* Bài viết kể ra dòng tự sự phim với nhiều tình tiết cụ thể, nhưng Paterson, giống như một bài thơ, giữ nguyên sự màu nhiệm của không khí và nhịp điệu thơ cho một trải nghiệm riêng của mỗi người.

Paterson, ngồi trên chiếc ghế dài màu xanh trong công viên, nhìn ra dòng thác đổ rì rầm của thị trấn Paterson. Một du khách người Nhật đến ngồi cạnh anh và nói thế này: “Đọc thơ dịch chẳng khác nào tắm mà vẫn mặc áo mưa.” Có lẽ ông muốn bảo, ngôn ngữ viết nên bài thơ mang tỏa không khí của bài thơ ấy. Paterson đáp lời người đàn ông, rằng anh hiểu. Bởi dù không nói ra, nhưng anh là một người yêu thơ mê đắm. Còn mình, chỉ rào trước cuộc hội thoại để nói rằng mình sẽ trích dẫn thơ trong phim ở ngôn ngữ tiếng Việt, nỗ lực cởi bỏ chiếc áo để đằm mình trong mưa.

Paterson mỗi ngày thức dậy vào khoảng sáu giờ sáng, lặng lẽ ngắm nhìn vợ anh, Laura, người phụ nữ xinh đẹp đang mơ màng ngủ, hôn lên làn da cô rồi bước ra phòng khách chuẩn bị bữa sáng. Hôm nay là thứ Hai, anh ngắm hộp diêm nhỏ trên bàn trong khi ăn một bát ngũ cốc Cheerios, và viết mở đầu một bài thơ:
Chúng tôi có rất nhiều diêm trong nhà
Đặt để khắp nơi trong tầm với
We have plenty of matches in our house
We keep them on hand always

Paterson thả trôi tâm trí vào cảnh vật xung quanh trên đường đi bộ tới chỗ làm. Anh là một tài xế lái xe buýt. Những dòng thơ được viết ra theo lộ trình chiếc xe buýt số 23 của anh. Một người yêu thơ làm tài xế xe buýt thì công việc sẽ thế này: lái xe, nhìn phố trôi qua bai bên đường, lái xe, nghe hai người khách ngồi sau tám chuyện, lái xe, đón một chùm nắng xiên vào cửa kính, lái xe, nghĩ về dòng thơ viết dở.
Bữa trưa, ngồi trên chiếc ghế băng dài màu xanh lục, trước mặt là dòng thác đổ, cắn một miếng sandwich Laura chuẩn bị cho bữa trưa, anh viết tiếp bài thơ, đặt tên là Love Poem - Thơ tình. 
Buổi chiều, trả xe lại bến đỗ, xách hộp cơm trưa rảo bước về nhà, trước nhà cây cột đưa thư nghiêng ngả, anh dựng lại ngay ngắn, mở xem hộp thư, có hôm chẳng có phong thư nào. Sáng thứ Ba, anh viết đoạn cuối của bài thơ đầu tiên trong tuần: 
“Đây là que diêm đẹp nhất trần đời,
thân gỗ thông mềm cao một inch rưỡi
chóp tím sẫm sần sùi, điềm tĩnh và dữ dội
và ngoan cố sẵn sàng bùng lên,
đốt cháy, biết đâu đấy, điếu thuốc của người đàn bà bạn yêu,
lần đầu, và chẳng bao giờ giống vậy được nữa
Đó là thứ chúng tôi sẽ trao.”
Đó là thứ người đã trao, ta
trở thành điếu thuốc, người là que diêm, hay ta
là que diêm và người là điếu thuốc, rực cháy
những nụ hôn âm ỉ khói bay lên trời.
“Here is the most beautiful match in the world,
its one-and-a-half-inch soft pine stem capped
by a grainy dark purple head, so sober and furious
and stubbornly ready to burst into flame,
lighting, perhaps, the cigarette of the woman you love,
for the first time, and it was never really the same
after that. All this will we give you.”
That is what you gave me, I
become the cigarette and you the match, or I
the match and you the cigarette, blazing
with kisses that smoulder toward heaven.
 

- Anh đã viết một bài thơ cho em.
- Một bài thơ tình ư?
- Hưmm, vì viết cho em, anh đoán đó là một bài thơ tình. Bài thơ lấy cảm hứng từ bao diêm Ohio Blue Tip.
- Ôi, bài thơ có nhắc đến hình chiếc loa nhỏ mà những chữ cái tạo nên không anh?
- Có, đúng là anh có viết thế.
Laura, vợ anh, buổi sáng thứ Hai mơ màng nói trong cơn ngủ: “Em vừa mơ một giấc mơ đẹp, em có hai đứa con, sinh đôi. Nếu chúng ta có con, anh có thích hai đứa sinh đôi không?”
Laura có một cặp màu yêu thích: đen và trắng. Cô đang sơn đen những nẹp cửa, ngay khi vừa mới sơn chiếc rèm tắm với màu trắng họa tiết màu đen, để “làm cho mọi thứ thú vị hơn”. Trước đó, cô vẽ lên tấm rèm cửa vải voan trắng những đường tròn đen đủ cỡ; cánh tủ bếp nền đen hình tròn trắng; khăn trải bàn có họa tiết như rèm cửa; cốc trắng đen khăn ăn đen trắng thảm trắng đen; chụp đèn màu đen vẽ hình tròn trắng, rồi bên trong hình tròn trắng vẽ hình tròn đen; vỏ gối nửa trắng nửa đen, nửa đen chấm bi trắng nửa trắng chấm bi đen; vòng tay của cô hai màu đen trắng, vòng cổ cho chú chó Marvin những đường sọc chéo trắng đen trắng đen trắng đen…
Mặc bộ đồ đen vẩy sơn trắng, Laura đang nghĩ đến việc sẽ làm mới toàn bộ ngôi nhà với cặp màu sinh đôi này. Thứ duy nhất có hai màu đen trắng trong nhà mà không phải tự tay cô vẽ là cây guitar Harlequin họa tiết quả trám mà cô mong có được ngay từ lần đầu nhìn thấy trên internet. Biết đâu cô sẽ trở thành ca sĩ nhạc đồng quê có phong cách đặc biệt, mặc một chiếc váy đen trắng với cây đàn cùng (hai) màu này. Cô tha thiết với Paterson:
- Ta không bao giờ biết âm nhạc sẽ dẫn ta đến đâu.
- Em thực sự cần cây đàn này phải không? Có lẽ em sẽ trở thành ca sĩ nhạc đồng quê một ngày nào đó. Anh không thể để nó tuột khỏi em.
Trước đó, sau giấc mơ về một cặp sinh đôi, Laura nói với Paterson:
- Nếu những chiếc bánh cup cake của em bán chạy, điều đó có thể là một dấu hiệu.
- Dấu hiệu của điều gì hả em?
- Giấc mơ của em! Có thể em sẽ có một cửa hàng bánh cupcake của riêng mình.
- Thế thì sẽ tuyệt lắm!

Paterson và Laura sống với một chú chó tên Marvin. Marvin ở nhà với Laura cả ngày cho đến tối khi Paterson đưa nó ra ngoài đi dạo.
Đi dạo? Có lẽ Marvin không đồng ý điều này cho lắm. Marvin phản đối bằng những ánh nhìn không vui vẻ gì dành cho Paterson kèm theo những tiếng sủa rức rừ mỗi lần nó thấy anh và Laura hôn nhau. Cuộc đi dạo buổi tối luôn dẫn đến cửa quán rượu, nơi một mình Marvin cô đơn với sợi xích. Nó ngồi đó, chỉ để đợi Paterson uống hết cốc bia của anh, đủ để lưu lại mùi hương phảng phất trên người mà Laura nói cô rất thích. Sáng thứ Bảy khi Paterson không phải đi làm, Marvin chễm chệ dành ghế của anh thay vì nằm trên chiếc ghế sofa êm ái của riêng nó. Một lần vào mỗi sáng nó chạy ra trước nhà chỉ để đá nghiêng cây hòm thư rồi nhanh chóng chạy vào, cái hòm thư mà Paterson phải dựng lại mỗi chiều đi làm về...

