Chữ quốc ngữ: Công cụ xâm lăng của thực dân hay thành tựu của văn minh?
Để hình dung về tầm quan trọng của chữ quốc ngữ với người Việt hiện nay, có lẽ cách dễ dàng nhất là chúng ta hãy nhớ về sự kiện ngôn...
1. Hiện tại huy hoàng của chữ quốc ngữ
Để hình dung về tầm quan trọng của chữ quốc ngữ với người Việt hiện nay, có lẽ cách dễ dàng nhất là chúng ta hãy nhớ về sự kiện ngôn ngữ có liên quan đến PGS TS Bùi Hiền xảy ra vào cuối năm 2017.
Bùi Hiền lúc bấy giờ là một nhà quản lý giáo dục đã về hưu, ông dành quãng đời hưu trí để theo đuổi một nghiên cứu cá nhân mang tên “Cải tiến Chữ quốc ngữ.” Đây là nghiên cứu được vận hành bằng tiền túi của ông và làm việc trong lĩnh vực chuyên môn hẹp; nó đã từng được ông đề xuất trên một tờ báo vào năm 1995 nhưng không mấy ai quan tâm, năm 2017, sau một cuộc hội thảo, nó một lần nữa được lên báo.
Những tưởng ở lần đăng đàn này, nghiên cứu ấy cũng sẽ chỉ nhận được phản ứng bình thường tương xứng; nhưng không, nó đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khủng khiếp trong dư luận. Làn sóng phẫn nộ nhanh chóng trở thành làn sóng sỉ nhục. Nhưng rốt cuộc ông Bùi Hiền đã phạm tội gì? Hình sự? Dân sự? Hay ít nhất là đi ngược luân lí xã hội? Tất cả đều không. “Cái tội” ông ấy gây ra là dám sửa chữa chữ viết của ngôn ngữ dân tộc. Một bài báo dẫn ý kiến của một chuyên gia văn hoá đã xác nhận điều này.
Chuyên gia Trần Trung giải thích đây là một phản ứng có tính chất “tự vệ văn hóa”. Tiếng Việt, bao gồm tiếng nói và chữ viết, không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà đã trở thành sản phẩm văn hóa, trở thành một phần tâm hồn dân tộc, gắn bó máu thịt với cộng đồng.
Khi cộng đồng đã dành hết tình yêu cho một đối tượng, thì sẽ phản ứng vô cùng mạnh mẽ, đối với nguy cơ tình yêu đó bị chia sẻ.
Thực chất, đó là phản ứng tự nhiên, lành mạnh của cộng đồng, xuất phát từ tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ.
Lời giải thích của vị chuyên gia văn hoá trên đã nói chính xác vào vấn đề. Bằng việc sửa đổi chữ viết của ngôn ngữ dân tộc, ông Bùi Hiền đang tấn công vào bản sắc dân tộc. Bất kể rằng hành động của ông có thiện ý, nhưng đối với những người muốn duy trì bản sắc dân tộc, thì tấn công vẫn là tấn công, và trước đòn tấn công dĩ nhiên họ sẽ phòng thủ. Kết quả là làn sóng sỉ nhục dồn dập như chúng ta đã biết.
Sự kiện này cũng hé lộ với chúng ta vài điều nữa:
- Thứ nhất, bản sắc dân tộc là cái quan trọng đến mức để bảo vệ nó người ta sẵn sàng phá bỏ một truyền thống khác, như là sẵn sàng sỉ nhục một người đáng tuổi cha hoặc ông của mình.
- Thứ hai, việc duy trì bản sắc dân tộc bằng mọi giá đang dựa trên giả định rằng bản sắc dân tộc là cái không được và không thể thay đổi. Nó là cái mà mỗi thành viên dân tộc được thừa hưởng từ những người sinh ra mình, rồi sau đó mình lại chuyển giao nó cho thế hệ con cháu. Quá trình này bắt buộc mỗi cá nhân phải trung thành với bản sắc cũ, bởi thay đổi đi thì nó sẽ không còn là thứ tài sản giống với tổ tiên mình từng có nữa. Nói cách khác, bản sắc dân tộc là thứ đại diện cho quá khứ và tương lai của những người cùng mang bản sắc ấy.
Có một điều cần lưu ý ở đây, việc sửa đổi chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền, và việc sửa đổi một hệ thống chữ viết nói chung, đều không ảnh hưởng gì đến ngôn ngữ gắn liền với chữ viết ấy cả. Ba thành tố cấu thành một ngôn ngữ là từ vựng - đơn vị ngôn ngữ đi kèm ý nghĩa nhất định, ngữ âm - cách phát âm các đơn vị ngôn ngữ, ngữ pháp - mối quan hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ trong câu và cụm từ, và chữ viết không thuộc những bộ phận cấu thành ấy. Chữ viết có thể rất khác nhưng tiếng nói thì vẫn như thế. Chữ viết là thứ rất gần gũi với ngôn ngữ, đến mức được người dân ưu ái cho làm bản sắc dân tộc ngang với ngôn ngữ, nhưng về cốt lõi nó chưa bao giờ có mức độ quan trọng ngang bằng.
Tiếng Việt của chúng ta đã từng có một bộ chữ viết khác, gọi là chữ Nôm. Nếu có ai thắc mắc bây giờ chữ Nôm đi đâu, thì xin thưa là nó đã bị ruồng bỏ. Vì sao nó bị ruồng bỏ? Vâng, vì người Việt xưa không coi trọng nó. Thực kiện về chữ Nôm minh họa chính xác cho sự chênh lệch trong tầm quan trọng giữa ngôn ngữ và chữ viết.
Trước thế kỉ thứ mười chín, ngôn ngữ hành chính và nghệ thuật của chúng ta là tiếng Hán, chỉ trừ một số trường hợp cá biệt như nhà Hồ và nhà Tây Sơn, nhưng thời gian rất ngắn ngủi. Điều này xảy ra do ảnh hưởng sâu sắc của Nho học. Các văn bia, sách sử, tài liệu hành chính còn lưu lại đều cho thấy chúng được viết bằng tiếng Hán, ngay cả trong những thời kì người Việt đã có chữ Nôm. Trong lĩnh vực nghệ thuật, văn thơ tiếng Việt có nhưng luôn sống trong tâm thế khiêm nhường nếu so với văn thơ tiếng Hán, khiêm nhường cả về số lượng lẫn thái độ. Ngay đến Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều cũng đề cặp thơ bạt rằng:
“Lời quê chắp nhặt dông dài Mua vui cũng được một vài trống canh”
Điều này cho thấy tự ông không coi Truyện Kiều là tác phẩm nghiêm túc của mình, trái ngược với rất nhiều tác phẩm tiếng Hán ông viết.
Đến thời kì thuộc địa, theo Phạm Thị Kiều Ly, trình bày trong cuốn sách “Lịch sử Chữ quốc ngữ (1615-1919)”, tiếng Việt có vị thế cao hơn một chút khi được dùng trong hành chính và giáo dục song song với tiếng Pháp vào những năm 1880. Và chỉ mãi đến sau Cách mạng tháng Tám 1945 thì tiếng Việt mới trở thành ngôn ngữ hành chính duy nhất ở Việt Nam. Như vậy, những cảm xúc người Việt có với tiếng Việt như hiện nay hoá ra chỉ mới được hình thành tầm 80 năm, con số quá nhỏ so với diễn ngôn rằng nước Việt đã có văn hoá 4000 năm. Tuy nhiên, để đến được ngày hôm nay, chữ quốc ngữ đã phải trải qua một lịch sử đầy thăng trầm.
2. Quá khứ đầy thăng trầm của chữ quốc ngữ
Nếu tìm hiểu lịch sử của chữ quốc ngữ từ lúc mới ra đời đến khi được nâng tầm thành chữ viết dân tộc, chúng ta sẽ thấy vô cùng nhiều những thay đổi, trớ trêu và có lẽ đối với những người giàu tinh thần dân tộc thì có thêm cả cảm giác thù địch nữa.
Vấn đề đầu tiên, chữ quốc ngữ ra đời nhằm phục vụ cho tham vọng của thực dân. Vào Thời kỳ Khai phá. Hai đế quốc thực dân đầu tiên là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ký kết một hiệp ước để chia nhau cai quản các vùng đất xa lạ. Động thái đầu tiên của họ là cử những nhà truyền giáo đến để truyền giáo nhằm làm bàn đạp cho công việc thuộc địa hoá sau này. Trong công cuộc truyền giáo, các nhà truyền giáo phải học ngôn ngữ bản địa, họ sử dụng bảng chữ cái Latin để ký âm và soạn ngữ pháp cho các ngôn ngữ ấy. Việt Nam, cũng như toàn châu Á, thời bấy giờ nằm dưới sự bảo hộ của đế quốc Bồ Đào Nha. Việc ký âm Latin được các nhà truyền giáo áp dụng rộng rãi cho mọi đất nước họ đến, chứ không cho riêng Việt Nam.
Khi nhắc đến chữ quốc ngữ, người ta thường ghi công cho Alexandre de Rhodes, nhưng de Rhodes không phải là tác giả duy nhất của bộ chữ viết này, mà ông chỉ là người có công lớn nhất trong việc hệ thống hoá nó qua quyển từ điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum hay còn gọi là Từ điển Việt-Bồ-La. Chữ quốc ngữ là thành quả lao động của rất nhiều giáo sĩ dòng Tên đến từ Bồ Đào Nha, Ý, và Pháp, mà người trước tiên nên được biết đến là Francisco de Pina, bởi ông là người đầu tiên thông thạo tiếng Việt và đặt những viên gạch đầu tiên trong việc ký âm Latin nó.
Vấn đề thứ hai, chữ quốc ngữ khi mới ra đời khác khá nhiều so với bây giờ. Chẳng hạn “nguyệt” được viết là “ngŏệt” và “trăng” được viết là “blang”. Quyển từ điển ấy còn cho thấy sự tồn tại của bốn tổ hợp phụ âm đầu là bl, ml, mnh, tl, như trong các từ “blám,” “mlót,” “mnhẽ,” “tlái,” mà rõ ràng là bây giờ chúng không còn tồn tại trong chữ quốc ngữ hiện đại. Lý do cho sự có mặt cũng như sự biến mất của chúng nằm ở chính tiếng Việt, đó là ngày xưa tiếng Việt có những âm ấy nhưng bây giờ không còn nữa. Nói cách khác, cách phát âm của người Việt ngày xưa và bây giờ có sự khác biệt nhất định, và sự khác biệt ấy được phản ánh qua cách ký âm.
Sự khác biệt này không đủ lớn để chúng trở thành hai ngôn ngữ khác nhau. Giả sử, chúng ta ngày nay nghe được người xưa nói chuyện thì cũng sẽ hiểu được phần nào, đọc chữ viết cũng sẽ hiểu nếu vừa đọc vừa đoán, nhưng chắc chắn cảm giác xa lạ là không thể tránh khỏi. Và sự xa lạ này nếu so sánh với sự xa lạ do bộ chữ của ông Bùi Hiền gây ra có lẽ là tương đương. Vậy nên việc tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ rất có thể sẽ làm dấy lên cảm giác thù địch ở những người giàu tinh thần dân tộc.
Và nếu như cho rằng chữ quốc ngữ vào năm 1651 qua Từ điển Việt-Bồ-La là quá xa xưa nên sự xa lạ ấy là dễ hiểu và chấp nhận được, thì chúng ta hãy thử tua nhanh đến năm 1927 với tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn chứng này cho chúng ta thấy hai điều, rằng cách đây chưa tới 100 năm chữ quốc ngữ vẫn chưa thống nhất viết c hay k cho phụ âm đầu, và rằng tiếng Việt khi ấy phát âm cũng không giống hệt bây giờ qua âm tiết “mệnh” trong “cách mệnh” mà bây giờ chúng ta luôn luôn đọc và viết là “cách mạng”.
Vấn đề thứ ba, sự lên ngôi của chữ quốc ngữ ở Việt Nam là con đường không hề bằng phẳng. Theo cuốn sách "Lịch sử Chữ quốc ngữ (1615-1919)" của tác giả Phạm Thị Kiều Ly, từ thế kỉ thứ mười bảy đến giữa thế kỉ thứ mười chín, chữ quốc ngữ hầu như không có ảnh hưởng bên ngoài phạm vi tôn giáo. Khi còn trong phạm vi tôn giáo, nó được dùng để dạy cho các giáo sĩ bao gồm cả người Việt, và các trường dạy chữ bắt đầu thành lập ở Việt Nam. Thế nhưng, vì chính sách không thân thiện với Ki-tô giáo, đặc biệt ở Đàng Trong, việc dạy chữ không hề suôn sẻ. Chẳng hạn, năm 1682 ở Kiên Lao, một trường học vừa dựng lên đã sớm bị quan quân thiêu trụi.
Thực dân Pháp chính thức xâm lược Việt Nam vào năm 1858 khi đổ bộ lên một cảng ở Đà Nẵng, bắt đầu từ đây trang sử mới của chữ quốc ngữ mở ra, nơi sức ảnh hưởng của nó vượt ra ngoài tôn giáo, dấn sang lĩnh vực chính trị, và cuối cùng trở thành bản sắc dân tộc. Thực tế, cái tên “chữ quốc ngữ” cũng chỉ ra đời vào giai đoạn này, trước đó các giáo sĩ gọi nó là “kí tự châu Âu” và “kí tự Latin.” Hai cái tên này bản thân chúng cũng có sức ỳ riêng, chúng vẫn được dùng trong thời gian dài sau khi cái tên “chữ quốc ngữ” có mặt.
Ban đầu, việc đưa chữ quốc ngữ vào môi trường giáo dục phổ thông không hề xuất phát từ lợi ích của dân tộc Việt Nam, mà nó xuất phát từ nhu cầu đào tạo thông ngôn cho người Pháp. Những học sinh đầu tiên học chữ quốc ngữ chính là giới binh lính Pháp. Và sở dĩ người Pháp chọn chữ quốc ngữ thay vì chữ Nôm, bởi vì nó quen thuộc và dễ học với người Pháp hơn.
