Vốn không sinh ra ở Hà Nội, nhưng trót yêu Hà Nội từ khi nào không biết, mà yêu một thứ gì cũng như yêu một người, phải cố lòng tìm hiểu cho thấu đáo. Một ngày không lên "phố" cứ như kẻ buôn mất hết vốn liếng, thấy trống trải và thiếu thốn. Khái niệm “phố” ở Hà Nội cũng cần phải hiểu sao cho đúng, mình sẽ đề cập ở một bài viết riêng. Còn hôm nay, mình sẽ viết về những con đường, con phố thường xuyên bị mọi người gọi sai tên mà rất có thể bạn không biết :))

1. BÁO KHÁNH chứ không phải BẢO KHÁNH

Một con phố ngay bên bờ hồ Gươm nơi có rất nhiều nhà hàng ngon, nối từ Lê Thái Tổ đến Hàng Trống. Chính là con phố trong ảnh luôn, con phố bị mọi người đọc sai nhiều nhất (nhìn địa chỉ nhà đằng sau cũng thấy ngoài cái biển tên đường ra thì người dân ở phố này cũng dùng sai T.T). 

Báo Khánh là sự ghép tên giữa hai thôn hôn Báo Thiên Tự và Hữu Khánh Thụy. Báo Thiên Tự là một ngôi chùa có diện tích rất lớn từ thời Lý và tồn tại trong suốt 9 thế kỷ, sau nhiều biến cố lịch sử chùa bị phá huỷ và thay bằng Nhà Thờ Lớn bây giờ, chỉ còn duy nhất dấu tích còn lại là Chùa Bà Đá ở số 3 Nhà Thờ, nền Tháp Báo Thiên – 1 trong “An Nam Tứ Đại Khí”. 

2. TỐ TỊCH chứ không phải TÔ TỊCH

Ăn uống ở Báo Khánh no nê xong rồi thì chúng ta di chuyển ra Tố Tịch ăn hoa quả nhé, vâng chính là con phố bán hoa quả dầm nối từ Hàng Gai ra Hàng Quạt đó ạ. Trước thời Pháp thuộc thì con phố này có tên là Hàng Tiện hay Thợ Tiện vì một số gia đình người làng Nhị Khê, Thường Tín đã mang nghề khắc con dấu, tiện gỗ đến đây. Lầu 2 của nhà số 1 Tố Tịch hiện nay vẫn có gian thờ tổ nghề. Còn có lẽ người ta gọi là Tô Tịch là bởi giống tên người như Tô Hoài, Tô Hiệu... Thực ra Tố Tịch không phải tên người mà có nghĩa là cái chiếu trắng. “Tố” là “trắng” (giống như “tố nữ” là “cô gái trong trắng”), còn “tịch” là “cái chiếu” (giống như “chủ tịch” từ xa xưa là người có địa vị cao nhất hoặc người được ngồi riêng một chiếc chiếu – tương đương với chairman trong tiếng Anh).

3. HÀ HỒI chứ không phải HẠ HỒI

Câu chuyện mình biết được gốc gác của cái tên này cũng rất thú vị =)) Đó là có lần đi mua vàng ở Bảo Tín Minh Châu, thấy rất ấn tượng với câu chuyện kinh doanh của thương hiệu này nên đã tìm hiểu và được biết Bảo Tín, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân,… cứ ngỡ là nhái nhưng thực ra là mẹ con và anh em trong một gia đình. Thương hiệu này xuất phát từ Hà Hồi, Thường Tín. Vâng và Hà Hồi được đặt theo cái tên ấy, bên cạnh đường Quang Trung cũng có dụng ý nhắc về về trận Hà Hồi do vua Quang Trung lãnh đạo, đánh tan 1 đồn phòng ngự khi sang đánh nước ta cuối thế kỷ 18 của quân Thanh. Sự sắp xếp vị trí tương quan giữa các đường phố ở Thủ đô cũng có nhiều thứ để bàn.

