Tôi là đứa khá trầm tính, và nhất là không thích chạy theo những thứ thời thượng mà bọn bạn tôi luôn reo hò hay tiếp thu nhanh chóng khi vừa thấy nó, đến giờ đã đi hết nửa cuộc đời... sinh viên tôi vẫn vậy. Tất nhiên, cả chuyện có ai hay nhóm nhạc nào đó tôi gọi là idol. Suy nghĩ của tôi sau đó đã thay đổi khi lần đầu tôi đọc được bản Romaji tên của một nhóm mà ban đầu tôi không nghĩ là nhóm nhạc idol. Trên hành trình khám phá chính mình, trước và sau khi trở thành fan một nhóm nhạc đã cho tôi những cảm xúc, những trải nghiệm vô cùng thú vị, mới mẻ đến một cách bất ngờ.

Âm nhạc và anime

Tôi thích hình tượng Oreki Hōutarō, Ayanōkoji Kyokata, Azusagawa Sakuta, hay Hikigaya Hachiman,... Tôi nghe nhạc cổ điển, bạn biết Mozart, Beethoven, vậy đã từng nghe qua những tên Franz Liszt, Rachmaninoff, hay Debussy chưa? Tôi biết cả Fritz Kreisler và Erik Satie, những bản nhạc mà tìm mãi vẫn chỉ gặp vài người nghe như tôi. Vì sao tôi bén duyên với chúng thì... đi mà hỏi Miyazono Kaori ấy!
À, tôi có nghe nhạc hiện đại chứ, tôi mê tiếng đàn của Mạnh Piano, mê cả nhạc của Đen Vâu, nhưng chú bảo "đừng gọi anh là idol" nên thôi. Cũng có vài bài đến từ Hà Anh Tuấn, Da LAB, Hoàng Dũng, Phan Mạnh Quỳnh,...
Thực ra thì đa số bài hát tôi thích chắc không khó hiểu khi lại đến từ xứ sở hoa anh đào. Trừ những bài vẫn thường nghe, chủ yếu tôi tìm kiếm opening, ost với ending của những bộ anime mà phần lớn tôi lậm chúng khi xem xong. Những bài nhạc đó có bài dòng pop, có bài là ballad, có khi không lời, đôi khi phỏng theo thánh ca và dùng tiếng Latin,... nhưng J-pop hay bất cứ nhạc nào trực tiếp có chữ pop, nhất là liên quan tới nhóm nhạc hay idol nào tôi không quan tâm.
"Văn phòng" của Mạnh Piano
"Văn phòng" của Mạnh Piano
Đó là cho đến khi... chấn bé đù có idol.

Piano

Ảnh bởi
Lorenzo Spoleti
trên
Unsplash
Từ góc nhìn thứ nhất, cuộc sống tôi không nhiều màu sắc lắm, vừa đủ xài nhưng đôi khi cũng nhạt. Tôi có tự học piano, và tôi học theo cách chơi bài bản chứ không phải nhìn người mà bắt chước theo. Tôi thuộc hầu hết kí hiệu âm nhạc và nhạc lí nâng cao, rồi sao nữa? Tôi không biết đàn bài gì bây giờ. Âm nhạc của tôi khá tẻ nhạt, chúng buồn và trầm lặng đến nỗi tập đàn thôi tôi cũng ngán, nhưng tôi và cả tinh thần tôi không thể chơi gì vui hơn, thậm chí còn chẳng thể hát hay đệm hát.
Lên đại học tôi có nhiều bạn hơn nên nói chung cũng vui, tham gia nhiều hoạt động tập thể làm tôi ngày càng hoạt náo hơn, những khủng hoảng tinh thần trước đây cũng đã vượt qua cả rồi. Cơ mà tôi ở ngoại thành khá xa đám bạn chết tiệt, với còn xài tiền mẹ nên tôi không muốn ăn chơi nhiều, bởi vậy cũng chủ yếu ở nhà. Sau đó thời gian rảnh với tôi là thứ không thể vô bổ hơn, vì tôi sẽ nghĩ đến và làm những thứ chẳng hay ho gì mà những đấng FA hay làm.
"Nhàn cư vi bất thiện."