Nhưng cũng cần đặc biệt lưu ý rằng khi người Pháp phổ thông hóa chữ quốc ngữ, họ đang theo đuổi một mục tiêu kép. Một mặt, họ cần đào tạo thông ngôn để tiếp cận với người bản xứ. Mặt khác, họ ý thức rõ ràng về thực tế chính trị rằng giới bình dân và giới tinh hoa ở Việt Nam bấy giờ đang không dùng chung ngôn ngữ với nhau bởi giới tinh hoa biết song ngữ nhưng với các việc lớn họ đều dùng tiếng Hán. Trong khi đó, đối tượng mà người Pháp muốn gây ảnh hưởng là dân chúng, họ muốn thông qua dân chúng để tăng cường sự hiện diện của văn hoá Pháp.
Vậy nên, nói tóm lại, những mục đích đầu tiên của chữ quốc ngữ đều do các đế quốc thực dân khởi xướng và phục vụ cho mục đích thuộc địa hoá của họ.
Những nỗ lực của người Việt chỉ bắt đầu dự phần khi mà các trường dạy chữ đã được thành lập. Trớ trêu thay, một trong những người Việt đầu tiên, và cũng là một trong những người có công lớn nhất, truyền bá chữ quốc ngữ chính là học giả Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký. Ông là người đặc biệt có tài trong lĩnh vực ngôn ngữ – học tới mười ngôn ngữ, làm giám đốc trường thông ngôn, là tác giả của hàng trăm tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ và Pháp ngữ. Công lao của ông với chữ quốc ngữ là không thể phủ nhận.
Nói về sự đón nhận chữ quốc ngữ trước khi các trường học được mở, chúng ta có thể phân ra làm hai luồng quan điểm, từ cả người Pháp lẫn người Việt. Luồng quan điểm thứ nhất ủng hộ với lí do là chữ quốc ngữ dễ học và nó góp phần làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc lên thuộc địa của Pháp; luồng thứ hai phản đối vì không muốn ảnh hưởng của tôn giáo can thiệp quá sâu vào chính trị, và vì không muốn xoá bỏ bản sắc văn hoá của Việt Nam bấy giờ là Nho học và chữ Hán. Đại diện tiêu biểu cho quan điểm này là Nguyễn Đình Chiểu. Là người giàu tinh thần dân tộc, cụ đồ Chiểu kịch liệt phản đối chữ viết thực dân và dứt khoát đòi giữ lại chữ Hán. Không những thế, cụ dường như tẩy chay mọi văn hoá ngoại lai, bất kể chúng tốt hay xấu.
Nhưng như thảy chúng ta đã biết, lịch sử đã cho câu trả lời. Chữ quốc ngữ đã được chọn và không lâu sau đã lên ngôi một cách mạnh mẽ. Hai luồng quan điểm thời bấy giờ cái nào cũng có lí của riêng nó, không bên nào chịu thua bên nào, nhưng luồng quan điểm ủng hộ chữ quốc ngữ được đông đảo mọi người đón nhận, đặc biệt là người Pháp – những người có quyền quyết định trong thời điểm này của lịch sử, nên đã thắng thế.
Thảy những điều này nói lên rằng bản sắc văn hoá là cái có thể thay đổi chứ không hề đứng yên, thậm chí nó thay đổi nhanh hơn chúng ta tưởng, và việc trang bị kiến thức lịch sử có thể giúp chúng ta tránh đi vào những lối tư duy trớ trêu và hiển nhiên sai lầm.
Nguyễn Tuấn Linh
________
- Các độc giả có thể tìm hiểu về cuốn sách "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)" bởi tác giả Phạm Thị Kiều Ly
- Một tác phẩm của tác giả Phạm Thị Kiều Ly mang tên "100 Câu Hỏi Về Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ"
- Combo 2 cuốn sách "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)" và "100 Câu Hỏi Về Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ" tại đây
________
Tài liệu tham khảo:
- Phạm, Ly Thị Kiều. Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919). Trans. Thanh Thư. Hà Nội: Văn học & Omega Plus, 2024.
- Hải Đăng. “Cải tiến ‘Tiếng Việt’ thành ‘Tiếw Việt’: Ông Bùi Hiền đã sai lầm như thế nào?” Lao Động, 28 Dec. 2017, laodong.vn/ban-doc/cai-tien-tieng-viet-thanh-tiew-viet-ong-bui-hien-da-sai-lam-nhu-the-nao-583531.ldo.
- Vũ, Nghiệu Đức. “Biểu hiện của quá trình biến đổi các tổ hợp phụ âm bl, ml, mnh, tl trong ngữ liệu chữ quốc ngữ thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX.” Khoa Văn Học, 19 July 2015, khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/hoi-thao/155-chu-quoc-ngu/5509-xzcdzxc.html
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất