Sau khi quyết định nghiêm túc theo đuổi việc viết, mình đã gửi CV đến một vài tòa soạn báo nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được phản hồi. Nói mình không buồn là nói dối, thú thật mình còn thấy khá hoang mang và lo lắng. Công việc đã bàn giao xong gần hết nhưng bản thân vẫn chưa tìm được việc mới. Dù rằng sự thật mình vẫn còn là sinh viên và thất nghiệp cũng không sao cả, nhưng có một thứ khiến mình lo lắng hơn, là niềm tin vào bản thân. 
Thời gian chờ đợi càng lâu, niềm tin trong mình càng vơi bớt đi một chút. Thay vào đấy là rất nhiều những câu hỏi khác như có khi mình không hợp với nghề, có khi mình chưa đủ cố gắng, chưa đủ quyết tâm, do network mình không đủ rộng, vân vân và mây mây.
Khoảng thời gian này, mình đọc tự truyện của bác Nguyễn Hiến Lê và suy ngẫm khá nhiều về con đường mình đang theo đuổi. Lý do mình đến với viết, mong muốn của mình qua những bài viết và cả những khó khăn hay mệt mỏi mà công việc này đem lại. 
Mình nhận ra dù cảm giác bất lực lúc nào cũng sẵn sàng bủa vây nhưng khi tự hỏi có muốn tiếp tục theo đuổi việc viết hay không, câu trả lời là có. Nghe được lời thừa nhận ấy rồi, mình thấy thoải mái hơn, cũng nhẹ nhõm hơn. 
Đọc câu chuyện về bác Nguyễn Hiến Lê dạy mình rất nhiều điều về cuộc đời. Nhưng nếu có điều gì làm mình ấn tượng nhất, đó chính là niềm tin của bác vào công việc của bản thân. Sống theo điều mình tin, cố gắng vì điều mình muốn cố gắng, không bon chen, không sợ hãi. Vì suy cho cùng, bác chỉ làm trọn triết lý sống của mình trên đời. 
Bài viết này, vì vậy, là một mong muốn tổng kết sơ bộ về cuộc đời cầm bút của bác Nguyễn Hiến Lê sau khi đọc xong cuốn sách “Đời viết văn của tôi”, đi từ con đường viết lách đến sự kỷ luật và niềm tin của bác vào tri thức. Hy vọng rằng, thông qua đó, không chỉ mình mà các bạn cũng sẽ có thêm động lực để cầm bút (hoặc gõ bàn phím) và viết. 

Hành trình đến với viết lách

Bác Nguyễn Hiến Lê là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập. Bác đã có hơn 120 tác phẩm được xuất bản thuộc nhiều thể loại như văn học, ngôn ngữ học, triết học, sử học,.. 
Về hành trình đến với viết lách của bác, phải bắt đầu từ năm 1935 khi bác được phân làm công chức sở thủy lợi ở miền Nam Đông Dương với công việc là đo mực đất cao thấp ở miền Tây từ Châu Đốc, Long Xuyên qua Rạch Giá, xuống Sa Đéc, Cần Thơ,... Nhờ vậy mà trong hai năm 1935, 1936, bác Nguyễn Hiến Lê đã được biết gần hết cảnh miền Tây. Đồng thời, với đặc thù công việc làm từ 6 giờ chiều đến nửa đêm và từ nửa đêm đến 6 giờ sáng, bác có nhiều thời gian để học chữ Hán, đọc sách và viết hồi ký để cho vơi lòng nhớ quê. 
Lúc đấy, viết lách chỉ là cách để bác ghi lại cuộc sống: “Viết hồi ký để ôn lại cái vui đã qua thì viết nhật ký để ghi lại cái vui hiện tại.” Vì viết tùy hứng nên cũng chưa có đường hướng rõ ràng nhưng văn phong sớm đã thành hình, đó là lối viết bình dị và trong sáng, như chính con người bác Nguyễn Hiến Lê vậy. 
Từ năm 1938, bác trở về Sài Gòn làm việc. Bản tính bác không thích âm nhạc, không thích đánh cờ, cũng không ưa họp bàn tán chuyện, nhậu nhẹt nên chỉ còn cách đọc sách, học thêm. Cách sống đó, như lời bác trích của Montesquieu, là “phương thức công hiệu nhất để trị những cái tởm ở đời, vì tôi chưa lần nào buồn rầu đến nỗi đọc sách một giờ mà không hết buồn.”
Đến năm 1974, bác về Long Xuyên và không thể quay lại Sài Gòn vì diễn biến chiến tranh căng thẳng giữa hai miền. Ở đây, bác chủ yếu hành nghề dạy học và dành thời gian để đọc, học hỏi thêm từ sách vở. 
Khoảng thời gian từ sau 1938, bác đã bắt đầu việc dịch thuật, như một cách để học và hiểu rõ chữ Hán. Bởi theo bác: “Muốn kiểm soát sự hiểu biết của mình, muốn hiểu cho rõ thì phải dịch ra tiếng Việt. Khi dịch, bắt buộc ta phải tra từ điển; câu nào dịch rồi mà còn lúng túng, ý nghĩa không xuôi, có điểm nào vô lý hoặc mâu thuẫn với đoạn trên thì bắt buộc ta phải soát lại xem mình dịch sai ở đâu, phải tra tự điển thêm, suy nghĩ, lý luận tìm ra chỗ sai.”
Sau này, ngoài việc học tiếng Hán, bác Nguyễn Hiến Lê cũng bắt đầu tự học tiếng Anh và dịch sách, trong đó có hai cuốn sách nổi tiếng nhất là “How to win friends and influence people”, tên tiếng Việt “Đắc nhân tâm”“How to stop worrying”, tên tiếng Việt “Quẳng gánh lo đi và vui sống”.
Nếu bác học ngôn ngữ bằng cách dịch thuật thì khi muốn tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức mới, bác chọn cách…viết sách về chủ đề ấy. “Viết sách là tự ra bài học cho mình làm. Bởi khi viết sách, chúng ta cần kiểm soát từng tài liệu, cân nhắc từng ý tưởng, rồi bình luận, sau cùng sắp đặt lại những điều ta đã tìm kiếm, hiểu biết để phô diễn cho rõ ràng.” 
Như vậy, theo bác, người viết sẽ hiểu được vấn đề một cách cặn kẽ, đọc các tài liệu, tìm kiếm thông tin liên quan, phân bổ nội dung, bố cục để đảm bảo tính logic, chuẩn xác. Điều này không chỉ có ích cho sự học của mỗi cá nhân mà còn đóng góp cho sự học, sự phát triển của những người đọc nói riêng hay rộng hơn có thể là cả một thế hệ. 
Trong bài phỏng vấn của bác Nguyễn Hiến Lê với tờ Bách Khoa, bác cũng ghi rằng “Cháu đã hưởng thụ được nhiều lắm, tất nhiên cháu phải báo đáp lại.”
Đây có lẽ cũng là triết lý xuyên suốt trong các tác phẩm văn học, nghiên cứu và dịch thuật của bác. Như cuốn “Tự học, một nhu cầu của thời đại” là đúc rút những bài học, kinh nghiệm trên con đường tự học của bác để thế hệ thanh niên sau có thể tránh lặp lại. 
Hay như khi dạy học ở Long Xuyên, bác nghĩ rằng công việc cần nhất là phải chỉ cho học sinh cách học, vì vậy đã khởi sự chép những lời khuyên, dẫn nhiều kinh nghiệm bản thân để cho ra đời cuốn sách “Kim chỉ nam của học sinh”. Cuốn sách đã có tác động tích cực đến người trẻ, như bác đã chia sẻ rằng “Tôi mừng nhất là nó đã thay đổi hẳn cuộc đời của một thanh niên hiếu học nhưng nhà nghèo, không cách tiến thân, sau thành một bác sĩ, một nhà văn,...”
Những cuốn sách sau như “Tổ chức gia đình”, “Tổ chức công việc làm ăn”,... đều viết theo tinh thần giúp đỡ thanh niên, nhắc họ nhớ rằng cần nhất là có phương pháp, có chủ đích, làm việc đều đều. “Trong đời, có nhiều người rất thông minh mà thiếu những đức đó nên không làm được gì cả, trái lại có những người thông minh chỉ trên trung bình một chút mà lập được sự nghiệp nhờ những đức đó.”  

Sống với nghề viết 

Trong thời gian dạy học ở Long Xuyên, vừa dạy học vừa viết, mỗi năm trung bình bác Nguyễn Hiến Lê xong được 3 cuốn. Nên đến đầu năm 1953, khi bác cảm thấy có thể sống được với nghề viết, cộng với làn sóng chán nản việc học trong lớp thanh niên vì yêu cầu nhập ngũ từ Pháp, bác quyết định chuyển nghề, sống hoàn toàn bằng viết lách. 
Tất nhiên để làm được như vậy, bác Nguyễn Hiến Lê cũng đã có cho mình sự chuẩn bị như: 
Tài chính: 
- Đã có vốn khoảng 200.000đ - vốn xuất bản và vẫn còn 70-80 ngàn đồng để sống một năm 
- Quyết định tự xuất bản, hợp tác với nhà in và nhà sách để phát hành. Như vậy số lợi thu lại cũng lớn hơn khi làm việc cùng nhà xuất bản. 
Tài nguyên: Sẵn non chục tác phẩm kể cả bản thảo viết trước 1945, đủ tài liệu để viết mấy cuốn nữa
Kế hoạch: Mỗi năm ba cuốn, bán từ 2000-3000 bản/cuốn
Điều khiến mình ngưỡng mộ nhất ở bác Nguyễn Hiến Lê là sự kiên định trong lựa chọn của bản thân. Bởi lúc bắt đầu lập nhà xuất bản, bác cũng đã 43 tuổi, mọi người xung quanh cũng khuyên can vì nghĩ rằng bác không thể chỉ sống bằng nghề viết. Nhưng bác đã nói lại rằng:
“Tôi không cần nhiều, miễn kiếm được một số tiền bằng lương giáo sư hay kỹ sư là mãn nguyện rồi; mà tôi đã tính kỹ, có thể kiếm được số đó nếu chịu làm việc gấp hai một giáo sư, kỹ sư. Tuy mệt nhưng được tự do, chẳng phải tùy thuộc ai, đi đúng giờ về đúng giờ.”
“Tôi tính toán kỹ rồi mới quyết định, đã quyết định rồi thì dù ai khuyên gì tôi cũng không đổi ý, vì tôi nghĩ người ngoài không thể nào biết rõ khả năng, hoàn cảnh của tôi bằng tôi. Tôi cho đức tự tin rất cần, không có nó không làm được gì cả.”
Hiểu bản thân không hề dễ, nhưng từ hiểu đến hành động thật sự lại càng khó khăn hơn. Để theo được nghiệp viết, bác Nguyễn Hiến Lê cũng đã đặt ra cho mình những quy định như: 
- Làm việc 18 giờ mỗi ngày
- Tập trung hoàn toàn vào việc viết, không hội họp, không tham gia hội nhà văn, không dạy học,...
Với bác, đã có định hướng rõ rệt, mục đích để nhắm vào thì phải tập trung tất cả năng lực, thì giờ vào công trình của mình. Như vậy kết quả đạt được sẽ gấp 2, gấp 3 lần so với bình thường.
Theo đó, một ngày của bác Nguyễn Hiến Lê bắt đầu từ 6 rưỡi, điểm tâm lúc 7 giờ. Đến 9 giờ ngồi vào bàn viết, 12 giờ là bữa trưa, nằm nghỉ khoảng 1 giờ thì 1 rưỡi thức dậy, nằm giường đọc sách đến 3 giờ. Sau đấy, bác lại viết từ 3 đến 5 giờ. Sau đấy tắm rửa, ăn tối và đọc sách báo đến 10 giờ. Như vậy, mỗi ngày trung bình bác viết được 3 trang. 
Nhiều người bảo lối sống này của bác khắc khổ, như một người máy. Bác chỉ cười bảo rằng: “Có lẽ khắc khổ thật nhưng cho tới bây giờ tôi vẫn không thấy có cách nào khác để tiêu cho hết 24 giờ một ngày… Viết là môn tiêu khiển rẻ tiền nhất.”

Để ra đời một cuốn sách 

Là một người viết và nghiên cứu, để hoàn thành một cuốn sách, việc đầu tiên bác cần làm là tìm kiếm tài liệu về chủ đề mình muốn viết từ sách báo, sau đó đọc và ghi chú lại. Tiếp đến bác bỏ ra một thời gian, từ một tuần đến nửa tháng để suy nghĩ rồi mới lập bố cục sơ bộ cho tác phẩm. Bác thường chia làm mấy phần, mấy chương, tạm đặt tiêu đề cho mỗi phần, mỗi chương. Với mỗi chương, bác sẽ đánh dấu ý nào, tài liệu nào cho vào đoạn đầu, đoạn hai, đoạn ba,... Cho dù vậy, bố cục không cần phải quá chặt chẽ, chỉ cần đại khái để khi viết có thể ý nọ gợi ý kia, xáo trộn bố cục ít nhiều. Điều này, theo bác chia sẻ, là “Có lợi là ý đột ngột hơn, văn tươi tắn hơn, viết thú hơn chứ không có hại gì cả”.  
Khi bắt đầu viết, bác dành hết tâm sức cho việc này, luôn cố gắng hoàn thiện hết chương chứ không bỏ dở để làm một việc khác. Nếu cuốn nào dài, khó viết thì sẽ chia thành các chặng để có những khoảng nghỉ. Sở dĩ viết được như vậy cũng bởi vì bác không đợi có hứng mới làm, không phụ thuộc vào chất kích thích để làm việc. “Cứ đúng giờ ngồi vào viết, viết bừa vài câu, nửa trang rồi hứng tự nhiên tới.”
Còn nói về bút pháp của bản thân, bác Nguyễn Hiến Lê chia sẻ “Cần nhất là phải dám là ta, phải thành thực với ta đã. Có thành thực mới cảm được người. Có thành thực mới đáng cầm cây viết. Thành thực có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất: Không cảm xúc thì đừng viết. Nghĩa thứ nhì là khi viết, phải quên hết danh sĩ cổ kim, quên hết mọi kỹ thuật làm văn, mà chỉ theo cá tính của mình. Viết như vậy thì là một việc tựa như thở, nhẹ nhàng, dễ dàng; tùy cảm xúc mà văn lúc thì bình tĩnh, lúc thì bồng bột, lúc vui, lúc buồn, lúc phẫn nộ, lúc mỉa mai…; lúc nhanh, lúc chậm, lúc tiến lúc lùi,...”

Những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê

Tính trong hơn hai chục năm hoạt động, bác Nguyễn Hiến Lê đã cho ra được khoảng 100 nhan đề, đa số từ 200-300 trang, có trên mười tác phẩm chưa xuất bản, viết khoảng 250 bài báo và viết giúp bạn trên 20 bài tựa. Đây có lẽ là điều hiếm nhà văn, dịch giả nào ở Việt Nam có thể làm được. Dưới đây, mình sẽ trích lại một số tác phẩm viết và dịch của bác:
- Về văn học thì có Văn học Trung Quốc hiện đại, Tô Đông Pha, Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa, Cổ văn Trung Quốc, Chiến Quốc Sách,...
- Về triết học Trung Quốc có Nho giáo, một triết lý chính trị, Đại cương triết học Trung Quốc (chung với Giản Chi), Nhà giáo họ Khổng, Liệt Tử và Dương tử, Mạnh tử,.. 
- Về luyện văn có bộ Hương sắc trong vườn văn, Tôi tập viết tiếng Việt
- Về ngữ pháp có cuốn sách viết chung với Trương Văn Chình là Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam 
- Về lịch sử có Đông kinh nghĩa thục, Bài học Israel, Bán đảo Ả Rập và dịch năm cuốn trong bộ Lịch sử văn minh của Will Durant,..
- Về chính trị, kinh tế có Một niềm tin, Xung đột trong đời sống quốc tế, Tổ chức công việc theo khoa học,... 
- Về học làm người có Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo, Sống 24 giờ một ngày, Kim chỉ nam của học sinh, Tự học: một nhu cầu của thời đại,...
- Về Cảo luận - Tùy bút - Du ký có Nghề viết văn, Vấn đề xây dựng văn hóa, Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi,...
- Về tiểu thuyết có Chiến tranh và hòa bình, Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu,…

Trích đoạn hay trong sách

Ở phần này, mình muốn trích lại những chia sẻ của bác Nguyễn Hiến Lê trong cuốn “Đời viết văn của tôi”, một phần trong số đấy cũng được trích lại từ các cuốn sách khác của bác. Đây là những trích đoạn mình thấy rất đẹp và nói lên được rất nhiều về cách sống, cách suy nghĩ của bác. 
“Đời sống vật chất ở mức trung bình, còn đời sống tinh thần thì ở trên mức đấy.”
“Trước khi lao vào con đường mới, ai cũng lo lắng về những trở ngại này nọ, nhưng khi đã cương quyết tiến được bước đầu thì ta thấy sự thay đổi cuộc đời không có gì khó khăn cả.”
“Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều điều như vậy hay không?” 
“Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.”
“Những kẻ sung sướng nhất là những kẻ lý luận ít mà cảm xúc nhiều: Bạn cứ hỏi trái tim bạn, hạnh phúc ở đó mà cái đẹp cũng ở đó.” 
Câu này thích nhất :>
Cuối cùng, tìm hiểu về cuộc đời viết văn của bác Nguyễn Hiến Lê khiến mình nhớ lại một video trên Ted Talk từng đưa ra lời khuyên rằng “Life is easy, why we make it so hard?” - “Cuộc sống đơn giản mà, tại sao chúng ta cứ phải làm mọi thứ phức tạp lên như vậy?” 
Mình nghĩ cuộc đời mỗi người, có lẽ không thể dùng từ đơn giản để diễn tả, nhưng để sống, có lẽ cũng không phức tạp đến vậy. Làm điều mình thích, chưa đủ sống thì làm điều mình thích vừa vừa trước. Khi đã có thu nhập, lên kế hoạch tài chính ổn định thì tiếp tục làm điều mình thích nhất. Thậm chí kể cả khi còn gánh nặng cơm áo gạo tiền, mình vẫn có thể dành thời gian, dù ngắn, cho điều bản thân mong cầu. Miễn là bạn đủ hiểu mình và đủ kiên định.
Kiên định” cũng là điều mình học được từ đời làm văn của bác Nguyễn Hiến Lê: Kiên định với điều mình tin, kiên định với triết lý sống của bản thân. Chỉ vậy là đủ. 
Mình mong bạn cũng sẽ tìm được định nghĩa “đủ đầy” của riêng mình, để từ đó kiên định với con đường mình đi.