Idol

Aidoru
Aidoru
Tôi đã luôn nhận mình theo phe trung lập về vấn đề có idol, mà chẳng hiểu quái gì về những người gọi mình là fan của ai đó, về cảm xúc của họ. Cô bé khóa dưới chơi thân với tôi kể mình đã vượt qua bạo lực học đường nhờ biết đến nhóm nhạc idol mà mình theo đến giờ như thế nào (ngót nghét đã chi cả trăm triệu cho idol, giàu vl), tất nhiên tôi chỉ "uh huh".
Tôi không để ý lắm, đúng hơn là không quan tâm. Vì như một người chơi nhạc, tôi ý thức mình cần có phong cách và hình ảnh cho riêng mình dù có theo nghiệp sân khấu hay không, do đó việc thần tượng ai giống như tôi đóng khung và muốn mình trở thành bản sao của người đó vậy. Trường hợp bắt chước nghệ sĩ nào đó để hiểu mình nên có phong cách nào là chuyện khác.
Đó là cho đến khi... chấn bé đù có idol. Chú bắt đầu tự hỏi idol là gì? Liệu có thực sự gọi ai đó là idol thì phải luôn muốn giống họ? Hay ngược lại chỉ đơn giản là dõi theo hành trình của họ và muốn hiểu hơn về họ thôi thì không thể nhận mình là fan? Việc tôi theo học các video trên youtube của Mạnh Piano, học theo phong cách của thầy và thực sự diễn ở nơi công cộng có gọi là tôi đang đu idol, cho đến khi nhận ra đâu là cách đàn mình muốn? Chẳng chi xu nào mà chỉ đăng ký kênh youtube, các trang MXH rồi gọi người ta là idol của mình thì có bị ném đá không?
Fan

Và takane no nadeshiko

Vào một ngày không thể bình thường hơn, tôi bắt đầu học bài chăm chỉ bằng cách lên youtube mở nhạc và nhận được gợi ý vài bài hát mới, "xin lỗi vì quá dễ thương". Tôi nghe đi nghe lại rồi ít lâu sau hiện lên video dance practice của bài hát đó. Tôi vốn không chuyên, nhưng cũng có tham gia nhảy cổ động, nhảy hiện đại và flashmob nên cũng có hứng thú với video này.
"Chà, nhóm này nhảy hay mà đẹp đó, cơ mà bài này quá kawaii để đi thi hội thao trường sắp tới" - tôi nghĩ.
Về sau, khi nhận ra đây không đơn thuần là nhóm nhảy cover, mà thực sự là nhóm thần tượng nữ đã có bài hát riêng, với 10 thành viên và chỉ vừa ra mắt vào tháng 8 năm ngoái, tôi đã say mê họ mất rồi, những cô nàng đa số đều đang học cao trung. Tôi đã thức trắng đêm để xem video của nhóm cũng như theo dõi hầu hết các trang MXH, có điều họ chỉ dùng chữ Kana và Kanji nên mò hơi mất thời gian.
Hoa cẩm chướng, biểu tượng của nhóm và các thành viên tạo thành hình bông hoa trước khi diễn
Hoa cẩm chướng, biểu tượng của nhóm và các thành viên tạo thành hình bông hoa trước khi diễn
Tôi thích khá nhiều người ở nhiều lĩnh vực, nhưng chỉ là vì công việc và vài mẫu truyện nho nhỏ thú vị của họ. Lần này lại khác, tôi đọc profile từng thành viên một, tìm hiểu mọi thứ từ mọi nguồn tôi có thể tiếp cận. Khác với một bộ anime, tôi có thể xem đi xem lại một MV mà không chán, cũng chẳng cần ngóng chờ season 2 hay sợ có tập cuối, ý tôi là không biết nhóm sẽ hoạt động được bao lâu nên... cứ đu thôi. Ngoài ra còn có livestream, những thước phim về hoạt động thường ngày của nhóm, tất cả mọi thứ để kéo người hâm mộ lại gần hơn.
Từ ngày có "idol", tinh thần tôi khá hơn hẳn. Phải, tôi vui hơn. Những bản J-pop làm tôi không thể không phấn chấn, đôi khi lại đầy say mê, những điệu nhảy làm tôi không thể ở yên và nhớ cảm giác được tung mình biểu diễn trước đám đông. Gì chứ, tôi cũng có vài fan đó, nhưng idol này không đáng noi theo và không chiều fan đâu, né xa tôi ra đi. Teheh.
Kenshi Yozune, Ikimono gakari, Radwimps, TRUE,... tôi thích những bài hát của họ dù có bài hiểu nghĩa, có bài tôi say mê vì giai điệu và giọng người hát mà chẳng cần biết bài hát nói gì, tôi thường nghe chúng và youtube hiểu tôi thích gì thì cứ hiện lên thôi. Nhưng để chìm đắm rồi mơ mộng, muốn hiểu nhiều hơn, muốn thấy nhiều hơn như có crush, mà lại không đau tim vì ghen hay thứ gì tương tự như khi crush ai đó thì tôi chưa từng, và tôi thích cảm giác này.
Có lẽ idol cũng là điều gì đó có thể giúp tôi cân bằng cảm xúc. Gọi là thuốc phiện tinh thần hay gì cũng được, nhưng ít nhất xem những video trò chuyện tự quay của họ làm những điều tôi phiền muộn lắng xuống. Dù chẳng thể quên được đâu, cơ mà tôi cũng có khoảng trống để nghĩ xem mình nên nghĩ gì và làm gì.
"Cảm giác có idol vô anh yêu đời hơn, chắc vậy." - tôi bất ngờ thốt lên với cô bé khóa dưới khi đang cày MV của nhóm - "Âm nhạc của anh cũng bay bổng hơn nữa".
Có idol vô tự dưng... vui hơn hẳn

Tôi, Takaneko-chan và 22/7

Takaneko hay Takaneko-chan là cách gọi tắt nhóm nhạc thần tượng của tôi. Nhóm chỉ mới thành lập hơn nửa năm, cộng thêm trong số 10 thành viên, có những cô nàng chưa từng làm idol trước đó nên về chất giọng và kỹ năng nhảy chưa tốt lắm, đôi khi nghe bản live tôi không thực sự thỏa mãn. Dẫu vậy tôi vẫn theo dõi sự thay đổi từng ngày của họ, những người làm fan lâu hơn tôi cũng nhận xét họ đã thực sự tiến bộ rất nhiều, số khác lại bày tỏ không thể tin đây là nhóm nhạc mới ra mắt chưa lâu.
Song, sự kiện tôi có idol cũng làm rõ hơn vấn đề tôi đang gặp phải.
Nếu ai hay đi chung với tôi sẽ không còn lạ cảnh ai đó quen biết tôi chào hỏi tôi, tôi đáp lại tỉnh bơ xong quay ra hỏi "mi biết ai không, tau không nhận ra". Thực sự tôi không thể nhớ mặt ai đó nếu không ấn tượng nhiều hoặc ít gặp. Tôi không mắc chứng mù mặt, cũng không phải không phân biệt được ai với ai, nhưng nhớ đó là ai thì... bạn trong khoa tôi còn không quen.
Vậy chuyện này liên quan gì tới Takaneko-chan và 22/7?
22/7, một nhóm nhạc thần tượng ảo và cũng là tên một bộ anime lấy hình ảnh từ họ. Tôi biết bộ anime này trước khi gặp Takaneko-chan, nhưng chỉ sau khi mê "em ấy" thì tôi mới có hứng thú xem 22/7, một bộ anime về idol thay vì lãng mạn hay chính kịch như tôi thường xem.
Takaneko-chan có 10 thành viên, 22/7 trong anime có 8 và độ tuổi họ có vẻ tương đương nhau. Tôi chỉ có thể nhận ra và nhớ tên khoảng 4 hoặc 5 thành viên của Takaneko-chan, là tôi xem họ mỗi ngày mới nhớ nhiều vậy. Trong khi đó tôi nhận diện được tất cả thành viên 22/7, vốn đều là nhân vật 2D. Dù đây không phải lần đầu, tôi đã nhận ra rõ ràng hơn điểm khác biệt lớn đến vậy trong ghi nhớ mặt người 2D, với những nét vẽ giản đơn, và người thật với đường nét đa chiều.
Tôi tự hỏi liệu xem nhiều anime và quen với những đặc điểm đặc trưng cho từng nhân vật, trong khi ít để ý mọi người xung quanh là nguyên nhân khiến tôi "quên mặt người" chăng? Hay chỉ vế sau là thứ quan trọng, và vế đầu là nguyên nhân cho vế sau? Vấn đề tôi gặp trước mắt không quá ảnh hưởng, nhưng liệu sau này có gây bất tiện cho tôi không?

Tạm biết thế giới bé nhỏ của tôi, hãy tô màu cho thế giới ngày mai!

Tổng kết lại, với tôi đây là trải nghiệm khá thú vị mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ thử. Việc thần tượng, với tôi có lẽ yêu thích sẽ hợp hơn, ai đó không tiêu cực như những lời chỉ trích về hiện tượng tiêu cực trong giới trẻ. Tôi không phủ định chuyện các bạn cuồng, quá khích hay thần thánh hóa idol là không tốt, tuy nhiên luôn nghĩ về họ có khi lại là cách hữu hiệu để hướng tôi đến những điều tốt đẹp hơn, làm tôi yêu đời và lạc quan hơn nhiều. Tôi biết mình còn nhiều cung bậc cảm xúc chưa trải qua, cơ mà nghe chừng đáng để biết lắm.
"L-1011"
Cleared for take off