Tôi không muốn có con, chuyện đó nhiều người đã biết. Bài viết “Thắt ống dẫn tinh” chia sẻ lên Spiderum và sau đó là trang Facebook của trang này đã nhận được nhiều phản hồi, cả tích cực lẫn tiêu cực. Chuyện đó không quan trọng, quan trọng là tôi nghĩ đẻ là một quyết định hết sức ích kỷ và chúng ta cần để ý đến tính ích kỷ của quyết định này khi mang một sinh thể vào đời.

Đó là chuyện đã qua. Hôm nay, ở agency, mấy chị phòng tôi túm tụm chuyện sinh nở. Một chị đang có bầu, dự tính tháng 12 sẽ đẻ. Ba chị còn lại xuýt xoa, than thở xung quanh, từ chuyện đẻ thường hay đẻ mổ đến chuyện nuôi con thế nào, vắt sữa ra sao… Nói chung toàn những chuyện mệt nhọc, đau đầu. Tôi đang ngồi ăn bàn đối diện, mới thối mồm chõ vào:
“Các chị này, em hỏi tý nhé. Nếu đẻ và có con khổ như thế, sao các chị còn đẻ?”
“Em không thích đẻ à?” – Chị H, người đang mang bầu, nhướn mày.
“Em… không chắc. Nếu nó đến thì nó đến. Nếu em có vợ thì vợ em quyết cũng được. Nhưng mà nhìn em em với bạn nó ở nhà nghịch ghê quá, em hơi sợ”, tôi cười cười.
“Thế thì khổ thân em”, các chị nói, rồi quay lại câu chuyện về đẻ thường hay đẻ mổ, và đẻ mổ thì nên đẻ giờ nào.
Tôi nhất quyết không chịu thua, nói tiếp:
“Các chị có bao giờ nghĩ đẻ là một việc làm ích kỷ không? Ý em là, khi hai người quyết định đẻ, đó hoàn toàn là quyết định của cha mẹ… Thế còn cảm giác của đứa bé thì sao? Kiểu như, nếu giờ bố mẹ em hỏi ý kiến em thì em không muốn sinh ra lắm đâu”, tôi đùa.
Một chị nhăn mặt nói:
“Thằng này bi quan thế! Em sống ở nước ngoài bao lâu mà đã nghĩ thế này rồi?”
“Nhưng mà em nghĩ vậy thật ấy! Dù có nước ngoài hay không… Chị có thấy bản thân những chuyện chị nói với nhau ở đây không có chuyện nào vui không? Toàn là chuyện đau đớn sinh nở… Sau vài năm,” tôi quơ tay ra những góc bàn trống, nơi các chị phòng bên đang đi ăn trưa, “mọi người sẽ nói về việc chọn trường chọn lớp đau đầu thế nào, rồi con cái hỗn láo ra sao. Có khi nó còn không muốn được sinh ra!”
“Hmmm”, các chị im lặng.
“Như kiểu, nếu việc có con nó mệt nhọc, đau đớn như thế, tại sao vẫn có rất nhiều người muốn đẻ? Em không nói về chuyện nối dõi tông đường hay gì đó, vì em biết chuyện đó không quá quan trọng nữa. Nhưng mà tại sao các chị vẫn chọn đẻ? Em hỏi thật ý.”
Mấy chị nhìn nhau cười cười. Chị P.A, người chị trẻ lúc nào cũng tươi và luôn thân thiện, nhìn tôi rồi bảo:
“N này, N có nhớ những lúc chị bảo chị thích nhìn em cười tươi ơi là tươi không?”
“Em có.”
“Em biết tại sao không?”
“Em không.”
“Tại vì lúc đấy em nhìn y hệt thằng Mon con chị ở nhà. Nó cũng toàn nhìn chị xong cười tươi ơi là tươi. Mỗi lần chị về nhà, ngày dài bao nhiêu việc, vậy mà nhìn Mon cười một cái là tan đi hết, chỉ muốn ôm nó vào lòng!”
“Nghe sến thế chị! Thế chị có muốn ôm em vào lòng không?”, tôi đùa, chữa ngượng.
“Thì đấy. Cái chuyện đau chuyện khổ chuyện buồn về con cái thì mẹ nào cũng giống mẹ nào. Cũng bỉm cũng sữa, cũng mổ cũng sinh, nên mình mới dễ lấy ra làm đầu câu chuyện… Nhưng những chuyện vui về con cái, nó cá nhân lắm. Mỗi người một khác, tả kiểu gì nghe nó cũng nhàn nhạt vậy, nhưng cảm giác thì không ai giống ai. Chị sẽ thấy yêu một cách, chị H nhìn thằng Tôm nhà chị ấy lại thấy yêu một kiểu khác nữa! Những tình cảm đấy đâu thể tả bằng lời được. Như em nói đấy, sến lắm.” Chị ngừng lại rồi cười, “sến nhưng nó thật”.
“Ừ đấy”, chị H nói, quay sang chị P.A, “Chị nghĩ là, việc sinh đẻ của phụ nữ nó là một việc rất… phụ nữ. Nó có một thứ gì đó mà đàn ông không hiểu được. Cảm giác mang một sinh thể trong mình ấy. Chị không phải truyền thống hay gì”, chị nói khi vừa thấy tôi định mở mồm, “không truyền thống nhé, nhưng mà cảm giác có con nó vô cùng tự nhiên. Nó đến như một cái đương nhiên, không tả được. Những niềm vui khi có con cũng thế, chị thấy vậy. Nó phi lý trí đấy, nhưng làm gì có cái tình cảm nào như tình cảm mình dành cho một đứa con đâu em.”
