Ngoại tôi sống một mình kể từ ngày ông mất, khi đó tôi mới lên 4 lên 5. Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng ngoại vẫn còn đẹp lắm. Tóc ngoại bạc trắng, da còn căng mịn, gương mặt phúc hậu. Chỉ có điều sức khoẻ của ngoại đã suy giảm tương đối nhiều, tay cầm nắm không chắc và đi lại không còn nhanh nhẹn được như trước nữa. Tôi vẫn nhớ ngày tôi còn bé, trong khoảng từ 10 đến 20 năm trước, ngoại vẫn chăm chỉ đi bộ lên chùa, đến thăm người này người kia, thi thoảng có dẫn tôi đi cùng. Có ngày ngoại phải đi đến 5 – 10 cây số, điều mà nhiều người già ở tuổi đó ít ai làm được.
            Ngoại tôi có tổng cộng 10 người con (do hồi đó chính sách của Nhà nước khuyến khích người dân đẻ nhiều, không phải do ông bà tôi vỡ kế hoạch đâu nhé!). Nhưng vì khó khăn, ốm đau bệnh tật nên khi tất cả trưởng thành chỉ còn 8, 4 nam 4 nữ, mẹ tôi là con thứ 4. Người ta thường nói mỗi lần sinh con là một lần sinh mệnh của người mẹ bị rút ngắn. Việc ngoại tôi đến giờ này vẫn còn giữ được một sức khoẻ như thế có lẽ cũng nhờ trời, phật phù hộ rất nhiều.
            Do mẹ tôi có nhiều anh chị em nên đến đời F2 như tôi còn đông anh chị em hơn nữa. Ngày nhỏ, dù tôi được bố mẹ gửi cho ông bà nội chăm sóc, nhưng thời gian tôi vui chơi chủ yếu là ở bên ngoại. Chúng tôi chơi đủ trò: bắn bi, trốn tìm, đuổi bắt, nặm pháo… đôi lúc cũng có những trò phá làng phá xóm khiến ngoại không ít lần quát mắng chúng tôi te tua. Tuy nhiên, trong hồi ức của tôi, chưa một lần nào ngoại đánh đòn chúng tôi, dù lỗi có lớn tới đâu. Và dù đông cháu chắt, nhưng bất kể là cháu nội, cháu ngoại, bất kể gái trai, ngoại đều luôn thương yêu chúng tôi như nhau.
            Ngoài những khi vui chơi cùng các anh chị em ra, tôi là đứa hay theo bà đi chùa và nghe bà kể chuyện nhất. Những câu chuyện của ngoại thường là về lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, về nhân sinh, về những tấm gương người tốt việc tốt… tất cả đều khắc sâu trong trí óc của tôi. Và có lẽ vì thế mà trong tất cả các cháu của ngoại, thì tôi là đứa sống tình cảm nhất, hiền lành nhất và cũng dễ bị bắt nạt nhất (ấy là khi còn nhỏ, chứ sau này lớn lên trông tôi dữ dằn quá nên cũng chẳng ai dám động vào).
            Ngày tôi lên đường nhập ngũ, ngoại đã sang nhà tiễn tôi đi, chờ đến khi tôi lên xe bà mới yên tâm. Sau ba tháng tân binh không điện thoại, không ra ngoài, không tiếp khách thì lần gia đình tôi lên thăm, ngoại cũng đi cùng bố mẹ tôi. Ngoại muốn trông thấy tôi, ngoại sợ tôi trong này vất vả, khổ cực. Nhìn thấy tôi vẫn khoẻ mạnh, ngoại mừng lắm. Tôi cũng rất xúc động khi thấy ngoại, và tôi biết mỗi lần gặp ngoại, là bớt đi một lần.
            Trước khi đi du học, tôi có hứa với ngoại rằng: “Bà cứ yên tâm, giữ gìn sức khoẻ, con đi 2 năm con lại về thăm bà”. Đấy là tôi nghĩ thế nhưng không ngờ dịch Covid-19 bùng phát, tôi đã thất hứa với ngoại. Trong suốt thời gian tôi đi học, thi thoảng bố mẹ, các em tôi cũng có nối máy cho tôi để nói chuyện với ngoại. Mỗi lần nói chuyện với tôi, ngoại đều khóc, có lẽ vì nhớ cháu, thương cháu xa nhà nhiều năm, ngày tết ngày giỗ không được về ăn uống cùng gia đình…
            Đến khi tôi về nước và trong lần đầu tiên sau 4 năm được về thăm gia đình, ngoại cũng đến nhà tôi, ngóng đợi tôi về. Trong khi các anh chị tôi, người đi xuất khẩu lao động rất nhiều, nhưng ngoại chưa bao giờ làm thế. Tôi tự hào lắm, và cũng thương ngoại lắm. Vì khi ra đi đã mang theo bao hy vọng, hoài bão và niềm tin của cả gia đình và cả của ngoại. Nhưng vì sức khoẻ của tôi không tốt, lại thêm ý chí không kiên định mà phải bỏ dở. Nhưng ngoại đã không có một lời trách mắng, mà nhẹ nhàng an ủi tôi, động viên tôi rằng “có sức khoẻ là tốt rồi, không làm việc này thì làm việc khác, mày về đây là bà yên tâm rồi”.
            Từ đó, mỗi lần về thăm gia đình, tôi đều dành rất nhiều thời gian để ngồi với ngoại. Thi thoảng bà lại nhắc về lời hứa 2 năm về một lần của tôi khi xưa mà tôi đã không làm được. 5 năm trôi qua và ngoại đã yếu đi rất nhiều, lại thêm mới bị ngã nên chân ngoại thi thoảng lại đau nhức, khiến đi lại khó khăn. Nhưng dù thế, chưa ngày nào ngoại không làm những việc công cộng như quét đường, nhổ cỏ, vét rãnh thoát nước. Tuy đường làng ngõ xóm là của chung, nhưng có câu “cha chung không ai khóc”. Rác thải, lá lảu cứ chất đầy, cỏ mọc tùm lum, lá và rác bịt kín rãnh thoát nước…
Những con người khoẻ mạnh, trong đó có cả các con cháu của bà đi lại hàng ngày cũng chẳng đả động đến. Ngoại trừ bà, không cần ai nhờ mượn cũng tự thấy khó chịu mà quét dọn hết tất cả, giữ cho đường làng ngõ xóm quanh nhà bà luôn sạch sẽ. Còn nếu ngày nào lá chất đầy, rác thải ngổn ngang, có lẽ đó là ngày bà đang đi viện hoặc ốm nặng không thể đi lại. Chính vì ngoại luôn chăm chỉ như thế khiến những người khác coi đó là chuyện bình thường và ỷ lại hết cho bà. Điều này khiến tôi rất bức xúc, nhiều lần tôi muốn nói với các cậu, các bác nhưng ngoại lại can tôi lại, vì bà muốn làm như thế, không phải do người ta không làm.
Một hành động nhỏ thôi cũng giúp tôi nhận ra được nhiều điều. Đúng là tôi hay ngoại đều không có quyền nhắc nhở người khác làm những việc này. Nếu ai cũng không làm thì mọi người vẫn có thể đi lại bình thường, chẳng vấn đề gì. Nhưng dọn dẹp đường xá quanh nhà cũng chính là dọn cho bản thân ngoại, cho con cháu của ngoại, nên ngoại không hề tính toán gì. Từ khi còn trẻ ngoại đã phải lao động vất vả nhiều, đến khi về già, ngồi nghỉ một chỗ mãi sẽ khiến ngoại buồn chân buồn tay nên phải tìm việc để làm. Và những việc đó khiến ngoại cảm thấy cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa hơn chứ không nặng nhọc gì cả. Làm đẹp cho đời cũng chính là làm đẹp cho mình.
Gần đây, ngoại hay kể tôi nghe về những thơ ca, truyện cổ tích từ thời xa xưa mà bà được học, được nghe như: Tống Chân – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa… Ngoại biết nhiều như thế vì là con của thầy đồ và ngoại cũng cực kỳ thông minh. Tuy đã ngoài 80 nhưng ngoại vẫn kể cho tôi không thiếu một chi tiết nào. Truyện hồi nhỏ thì tôi đã quên, nhưng những gì mới đây ngoại kể khiến tôi hiểu thêm rất nhiều điều. Và hiểu rằng tại sao ngoại lại sống một cuộc đời khiêm nhường, giản dị nhưng lại mạnh mẽ, kiên cường đến thế.
