Hẳn ai hay theo dõi tin tức thì sẽ nhớ từng có một cuộc tranh cãi (không phải tranh luận) sôi nổi về việc cô kỹ sự Phạm Thị Quyên không biết canh cua nấu với rau gì và el nino là gì. Nội dung tranh luận có thể khác nhau nhưng hàng ngàn ý kiến chủ yếu xoay quanh chủ đề: một người thì nên biết kiến thức gì. Phe chỉ trích thì chỉ trích kỹ sư Quyên vì cô ấy học cao mà lại chẳng biết những kiến thức “cơ bản” trong cuộc sống. Phe bênh vực, tạm gọi vậy, thì bênh vực rằng chẳng có lý do gì mà Quyên lại phải biết những kiến thức đó cả vì nó vô dụng với cô ấy.

Cuộc tranh cãi, tranh luận đấy, và cũng như hằng trăm cuộc tranh luận, tranh cãi về nội dung kiến thức được giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, theo mình thấy đều mắc phải một sai lầm: đó là mọi người tập trung quá nhiều vào việc giảng dạy kiến thức mà bỏ qua việc hướng dẫn sử dụng kiến thức.

Chính xác hơn là chúng ta mặc định: tự bản thân một kiến thức có hữu dụng hay không hữu dụng.

Theo mình, đáng lẽ mọi người phải thấy rằng chính người sở hữu kiến thức quyết định nó hữu dụng hay không hữu dụng.

Hãy trở lại với việc cô kỹ sư Phạm Thị Quyên, chúng ta không bao giờ biết được rốt cuộc việc biết canh cua nấu với rau gì có quan trọng với cô ấy không. Chúng ta chỉ là người ngoài, chúng ta không thể biết được. Chúng ta dễ có xu hướng áp đặt suy nghĩ, kinh nghiệm của mình lên người khác. Hãy giả sử với mình, thì kiến thức đó không hề quan trọng. Mình sống ở nước ngoài nhiều năm và từ nhỏ, không có gạch cua, do đó không hề nấu canh cua và do đó không biết nó nấu với rau gì. Mẹ mình cũng không nấu món đó thường xuyên. Nhưng với một kỹ sư sinh học làm trong ngành thực phẩm hẳn sẽ khác. Giả sử Unilever quyết định làm các món canh truyền thống theo dạng thức ăn nhanh đóng hộp như canh chua, canh khổ qua, canh cua, thì với các kỹ sư sinh học việc canh cua nấu với rau gì cho giàu dinh dưỡng, cho ngon miệng người dùng thì lại vô cùng quan trọng.

Do đó mình thấy cuộc tranh cãi này vô cùng vô bổ và chẳng mang lại lợi ích gì, cũng như không rút ra được kết luận gì hữu ích. Ngoài ra nó cũng cho thấy tư tưởng giáo dục vô cùng lạc hậu của rất nhiều người trong xã hội.

Kỹ năng học và học kỹ năng

Cuộc tranh cãi vô nghĩa đấy cho thấy chúng ta hoàn toàn lệch lạc với thế giới về việc giáo dục. Ví dụ như các gia đình gửi con trẻ của họ qua Singapore, Hongkong du học từ hồi cấp 3 để chúng tránh xa các kiến thức quá nặng trong sách giáo khoa, như tại sao lại học đạo hàm, tích phân, tan, cos, sin, tại sao học quá nhiều định luật trong vật lý, kiến thức quá hàn lâm, quá xa rời thực tế. Thế rồi hẳn lũ trẻ qua đó sẽ thất vọng vì ở Singapore, ở Hongkong, hay là Hàn Quốc hoặc Nhật Bản cũng đều học như thế, vẫn những định lý nhiều chữ hơn số, vẫn những tên bộ phận cơ thể người viết theo tiếng Hy Lạp và Latin, vốn khó nhớ hơn tiếng Anh (ví dụ như cervical thay vì “neck region”, “thoracic” thay vì “chest”).

Ấy vậy mà học sinh ở những nơi đó hẳn được xem là năng động hơn, thông minh hơn và hoạt bát hơn học sinh ở Việt Nam. Chúng học nặng nề nhưng chúng vẫn có thể làm những điều hữu ích cho cuộc sống, tốt nghiệp đại học chúng thành những kỹ sư thực thụ, có thể làm việc được với máy móc hay là phụ lên chiến lược kinh doanh cho công ty. Tại sao cùng là sin, cos, tan, cùng là các nguyên lý cơ bản về kinh tế, cùng là xác suất thống kê, nhưng ở Việt Nam chỉ đào tạo ra những con người đầy sợ hãi, lo sợ, cảm thấy vô dụng, còn ở Singapore, Hongkong thì đào tạo ra những đứa trẻ tự tin, có thể tự lo cho bản thân, có thể đóng góp cho xã hội?

Bởi vì thứ nhất lũ trẻ đó trong lúc vừa hấp thụ kiến thức, chúng còn được dạy sử dụng kiến thức. Chúng được dạy cách liên hệ kiến thức vừa học với cuộc sống. Tôi đã gặp một nhóm học sinh cấp 3 đến từ Singapore, các em là fan cuồng nhiệt của Avengers và khi họ nói chuyện về các nhân vật trong phim, họ phân tích sự hư cấu của phim, như cái khiên của Captain America bay không đúng quỹ đạo trong các định luật vật lý thế nào, hay là nếu vật liệu trong giáp của Iron Man có thật thì nó sẽ cứng hơn thép bao nhiêu, liệu graphene có thể dùng làm giáp cho Iron Man được hay không. Khi một đứa trẻ khác kể về phim Reign, một series phim về lịch sử của Scotland, đứa bé không chỉ hào hứng nói về nội dung phim, mà nó còn đọc thêm về lịch sử Scotland. Nó phân biệt được đâu là điều đúng với lịch sử trong phim, điều nào không đúng, nhưng nó không phàn nàn về điều đó vì nó biết đó chỉ là một bộ phim. Chúng có thể nhìn cột cờ và đo độ cao của nó nhờ vào tam giác đồng dạng. Và giáo viên dạy vật lý đi cùng chúng thì tối hôm đó dạy chúng cách nhìn sao, bởi vì ở Singapore thì ô nhiễm ánh sáng và rất khó để ngắm được sao. Tối đó ở vùng quê Việt Nam, những đứa trẻ cấp 3 của Singapore đã được lần đầu ngắm sao, đã được chỉ cho biết đâu là sao Mai, sao Hỏa, chòm sao Kim Ngưu, vị trí của các sao, khi nào sao sáng rõ nhất, chu kỳ quay của các sao. Thế rồi chúng tìm hiểu thêm về những sao đó và những đêm sau chúng đều ngồi canh sao. Chúng không chỉ hiểu về sao mà chúng còn suy nghĩ về định lý Kepler, định lý giải thích về sự chuyển động của các sao. Làm sao chúng tìm hiểu được? Chúng bắt đầu từ Google và Wikipedia.

Những đứa trẻ đó được dạy phải tìm tòi sâu, phải tìm hiểu tại sao, phải gắn kết kiến thức hàn lâm chúng học. Chúng được dạy kỹ năng học, cụ thể hơn là kỹ năng tìm hiểu để có thể học mọi lúc mọi nơi. Và từ kỹ năng học đó, chúng phát triển ra các kỹ năng khác như kỹ năng phân tích (trong trường hợp này những gì mình thấy khác kiến thức trong sách, là do mình sai hay sách ghi chưa đủ?), kỹ năng quan sát (quan sát vật thể chung quanh), kỹ năng thu thập thông tin (liệu bài báo này viết có chính xác? Muốn tìm thông tin cho vấn đề này thì nên tìm từ đâu?) Cho nên cùng là kiến thức hàn lâm, khô cứng trong sách giáo khoa nhưng ở một bên ta có những học sinh học ngày học đêm mệt mỏi để cày điểm, một bên khác ta có những bộ óc hiếu kì, luôn tìm cách gắn kết các kiến thức với cuộc sống chung quanh.

Do đó một kiến thức, dù có hàn lâm hay cơ bản cũng sẽ đều vô dụng nếu người có kiến thức không biết tận dụng nó để mang lại lợi ích cho bản thân hoặc công đồng.

Phát triển bộ kỹ năng

Nhưng có kỹ năng không là không đủ. Theo Malcom Gladwell và thuyết 10000 giờ nổi tiếng của ông thì để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực, một người cần phải trau dồi kỹ năng trong lĩnh vực đó suốt 10000 giờ. Nhưng trên thực tế, ít ai có thể làm được như thế. Và ở các nền giáo dục tiên tiến, các nhà làm giáo dục cũng không hướng đến như thế.

Để trở thành người tài ba một người cần tổng hợp các kỹ năng khác nhau. Bill Gates không phải là nhà lập trình tài ba nhất trong Microsoft. Nhưng ngoài kỹ năng lập trình, Bill Gates còn có kỹ năng quản lý, có tầm nhìn, có đầu óc chiến lược, những thứ đó tổng hợp lại và làm nên Bill Gates hôm nay. David Beckham không phải là người vô cùng thông minh, về mặt học thuật ông chỉ tốt nghiệp cấp 3, ông cũng không phải là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, nhưng ông biết gộp kỹ năng chơi bóng của mình với kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng chăm sóc gia đình, ông biết yêu vợ, biết giữ hình ảnh cho bản thân, biết học hỏi và những kỹ năng đó của ông, tuy không phải là ở mức rất xuất sắc, nhưng khi gộp lại lại giúp ông tạo nên những điều phi thường, giúp ông lên đến đỉnh vinh quang.

Thật đáng buồn là ở Việt Nam đang có tâm lý hay tình trạng: “Tao giỏi tao có quyền.” Chỉ cần một người giỏi nổi bật ở một lĩnh vực hay kỹ năng nào đó là họ tự cho họ có quyền coi thường người khác, và khi họ làm thế những người chung quanh lại chỉ tặc lưỡi: “Biết sao được, nó giỏi vậy.” Chúng ta chăm lo cho một kỹ năng nào đó mà quên mất mình cần một bộ kỹ năng để phát triển. Một lập trình viên sẽ chóng bị đuổi việc nếu anh ta không biết gì khác ngoài lập trình, không biết ứng xử, không biết xử lý tình huống, không biết làm việc nhóm. Bạn có thể ngồi chỉ ra những nhà khoa học vô cùng giỏi theo kiểu “lắm tài nhiều tật” nhưng họ, như mình đã chỉ ra trong bài viết trước, là outliers, là những trường hợp cá biệt hơn là số đông.

Thay đổi từ tư tưởng

Bài viết này không phải để nói rằng không cần thiết phải thay đội nội dung giáo dục hiện nay. Mình vẫn ủng hộ rằng nội dung học cần phải thay đổi cho theo kịp sự phát triển của xã hội nhưng nếu chỉ thay đổi nội dung mà không dạy kỹ năng học và mở rộng ra là dạy các kỹ năng có ích trong cuộc sống, thì dù chúng ta có cải cách kiểu gì cũng chỉ thất bại. Nếu ngày ngày vẫn chỉ bắt học sinh nhớ rằng đây là chân lý, rằng suy nghĩ vậy mới đúng, rằng phải học thuộc con số này, phải nhớ nằm lòng công thức này, thì mãi mãi chúng ta không thoát khỏi được bóng tối của lạc hậu, nghèo đói, xã hội dân trí thấp.

Ngoài ra nền giáo dục đổi mới phải khuyến khích người trẻ khám phá, tìm hiểu cái mới vì từ đó họ mới có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào trong cuộc sống, đồng thời hiểu rõ về bản thân họ hơn, như mình đã từng viết một bài về việc đi khám phá cuộc sống ở đây:

Mở rộng thế giới rồi hãy tìm đam mê.

(Hình lấy từ các nguồn khác nhau trên Internet).