Hôm trước vô tình đọc được một bài viết trên mạng xã hội của một người quen. Em nói em luôn tìm kiếm sự công nhận, và em muốn chia sẻ với các bạn trẻ khác làm sao để được công nhận.
Mình biết em từ một dự án mà bọn mình có tham gia chung. Chưa bao giờ gặp em trực tiếp, nhưng qua những gì em chia sẻ trên mạng xã hội, mình thấy em cũng là một người trẻ năng động và có nhiều khả năng. Em tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, làm việc với tổ chức quốc tế, và đạt được một số thành tích mà nhiều bạn trẻ sẽ rất ngưỡng mộ.
Mình vào bình luận rằng nếu là công việc, chúng ta mong muốn đóng góp và năng lực của bản thân được công nhận là chuyện dễ hiểu. Nhưng trong cuộc sống, không nhất thiết phải tìm kiếm sự công nhận. Tìm kiếm sự công nhận từ người khác là đặt cuộc đời mình vào phán xét của họ. Khi đã biết mình muốn gì, cứ việc mình mình làm. Người khác không công nhận không có nghĩa là bạn không làm tốt. “If you live for people’s expectations, you will die from their rejection.”
“If you live for people’s expectations,
you will die from their rejection.”
Được công nhận vì điều gì?
Em học tốt, tham gia nhiều hoạt động, có công việc tốt, em muốn được công nhận vì những thành tích và đóng góp của em. Đó là điều dễ hiểu bởi khi em hoạt động trong khuôn khổ một tổ chức như trường lớp và doanh nghiệp, em bị ràng buộc bởi một số tiêu chuẩn nhất định. Em nỗ lực đạt được kết quả và nhiều khi em còn làm tốt hơn cả điều người khác mong đợi. Em xứng đáng được công nhận. Ghi nhận đóng góp của cá nhân trong những bối cảnh như vậy là hoàn toàn cần thiết và sẽ khuyến khích các cá nhân khác. Như thế các tổ chức mới tiến bộ phát triển được.
Vậy trong cuộc sống này, khi không có một tiêu chuẩn cố định nào cho riêng ai, người trẻ phải tự đặt ra mục tiêu cho mình. Biển trời mênh mông lắm! Tụi mình chỉ vùng vẫy ở một vũng nước nhỏ, mà có khi còn đang ở kênh rạch, chưa bơi nổi ra khơi. Bây giờ người trẻ muốn được ai công nhận? và công nhận vì điều gì? Cuộc sống không phải là một khuôn khổ có mục tiêu cụ thể như điểm A, điểm A+, hay KPIs.
Bạn có thể đặt ra mục tiêu đi du lịch Đà Lạt và check in lên mạng xã hội để chia sẻ niềm vui đó với mọi người. Thế rồi bạn thấy người khác đi Bangkok, mục tiêu của bạn thay đổi. Bạn rủ một nhóm bạn cùng nhau lên kế hoạch dành dụm rồi cuối cùng cũng đến ngày cộp dấu passport ở sân bay Suvarnabhumi. Một ngày đẹp trời bạn lại thấy con nhà người ta check in Tokyo… Một cuộc “chạy đua” không ai mời nhưng ai cũng tham gia (tiếng Anh họ gọi “the rat race” cũng là có lý do). Một cuộc đua không biết bắt đầu từ đâu nhưng nhìn mỏi mắt vẫn chưa thấy end game.
Mọi người có thể like và tán thưởng những bức ảnh du lịch đẹp mà bạn chia sẻ. Vậy là không bõ công bạn cày cuốc tiết kiệm tiền đi trải nghiệm. Đi du lịch chụp ảnh nhiều vậy mà không chia sẻ thì nó phí ra. Từ khi nào trải nghiệm cá nhân phải được người khác biết đến thì mới đáng? Từ khi nào niềm vui của mỗi người phải được người khác ngưỡng mộ thì mới vui? Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ về cách mà nhiều người đang so sánh với nhau: trải nghiệm. (Ở đây không bàn đến việc học hỏi được gì từ các trải nghiệm, chia sẻ giúp lan tỏa và truyền cảm hứng ra sao.) Trước đây mình cũng từng nghĩ trải nghiệm là điều rất quan trọng, nên cần cố gắng có được nhiều trải nghiệm càng tốt. Bây giờ mình nghĩ khác một chút.