Ngoại thừa nhận với tôi rằng ngoại cũng chỉ là người bình thường, cũng từng làm việc không tốt như lấy tài sản của Nhà nước. Ngoại kể rằng ngày phải nuôi 9, 10 miệng ăn, khi đó kinh tế miền Bắc khó khăn, lại thêm chế độ bao cấp khiến cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Không ít lần ngoại đã ăn bớt được lương thực của bộ đội, khéo léo để lấy được những vật dụng cần thiết như tre luồng, vải vóc… về làm của riêng.
Nhưng tôi biết, bản chất của bà không hề xấu. Ngoại kể rằng không ít lần, giữa trưa hay nửa đêm ngoại dậy và sờ bụng các con, ai cũng đói meo, ngoại lại khóc và thương các con lắm. Dù hai ông bà cùng các con vẫn lao động hằng ngày nhưng cơm vẫn không không đủ ăn. Nên ngoại chấp nhận mang tiếng xấu để nuôi sống 10 miệng ăn, để có mái lá che nắng che mưa, chứ cả đời ngoại chưa bao giờ có tâm hại người. Tất cả việc ngoại làm chỉ vì đời sống quá khó khăn. Nếu ngoại không làm thế, thì cả gia đình từ bố mẹ, đến chồng con bà khó mà vượt qua được giai đoạn ấy. Và cũng có thể tôi đã không được sinh ra trên cõi đời này.
Đến khi kinh tế ổn định, các bác, các cậu của tôi đều đã trưởng thành, ngoại tôi dành nhiều thời gian để lên chùa học pháp, tụng kinh niệm Phật. Dần dần ngoại trở thành Hội trưởng Hội Đạo tràng và thường đứng ra chủ trì các buổi lễ, buổi tu tập. Và thành quả lớn nhất của ngoại là vận động được làng xã trùng tu được một ngôi chùa cổ. Từ đó ngoại là người trực tiếp coi sóc mọi việc trong chùa. Ngoại đã đi khắp nơi để mời các sư thầy về làm trụ trì và cuối cùng cũng thành công, ngoại bớt đi một gánh nặng.
Tuy nhiên, kẻ xấu lại ở khắp mọi nơi, không ngoại trừ chốn linh thiêng như chùa chiền. Người ta đến chùa để tu dưỡng bản thân, mong cầu bình an, hạnh phúc... Nhưng tại nơi này có những người mang tiếng đi tu 30, 40 năm nhưng lại có lòng dạ hại người. Thấy ngoại tôi làm việc quá tốt, nên họ cấu kết với nhau vu oan cho ngoại tôi là người lấy cắp tiền công đức, cất giữ bánh kẹo, nước nôi để làm của riêng… họ muốn đẩy ngoại tôi ra ngoài và chia nhau coi quản ngôi chùa này, nơi mà chính ngoại tôi đã xây dựng nên.
Cả đời ngoại tôi, từ ngày đi chùa tu tập, chưa một lần nào lấy một lá trầu, quả cau để làm của riêng. Chưa bao giờ ngoại lấy thêm lộc lá từ chùa mang về, trừ khi đó là lộc được chia đều cho mỗi người, và ngoại cũng chỉ nhận duy nhất phần của mình. Một mình ngoại là người đứng lên đặt nền móng và xây dựng nên ngôi chùa ấy, chả nhẽ ngoại lại phải làm những chuyện bán đứng lương tâm như thế sao. Có những khi ngoại cầm đến cả trăm triệu của nhà chùa, nếu như có tâm tham lam, thì ngoại có dùng vào việc khác cũng chẳng ai hay. Nhưng ngoại hiểu rằng, việc mình làm, trời biết, đất biết, Phật biết nên không bao giờ ngoại làm những chuyện như thế.
