img_0
Khi chúng ta đang yêu, chúng ta chỉ thấy “những viên gạch tốt” trên bức tường của người bạn đời. Đó là điều mà chúng ta muốn thấy, thế cho nên đó là tất cả những gì chúng ta thấy. Chúng ta không muốn thấy điều mình không thích. Sau đó, khi đi đến luật sư để nhờ giúp nạp hồ sơ xin ly dị, chúng ta chỉ thấy “những viên gạch xấu” trên bức tường của người bạn đời. Chúng ta nhắm mắt trước những phẩm chất cao vời. Chúng ta không muốn thấy, cho nên cũng không thấy các phẩm chất ấy. Một lần nữa chúng ta từ chối thấy những điều mình không muốn.
Tại sao chuyện tình lãng mạn thường diễn ra ở trong một câu lạc bộ đêm đèn mờ hay tại một bữa ăn tối thân mật bên ánh nến lung linh, hoặc vào ban đêm dưới ánh trăng? Bởi vì trong những tình huống ấy bạn không trông thấy những mụt mụn của nàng hay chiếc răng giả của chàng. Bởi vì dưới ánh sáng mờ ảo, trí tưởng tượng của chúng ta được tự do vẽ vời biến cô gái ngồi đối diện thành một siêu mẫu hoặc chàng trai mang dáng dấp của một ngôi sao điện ảnh. Chúng ta yêu thích mơ mộng và chúng ta mơ mộng yêu đương. Chúng ta nên ý thức một chút mình đang làm gì.
Nhưng các tu sĩ Phật giáo thì không tham gia vào các cuộc tình lãng mạn dưới ánh nến. Họ bật sáng những ngọn đèn để soi rõ thực tại. Nếu bạn muốn mơ mộng thì đừng viếng thăm một tu viện.
Một hôm, vào năm đầu tiên xuất gia ở vùng Đông bắc Thái Lan, tôi đang ngồi ở băng sau của một chiếc xe hơi cùng với hai nhà sư người phương Tây khác nữa, cùng đi có Ajahn Chah, thầy tôi, ngồi ở ghế trước. Ajahn Chah chợt ngoái đầu lui nhìn sư chú người Mỹ ngồi cạnh tôi và nói một câu gì đó bằng tiếng Thái. Nhà sư phương Tây thứ ba, rất giỏi tiếng Thái phiên dịch cho chúng tôi rằng, “Ajahn Chah nói là chú đang nhớ đến cô bạn gái ở quê nhà L.A (Los Angeles)”.
Hàm của sư chú người Mỹ há ra gần đụng sàn xe, Ajahn Chah đã đọc được ý nghĩ của chú – một cách chính xác. Ajahn Chah mỉm cười nói tiếp và lời ngài được dịch ra là: “Đừng có lo. Chúng ta có thể xử lý chuyện đó. Lần tới khi viết thư cho cô ấy, hãy yêu cầu cô gửi một cái gì đó riêng tư, một cái gì đó rất gần gũi, mà chú có thể mang ra khi nhớ tới nàng, để nhắc nhở chú về nàng”.
Sư chú ngạc nhiên hỏi: “Một nhà sư cũng được phép làm như vậy sao?”. Qua phiên dịch, Ajahn Chah trả lời: “Được chứ”. Cuối cùng các nhà sư có lẽ hiểu được thế nào là chuyện tình lãng mạn.
img_1
Những lời của ngài Ajahn Chah vị sư kia phải mất nhiều phút mới dịch được. Nhà sư phiên dịch phá ra cười ngất và phải cố nín lắm mới có thể nói được. “Ajahn Chah nói …”. Ông sư đấu tranh dữ lắm để nói ra những từ ấy, lau vội nước mắt chảy vì cười. “Ajahn Chah nói chú hãy nhắn cô ta gửi một lọ cờ ứt. Khi nào chú nhớ tới cô nàng thì lấy lọ ra và mở nắp”. Cờ ứt là một cái gì đó riêng tư. 
Phải chăng khi bày tỏ tình yêu chúng ta thường nói anh yêu tất cả mọi thứ thuộc về em? Lời khuyên tương tự cũng nên được đưa ra cho một tu nữ đang nhớ tới bạn trai. Như tôi đã nói, nếu bạn thích mơ mộng yêu đương, hãy tránh xa tu viện của chúng tôi.
Đây là câu chuyện kể bởi thiền sư Ajahn Brahm.
Câu chuyện khôi hài này khiến mình cũng không nhịn được cười. Thiền sư Ajahn Brahm và thầy của ông đều có những câu chuyện tếu kiểu như vậy. Nhưng một nhà sư sẽ không giống như mấy ông bạn tếu xàm của chúng ta, sẽ không nói những câu chuyện bẩn bựa chỉ để vui. Đấy là một sự quán xét của nghiêm túc. Câu chuyện lọ cờ ứt bạn vừa nghe xuất phát từ sự hiểu biết thân thể theo giáo lý Tứ Niệm Xứ. Mục đích là để xóa tan tư tưởng si mê và ảo tưởng mà chúng ta rất dễ mắc phải, không chỉ riêng chuyện tình yêu.
Tất nhiên chúng ta thì chẳng cần phải quán xét nghiêm khắc đến nỗi mất hết cả thi vị như thế. Nhưng nếu một ngày bạn lỡ rơi vào cảnh khổ lụy vì yêu mà không sao thoát ra được thì hãy thử lời khuyên của thiền sư xem sao. Nhớ tìm hiểu Tứ Niệm Xứ trước để áp dụng đúng, kẻo sạch dơ lẫn lộn nhé :))