn, những con số. Người khác học một, thì ông phải học hơn họ gấp ba, gấp bốn lần. Kiến thức của ông không vững, suốt thời gian đi học chỉ cần lên được lớp là đạt mục tiêu. Nhưng giờ đây, ông có nhiều thứ phải để tâm, gia cảnh nhà ông bà đều không được tốt, cả hai nhà đều làm nông, thu nhập không được bao nhiêu, nếu không muốn con cái sau này cũng chịu khổ như họ thì học tập là con đường bền vững nhất.
Có những khi, ông viết bài đến tê rần cả bàn tay, nhưng vẫn không chịu nghỉ, phải đến lúc bị bà mắng mới thôi, để bà xoa bóp rồi lại tiếp tục vùi đầu vào sách vở. Hồi đó, kiếm được sách tốt vô cùng khó, ông phải lặn lội đường xá xa xôi, đến nhà những người bạn, người anh, người chị, có khi cách nhau mấy quả đồi, ông vẫn đi cho bằng được, và ông cũng trân quý những quyển sách mượn được đó lắm.
Ròng rã hàng năm trời, cuối cùng ông đã thi đỗ đại học. Mục tiêu lo cho gia đình đi được một phần ba chặng đường, ông càng có động lực cố gắng, hừng hực khí thế rời xa tổ ấm thân yêu để tập trung vào chặng đường học hành mới. Bên cạnh đó, ông cũng lo lắng và nhớ nhung gia đình mình, thậm chí, suy nghĩ từ bỏ đôi lúc cũng chợt thoáng qua trong tâm trí. Nhưng bà chuẩn bị mọi thứ cần thiết, dặn dò ông từng điều nho nhỏ, vì bà lo lắng ông khi một mình sẽ không tự lo cho bản thân, không để ý đến sức khỏe. Những lời dặn dò đầy ngọt ngào và ấm áp đó như liều thuốc an thần mạnh nhất, nó chấn an những lung lay không muốn rời xa trong lòng ông.
Đến với thành phố hoa lệ, có biết bao điều để học hỏi, để trải nghiệm, nhưng ông luôn nhớ giọng nói ấm áp của bà, nhớ những bữa cơm bà nấu, nhớ đứa con trai còn nhỏ, nhớ cả gia đình. Trong những bức thư tay gửi về nhà, ông kể những cảnh vật, con người hay những bài học hay ho mà ông gặp, ông hỏi han bà có khỏe không, chăm lo cho con và gia đình có vất vả quá không. Và cuối mỗi thư, ông luôn viết một dòng chữ thật nắn nót: “Nhớ em và con. Anh sẽ sớm về.”
Tưởng chừng như tất cả rồi sẽ bình an trôi qua. Ông sẽ hoàn thành việc học thật xuất sắc, sau đó trở về nhà, làm một công việc ổn định và có thời gian bên cạnh gia đình nhiều hơn. Nhưng ở đời đâu ai biết được chữ ngờ, giặc Mỹ xâm lược nước ta, sinh viên các trường đại học được huy động ra chiến trường. Ông cùng bạn bè xung phong đi lính.
Tất cả những gì xảy ra, từ quyết định ra tiền tuyến, đến những chuyện vui, chuyện buồn nơi đóng quân đều được ông viết thư kể lại với bà. Trong thư, ông cũng không bao giờ quên hỏi han tình hình ở nhà, ông khen chỉ cần có bà chăm lo gia đình là ông yên tâm làm nhiệm vụ. Ông cũng động viên và dặn dò bà không cần lo lắng nhiều cho ông, vì ở đây các đồng đội đều yêu thương nhau nhiều lắm. Có những người giống ông, gác bút để cầm súng, có những người trong tay đang cày cuốc cũng sẵn sàng dứt áo ra đi, cũng có những người còn con nhỏ, còn vợ, còn mẹ già, nhưng họ đều rất hạnh phúc khi được cùng nhau sát cánh chống quân địch.
Mãi cho đến một hôm, khi chuẩn bị gửi lá thư mới viết về nhà, đồng đội gọi ông nhanh chóng nhận nhiệm vụ. Cất vội lá thư vào túi áo, ông cùng họ hiên ngang ra chiến trường. Giữa bom rơi lửa đạn, ông tự dặn mình phải dũng cảm, bởi một người lính đang bảo vệ Tổ quốc, cũng chính là đang bảo vệ gia đình. Nhưng những đợt tấn công của quân địch nhanh như chớp, ông không kịp trở tay. Trong những giây phút cuối cùng, ông mỉm cười đưa lá thư được bảo vệ cẩn thận trong túi áo cho người đồng đội bên cạnh, ông nhờ người nọ hãy giúp chuyển lá thư về cho gia đình. Và nếu được, hãy an ủi và động viên họ, đặc biệt là người vợ ông trân trọng nhất, hãy nói rằng ông không hối tiếc, vì đã được sống hết mình, đã bảo vệ được Tổ quốc và những người thân yêu trong một chặng đường rồi.
___________
Chúng ta không một mình, bên cạnh ta luôn là gia đình, người thân và bạn bè. Sẽ có những người đồng hành cùng ta, và ngược lại, ta đồng hành cùng họ. Mỗi người đều là một người bạn đồng hành của một ai đó khác, có thể chỉ trên một hoặc một số hành trình của cuộc sống này. Ta trải qua vô số chặng đường, gặp gỡ vô số bạn đồng hành. Nhưng trên hết, ta luôn cần một trái tim yêu thương chân thành, sự sẻ chia, thấu hiểu, gắn bó và tin tưởng, để mỗi một hành trình, mỗi một người bạn đồng hành đều trở nên đáng giá.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất