Xơ gan hay còn gọi là chai gan, là một bệnh gan mạn tính, hậu quả muộn của một quá trình phức tạp gây ra do sự tổn thương tế bào gan lâu dài bởi bất kì nguyên nhân nào. Trên mô bệnh học, xơ gan bao gồm 2 hiện tượng: (1) có sự tạo mô xơ lan tỏa ở gan và (2) gan bị biến đổi thành cấu trúc dạng nốt bất thường.
Có nhiều cách phân loại xơ gan, nhưng trên lâm sàng thường phân loại dựa theo thang Child - Turcotte - Pugh thành A, B, C hoặc dựa vào triệu chứng để phân thành xơ gan mất bù và xơ gan còn bù. Thang điểm Child - Turcotte - Pugh dùng để đánh giá và tiên lượng bệnh gan mạn (cụ thể là xơ gan) dựa trên các thông số cận lâm sàng (billirubin toàn phần, albumin huyết tương, thời gian prothrombin, INR) và lâm sàng (cổ trướng, bệnh não gan). Xơ gan Child-Pugh nhóm A có tiên lượng sống 1 năm và 2 năm lần lượt là 100% và 85%; tương tự nhóm B là 80% và 60%; nhóm C là 45% và 35%.
Trên lâm sàng, xơ gan ở giai đoạn đầu hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng không đặc hiệu (ăn kém ngon, mệt mỏi, thay đổi sức làm việc,...). Ở giai đoạn sau, khi tổn thương gan tiến triển không thể hồi phục, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng gợi ý như: mau mệt, mỏi cơ, giảm khả năng tập trung và lao động; rối loạn giấc ngủ; rối loạn tiêu hóa (ăn kém, chậm tiêu, đặc biệt là các thức ăn có nhiều mỡ); dễ bị chảy máu (ở mũi, nướu răng, các mảng bầm xuất huyết dưới da,...); nôn ói ra máu, đi tiêu ra máu hoặc phân có màu đen; vàng da, vàng mắt; hồng ban ở bàn tay và gò má; báng bụng; phù chân; ở nam giới có thể bị giảm khả năng tình dục, vô sinh, liệt dương, vú to còn ở nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt;...
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến xơ gan? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan như xơ gan do rượu; do nhiễm viêm gan siêu vi B, C; ứ mật; rối loạn chuyển hóa;... Trong đó xơ gan do rượu và xơ gan do nhiễm viêm gan siêu vi B, C là hai nguyên nhân phổ biến nhất.
- Xơ gan do rượu là những tổn thương bệnh học của gan được gây ra do rượu. Cơ chế do rượu (ethanol) bắt đầu hấp thụ ở dạ dày, nhưng hầu hết được hấp thu ở ruột non. Rượu không được cơ thể dự trữ, hầu hết nó được chuyển hoá trong gan, chủ yếu bởi enzym alcohol dehydrogenase (ADH) và còn bởi cytochrome P-450 2E1 (CYP2E1) và hệ thống men oxy hóa men microsomal (MEOS). Quá trình chuyển hóa rượu sẽ tạo ra các gốc tự do gây hại cho tế bào gan. Ban đầu gan sẽ bị nhiễm mỡ, rồi gây nên tình trạng viêm gan mạn tính rồi sau đó chuyển thành xơ gan, vì vậy xơ gan xảy ra trong một khoảng thời gian khá dài có khi đến hàng chục năm sau khi nghiện rượu. Để tiến triển thành viêm gan, xơ gan, lượng tiêu thụ thường phải trên 60-80 g cồn mỗi ngày với thời gian trên 20 năm ở nam và 20-40g cồn mỗi ngày ở nữ. Nếu lượng tiêu thụ vượt quá 230g cồn mỗi ngày trong 20 năm thì nguy cơ hình thành xơ gan lên đến 50%. Tuy nhiên ở bệnh nhân bị viêm gan B, C mạn; thì chỉ cần sử dụng 1 lượng cồn ở mức an toàn với người bình thường cũng làm tăng nguy cơ bị xơ gan lên 20 lần.
- Xơ gan do nhiễm viêm gan siêu vi: có tới nay có tới 5 loại virus gây viêm gan đã được xác định; nhưng chỉ có virus viêm gan B và C là dễ chuyển sang dạng viêm gan mạn tính và nhiều khả năng tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
+ Virus viêm gan B (HBV) lây truyền qua 3 con đường - máu, tình dục và từ mẹ sang con. Người trường thành nhiễm HBV chỉ có khoảng 20% là chuyển sang viêm gan mạn tính, còn 80% là viêm gan cấp tính và có thể hồi phục. Tuy nhiên ngược lại, trẻ em bị nhiễm HBV thì 90% chuyển thành viêm gan mạn. Trên lâm sàng đợt cấp của nhiễm siêu vi B gồm 4 giai đoạn bệnh kéo dài 30-120 ngày, khởi phát bệnh âm thầm, kéo dài. Bà mẹ nhiễm HBV trong những tháng đầu mang thai không làm cho thai nhi bị dị tật. Nếu bà mẹ nhiễm HBV ở 3 tháng cuối của thời kỳ mang thai thì 60% có nguy cơ lây bệnh cho con. Mức độ lây bệnh cho con càng cao nếu người mẹ mang đồng thời HBsAg và HBeAg (có thể lây tới 100%). Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị hoàn toàn ở bệnh nhân nhiễm HBV mạn
+ Virus viêm gan C (HCV) cũng chủ yếu lây truyền qua 3 con đường - máu, tình dục và từ mẹ sang con. 90% bệnh nhân sẽ chuyển sang viêm gan mạn khi nhiễm HCV. Hầu hết những người bị viêm gan C mãn tính không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có các triệu chứng chung chung như mệt mỏi mơ hồ kéo dài hoặc các rối loạn chức năng tiêu hóa. Người bệnh thường chỉ biết mình bị viêm gan mãn tính khi được sàng lọc để hiến máu hoặc tiến hành xét nghiệm máu trong các buổi khám sức khỏe định kỳ, hoặc trước các thủ thuật/ phẫu thuật vì bệnh lý khác hoặc khi tổn thương gan đủ nặng, người bệnh có các biểu hiện của suy tế bào gan như đã nói ở trên. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của khoa học, người ta đã có thể loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan C ra khỏi có thể người bệnh và ngăn ngừa tổn thương gan. Nhưng người bệnh có thể bị viêm gan C nhiều lần, nên cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tái nhiễm HCV.
Vậy xơ gan nguy hiểm như thế nào? Gan là tạng đặc lớn nhất của cơ thể; đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể: là nơi dự trữ glycogen; tổng hợp protein (như albumin, các yếu tố đông máu); chuyển hóa các chất và thuốc (các chất dinh dưỡng, thuốc hoặc chất độc được hấp thu ở dạ dày, ruột đều phải đi qua gan trước khi đi khắp cơ thể); sản xuất dịch mật - quan trọng trong tiêu hóa,... Khi tế bào gan bị tổn thương không hồi phục, gan sẽ mất khả năng thực hiện các chức năng của nó, hậu quả là:
+ Nôn ra máu, đi tiêu ra máu hoặc đi tiêu phân đen: do áp lực trong tĩnh mạch cửa tăng cao và giảm các yếu tố đông máu do gan sản xuất
+ Báng bụng
+ Dễ bị nhiễm khuẩn
+ Suy thận không do tổn thương cấu trúc thận
+ Bệnh não gan
+ Ung thư gan
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị trực tiếp quá trình gan xơ hoặc phục hồi lại mô gan đã xơ hóa. Phương pháp điều trị hiện nay là ngăn chặn tiến trình xơ gan bằng cách:
+ Loại bỏ triệt để các nguyên nhân gây xơ gan
+ Điều trị các yếu tố bệnh sinh chính
+ Phòng ngừa và điều trị các biến chứng
+ Thuốc chống xơ hóa gan trực tiếp vẫn còn đang được nghiên cứu.
Khi tế bào gan đã bị hủy hoại hoàn toàn, gan mất hoàn toàn chức năng thì biện pháp điều trị triệt để nhất là ghép gan, tuy nhiên chi phí khá mắc, và nguồn gan thay thế rất khan hiếm
Vậy nên thay đổi lối sống như thế nào để phòng ngừa xơ gan? Chúng ta nên đi từ các nguyên nhân dẫn đến xơ gan:
+ Tiêm phòng ngừa vắc xin viêm gan B cho trẻ em và cho những người lớn chưa bị mắc bệnh.
+ Đối với những người đã mắc các bệnh viêm gan B hoặc C ở cấp mạn tính cũng cần theo dõi thường xuyên và định kỳ 3 tháng hoặc là 6 tháng một lần để có thể phát hiện và điều trị trong thời gian sớm những trường hợp gây ra viêm gan tiến triển, nhằm hạn chế đi các biến chứng nặng như là xơ gan và gây ung thư gan.
+ Có lối sống tốt lành mạnh, và không lạm dụng nhiều rượu bia. Mức sử dụng rượu, bia an toàn ĐỐI VỚI NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH VÀ KHỎE MẠNH là <20g cồn/ngày với nam và <10g cồn/ngày đối với nữ.
+ Tránh ăn những thức ăn sống, nên ăn chín và uống chín để bạn không bị nhiễm những ký sinh trùng.
+ Sử dụng được những thực phẩm sạch, đảm bảo được an toàn thực phẩm để có thể phòng ngừa nhiễm các hóa chất, phẩm màu không tốt độc hại và gây tổn hại gan.
+ Không tự ý tự ý sử dụng thuốc chưa rõ nguồn gốc, không theo đơn của bác sĩ
+ Khám sức khỏe thường xuyên định kỳ để có thể phát hiện và điều trị sớm đối với các bệnh lý gây ra viêm gan do những nguyên nhân khác như suy tim hay tắc mật.