Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Giọt nắng bâng khuâng
Giọt nắng rơi rơi bên thềm
Những khóm hoa tươi thắm, bên cạnh mảnh vườn réo rắt tiếng chim ca, có vẻ tiết trời bây giờ chỉ mới sang hạ một nửa nên không khí vẫn còn lưu lại chút gì đó trong trẻo của mùa xuân. Nắng vẫn còn hồng, và đang chảy xuống trên mái nhà, bên bậc thềm long lanh bóng dáng của một người đàn ông, đang say sưa ngắm nghía từng chuyển động của mây, của gió mà đoán rằng những cơn mưa sẽ sớm tới đây, nắng sẽ sớm tan thành từng giọt mát lạnh lay chuyển mọi sinh vật dữ dội trong tiếng ca ngọt ngào của nó. Nhưng bản nhạc này đâu chỉ đơn thuần dừng chân bên những cảm xúc mộc mạc về thiên nhiên hay tiết trời, hình bóng mà người đàn ông vẫn hằng mong nhớ lại bắt đầu hiện lên, lấp ló sau cõi vô thức như đan thật nhẹ vào từng lát hồi tưởng mong manh, những phút giây bâng khuâng, tĩnh lặng.
Bài hát bâng khuâng
Bài hát mang bao kỷ niệm
Những ngày đã qua 
Qúa khứ lại bắt đầu trở mình tràn ngập nơi tâm trí, đã bao lâu nay ông chọn trở về sống trong âm thầm, lặng lẽ với những khóm hoa tươi mắt, bên cạnh mảnh vườn luôn khiến ông vui vẻ chăm bẵm, đã bao lâu rồi ?  Tuổi trẻ đã trôi qua, rời bỏ ông trong cái già và cái chết sắp cận kề còn những khao khát và hạnh phúc thì mãi mãi còn dang dở.
Lâu lắm rồi em không đến chơi
Cây sen đã lá bạc như vôi
Sỏi đá rêu phong,
sỏi đá chưa quên chân người
Bài hát rêu phong,
bài hát viết không nên lời
đã vội ... lãng quên 
Lâu lắm rồi em không ghé chơi... Cái lâu lắm ấy cảm giác như mới chỉ vừa hôm qua, tuần trước hay tháng trước nào đó, âm thanh róc rách êm dịu của con suối nhỏ bên vườn, trên mặt nước tưởng tượng từ ngày chỉ còn một mình, lá sen đã bạc như vôi, sỏi đá rêu phong  vì ... chưa quên chân người. Bài hát viết không nên lời, bị bỏ mặt và lãng quên cũng đã rêu phong.
Một sớm mai kia
Chợt thấy hư vô trong đời
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi
Chỉ là ... thế thôi 
Một sớm mai kia, lại một mình thức dậy, không còn bàng hoàng nhận ra cảnh vật xung quanh đã đổi khác, ngạc nhiên cũng thế thôi, thừa nhận cũng thế thôi, cái đã đổi khác vẫn không bao giờ quay trở về là nó của khi trước. Nhưng vì sao, ta vẫn là ta của của ngày hôm qua, ta vẫn là ta thôi em thấy không ? Hư vô sẽ tìm đến chỉ là sớm hay muộn, giờ ta cũng bắt đầu hay bần thần và đãng trí lắm rồi, ta bắt đầu biết cảm thông cho người điên, họ đang hạnh phúc trong đau khổ hay đau khổ trong hạnh phúc ? Nhưng mấy ai hiểu được đâu vì mấy ai dám sống và sẵn lòng làm điều gì đó bằng tận lực cuộc đời họ... Kìa có phải là em, ôi cái chết cũng không thể chia lìa đôi ta, này chờ ta theo với em ơi, chờ ta theo với...
Bài hát tìm trong khói thuốc từng giờ bình yên
Bài hát tìm trong lá biếc từng chiều hoàng hôn
Bài hát là di sản tinh thần của kẻ ra đi, nhưng chẳng cụ thể cho ai cả, có lẽ nó mãi mãi là của tất cả chúng ta, những sinh vật biết suy nghĩ và hoài niệm, tìm đến âm nhạc chẳng ngoài gì khác để giải phóng, làm dịu đi những bi ai, mất mát; hoài lang thang tìm trong khói thuốc từng giờ bình yên, tìm trong lá biếc từng chiều hoàng hôn.
Còn lại trong tôi, còn lại trong em
Chỉ là lung linh giọt nắng bên thềm...
Bản nhạc tha thiết dừng lại ở đây thôi. Lời gợi nhắc cuối cùng của ta về em mãi mãi còn âm vang, trong tiếng đàn ngân nga, trong giọng hát da diết của con người ở lại. Họ sẽ say sưa như chúng ta đã từng, lạc vào nơi mà chúng ta đã từng, và sau cùng anh mong họ nhận ra một thông điệp tươi đẹp đang thôi thúc được lan truyền này: đằng sau những nỗi buồn vẫn luôn còn lối thoát cho những linh hồn lạc quan, không biết mệt mỏi tin vào tình yêu.
So với người đàn anh mà ông cực kỳ yêu quý là Trịnh Công Sơn, gia tài âm nhạc của Thanh Tùng khá khiêm tốn, chỉ chừng vài mươi bài. Nhưng bấy nhiêu đó thôi cũng đã đủ để ông có một chỗ đứng vững vàng trong lòng người hâm mộ.
Giọt nắng bên thềm đã tắt, 
ai đã vắng những hư vô trong đời...

12/6/2018, một Sài Gòn đang phủ đầy nắng trưa