Cái chuyện đau chuyện khổ chuyện buồn về con cái thì mẹ nào cũng giống mẹ nào. Cũng bỉm cũng sữa, cũng mổ cũng sinh, nên mình mới dễ lấy ra làm đầu câu chuyện… Nhưng những chuyện vui về con cái, nó cá nhân lắm. Mỗi người một khác, tả kiểu gì nghe nó cũng nhàn nhạt vậy, nhưng cảm giác thì không ai giống ai. Chị sẽ thấy yêu một cách, chị H nhìn thằng Tôm nhà chị ấy lại thấy yêu một kiểu khác nữa! Những tình cảm đấy đâu thể tả bằng lời được.
Tôi cười cười.
“Chị vẫn thiếu của em một ý nhé. Đẻ, theo em, vẫn là một cảm giác ích kỷ. Chị đâu có nghĩ cho đứa bé khi chị tạo ra nó đâu?”
“Thì chị nói rồi đó, nếu em khổ, đó là cuộc đời của em chứ! Con chị sướng mà!”, chị H phá lên cười.
“Ừ thì,” tôi ngượng, “nhưng mà đâu chỉ có vậy. Cuộc sống nó tồi tệ đi theo nghĩa khách quan luôn. Mỗi năm nhiệt độ tăng lên khoảng nửa độ C, rồi lương mình vẫn thế còn giá nhà thì tăng liên tục không dừng… Tạo ra một đứa trẻ trong xã hội như vậy, không phải làm khổ nó sao?”
“Em nói đúng”, chị H cắn môi, “có lẽ nó ích kỷ thật… Và chị cũng đã suy nghĩ nhiều lắm. Chị nghĩ là, nếu mình không có nhà, kinh tế không ổn định hoặc còn mải chơi, như em đấy, thì thôi cũng không nên có con thật”.
Tôi đắc thắng:
“Đấy, chị thấy chưa…”
Chưa kịp nói hết câu, chị H đã ngắt lời:
“Nhưng mà, em ơi, nó đúng là ích kỷ thật đấy. Tạo ra đứa trẻ ích kỷ thật đấy. Nhưng… không tạo ra đứa trẻ cũng là quyết định ích kỷ mà? Mình cũng đang áp đặt cái sướng, cái khổ của mình lên đứa trẻ đó thôi? Biết đâu, em thấy không, biết đâu nó sướng thì sao? Biết đâu nó sẽ, khác với em, tận hưởng cuộc đời này và biết ơn vì đã được sinh ra thì sao? Lúc đó, mình sẽ nói gì với nó bây giờ? “Mẹ đã từng ước mẹ không đẻ ra con vì mẹ sợ con sẽ khổ” à? Nó luôn luôn là quyết định của phụ huynh thôi, và đâu có quyết định nào trong đó không phải ích kỷ đâu em?”
Tạo ra đứa trẻ ích kỷ thật đấy. Nhưng… không tạo ra đứa trẻ cũng là quyết định ích kỷ mà? Mình cũng đang áp đặt cái sướng, cái khổ của mình lên đứa trẻ đó thôi? Biết đâu, em thấy không, biết đâu nó sướng thì sao? Biết đâu nó sẽ, khác với em, tận hưởng cuộc đời này và biết ơn vì đã được sinh ra thì sao?
Tôi im lặng. Với bao nhiêu thứ triết lý, dĩ nhiên tôi có thể phản bác gì đó. Ví dụ như là, có sự ích kỷ tốt hơn sự ích kỷ khác. Hoặc là, làm thế nào để biết thế giới sẽ tốt lên, trong khi mọi thứ đều nói nó sẽ không? Nhưng, tôi nghĩ, tôi không bao giờ có thể cãi lại một người mẹ. Cãi lại theo cái nghĩa làm thế nào để họ nghĩ lại về quyết định của mình… Hơn cả quyền của họ, đó là điều mà tôi không bao giờ trải qua, và đúng như các chị nói, là một cảm giác hoàn toàn có thể phi lý trí đấy, nhưng lại là một cảm giác không thể tự nhiên hơn. Nếu tôi chỉ cãi lại cho sướng mồm, cho thỏa cái sự “không muốn đẻ” khá trẻ con và ham chơi của mình (như cách các chị nhìn thấu), thì tôi còn tranh luận làm gì?
<i>Hy vọng</i>
Hy vọng
Tôi vẫn sẽ giữ nguyên quan điểm của mình, ít nhất trong thời khắc này. Nhưng tôi cũng hiểu được tại sao con người lại muốn sinh con hơn một chút.
Có một thứ gì đó về sự tiếp nối của con người nó quan trọng hơn cả việc truyền lại hai bộ gene hay những đau khổ trong việc sinh nở… Nó là điều gì đó về sự dung dưỡng và về sức mạnh khi được trao cho một sinh thể. Hành động đẻ đã đi một nhẽ, nhưng việc nuôi dưỡng một đứa trẻ, trao cho nó toàn bộ hy vọng vào tương lai, vào một nhân loại sẽ có cuộc sống tốt hơn cuộc sống của mình… Nó có vẻ đẹp của sự trác tuyệt mà không triết lý nào nói được.