Bài viết gốc trên Psyche của Anna Gotlitbis
Anna Gotlibis giảng dạy Triết ở Brooklyn College, New York, chuyên về đạo đức sinh học, tâm lý đạo đức và triết học luật. Bà là biên tập quyển The Moral Psychology of Sadness (2018) và The Moral Psychology of Regret (2020). Năm 2020, bà là học giả đặc biệt của Fulbright tại ĐH Iceland.
---
Loài người là sinh vật biết kể chuyện: chúng ta dệt thêu chuyện kể hòng tạo xây thế giới. Dù trên thành hang động ở Lascaux hay chiếc đĩa vàng trên phi thuyền Voyager, chúng ta đều muốn chia sẻ về chính mình, về những gì trọng yếu với bản thân, thông qua ngôn ngữ, hành động, và cả thinh lặng. Các chuyện kể tạo thành bản ngã vẽ ra những tấm bản đồ về toàn thể hiện thực hữu hình lẫn trải nghiệm - hay, như các triết gia thường gọi, về những thế giới đời sống nơi ta trú ngụ. Và nếu đã có thể tạo ra, chuyện kể cũng có khả năng phá hủy các thế giới kia.
Sang chấn, trong nhiều thù hình của nó, luôn là một phần của các chuyện kể tự bao giờ, thường đến từ việc phá vỡ những địa hình trong thế giới đời sống của chúng ta. Từ việc đập tan những phương tiện cốt tủy, nghiễm nhiên nhất giúp ta thấu hiểu bản thân, sang chấn thay thế những tự sự quen thuộc bằng những thứ rất đỗi đáng sợ, lạ lùng, đôi khi không thể thốt thành lời.
Sang chấn là gì? Không chỉ là nỗi sợ hay cảm giác tội lỗi hay những ký ức không mong muốn, sang chấn là một sức mạnh tổng lực phá hủy thế giới của chúng ta, khiến nó không còn toàn vẹn. Sang chấn kẻ đường sắc lẻm giữa “trước” và “sau”: “trước” vạch ra thế giới trước sa ngã, cái bản thể mà ta từng biết; và “sau” là sự điêu tàn của một thế giới cuộc sống còn sót lại sau đổ vỡ.
Vì là những kẻ sinh ra để kể chuyện, chúng ta tìm về chuyện kể mong thấu hiểu sang chấn. Câu chuyện của chúng ta có thể biến thiên vô chừng, như chính trải nghiệm của mỗi con người. Đôi khi, lúc sang chấn phá vỡ cảm thức của ta về chính mình, nó cũng thúc ta tới một nhận thức sáng suốt hơn về những phiên bản khác, có thể còn tốt đẹp hơn của chính mình. Và thế là, dù Sử thi Gilgamesh (1800 TCN) cho chúng ta nhìn được nỗi đau đớn của sang chấn, nó cũng đi sâu vào những tác động biên cải sang chấn mang lại. Sau nỗi đau mất đi người bạn mến Enkidu, Gilgamesh cao ngạo, vì bi kịch cá nhân này, đã trở nên gắn bó hơn với phàm nhân và những vị thần đương thời - quả thật, ngài đã người hơn.
Song song, ở thế giới “sau”, chúng ta nhận thấy bản thân đang ở những không gian chuyển đổi, cận ngưỡng mà sang chấn tạo ra cho mình. Sigmund Freud luận rằng chúng ta có thể bị chấn thương bởi một cảm thức về cái ông gọi là “quái gở”: cái thứ bị quên lãng, dồn nén hay chẳng thể nhận ra khiến ta sợ hãi. Chúng ta nhớ về nỗi sợ ấy trong những phân mảnh, rời rạc, trong những hồi tưởng sống động, và cả trong trạng thái vô ký ức tậm tịt. Kể cả khi đó, chúng ta cũng cần các chuyện kể để định hướng cho mình trong biên thổ của ký ức. Và Toni Morrison, trong tiểu thuyết Dấu yêu (1987), viết nên các chuyện kể sinh ra từ cái bà gọi là “tái-ký ức” của những nô lệ còn sống sót phải đối mặt với sự quái gở đó bằng cách hồi tưởng và chắp ghép lịch sử, gia đình, cộng đồng, và bản thể của chính mình. Sang chấn thôi thúc chuyện kể, và chuyện kể trở thành các locus của sang chấn, các chiến địa nơi đau thương và ký ức chạm trán.
Các chuyện kể được hư cấu mang lại một thức tỉnh nào đó đối với các sang chấn tập thể. Nhưng thấu hiểu và thích nghi với sang chấn cũng đòi hỏi các câu chuyện cá nhân dẫn dắt chúng ta vào các trải nghiệm đơn nhất của sự đánh mất thế giới cuộc sống. Khi ấy, thứ mà chúng ta cần tới là cách để có thể nhìn trực tiếp hơn vào sang chấn, và cách ta sẽ tiếp tục đường đời sau đó.
Những chuyện kể cá nhân ấy có thể xuất hiện ngay giữa các bi kịch lịch sử tầm thế giới. Chẳng hạn, nhà văn Ý và cũng là người sống sót sau họa Diệt chủng Primo Levi mô tả lại lần ông tới trại tập trung Auschwitz như sau:
Quá khát nước, tôi nhác thấy một cột băng ngoài cửa sổ, ngay tầm với. Tôi mở cửa và bẻ một mẩu, nhưng ngay lập tức một cảnh vệ to lớn, phục phịch đang tuần tra bên ngoài đã tàn nhẫn tước đoạt mẩu băng khỏi tay tôi. “Warum?” [Vì sao?] Tôi hỏi hắn ta bằng thứ tiếng Đức còi cọc của mình. “Hier ist kein warum,” (ở đây không có sao trăng gì sất) hắn đáp, tay thốc xẻng đẩy tôi vào trong.

Người sống sót Leon Greenman chỉ hình xăm số tù ở Auschwitz vào ngày 9/12/2004 tại Bảo tàng Do Thái London. Ảnh: Getty
Từ ngữ của Levi đưa chúng ta vào thế giới của ông, vào sang chấn của ông - hình dáng, cảm giác, âm thanh. Chúng ta thấy một con người bị tước bỏ nhân tính không chỉ bởi sự tàn nhẫn của trại tập trung, mà còn bởi thái độ của những kẻ tra tấn ông ta, những người gây ra quá trình sang chấn kia. Câu chuyện của Levi làm rõ chuyện chúng ta (có hay không) gây ra sang chấn cho nhau là tùy thuộc vào “thái độ dành cho linh hồn người” theo cách nói của Ludwig Wittgenstein: vai trò của hành động và từ ngữ của chúng ta trong việc công nhận kẻ khác cũng là người. Những tên lính Nazi bắt Levi không nhìn thấy nhân tính ở ông. Chính quá trình phi nhân tính này cho chúng ta thấy cách mà sang chấn lại có thể chính là những gì chúng ta chọn gây ra cho nhau. Nhưng quá trình ấy cũng cho thấy sang chấn có thể cưỡng lại được: trong những tình huống khắc nghiệt nhất, chẳng hạn một cuộc chiến, thái độ ta dành cho đối phương là hết sức quan trọng.
Liệu sang chấn có nhất thiết phải được hiểu, diễn đạt, hay đối diện bằng chuyện kể hay không? Với không ít người, câu trả lời là hoàn toàn không. Trái lại, sang chấn có thể xem là một căn bệnh, được cẩm nang trị liệu DSM-III (1980) định nghĩa, mang ta thẳng đến phòng khám để nhận thuốc, đến nhà tâm lý để trị liệu, hoặc đến nhà sách để tìm đọc các đầu sách tự trợ. Quá trình thuốc men hóa sang chấn định vị nó như một căn bệnh, như một kẻ xa lạ cần phải xử trí, kiểu xử lý một con virus: nhận dạng thủ phạm, tìm công cụ phù hợp để đánh bại, và tiêu diệt kẻ thù.
Thế nhưng vì những cung bậc của sang chấn lại rất hay lẩn tránh khỏi các giải pháp thuần thuốc men, nên có thể xem giải thích như trên chí ít cũng là chưa hoàn thiện. Vậy nên hãy quay trở về xem sang chấn như một sự thể có thể cảm nhận được, đe dọa đến chính sự sinh tồn của chúng ta. Một thoáng bạo bệnh trong phòng cấp cứu có thể cho chúng ta nỗi sợ cứng đờ trước viễn cảnh phải quay trở lại nơi đây giữa đại dịch. Một nạn nhân của bạo hành phải chịu đựng rối loạn hậu sang chấn, thế giới của cô ấy mãi mãi không còn cảm thấy an toàn như trước. Ở thế giới “sau” đầy đau đớn ấy, chúng ta không đơn thuần đối mặt với những cảm xúc tiêu cực không thể xóa tan bằng thuốc men. Chúng ta thiếu đi những phương tiện bền vững hỗ trợ việc khôi phục - thứ không chỉ làm dịu đi đớn đau, mà còn kiến thiết trở lại những thế giới cuộc sống giàu ý nghĩa. Chúng ta trôi dạt về cảm xúc, tự sự, cả tâm lý, sau khi đã tự thân “sống sót” được, như triết gia kiêm nạn nhân sang chấn Susan Brison ghi lại trong quyển Hậu quả: Bạo lực và sự tái thiết một bản ngã (2001), nhưng không còn lối để quay trở về. Vậy thì còn gì nữa để tái thiết kia chứ?
Khi tất cả mọi biện pháp đều thất bại, ta vẫn còn có thể tái thiết chính câu chuyện của mình. Bởi hầu hết chúng ta chẳng thể làm gì khác hơn cho các trạng huống xảy ra với mình, vậy thì ta có thể khởi sự bằng việc sửa chữa câu chuyện về chúng ta, chúng ta là ai.
Cách chúng ta xử lý phần nào đó còn tùy vào mục đích chúng ta muốn các câu chuyện ấy mang lại - rốt cuộc, chẳng phải câu chuyện nào cũng đáng tin cậy, lôi cuốn, hay có thể chữa lành. Một số chuyện kể có thể còn nhấn mạnh nỗi tuyệt vọng khôn xiết sau khi trải qua cơn đau. Số khác có thể khuyên lơn quên đi sang chấn nhằm thay thế bằng những khiếm khuyết thuộc về tri thức. Nhưng như hai con người trước kia từng là tình nhân trong bộ phim Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004) ngộ ra, không một mức độ cố tình quên lãng nào có thể xóa bỏ hoàn toàn những ký ức sâu kín nhất, kém mong cầu được cả.
Suy nghĩ về sự bất khả, nhiệm màu cũng thất bại nốt. Những ai riết róng những khuynh hướng rất Mỹ về các chuyện kể chiến thắng, xoay quanh cái tâm hạnh phúc thường mang tới những câu chuyện mà nhà hoạt động chính trị Barbara Ehrenreich gọi là “lạc quan tếu” trong quyển Sáng tỏ (2009), tức Cười hay là chết khi xuất bản ở Anh. Ehrenreich viết rằng:
Chúng ta không thể tự nâng đỡ bản thân vào một hoàn cảnh tốt lành bằng cách ao ước về nó. Chúng ta cần phải trù bị cho một cuộc tranh đấu chống lại những chướng ngại đáng khiếp sợ, do chính chúng ta tạo ra hoặc đến từ giới tự nhiên. 
Chẳng có một phương án chọn lựa nào, theo tôi, có thể đưa chúng ta đến gần hơn với sự sửa chữa thế giới.
Vậy giải pháp là gì? Ngạc nhiên chưa, chính là sự lạc quan - nhưng không tếu. Viktor Frankl, nhà thần kinh học, nhà trị liệu và chứng nhân Diệt chủng người Áo, viết trong đoạn tái bút quyển hồi ức Đi tìm lẽ sống (1946) rằng giữa tuyệt vọng, bi kịch và đớn đau chúng ta vẫn có thể tìm thấy - thực tình là tạo tác - ý nghĩa bằng cách nâng niu “lạc quan giữa bi kịch.” Cái hình thái lạc quan lạ kỳ này cho phép chúng ta tái thiết bản thân và tái thiết thế giới của chính mình, mặc bộ tam bi thảm theo cách gọi của Frankl: đớn đau, tội lỗi và cái chết.
Chính sự lạc quan giữa bi kịch của Frankl là cái chúng ta có thể cậy tới khi ở giữa lòng sang chấn. Sự lạc quan này được tìm thấy trong câu chuyện của y tá cấp cứu tại Brooklyn chọn ở lại bên giường một bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang hấp hối, chứng kiến đớn đau dày vò của ông ta. Hoàn toàn thấu hiểu nỗi đau khi chết trong cô độc, nữ y tá đưa ra một phản luận bằng cách chọn lấy một thái độ dành cho tha nhân có thể tái thiết thế giới cuộc sống của ông, và của chính mình, dẫu ngắn ngủi. Cô chứng kiến cảnh tượng ấy trong thinh lặng và trong những chuyện kể bằng lời - “Ông không cô độc.” Hành động của cô biến sang chấn thành một thứ ý nghĩa hơn rất nhiều: sự cô độc do đau đớn và cái chết không còn là thứ quá sức khó hiểu, mà nay được san sẻ bởi một trải nghiệm thấm đẫm lòng trắc ẩn. Và dẫu hành động của cô không thể cứu sống bệnh nhân theo nghĩa đen, chúng vẫn cứu được thế giới của người bệnh trong ít ỏi thời gian ông ta còn lại.
Do đó lạc quan giữa bi kịch đòi hỏi chúng ta từ bỏ thói đoái tìm hạnh phúc của mình. Chúng ta đối diện với quá trình gian nan sửa chữa thế giới bằng cách khôi phục ý nghĩa - bằng hành động, bằng các mối quan hệ, và bằng cách tiếp xúc với chính đớn đau. Và làm được như vậy không có nghĩa là từ chối sự hiện hữu của sang chấn, các sức mạnh tàn hủy của nó, mà là một quyết định tự nguyện muốn hành động theo những cách thức khẳng định nhân tính chúng ta cùng có với nhau bằng cách duy trì thế giới cuộc sống của nhau.
Sang chấn không phải một con virus có thể trừ khử bằng thuốc men, cũng chẳng phải một chuyện kể để rồi bị lãng quên, hay một nỗi buồn sẽ bị thay thế bằng sự lạc quan tếu. Sang chấn có thể là xúc tác cho những câu chuyện kể khác - những câu chuyện hay ho hơn - về con người chúng ta, những gì chúng ta trân quý, và cách chúng ta sẽ sống trong thế giới sau khi sang chấn xảy ra. Và những câu chuyện ấy không tìm kiếm hạnh phúc - mà tìm kiếm ý nghĩa, là tái kiến tạo nên ý nghĩa. Là những câu chuyện về lạc quan giữa bi kịch không khuất phục trước sự lãng quên thư thái hay những thêu dệt sai lầm về sự mạnh mẽ của con người. Các câu chuyện ấy không chứa chấp những ảo tưởng về sự bất diệt của thế giới chúng ta. Có lẽ, nếu đương đầu chủ động hơn đôi chút với sang chấn và mở ra những khả năng tái kiến thiết thế giới bằng chuyện kể, chúng ta có thể đưa những trải nghiệm tồi tệ nhất của bản thân vào những câu chuyện đang không ngừng chuyển hóa về chính mình. Dẫu chẳng chút dễ dàng, chúng ta có thể đồng thời tồn tại, và thậm chí còn nảy nở sinh sôi, cạnh chúng. Bởi sang chấn có thể, và hẳn sẽ tiếp tục tiêu diệt thế giới chúng ta lần nữa.
k.