4. NGUYỄN THIẾP chứ không phải NGUYỄN THIỆP

Phố Nguyễn Thiếp bắt đầu từ phố Nguyễn Trung Trực đến phố Hàng Khoai cắt ngang qua các phố Hàng Đậu, Gầm Cầu. Nguyễn Thiếp cùng Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm là ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam. Cũng thú vị khi nói về vị quan này: Năm 20 tuổi ông đỗ Hương cống, nhưng mãi 13 năm sau mới chịu ra làm quan; 12 năm sau đó ông đã cáo quan về ẩn trên núi.
Sau này, Quang Trung giao cho ông phụ trách việc biên dịch các sách kinh, truyện chữ Hán ra chữ Nôm, thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài; đồng thời ủy cho ông nghiên cứu kế hoạch xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An nhưng sau khi Quang Trung từ trần, công việc của Nguyễn Thiếp không được triều đình chú ý tới nữa. Khi Gia Long lên ngôi, có mời Nguyễn Thiếp ra làm quan, nhưng ông từ chối. Vậy Nguyễn Thiếp là một nhân vật có thật trong lịch sử nên việc dùng đúng tên lại càng quan trọng.  

5. CỔNG ĐỤC chứ không phải CỐNG ĐỤC

Một con phố nhỏ xinh xắn, kín đáo và lặng yên nối từ Hàng Mã ra Hàng Vải. Cống Đục thì nghe hợp lý hơn nhưng thực ra không ai để tên cống rãnh (thậm chí là một cái cống nước đục) lên làm tên đường cả đúng không nào. Tên đúng phải là CỔNG ĐỤC, tức một cái cổng được tạo bằng cách đục phá tường thành phía đông để quân Pháp lấy lối ra vào tiện cho việc mua bán hoặc đi chơi gần hơn lối cổng chính, sau khi thành Hà Nội bị đánh chiếm cuối thể kỷ 19. Một thuyết khác lại cho rằng tên này có từ thế kỷ 13 khi cho rằng chiếc cổng đục này là để đưa thi hài Lý Huệ Tông ra ngoài thành cổ an táng bằng cách đục một cái cổng nhỏ vì không muốn tang lễ linh đình sẽ làm cho dân trong thành sẽ nhớ về triều Lý sau khi Trần Thủ Độ “đảo chính không đổ máu”.

6. CỔ NGƯ, CỐ NGỰ và... THANH NIÊN

Có lẽ ai cũng đã từng ít nhất một lần nghe câu hát: “Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp; Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước em về”, ít ai biết rằng “đường Cổ Ngư xưa” trong bài hát chính là đường Thanh Niên bây giờ. Nhưng thực ra cái tên Cổ Ngư cũng chưa thực sự đúng, đúng phải là Cố Ngự tức là giữ cho vững. Nguyên nhân là xa xưa hồ Tây và hồ Trúc Bạch là một, dân ở đây làm nghề đánh cá, để thuận tiện cho việc đánh cá và di chuyển (thử nghĩ giờ mà không có đường Thanh Niên thì sẽ phải đi vòng vèo thế nào) mới đắp một con đập ngăn hồ Tây thành hai phần, sóng vỗ, thời gian xô lở nên năm nào cũng phải đắp lại, cái tên Cố Ngự từ đó mà ra đời. Đến thời Pháp thuộc, mọi bản đồ ghi lại đều không dấu (Rue Kô-Ngü) nên bị đọc chệch thành Cổ Ngư và được giải thích là nhìn từ trên cao, đường nhìn giống một con cá. Đây là một ví dụ hùng hồn cho việc sai nhiều quá tự nhiên thành đúng. Sau khi tiếp quản Thủ Đô, thành phố quyết định mở rộng đường và lực lượng chính là hàng vạn thanh niên các cơ quan nhà máy, xí nghiệp. Ngày Chủ nhật, nghìn nghịt trai gái, kẻ gánh người đẩy xe cải tiến chở đất từ bãi sông Hồng vào đắp đường, chính vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đặt là đường Thanh Niên.
Ngoài ra, còn một số đường buộc phải đọc chệch do phạm huý, hay có những đường tên khác nhau nhưng lại mang nghĩa giống nhau (ví dụ như Hoàng Hoa Thám ở Hà Nội và Đề Thám ở TP Hồ Chí Minh). Nhiều người nói rằng ngôn ngữ là một thành tố văn hoá và có thể biến đổi theo thời gian. Đúng nhưng chưa đủ. Văn hoá thì có thể tiếp biến và thay đổi nhưng lịch sử thì lại bất biến, đằng sau mỗi tên đường, phố là cả một câu chuyện nên chúng ta hãy gọi đúng tên nó đáng được gọi nhé!
Đọc thêm: