"obi."
Well, bài này sẽ rất ngắn vì mình đã dành phần lớn thời gian đi tìm ảnh minh họa rồi.

Credit cho bức ảnh này thuộc về em mình, con người đã tiện tay để cái kẹo mút lên che đi phần quan trọng nhất trong ảnh.
Chiếc đai sách này được gọi là obi. Cái tên obi bắt nguồn từ những chiếc obi - khăn dùng thắt ngang lưng của những bộ kimono đặc trưng cho văn hóa Nhật. Lần đầu xuất hiện vào những năm 30 ở Nhật Bản, và đến giờ vẫn chỉ phổ biến ở quê nhà, obi lại có khá nhiều tác dụng khác bên cạnh việc trang trí đơn thuần.
Có vài lý do chính để obi tồn tại và phổ biến tới giờ.
Trước tiên, obi là công cụ quảng cáo hữu hiệu. Khi độc giả đứng trước hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn lựa chọn trong nhà sách, một chiếc bìa nổi bật với thông tin tác giả, những giải thưởng, những lời khen ngợi từ các nhà phê bình, hay số bản in cực lớn sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn, và theo đó có nhiều cơ hội được lựa chọn hơn.
Obi cũng giúp các nhà xuất bản tạo sự khác biệt cho các lần tái bản của một cuốn sách. Thay vì phải thiết kế bìa mới, chỉ thay đổi obi sẽ tiết kiệm hơn nhiều trong khi hiệu quả làm mới cuốn sách gần như không đổi.
Cuối cùng, obi giúp các nhà xuất bản Nhật thể hiện được nét đặc trưng của mình. Trái với các nhà xuất bản Âu Mỹ, nơi chỉ sử dụng obi khi cần cập nhật thông tin cho bìa sách, và in obi bằng giấy mỏng để độc giả có thể bỏ đi nếu muốn, obi Nhật Bản thường được thiết kế tỉ mỉ, gần như luôn đi kèm theo sách, in trên giấy tương tự giấy bìa và mang tính chất sưu tầm cao.
Đối với độc giả Việt Nam thì obi dường như bị coi là thừa thãi, có lẽ do sự đỏng đảnh khó bảo quản của nó. Mình thấy trừ một số ít cuốn đặc biệt của NXB Trẻ, hay một số manga của NXB Kim Đồng, thì số cuốn sách có obi ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anyways, để ý nâng niu thêm một chút để đổi lấy một cuốn sách đẹp hơn thì cũng đáng chứ nhỉ các cậu?
Cảm ơn các cậu đã đọc tới đây. Nếu các cậu thích những bài viết về sách của mình, hãy ghé thăm mình ở @rambleonbooks trên Instagram nhé.