Dù tên thật của ngoại tôi là Nhường, đúng là ngoại luôn luôn nhường cho người khác những thứ tốt đẹp. Nhưng hễ động đến lòng tự trọng của ngoại tôi, thì chắc chắn rằng ngoại sẽ không để yên cho họ muốn làm gì thì làm. Đối mặt với những lời vu oan vô căn cứ của những người đang trực tiếp dưới trướng mình, ngoại tôi liền mời sư trụ trì về để phân giải mọi việc. Sau khi nghe tường tận sự việc, nghe cả những lời buộc tội và những người làm chứng cho ngoại tôi, thì sư trụ trì đã biết ai đúng ai sai.
Mục đích chính của ngoại tôi là để thanh minh cho bản thân chứ cũng không muốn đôi co, buộc tội những kẻ kia, vì đơn giản họ không xứng đáng được ngang hàng với bà. Nên ngoại nói trước mặt sư thầy và những kẻ đang đối chấp với bà rằng:
“Đức Phật dạy rằng trên đời này có ba hạng người với ba cách nói. Một là nói như phân. Hai là nói như hoa. Ba là nói như mật. Vì ở nơi này tồn tại cả ba hạng người trên nên con xin Thầy cho con được về nghỉ ngơi. ” – Kể với tôi đến đoạn này ngoại hả hê lắm. Ngoại đã dùng cái nhân, cái đức, cái tài của mình để dằn mặt những con rắn độc kia mà không cần chỉ đích danh ai cả.
Sau sự việc đó, ngoại đã được minh oan, kẻ xấu cũng đã bẽ mặt. Nhưng ngoại tôi cũng không còn muốn phụng sự cho nhà chùa nữa. Không phải vì ngoại không muốn tu tập, mà vì không muốn có thêm những sự việc tương tự xảy ra và lại phải đối mặt với những kẻ tiểu nhân. Từ ngày “nghỉ hưu”, ngoại tôi vui vẻ, tươi tắn hẳn lên. Còn ngôi chùa, kể từ ngày không còn bàn tay bà quán xuyến, mọi thứ đều đi xuống một cách nghiêm trọng, người dân cũng chẳng còn đến viếng thăm chùa nhiều như khi ngoại tôi còn phụ trách.
Ngoại luôn tâm niệm “tu tại tâm”. Chỉ cần tâm trong sáng, luôn làm việc hướng thiện, đó mới thực sự là tu. Còn những kẻ ngày ngày ra chùa nhưng lòng dạ hẹp hòi, ngậm máu phun người, còn tham – sân – si thì có tu cả đời cũng chỉ là một kẻ sất phu. Tôi thấy trong tất cả những đứa cháu của ngoại, tôi là người may mắn nhất và cũng kiên nhẫn nhất khi lắng nghe và tiếp thu mọi câu chuyện của bà kể. Lấy đó làm kim chỉ nam để tôi luôn đi đúng đường.
Giờ đây, tôi đã ở Việt Nam và bắt đầu lại mọi thứ từ hai bàn tay trắng, nhưng trên vai tôi đã đầy ắp hành trang để làm người tốt. Phần lớn là nhờ công dạy dỗ của ngoại. Tôi không có điều kiện để đến chùa nhiều, nhưng tôi luôn tu trong mọi việc hằng ngày, từ lời ăn, tiếng nói, suy nghĩ đến cách làm việc. Tất cả đều nhờ có ngoại. Với tôi, ông bà nội ngoại chính là những vị “Phật sống”, sau đó đến ba và mẹ. Không cần đến chùa nhiều, chỉ cần tôi thành “nhân”, báo hiếu cho ông bà, cha mẹ đã là cách tu đúng đắn nhất rồi.
Con mong ngoại luôn luôn khoẻ mạnh để con có thể làm được nhiều hơn cho ngoại. Ngoại còn phải chứng kiến đám cưới của con và bế chắt của ngoại nữa nhé. Ngoại luôn là tấm gương sáng để con cháu chúng con noi theo. Những câu chuyện mà ngoại kể con sẽ luôn ghi nhớ và học cả đời. Sẽ có những khi con đi sai đường, con mong rằng vẫn còn được nghe ngoại trách mắng và chỉ đường dẫn lối cho con. Con yêu ngoại và thương ngoại rất nhiều!