Ta là một, là riêng, là duy nhất
Hồi trước mình có viết về cái tôi của người Việt Nam ở đây. Thường người trẻ nhiều cái tôi vì các bạn nghĩ rằng phải có cái tôi mới cá tính. Các bạn nghĩ rằng “ta là một, là riêng, là duy nhất” nên các bạn làm hết sức để để lại một dấu ấn nào đó với người khác hay với cuộc đời này. Nếu bị đụng chạm vào cái tôi, các bạn sẽ tự ái, dỗi ngay chứ chẳng đùa.
Cách đây mấy năm, vào một cuối tuần bất ngờ, một người bạn học cũ gọi điện hỏi thăm mình. Người bạn này là crush của mình những năm đi học cùng nhau nhưng mình chẳng bao giờ nói ra. Bọn mình gần như cũng chưa bao giờ nói chuyện với nhau quá 5 câu. Bởi vậy hôm đó gọi là cuối tuần bất ngờ. Nói chuyện cũng được một lúc khá lâu, ôn lại chuyện hồi đi học, mình nói rằng mình không cần người khác phải biết mình đã làm được gì. Việc của mình mình cứ làm thôi, mình muốn sống một đời bình yên lặng lẽ, không muốn làm tâm điểm chú ý nào cả. Bạn nói bạn lại nghĩ khác. Bạn nghĩ răng dù một người giỏi hay dở, nên làm một cái nhất. Hoặc là giỏi nhất, nếu không đặng thì cứ là dở nhất, nhưng sẽ khiến người không bao giờ quên (ừ thì mình cũng không bao giờ quên bạn được nhưng không phải vì cái nhất mà bạn nói). Bạn nói ví dụ như trong lớp học không đủ giỏi để thầy cô quan tâm thì bạn sẽ nghịch ngợm để thầy cô sẽ nhớ đến. Lúc đó trong đầu mình nghĩ “xạo, chẳng qua vì mày thông minh, thích học hành kiểu tài tử mới nói được vậy.” Rồi lần đầu tiên nói chuyện với nhau được mấy chục phút của mình và crush kết thúc như thế.
Chưa được công nhận thì làm gì?
Bây giờ biển lớn sóng trào, chưa kịp ra khơi đã lật thuyền rồi làm sao? Nếu chưa được ghi nhận, bạn trẻ sẽ làm gì? Sau một hồi “đẽo cày giữa đường,” bạn nào còn non nớt sẽ kiểu à đây là sóng gió cuộc đời. Bạn nào “mặt dày” hơn sẽ tiếp tục nỗ lực đến khi nào được công nhận thì thôi. Sau một thời gian, dù đang ở điểm nào trên hành trình tìm kiếm sự công nhận, cả hai bạn đều nói với tụi đàn em trẻ hơn rằng “cứ đi làm, vào đời đi rồi tụi mày sẽ hiểu.” Nghe có vẻ rất già dặn và chín chắn nhỉ. Có những người lao động suốt cả một đời vẫn không có được sự công nhận mà hai bạn trẻ đang tìm kiếm. Nhưng điều đó không có nghĩa là lao động của họ vô ích. Và quan trọng hơn là chính họ cũng không cần những sự công nhận đó. Họ không cần phải được công nhận mới làm điều gì đó. Họ chỉ chú tâm làm việc của mình mà thôi.
Người thành công và sự công nhận
Tạm bỏ qua khái niệm thế nào là thành công. Bạn hãy thử tìm những bài phỏng vấn với người mà bạn cho là thành công và xem liệu có bao nhiêu trong số họ xuất phát từ việc tìm kiếm sự công nhận? Mình chỉ thấy rất nhiều người bắt đầu từ việc muốn giải quyết một bài toán khó, giải quyết một vấn đề nào đó cho xã hội. Mình chưa thấy ai làm một việc lớn lao gì đó chỉ vì muốn sau này được mọi người khen ngợi và công nhận họ. Chẳng phải người xưa nói “hữu xạ tự nhiên hương” hay sao? Khi bạn tỏa hương, tự khắc người xung quanh sẽ nhận thấy. Bạn không cần phải dán một tờ giấy “chà neo năm bờ phai” trên áo. Viết theo nghĩa đen, vì nghĩa bóng ai cũng hiểu hết rồi.
“Hãy cứ thầm lặng làm việc của mình trước.
Đừng chỉ vì mong muốn được công nhận rồi mới làm.”
Có thể sau này mình lại tự vả vào mặt một cái, rồi vắt chân lên cổ đi tìm kiếm sự công nhận cho cái blog này. Còn bây giờ cứ vậy đã.