Xuất thân từ một trường đại học tại Hà Nội, khối ngành mà tôi học là Báo Chí nhưng những điều tôi học trong gần 4 năm không phải là chi tiết hay chuyên sâu về một thể loại báo chí nào đó mà là một bức tranh chung nhất về truyền thông. Khi nhìn lại quãng thời gian đại học và nhìn tổng thể kiến thức đã thu nập, tôi nhận ra mình có hai vấn để lợi và hại:
- Điểm thuận lợi: tôi được biết đến truyền thông một cách chung nhất và nếu tôi bước vào thị trường lao động hiện nay, về mảng truyền thông, các yêu cầu công việc tôi đều có thể biết và thực hiện. - Mặt hạn chế: Biết nhiều công việc liên quan đến truyền thông nhưng tất cả đều ở mức cơ bản nhất. Khi biết ở mức cơ bản như vậy, tất nhiên khi thực hiện công việc, bạn phải luôn tiếp thu, học tập những điều mới đồng thời hoàn thành trách nhiệm được giao để có thể trở nên tốt hơn.
Tôi an tâm cho bản thân mình, một phần là vì đã hiểu được con đường phía trước mình cần phải làm gì, một phần cũng tự tin là bản thân biết tiếp thu nên trong thâm tâm hiếm khi có sự lo lắng nào quá lớn.
Và tôi quyết định "ôm" nhiều việc nhất có thể và cố gắng hoàn thành tốt nhất tất cả công việc được giao với tâm thế học hỏi được nhiều cái mới sẽ là điều vô cùng quý giá.
May mắn, ở những bước đi đầu tiên, tôi cảm thấy mình thành công.
Sếp giao cho tôi làm một mảng mới, tôi không biết gì cũng đồng ý làm, mọi người trong team cùng nhau học hỏi và phát triển. Tất nhiên cái gì mới thì ban đầu cũng đều chuệch choạc, thậm chí đến mức tôi cảm thấy nản quá mức vì liên tục không đạt yêu cầu. Nhưng khi cả team xác định được "công thức" để phát triển lớn mạnh thì chiếc xe cứ lăn bánh và càng ngày càng đi xa hơn.
Rồi lại có dự án mới, với một tâm thế làm nhiều việc để có được những kiến thức mới. Tôi cũng vẫn đồng ý làm mặc dù bản thân không có mấy kiến thức về mảng đó cả.
Quá trình được lặp lại, những bước chuệch choạc ban đầu, những lần nản không tả nổi vì các sản phẩm theo nhận xét chung là không "chạm" đến mục đích mà dự án này hướng tới. Làm lại, viết lại, sửa phần này.... những điều này không làm tôi nản. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, khi những sản phẩm bạn tạo ra liên tục phải làm lại, sửa lại, bạn sẽ cảm thấy buồn. Tôi cảm thấy bản thân đang làm chậm tiến độ của cả team, ảnh hưởng tới công việc của những đồng nghiệp. Lúc này tôi đặt ra một thắc mắc lớn: cái việc ôm nhiều như thế có thực sự mang lại lợi ích hay đang dần dần bóp nghẹt bạn.
So sánh với quá trình học đại học với những điều tôi đã và đang làm, tôi nhận ra một sự trùng hợp. Ở đại học tôi học nhiều điều về truyền thông và không đi vào một công việc rõ ràng thì khi đi làm tôi đang ôm nhiều công việc một lúc và không thực sự chuyên sâu vào một mảng cụ thể nào
Và hai mặt lợi và hại tôi nhắc tới ở trên lại xảy ra. Ở mỗi mảng mình làm việc, tôi biết nhiều kiến thức mới hữu ích nhưng mặt hại là tôi chỉ biết ở mức trên cơ bản một chút chứ không thật sự chuyên hẳn về một mảng nhất định.
Tôi có hỏi một vài ông bạn đã đi làm và cả cô người yêu tôi đều trả lời rằng lối đi như thế không sai nhưng hơi "all in" quá. Nếu nắm bắt tất cả thành công, thứ tôi đạt được sẽ vượt ngoài mong đợi của tôi. Nếu không nắm bắt được mảng này, chỉ biết những điều đơn giản ở các mảng khác thì tôi không bao giờ xác định được mình muốn làm gì cụ trong công việc truyền thông thể mà chỉ núp bóng cái mác "làm truyền thông" chung chung.
Cá nhân tôi nhìn nhận lại vấn đề này, tôi thấy đây là một bước đi không đúng nhưng cũng chẳng sai. Điều không đúng ở đây là tôi đã nhận quá nhiều việc mà không chuyên sâu cụ thể vào một mảng nhất định. Chưa kể đến việc task này ảnh hưởng tới task khác. Cô người yêu tôi có hỏi là: Anh có cảm thấy task này đang đè task kia không? Nếu đang gặp tình trạng như vậy thì sớm muộn công việc của anh sẽ đổ như domino đấy." Nhưng khi thử nhiều, làm việc ở nhiều mảng khác nhau như vậy, tôi mới thực sự biết mình phù hợp điều gì, mình có thể làm tốt ở mảng nào và không phù hợp với mảng nào. Từ đó vạch ra được lộ trình cụ thể mà bản thân muốn phát triển trong tương lai.
Mọi điều trải qua đều có những giá trị riêng mà nó mang lại. Chỉ mong bản thân bình tâm, không nản chí và chọn được lối đi đúng đắn cho tương lai sắp tới. Hãy cứ thử, cứ sai để tìm kiếm điều phù hợp nhất.
Cảm ơn nơi tôi đang làm việc thực sự tạo một môi trường mà tôi có thể thử nghiệm, có thể sai lầm.
P/s: Hình như mấy anh chị sếp của tôi cũng hay đọc Spiderum thì phải. Nếu anh chị đọc được thì em yên tâm em vẫn ổn và em vẫn cố gắng hoàn thành đúng deadline công việc nhé. Quãng thời gian dịch bệnh bí bách, đầu óc hơi sảng chệch đường ray xíu thôi ạ :>