Nhật Bản, tháng 3/2015. Mình đặt chân lên vùng đất mới – Xứ sở mặt trời mọc. Cuối tháng 3 đầu tháng 4, mùa hoa anh đào (Sakura) nở, cũng là khởi đầu một năm mới ở Nhật. Học sinh nhập học, sinh viên mới ra trường bỡ ngỡ ngày đầu tiên đi làm. Từ hôm nay mình chính thức tự lập.
Ảnh bởi
Akira Deng
trên
Unsplash
May mắn thay mình có người quen ở đây nên cũng không khó khăn gì nhiều. Trường mình có rất nhiều du học sinh Việt Nam nên cảm thấy mình không quá lạc lõng nơi xứ người. Mình được làm quen rất nhiều anh, chị, bạn bè từ nhiều nơi khác nhau ở Việt Nam. Nhờ sự chỉ dẫn của họ nên mình hòa nhập với cuộc sống mới rất nhanh. Nhưng đó cũng là một sự cản trở cho những ai muốn học tốt tiếng Nhật vì cả ngày mình chỉ nói tiếng Việt thôi. 
Các anh, chị dẫn tụi mình đi sắm vật dụng cần thiết, chỉ cho tụi mình các siêu thị, cửa hàng ở đâu. Hướng dẫn tụi mình những điều nên và không nên phạm phải nếu không sẽ bị phạt. Giới thiệu cho tụi mình những quán ăn ngon đặc trưng của Nhật. Chắc bạn đã biết món ăn nổi tiếng của Nhật là đồ sống, mọi người yêu thích sushi, sashimi,… nhưng trừ mình. Mình không ăn được đồ sống, mỗi lần đi ăn sushi mình chỉ ăn những món chiên hoặc salad. Nhật còn nhiều món ngon, bổ nhưng không phải ai cũng ăn được.
Ảnh bởi
Huyen Bui
trên
Unsplash
Tuổi mộng mơ, mang theo bao hoài bão, quyết tâm, tự hứa sẽ học tập thật tốt, tự lo cho cuộc sống của mình. Mỗi ngày đi học là một niềm vui, thầy cô, bạn bè ai cũng dễ thương, dễ mến. Mang theo tinh thần cháu ngoan Bác Hồ, đi học siêng năng, làm bài tập chăm chỉ, giao tiếp với giáo viên để được học hỏi nhiều hơn. Nhưng niềm vui chỉ được vài tháng đầu, khi đã ổn định thì điều tiếp theo mình nghĩ đến là phải đi làm. Vì phải tự trả sinh hoạt phí, học phí nên hầu hết du học sinh Việt Nam đều phải đi làm thêm. Đều đặn mỗi ngày, ban ngày đi học tối về lại đi làm.
Mình làm rất nhiều việc từ tiệm mì đến quán nhậu rồi cửa hàng tiện lợi. Sau khi mình đổi vài chỗ làm thì cố định ở quán cơm bình dân theo chuỗi hệ thống. Giờ làm ổn định, lương giờ cao, có cơ hội tăng lương. Công việc áp lực đã rèn luyện mình tính kiên nhẫn, bị khách mắng nhưng vẫn tươi cười xin lỗi.
Nhật Bản có phải màu hồng? Tùy vào cảm nhận của mỗi người, nó có thể là hồng, đen, xám, hay bảy sắc cầu vồng. Chị em bạn dì của mình nói: "Ai cũng muốn được như em, được sống, được trải nghiệm ở Nhật. Nơi mà nhiều người mong muốn được đặt chân đến lắm đó!" Mình không phủ nhận điều đó nhưng ở đâu cũng vậy, ta chỉ thấy được 3 phần nổi của tảng băng chìm.
Ảnh bởi
Manuel Cosentino
trên
Unsplash
Nếu ở nhà được bao bọc bởi tình thương gia đình, người thân thì ra đời ta sẽ được bao bọc bởi sự vùi dập của xã hội. Sẽ không còn những bữa cơm ấm cúng, những ngày lễ tết quây quần bên nhau. Thay vào đó là những bữa cơm vội để kịp chuyến tàu đi làm, đi học. Là những lúc ốm đau không ai chăm sóc, hỏi han tận tình như cha mẹ. Những ngày lễ tết vẫn phải đi làm, dù có bạn bè nhưng đâu có cảm giác được như bên gia đình.
Đi du học.. nghĩa trên mặt chữ – đi để chu du và học hỏi. Nhưng thực tế là bao áp lực đè nén, là sự cô đơn, là già trước tuổi, là đánh đổi của nhiều thứ khác. Nhật Bản dạy cho mình trưởng thành, gai góc, tự tin, biết suy nghĩ, chia sẻ, quan tâm người khác nhiều hơn. Bản thân mình từ trước đến giờ vẫn mơ hồ không biết cố gắng, thì nay vẫn như vậy nhưng ít ra mình không vô tri như trước nữa. Nhìn lại 5 năm qua, hối tiếc cũng có nhưng cảm thấy mình nhận được nhiều hơn là mất.
Mình được tiếp xúc với nền văn hóa mới, con người mới, học tập, mở mang hiểu biết hơn. Biết được kiếm đồng tiền vất vả như thế nào để sống có trách nhiệm hơn. Sai đã biết nhận lỗi và sửa chữa, không còn ngang ngược thắng thua như trước nữa. Ai rồi cũng phải trưởng thành, nhưng trưởng thành như thế nào thì do người đó lựa chọn. Con đường phía trước còn nhiều chông gai, đời xô ngã thì cố gắng đứng dậy đừng nằm luôn. Đã lựa chọn con đường mình muốn thì hãy tự tin bước đi, sai thì đi lại, vì mình còn trẻ mà!