-Mất ngủ-
Liệu chuyện gì khiến chúng mình mất ngủ nhỉ?
Những vấn đề hóc búa?
Sự phấn khích về ngày mới?
Hay nỗi lo về những điều dở dang?
Một buổi gặp mặt gia đình?
Và cũng có khi là vì anh nhớ em.
Nhưng tất cả những thứ trên, thực ra chẳng đáng là bao. À ừ thì nó khiến ta mất ngủ, nhưng biết được gốc rễ vấn đề thì hoàn toàn có thể thử chặt cây mà. Nỗi lo là có thể giải quyết, đương nhiên là sẽ có những khó khăn.
Cơ mà sẽ ra sao nếu lý do lại chính là nỗi sợ mất ngủ nhỉ? Cũng chính như việc rằng cố quên thì sẽ nhớ vậy, chúng ta mất ngủ vì chúng ta … sợ mất ngủ. Vấn đề này, gần như là một vòng tuần hoàn xảy ra hàng ngày mà chả hiểu làm như thế nào để thoát ra cả. Và có khi đây là căn nguyên của chứng mất ngủ, Insomnia.
Chúng ta mất ngủ vì gần như tất cả mọi thứ, con mèo nhà bạn bỗng dưng kêu về đêm chả hạn, rợn tóc gáy ấy chứ. Một vài cái thì ‘chính đáng’ hơn một chút như lệch múi giờ vậy. Nhưng mà mọi chuyện sẽ ổn, vì rồi bạn cũng sẽ mệt đến mức không thức nổi nữa, đây là những thứ thông thường mà thôi. Cơ mà, sẽ ra sao nếu thêm vào đấy chút yếu tố bệnh tim nhỉ, có khi lại là tiêu hóa và hô hấp nữa. Và đây mới chính là khi chúng ta mất ngủ thực sự. Bệnh tật mới là đáng sợ hơn so với sự mỏi mệt thể xác thông thường. Ngoài ra thì, con người là một loại động vật bản năng, dù cho là có lý trí đi chăng nữa. Một căn phòng mà đêm nào cũng mất ngủ, bộ não sẽ đánh dấu căn phòng như một nơi không lý tưởng để ngủ. Cố gắng tiếp túc ở nơi đó, chỉ làm mắt càng thao láo mà thôi. À ừ, tiện thể căn phòng ấy sẽ combo cho bạn thêm chút lo âu nữa.
Và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Bạn sẽ sợ … mất ngủ, và mất ngủ vì nó khi nhớ lại những đêm trằn trọc. Bạn sợ đến mức cơ thể kích hoạt chế độ ‘chạy hay đánh hoặc lại là nằm im hưởng thụ’ (Fight, flight, or freeze: những biện pháp tự vệ cơ bản của cơ thể con người). Đại khái là nhịp tim tăng cao, huyết áp lên, đưa cơ thể vào trạng thái hoạt động cao độ. Và đấy cũng là lúc bộ não tự đăng nhập vào chế độ báo động ẩn. Chính là cái trạng thái mà bất kỳ thứ gì cũng có thể khiến bạn giật mình hoặc lại là chăm chú ngắm nó cả đêm đấy, vì mọi thứ lúc này đều tiềm ẩn nguy hiểm mất rồi.
Còn gì nữa không nhỉ. À thì trạng thái kích động có Adrenaline ấy, một thứ tiêu thụ khá là nhiều đường. Cái mà là nguồn dinh dưỡng chính cho chúng ta hoạt động hằng ngày ấy. Ngủ là trạng thái tiết kiệm năng lượng, nhưng với Adrenaline thì xin lỗi, điều đó chả xảy ra đâu. Và hậu quả là bạn sẽ thức dậy trong trạng thái cực độ mệt mỏi, vì lúc này bạn chả có tý năng lượng nào trong người để tiêu phí cả. Nếu không cố gắng khắc phục gì đó, thì cái vòng luẩn quẩn này chỉ có ngày một lớn lên mà thôi…
Mà thực ra thì chả ai chết vì mất ngủ mấy, nhưng mà những con hoảng loạn kéo dài hàng đêm nghe như sự tra tấn vĩnh hằng vậy. Chúng ta ở trên A Tị Địa Ngục ngay khi đang sống, cái này khéo còn sợ hơn là chết ấy chứ nhỉ? Sự hoảng loạn này khá giống với nỗi lo âu và trầm cảm, cho nên có thể nói đây là bộ ba song hành. Một bệnh ăn ba bệnh, đây chắc là kèo cá cược duy nhất bạn không muốn thắng đấy.
Giải quyết một vấn đề chả ai cắt từ ngọn cả, chúng ta phải bới gốc. Vậy nên nãy giờ nói về nguyên do chính là để hiểu hơn một chút cách kiểm soát giấc ngủ của mình.
Về mặt lý thuyết thì khá đơn giản, kiểm soát mật độ lo âu của mình và một thói quen đi ngủ đúng giờ lành mạnh. Mọi chuyện đều rất đơn giản, nếu chúng ta nghĩ nó đơn giản. Với anh mà nói, thứ ta tin tưởng chính là sự thật. Và mặc dù việc nói hãy nghĩ nó đơn giản khá là sáo rỗng, nhưng em có thể thử làm vậy mà, một trò thôi miên bản thân chăng?
Giờ thì nhìn vào một vài điểm nhỏ khác nhỉ.
Chẳng hạn như thoát khỏi cơ chế chiến đấu chả hạn. Chuẩn bị cho mình một căn phòng tối chút nhỉ, bật cho mình chiếc điều hòa để cơ thể thấy thoải mái. Cơ thể thoải mái sẽ giúp giảm cấp độ nguy kịch của chương trình tìm kiếm nguy hiểm ẩn.
Kế đến có thể là thay đổi môi trường mất ngủ. Trang trí lại phòng ngủ một chút, nếu bạn lười thì có thể ra sofa nằm thử xem sao :>
Cũng có khi là tránh xa điện thoại trước khi ngủ một chút, hạn chế lượng dopamine tiết ra. Thứ này cũng điều tiết nhịp sinh học, con người vốn có giờ làm việc chia ca cho các bộ phận rất ‘khoa học’, cho nên khi trời tối (hoặc đi ngủ), một số thứ mới bắt đầu làm việc. Nguồn sáng có thể khiến cho chúng tưởng nhầm rằng chưa đến giờ đi làm đó.
(Sự lựa chọn khác là dùng thuốc, nhưng mà cơ chế của mọi thuốc giảm đau, an thần đều có thể gây nghiện, nên là thôi anh không chơi đâu, đừng đưa cho anh, đưa cho anh)
Đại khái vậy đó, thế nên là dù chu kỳ ngủ - thức này nó hơi phức tạp và mong manh, nhưng lại khá quan trọng cho cả phát triển thể chất và tinh thần. Nên là nó đáng giá để đầu tư thời gian đó. Cơ mà đừng đầu tư nhiều quá rồi mất ngủ nhá :< ...
.................
Mong mọi người có một giấc ngủ ngon.
Tái bút: Bài viết được vận hành bởi sự rảnh rỗi của mình, mọi thứ đều được viết theo trí nhớ. Cho nên sẽ không có nguồn với những dẫn chứng khoa học, và mình cũng không đảm bảo về điều này, nếu sau này có tìm được mình sẽ quay lại bổ sung sau. Đây chỉ là những suy nghĩ của mình, mang rất nhiều yếu tố chủ quan trong đó. Xin đừng sử dụng bài viết như dẫn chứng.