Chuyện kẻ thù hay không phải kẻ thù…
Kẻ thù! Bình rất ghét cách làm việc của Phong, cái lý của Bình ở chỗ Phong đang làm một việc sai trái và làm ảnh hưởng đến người...
Kẻ thù!
Bình rất ghét cách làm việc của Phong, cái lý của Bình ở chỗ Phong đang làm một việc sai trái và làm ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, thông qua một trung gian, Phong được biết là chính Bình cũng chưa hiểu rõ một số khái niệm cốt lõi trong quan điểm làm việc của mình. Có điều là đã lỡ đăng đàn chỉ trích, nói là không nhìn mặt nhau nên không thể quay lại, dẫu cho sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Trong công việc, nhiều khi mình dễ bất đồng với cộng sự, khách hàng và thậm chí là cấp trên. Những khi đó, lời khuyên khả dĩ mà mình thường được nhận là “Thôi nhịn đi! Nó là sếp / khách, đối đầu với nó thì được cái gì?”. Công nhận câu nói hiệu nghiệm, sự uất ức lắng xuống và thay bằng sự đè nén. Nhưng đằng sau đó, một lớp mặt nạ được đeo lên hàng ngày, một âm mưu “đợi đến ngày tao làm sếp thì tao sẽ đổi hết, sửa hết”.
Câu chuyện này cũng lặp lại trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Theo trải nghiệm của tôi, khi một nhóm học thuật (hay đại loại là vì một lý do chung – common sense – mà tập hợp lại với nhau) hoạt động ở quy mô vài trăm cho tới chớm nở một hai nghìn người theo dõi, tình cảm anh chị em sẽ vô cùng khắn khít, đội ngũ admin yêu thương nhau, ai cũng viết bài mà như chẳng viết gì cả. Bởi khi viết, đó là đam mê, sự vui sướng hay cảm giác gắn bó chứ chẳng phải là trách nhiệm hay công việc gì cả. Nhưng chỉ cần nhóm bắt đầu lên tới con số 10,000 rồi 20,000 hay một cây viết được nhiều người chú ý hơn cả, tình cảm sẽ bắt đầu rạn nứt, huynh đệ tương tàn.
Đây cũng là câu chuyện quen thuộc với các band nhạc từ nào giờ: khởi đầu lận đận, nhận được sự chú ý, sự nghiệp phát triển, có một ngôi sao, ngôi sao tách nhóm. Chỉ khác nhau ở cái kết là liệu sau khi tách nhóm rồi, “ngôi sao” và band nhạc có quay ra đánh nhau sứt đầu mẻ trán không mà thôi.
Một lần nữa, những câu chuyện đó đều có sự xuất hiện của câu nói đầy ám ảnh: “Thôi nhịn đi! Tranh với nó để làm gì?”. Cá nhân tôi hết sức ám ảnh với những trải nghiệm khi “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” nữa thì quay ra vạch trần nhau, mà lý do sâu xa xuất phát từ cả hai từ khi “còn ngọt” đã nhân danh một thứ cao hơn như hôn nhân, sự nghiệp, tình cảm,v.v.. mà im lặng. Để rồi khi sự im lặng bị phá vỡ, kẻ thánh thiện có thể trở thành ác nhân chỉ trong một sát na. Thời gian và loài người thật tàn nhẫn.
Hẳn nhiên, cũng không thể đổ tại cuộc đời hay lòng người lật lọng khi chính ta cũng lựa chọn như thế. Trải nghiệm cá nhân của mình cho thấy việc chọn giải pháp im lặng của một cá nhân thường xuất phát từ việc người đó tài, mà đã có tài thì dễ có cái “tôi”; mà sự phân biệt giữa “tôi và đám kia” trong cùng một đội nhóm không khác nào xem những cộng sự là một “kẻ thù” phải đề phòng.
Không kẻ thù!
Sẽ là bình thường khi một người tìm kiếm sự công nhận trong cộng đồng, tuy nhiên, cố công tìm kiếm để rồi hóa ra không đạt được mà trở thành cố chấp, lụy vào cái mình tìm kiếm là một bi kịch mà bản thân mình đã rơi vào cách đây hai năm.
Khi đó mình cố gắng đi tìm sự nhận trong mắt bạn bè là “tao giỏi”. Mình cố gắng cụ thể hóa “nhân hiệu” đó bằng cách nhận một lúc 3 dự án rồi ra sức thể hiện mình quản lý thời gian như thần. Đại loại là sau này kể lại: “Hồi xưa tao làm A,B,C cùng lúc mà vẫn sống tốt.”
Mãi sau khi thất bại cả 3 dự án đó CÙNG MỘT LÚC, mình mới ý thức rằng: chính sự mất kiểm soát tham vọng đã đẩy mình vào thất bại. Lúc đó, mình càng nghĩ lại càng thương thân, nhưng càng thương thân mình lại càng tìm một cá nhân để đổ lỗi, để trốn chạy thực tại rằng “việc mình thất bại là do chính mình”; và tất nhiên những ai đang thành công hơn mình chính là đối tượng.
May mà trong cơn khó có những người sẵn sàng ngồi nghe rồi cắt nghĩa cho mình hiểu, nếu không chắc giờ “hết nhìn mặt anh em”. Mà nếu sự thật là thế thì chắc giờ mình hối hận lắm!
Câu hỏi: Tại sao mình ý thức được sự thất bại là do sự yếu kém bản thân mà vẫn tìm cách “gắp lửa bỏ tay người”?
Là vì điều đó làm mình khó chịu, nó buộc mình phải thừa nhận một căn bệnh mà bấy lâu mình nay cố quên, ôm lấy thất bại vào lòng và bắt đầu rút kinh nghiệm là một quá trình đau khổ không như ý. Nói chung là khó nhằn hơn việc tìm một “kẻ thù” và bỏ hết lửa vào họ - một sự bất lực khi không có kẻ thù nào ngoài chính mình.
Xâu chuỗi tất cả những câu chuyện trên mình có một kết luận: Đời này có thêm cái gì là tùy mình, nhưng tuyệt đối đừng có thêm kẻ thù ở bất cứ trường hợp nào!
Đừng có thêm kẻ thù, đừng để phiền lụy, đừng để âu lo thấp thó ngoài ngõ.
Nếu những người cộng sự có thể đừng nhìn nhận “bạn mình” như một người khác xa lạ và không thể tin tưởng, thì nên chăng cách ta tiếp cận họ để giải quyết bất đồng cũng khác. Dòng sông kia là triệu giọt nước thì chúng ta đây cũng là chục con người, tất cả đều không độc lập mà hoàn thành cái gì cả, đều phải cần người kia. Queen sẽ không là ban nhạc “trọn vẹn đến mức Chúa trời phải ra tay chia lìa” nếu họ - những huyền thoại – phân biệt cái tôi này với cái tôi khác. Ai chẳng có cái tôi, nhưng cái tôi dựa vào đâu mà có? Dựa vào phân định của mình!
Với cá nhân, sự thất bại 2 năm về trước sẽ đỡ đau hơn nếu mình không mất 6 tháng đỗ lỗi cho những người bạn, những anh em mình từng hết sức tin yêu, để rồi sau tất cả nỗi đau chi có mình mình ôm lấy - việc mà đáng lẽ phải diễn ra từ đầu.
“Duyên đã may sao còn lại rủi
Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang
Vì đâu nên nỗi dở dang
Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình”
Nghinh Phong.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất