Một trong những điều mình gặp khi quản lý team đó là mặc định các bạn đều sẽ bắt đầu lộ trình phát triển như nhau. Điều này dẫn đến việc cách quản lý của mình đối với tất cả các bạn đều giống nhau.
Và vấn đề xảy ra đó là mình không biết mình sai ở đâu :))
Đối với “công thức quản lý” của mình đó áp dụng với bạn này thì bạn ấy thấy tốt, thấy phát triển, rất vui vì được làm việc trong team. Với bạn khác thì thấy áp lực, sự kỳ vọng, sự kỷ luật, hoặc với bạn khác thì thấy nhẹ nhàng, thoải mái, không có chuyên nghiệp,...
Rồi mình sẽ lấy cái mình làm tốt cho người này để suy ra cái chưa tốt của người khác là do họ không bắt kịp được. Do họ không phù hợp.
Thực sự một điều khá buồn cười đó là bản thân mình đã thấy phù hợp ở điểm nào đó rồi mới tuyển. Nhưng rồi mình lại lấy lý do khác để né tránh điểm mù của bản thân.
Chính mình luôn bảo ở khía cạnh mối quan hệ thì sự phù hợp cần được xây dựng, cần được thấu hiểu, cần được sự kiên nhẫn hay sự cố gắng của cả 2 phía. Nhưng cũng chính mình lại phủ nhận điều đó trong công việc.
Mình có thể né tránh được bao nhiêu lần? Mình có thể tuyển được người mình thấy phù hợp hoàn toàn không? Ngoài kia sẽ có người giỏi hơn những người hiện tại?
Sẽ có, chỉ là có thể nó cũng chả tới với mình :))
Chính vì mình biết đôi khi cơ hội sẽ không đến lần thứ 2 cho nên mình mới phải tự nhìn nhận lại vấn đề của bản thân mà tìm cách thay đổi.
Nó không chỉ là bài toán nhân sự nữa, mà là cách mình nhìn và đối mặt với những gì bản thân sợ hoặc muốn né tránh.
-
Mình nhận mục tiêu từ công ty và chịu trách nhiệm cho những gì mình nhận.
Vì mình đã chịu trách nhiệm nên tất cả các bạn cần theo cách quản lý của mình :)) Thực ra lúc nhìn lại mình mới cảm thấy nhột thật sự. Lý do là bởi nó cũng giống như câu: “Vì bố mẹ là bố mẹ của con, nên con phải nghe lời của bố mẹ”
Thứ nhất mỗi một người có một nhu cầu, mong muốn, năng lực rất khác nhau. Đôi khi bạn đó không cần phát triển mà chỉ cần ổn định, không cần trải nghiệm mà chỉ cần thu nhập,...
Thứ hai với một mục tiêu thì có hàng trăm cách tiếp cận và triển khai khác nhau. Đôi khi các bạn còn có cách hay hơn, đạt mục tiêu nhanh hơn cách mà ngày xưa mình làm.
Mình nghĩ khi mình nhận trách nhiệm là mình được quyền quản lý. Nhưng cũng chính cái thứ “quyền” ấy khiến mình không nhìn thấy lỗi sai của bản thân.
Mình bị bám chấp vào cái nhãn “chức vụ quản lý”. Nói cách khác mình cũng đang bám chấp vào cái tôi.
Có thể cách làm của mình đúng và đã hiệu quả thời điểm quá khứ. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại nó có vô vàn yếu tố tác động như thiên thời địa lợi nhân hòa. Vì mình đang nghĩ mình chịu trách nhiệm nên mình bắt các bạn phải làm theo ý mình.
Nhưng điều đó đâu có đồng nghĩa với việc các bạn ấy không cảm thấy trách nhiệm khi nhận công việc mình giao.
Chính bản thân các bạn ấy phải làm nhiều hơn những gì mình yêu cầu và đạt kết quả tốt, thì may ra mình mới tin tưởng giao toàn quyền cho bạn ấy quyết định được. Nhưng thực tế những người như vậy hiếm có khó tìm, vì nếu như vậy thì họ đang chuẩn bị để tự kinh doanh rồi, chứ hiếm khi yên phận lắm.
Có thể mình luôn tự nhắc nhở rằng: Giờ phải ép tụi nó vào khuôn, rồi chờ tụi nó làm tốt theo cách của mình đã rồi mới cho tự quyết được.
Nhưng câu hỏi đặt ra đó là: Chờ cho tới khi nào :))
Một là bây giờ, hai là không bao giờ.
Chắc bạn nhớ hình ảnh con voi bị buộc dây thừng lúc nhỏ, lúc lớn lên mặc dù nó chỉ kéo chân ra thôi thì cái dây sẽ đứt, nhưng nó quen với lúc đó rồi nên nghĩ không cần cố làm gì.
Đối với các bạn mình quản lý cũng vậy. Khi mình quản lý theo cách áp đặt đi theo cách của mình thì chính bản thân các bạn đó sau này sẽ khó đủ tự tin khi tự ra quyết định, chứ chưa nói là mình sẵn sàng trao quyền hay chưa.
-
Như mình nói thì nhu cầu và năng lực của mỗi bạn là rất khác nhau cho nên bản thân mình cần tìm cách để thật sự hiểu rõ điều đó, rồi mới đưa ra cách quản lý phù hợp được.
Có bạn sẽ muốn chủ động, có bạn sẽ cần hướng dẫn, có bạn muốn thử cách riêng, có bạn muốn có thêm thời gian, có bạn sẽ cần trải nghiệm.
Với mình thì quản lý bây giờ có nghĩa rằng là mình chỉ đang làm công việc khác các bạn thôi chứ không phải là cấp bậc.
Chắc chắn việc quản lý như vậy sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng đối với mình điều đó cực kỳ xứng đáng vì như thế mình mới hiểu được các bạn cũng như chính bản thân. Đồng thời cũng khiến mình phải trau dồi bản thân thêm nhiều nữa.
Nếu quản lý như vậy thì mục tiêu có đạt được hay không?
Mục tiêu chung của team đạt được hay không thì quay lại năng lực quản lý, phân bổ nguồn lực, hay tầm nhìn ngắn và dài hạn của mình chứ không phải là riêng mỗi bạn.
Nhiều người nghĩ rằng cần có một team toàn những người mạnh thì mới đạt được mục tiêu lớn. Nhưng qua trải nghiệm cá nhân thì mình thấy rằng mình muốn 1 team có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng đạt được mục tiêu chung thì mới mạnh và duy trì lâu bền được.
Đôi khi 1 team mà xây dựng khởi đầu toàn người mạnh thì bạn sẽ thấy họ sẽ luôn cố gắng chứng minh bản thân, chứ hợp tác sẽ tính sau.
-
Nói chung để chi tiết hóa các cách quản lý như trao quyền, tạo động lực, làm gương, khen thưởng, gắn kết,... thì nhiều thứ để nói lắm. Nhưng mình thấy rằng về sau cùng câu hỏi nên được đặt ra đó là: Cuối cùng điều gì mới quan trọng?
Với mình thì đó là mỗi bạn trong team đều đang đi trên con đường đạt được mong muốn riêng họ. Và đồng thời là các bạn sẽ thấu hiểu, đồng hành cùng nhau để đạt được mục tiêu chung.
Khi mình đã có câu trả lời mình hướng tới rồi thì các quyết định của mình sẽ dựa trên điều quan trọng đó.
Mình hy vọng rằng bạn sẽ tìm được điều quan trọng với bạn khi làm việc với team.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn đọc các bài viết khác của mình tại đây nha: