Dạo gần đây trên Facebook cá nhân, tôi thấy có nhiều người đầu tư kinh doanh vào mô hình quán cà phê dưới hình thức nhượng quyền hoặc tự kinh doanh. Nhưng sau một thời gian lại kinh doanh sa sút, thua lỗ và phải đóng cửa. Nguyên nhân chính yếu từ việc thất bại là quyết định cảm tính.
Vậy nên, nếu chuẩn bị tham gia vào thị trường này, tôi có một công thức muốn chia sẻ dành cho các bạn để ước lượng doanh thu. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ tập trung nhiều về phần ước tính cơ bản số lượng khách hàng (hoặc đơn hàng) mỗi ngày mà quán có được vì đây gần như là câu trả lời về khả năng kinh doanh của một cửa hàng.
Xác định cơ hội kinh doanh.
Để xác định được cơ hội kinh doanh, đầu tiên các bạn phải xác định rõ quán của bạn chỉ kinh doanh một loại thức uống duy nhất là cà phê hay sẽ kèm thêm các thức uống giải khát hay không? Nếu quán của bạn kinh doanh cả thức uống về cà phê và các loại nước giải khát thì cơ hội kinh doanh sẽ được khái quát như sau:
        - Về cà phê: tại một buổi hội thảo vào năm 2016, đại diện công ty Masan đưa ra dữ liệu người Việt Nam tiêu thụ 17 tỷ ly cà phê mỗi năm. Vậy với dân số khoảng 96 triệu dân, chúng ta có thể kết luận người Việt Nam tiêu thụ bình quân 0.5 ly cà phê/ngày. Điều này đồng nghĩa với việc quán cà phê của bạn có cơ hội bán thức uống từ nguyên liệu cà phê là 50%/ngày (1)
        - Về nước giải khát các loại: theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam năm 2018 chỉ ra rằng, một người Việt Nam tiêu thụ bình quân 23 lít nước giải khát/năm. Một cách dễ đàng chúng ta có thể thấy bình quân người Việt Nam sẽ tiêu thụ 63ml/ngày. Nếu thể tích bình quân của một thức uống giải khát là 300ml thì 63ml nước giải khát này tương đương với 21%/ngày (2)
Vậy, nếu bạn có dự định mở quán tại một tòa nhà hay khu dân cư nào đó với số lượng người khảo sát được là 1000 người thì ta sẽ có (1) (2) 71% cơ hội kinh doanh; tương đương với việc kinh doanh được cho 710 người/ngày. Tuy nhiên, bạn còn phải xét đến sự cạnh tranh trong khu vực này, nếu khu vực này có 5 quán (đã tính quán cà phê của bạn dự định mở) thì cơ hội kinh doanh của bạn chỉ còn 142 người/ngày (3). Số lượng cơ hội của bạn sẽ tiếp tục giảm nếu khu vực của bạn có thêm sự cạnh tranh.
Xác định cơ hội thành công.
Tất cả việc bạn đầu tư vào chất lượng đồ uống, trang thiết bị - vật dụng bán hàng, xây đựng - thiết kế quán, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, mức lợi nhuận tối thiểu, v.v... đều là sự phản chiếu của giá thành sản phẩm. Và để thành công, bạn cần phải xác định được đối tượng khách hàng của bạn là ai; vì mỗi đối tượng khách hàng sẽ có một độ nhạy cảm về giá riêng. Nếu xác định sai (quá đắt) thì cơ hội thành công của bạn sẽ là số 0 tròn trĩnh và tài chính của bạn sẽ là một con số âm.
Dựa vào nghiên cứu của Q&Me năm 2018 và phân nhóm thu nhập của người Việt Nam tại khu vực thành thị, tôi phân ra khả năng thành công dựa vào độ nhạy cảm về giá như sau:
Nếu giả định một sản phẩm đồ uống tại quán của bạn là 38,000 VNĐ thì bạn có 88% cơ hội thành công, 48% cho mức giá 41,000 VNĐ và chỉ 19% cho mức giá từ 42,500 VNĐ. Đối chiếu với cơ hội kinh doanh (3) thì sẽ tương ứng với:
        - 88% tương đương với 125 khách/ngày và doanh thu khoảng 4,748,480 VNĐ/ngày.
        - 48% tương đương với 68 khách/ngày và doanh thu khoảng 2,794,560 VNĐ/ngày.
        - 19% tương đương với 27 khách/ngày và doanh thu khoảng 1,146,650 VNĐ/ngày.
Lời kết
Bên trên là một trong những kinh nghiệm cá nhân và cách tính ước lượng khả năng thành công cũng như doanh thu khi đầu tư kinh doanh quán cà phê trong một khu vực nhất định. Các ước lượng này ít được dân trong ngành chia sẻ cũng như không một đơn vị nhượng quyền nào nêu lên khi kêu gọi bạn đầu tư. Hiểu rõ khả năng kinh doanh trước khi đầu tư vào một dự án nào đó sẽ giúp các bạn an toàn về mặt tài chính và lành mạnh trong hoạt động bán hàng.
 *Các số liệu trên chỉ mang tính chất tham khảo, việc cập nhật số liệu mới nhất của từng năm sẽ giúp bạn có cái nhìn chính xác nhất về cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này.