Marvin không thích Thơ tình, nó không thích Một bài thơ khác mà Paterson viết vào thứ Ba, và cũng quả quyết không thích Thơ anh viết hôm Thứ Tư, và tất tật những bài thơ khác bất kể có liên quan đến tình yêu hay không.
Tối thứ bảy, Laura vui mừng thông báo với Paterson rằng cô đã bán hết veo những chiếc cupcake trang trí họa tiết trắng đen và muốn mời anh đi xem một bộ phim đen trắng ở rạp chiếu bóng trong thị trấn. Chỉ còn Marvin ở nhà một mình, với tập thơ của Paterson để quên trên ghế. Thế là, theo đúng nghĩa đen, Marvin ngấu nghiến tập thơ bí mật của anh.
Paterson trở về nhà và phát hiện ra anh đã mất bài Thơ tình, mất Một bài thơ khác, mất cả Thơ.
Nhưng, “tôi thở bằng thơ”, nhà thơ người Nhật nói, vào buổi sáng chủ nhật Paterson ngồi rầu rầu trước dòng thác. Ông tặng cho anh cuốn sổ mà ông khoe là tập thơ ông đang viết. Paterson mở ra, toàn những trang giấy trắng: “Đôi khi, những trang giấy trắng nói nhiều hơn hết thảy.”
Một tuần mới đến, lời thơ lại vang lên trong anh, như hơi thở, như dòng thác rì rào chảy mãi.

Paterson là một bộ phim của đạo diễn người Mỹ, Jim Jarmush, ra mắt năm 2016. Dòng tự sự của bộ phim kể ra một tuần trong đời chàng Paterson yêu thơ làm nghề lái xe buýt.
Bộ phim giống như một bài thơ mà mỗi ngày trong đời chàng Paterson viết thành một khổ. Cảnh anh thức dậy bên vợ với những dải ánh sáng chiếu lên da như mở đầu đầy tính thơ cho mỗi khổ thơ - mỗi ngày của anh. 
Jim Jarmusch rõ ràng rất yêu thơ. Ông đã lưu tâm tạo ra không khí phim như một bài thơ diễn xuôi với nhịp điệu chậm rãi theo nhịp chiếc xe buýt và dòng tâm tưởng của Paterson. Cùng với đó, cao trào của bộ phim đến thật khẽ khàng và bất ngờ.
Jim Jarmusch chia sẻ ông đã viết bản nháp cho phim hai mươi năm trước khi bộ phim được thực hiện. Những bài thơ trong phim được sáng tác bởi Ron Padgett, nhà thơ đương đại Jim yêu thích, cũng là người rất có cảm tình với những bộ phim của ông. Jim cũng viết Water Falls và đưa nó vào bộ phim thông qua nhân vật cô bé mới lớn si mê ngắm nhìn vạn vật theo cách của riêng mình.
Adam Driver, diễn viên thủ vai Paterson, rì rầm đọc những bài thơ của Ron Padgett xuyên suốt bộ phim, những lời thơ như dòng thác mê mải đổ mình trong thị trấn. Nhà thơ Ron Padgett có nghi ngại rằng những giọng đọc thường phá hỏng không khí của các bài thơ, nhưng khi nghe giọng thơ của Adam Driver, ông hài lòng nói rằng những bài thơ đã thuộc về anh trong bộ phim.
Một phần bài thơ Love Poem Water Falls được dịch sang tiếng việt bởi An, một người bạn của mình. Dù khó có thể toàn vẹn, mình vẫn tin vào khả năng mang chứa, truyền tải ý thơ và không khí thơ của ngôn ngữ dịch. Bởi một lần, khi có thể tắm mình ướt sũng trong cơn mưa của một bài thơ ở ngôn ngữ gốc,  thì dịch thơ trở thành một nỗ lực tạo dựng không khí của cơn mưa đã đi qua vào ngôn ngữ mới.
Việc dịch thơ, đọc thơ, cũng như xem Paterson, rõ ràng là một trải nghiệm cá nhân. Dẫu thế, những cuộc gặp gỡ giữa các ngôn ngữ, giữa những người đọc, giữa người làm phim với khán giả vẫn luôn luôn có thể xảy ra, giống như Adam Driver đã đọc thơ của Ron Padgett như thể đó là thơ của anh vậy.
 * ảnh phim lưu từ internet