Oliver Sacks luận về động cơ hơi nước, smartphone, và âu lo cho tương lai trên The New Yorker
---
Ảnh: Seb Agresti
Dì yêu của tôi, Dì Len, ở tuổi tám mươi, kể rằng dì không gặp quá nhiều khó khăn khi thích nghi với những điều mới mẻ trong cuộc sống – máy bay phản lực, du hành không gian, đồ nhựa, vân vân – nhưng lại không thể làm quen với sự biến mất của những cái cũ. “Lũ ngựa đâu cả rồi?” đôi khi dì lại hỏi. Sinh năm 1892, dì đã lớn lên ở một London đầy những cỗ xe ngựa kéo.
Tôi cũng có các cảm xúc tương tự. Vài năm trước, tôi đi dạo cùng cháu gái Liz ở Mill Lane, con đường gần ngôi nhà ở London nơi tôi lớn lên. Tôi dừng lại ở một chiếc cầu đường sắt là nơi lúc bé tôi rất thích đứng đó tựa vào lan can. Tôi quan sát những đoàn tàu điện và diesel vượt qua, và sau vài phút bé Liz bắt đầu mất kiên nhẫn rồi hỏi, “Ông đang chờ gì thế?” Tôi nói tôi chờ một đoàn tàu hơi nước. Liz nhìn tôi như thể tôi khùng.
“Bác Oliver à,” bé nói với tôi. “Hơn bốn mươi năm qua chẳng hề còn chiếc tàu hơi nước nào nữa đâu.”
Tôi không thích nghi tốt như dì ở một số thứ mới – có lẽ tốc độ biến đổi xã hội gắn với tiến bộ công nghệ đã diễn ra quá nhanh và toàn diện. Tôi không thể quen được với việc nhìn thấy vô số con người trên đường dúi đầu vào những chiếc hộp nhỏ xíu hay cầm chúng lên trước mặt, hờ hững bước theo dòng người, hoàn toàn mất đi giao tiếp với mọi thứ xung quanh. Tôi đặc biệt thấy báo động trước sự xao nhãng, thiếu chú tâm này khi chứng kiến các bậc cha mẹ trẻ nhìn vào điện thoại mà bỏ quên con cái hoặc đi theo mình hoặc đang được đẩy đi. Lũ trẻ, không thu hút sự quan tâm của cha mẹ, chắc chắn sẽ thấy bị bỏ bê, và chắc chắn sẽ biểu hiện ra trong những năm về sau trong đời.
Trong tiểu thuyết Exit Ghost năm 2007, Philip Roth chia sẻ về một New York thay đổi quá nhiều có vóc dáng ra sao trước một nhà văn ở ẩn đã rời khỏi nó một thập kỷ. Anh ta buộc phải nghe lỏm các cuộc gọi xung quanh, và tự nhủ, “Mười năm qua đã xảy ra những gì để rồi bất chợt có quá nhiều điều để nói – quá nhiều và quá cưỡng thúc buộc phải thốt ra mà không thể chờ thêm? Tôi không thể hiểu sao ai đó có thể tin rằng mình đang tiếp tục tồn tại khi vừa đi vừa nói vào điện thoại hết nửa thời gian?”
Những công cụ kia, từ năm 2007 như đã tiên báo đầy u ám, giờ đây đắm chìm chúng ta vào một thực tế ảo đặc kịt, nhớp nháp và phi nhân tính hơn nhiều. Tôi đối mặt hàng ngày với sự biến mất hoàn toàn của các cung cách xã giao ngày trước. Đời sống cộng đồng, đời sống đường phố, sự quan tâm dành cho con người và những thứ xung quanh gần như biến mất hoàn toàn, chí ít ở các thành phố lớn, nơi đại đa số dân số ngày nay gần như dính chặt không dứt ra khỏi điện thoại hay các thiết bị điện tử khác – luyên thuyên nói, mãi nhắn tin, chơi trò chơi, biến thành một thực tế ảo ngày càng đậm đặc hơn theo mọi phương diện.
Mọi thứ hiện nay đều công cộng, có thể: suy nghĩ, hình ảnh, cử động, mua sắm của bất kỳ ai. Không còn sự riêng tư và rõ là rất ít mong muốn dành chỗ cho riêng tư giữa một thế giới sử dụng mạng xã hội không ngừng không nghỉ. Những con người mắc bẫy trong thế giới ảo không bao giờ cô độc, không bao giờ tập trung hay biết quý trọng điều gì theo cách của riêng họ, trong âm thầm. Ở chừng mực nào đó, họ đã từ bỏ những tiện nghi và thành tựu của nền văn minh: sự cô độc và tiêu khiển, quyền được hoàn toàn trở thành chính mình, khi đang trầm ngâm về một tác phẩm nghệ thuật, một lý thuyết khoa học, hoàng hôn, hay khuôn mặt của người thương.
Vài năm trước, tôi được mời tham gia một trao đổi nhóm bàn về thông tin và truyền thông thế kỷ 21. Một trong những chủ tọa, một nhà tiên phong Internet, tự hào nói con gái của anh lướt web 12 tiếng mỗi ngày và tiếp cận được với một bề thông tin rộng và dày mà không một ai thuộc thế hệ trước từng có thể hình dung. Tôi hỏi liệu cô bé đã từng đọc tiểu thuyết nào của Jane Austen, hay một tiểu thuyết kinh điển hay chưa. Khi anh ta nói là chưa, tôi tự hỏi liệu cô bé sẽ có một hiểu biết vững chãi hay không về bản chất con người hay xã hội, và gợi ý dẫu rằng cô bé có thể được có thông tin vô cùng đa dạng, thông tin vẫn khác với tri thức. Một nửa khán phòng hoan nghênh; nửa còn lại phản đối.
Phần lớn những dự báo này đã được E. M. Forster tiên nghiệm trong truyện Cỗ máy dừng lại năm 1909, ở đó ông hình dung về một tương lai con người sống dưới lòng đất trong những căn phòng cô biệt, không bao giờ nhìn thấy nhau mà chỉ giao tiếp qua vô tuyến và các thiết bị hình ảnh. Trong thế giới ngày nay, tư duy tự thân và quan sát trực tiếp dường như không được khuyến khích – “Hãy dè chừng những ý tưởng mới tinh!” người ta nói với nhau như thế. Nhân loại đã bị “Cỗ máy” chiếm giữ, thứ cung cấp mọi tiện nghi và đáp ứng mọi nhu cầu – ngoại trừ nhu cầu giao tiếp. Một người trẻ, Kuno, xin mẹ mình trên thứ giống như Skype, “Con muốn nhìn thấy mẹ không qua Cỗ máy… Con muốn nói chuyện với mẹ chứ không phải với Cỗ máy rệu rã.” 
Cậu nói chuyện với mẹ mình, vốn đang bị cuốn vào một cuộc sống bộn bề, vô nghĩa, “Chúng ta đã đánh mất ý thức về không gian… Chúng ta đã đánh mất một phần bên trong mình… Mẹ không thấy sao… rằng chúng ta đang chết dần mòn, rằng ở đây thứ duy nhất thật sự còn đang sống chính là Cỗ máy?”
Ảnh: Carolina Moscoso
Đó cũng chính là cảm giác mà tôi ngày càng cảm thấy rõ hơn về chính các xã hội mê muội, mê mẩn của chúng ta.
Khi cái chết gần kề ai đó, họ có thể tìm thấy sự an ủi trong cảm giác cuộc sống sẽ tiếp diễn – nếu không cho chính mình cũng cho con cái của mình, hay cho điều gì mà họ đã tạo ra. Chí ít, ở đây, ta có thể đem vào hy vọng, dẫu cho chẳng phải hy vọng về sức khỏe và (với những ai trong số chúng ta không có đức tin) cũng không phải hy vọng về sự sống “tinh thần” sau cái chết về thể xác.
Nhưng có thể không đủ để tạo, để đóng góp, để ảnh hưởng tới ai khác nếu như bản thân ta, như cảm giác của tôi lúc này, thấy rằng chính cái nền văn hóa nuôi dưỡng nên ta, và cũng chính cái nền văn hóa mà chúng ta đã trao trở lại phần tốt đẹp nhất, tự thân nó đang bị đe dọa. Cho dù tôi được bạn bè, độc giả trên khắp thế giới, và chính ký ức về cuộc sống, niềm vui mà viết lách mang lại ủng hộ và thôi thúc, thì tôi đây, như rất nhiều người chúng ta, cũng có những nỗi sợ sâu xa về tình hình tốt xấu hay thậm chí là sự tồn vong của thế gian này.
Những nỗi sợ ấy đã được diễn đạt ở những tầm cao nhất về trí tuệ lẫn đạo đức. Martin Rees, Nhà Thiên văn học hoàng gia và cựu chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia, chẳng phải là người khuất phục trước suy nghĩ về tận thế, nhưng vào năm 2003 ông cho xuất bản quyển Hồi kết của chúng ta, đề phụ Cảnh báo của một nhà khoa học: Khủng bố, sai lầm và thảm họa môi trường đe dọa tương lai của nhân loại trong thế kỷ này – trên Trái Đất và xa hơn. Mới đây hơn, Giáo hoàng Francis đã xuất bản tập thánh ca Tụng Chúa (Laudato Si’), một nhận xét sâu sắc không chỉ về biến đổi khí hậu và thảm họa sinh thái lan rộng do con người gây ra mà còn về thực trạng của người nghèo và những mối đe dọa ngày càng to lớn của chủ nghĩa tiêu dùng và sử dụng công nghệ sai mục đích. Các cuộc chiến truyền thống giờ đây có sự tham phần của sự cực đoan, khủng bố, diệt chủng, và trong một số trường hợp, sự chủ tâm tiêu diệt di sản, lịch sử và văn hóa của chính loài người.
Dĩ nhiên, những mối họa kia khiến tôi bận tâm chứ, nhưng vẫn còn đó một khoảng cách – tôi lo lắng hơn về sự đào thải dẫu vi tế nhưng lại lan tràn của ý nghĩa, của sự giao tiếp thân thiết, ra khỏi xã hội và nền văn hóa chúng ta. Khi mười tám, tôi đọc Hume lần đầu tiên trong đời, và tôi hoảng sợ trước viễn cảnh mà ông đã diễn tả trong tác phẩm thế kỷ 18 Chuyên luận về Bản chất con người, trong đó ông viết rằng nhân loại “chẳng gì hơn là một tập hợp, một hợp lưu những nhận thức khác biệt nhau, nối tiếp nhau nhanh chóng khó lường, và thường xuyên trong trạng thái biến đổi và chuyển dịch vĩnh cửu.” Là một nhà thần kinh học, tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân mất trí hoàn toàn khi các hệ thống ký ức trong não bị phá hủy, và tôi không khỏi cảm thấy những con người này, vốn đã mất đi nhận thức về quá khứ hoặc tương lai và đang mắc vào rung động của các cảm giác nhất thời, không ngừng biến đổi, theo cách nào đó đã bị tiêu giảm từ con người trở thành những tồn tại mà Hume mô tả.
Tôi chỉ cần tiến vào những con phố nơi tôi sinh sống, West Village, là nhìn thấy được hàng ngàn những tồn tại như thế: những người trẻ đa phần lớn lên trong kỷ nguyên mạng xã hội không có ký ức cá nhân nào về những gì từng có trước đây, và không đề kháng nào trước cám dỗ của đời sống ảo. Những gì chúng ta nhìn thấy – và gây ra cho mình – tựa như một thảm họa thần kinh trên diện cực rộng.
Dẫu vậy, tôi dám hy vọng rằng, bất luận mọi thứ thế nào đi nữa, cuộc sống của con người, sự trù phú của các nền văn hóa sẽ tồn tại, kể cả trên một trái đất tan hoang. Khi nhiều người cho rằng nghệ thuật là bức tường thành ký ức tập thể, tôi lại thấy khoa học, với tầng sâu chiêm nghiệm, với những thành tựu lẫn khả năng hữu hình, cũng quan trọng chẳng kém; và khoa học, khoa học tử tế, đang đơm hoa kết trái hơn bao giờ hết, dẫu nó vẫn tiến về phía trước thật thận trọng và từ tốn, và tri kiến khoa học luôn được kiểm chứng bằng tự đánh giá và thực nghiệm không ngừng. Tôi vẫn tôn sùng những áng văn hay, nghệ thuật và âm nhạc tuyệt mỹ, nhưng tôi thấy dường như chỉ có khoa học, trợ giúp bởi lòng tử tế, lẽ thường, tầm nhìn vào tương lai, và mối bận tâm dành cho những con người kém may mắn và nghèo hèn, mới trao cho thế gian hy vọng giữa đầm lầy của hiện tại. Suy nghĩ này thể hiện rõ nét trong thánh ca của Giáo hoàng Francis và có thể được thực hành không chỉ bởi công nghệ tập trung, quy mô cực lớn mà còn bởi những công nhân, nghệ nhân, nông dân trong những ngôi làng khắp trên thế giới. Nói nhỏ nhé, chúng ta chắc chắn có thể vực thế giới ra khỏi các khủng hoảng hiện tại và dẫn đường tới một thời kỳ hạnh phúc hơn ở phía trước. Khi trực diện trước sự giã từ thế gian sắp sửa diễn ra, tôi buộc phải tin điều này – rằng nhân loại và hành tinh của chúng ta sẽ tồn tại, rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn, và đây chắc chắn không phải là hồi kết của tất cả chúng ta.
k.