Cho những ai không còn bà nữa, giống mình...
27/5/2021
Này bạn, tớ về đây. Ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe. Ra viện mà có việc qua chợ H.C thì ghé vào nhà tớ chơi nhá. Lúc nào tớ cũng ở nhà.
Nói xong bà cụ vỗ vỗ vai mình mấy cái rồi kéo cả cái đầu mình về một phía mà hôn chụt vào má. “Tạm biệt nhá. Bai nhá” rồi tập tễnh đi dọc lối hành lang ngoại khoa dẫn ra cổng bệnh xá – những bước đi ngắn, chắc của một cụ lão đã ngoài 80 nhưng chẳng nghĩ mình già.
13/5/2021
Tan làm, trời bỗng trút cơn mưa dữ dội. Cả office bảo nhau nán lại. Vài đồng nghiệp ngỏ ý về chung xe. Tiếng ai đó rơi ngay ngoài bậu cửa: “Về cẩn thận nhé Thủy”. Tự nhiên thấy rợn rợn trong người.
Uỳnh!
Thứ gì đó đang đè lên tay mình. Đầu mình bất chợt rơi xuống rồi nảy lên trong vô thức. Mũ bảo hiểm vẫn đội chặt, nhưng sao cái chân mình đau quá. Hình như máu đang túa ra. Rất nhiều. Sau này đến trạm cứu hộ thì mọi người bảo bàn chân mình bị xiên thủng thành một lỗ rất to. (Hu hu mả mẹ cái gì đâm vào chân bà mà chọn cách gây war kỳ cục thế). Rồi ai đó chạy đến. Họ nhấc mình lên. Ơ, thế là mình vừa ngã xe à. Mình đâm vào cái xe chạy phía trước kia hay họ sang đường sai quá nhỉ? Hay tại trời mưa và mình bị cận nên không thấy gì?
Trạm cứu hộ cách đó không xa. Vết thương được băng kín sau khi sát trùng. Bác sỹ kê đơn và bảo mình mai đi làm thì qua thay băng. Mấy hôm là sẽ khỏi (wow life is so beautiful). Vậy là quyết định không gọi bố lên đón (giờ thì thấy sai quá sai). Ừ thì ông bác sĩ bảo mai đi làm được, ừ thì vẫn đủ sức để tợp hết cả hai hộp sữa tươi, đủ sức để tự lái xe về nhà nữa mà. Sức trẻ quả là kỳ diệu (hoặc là một kết luận hết sức ngờ nghệch của một tấm chiếu chưa trải mấy sự đời).
14/5/2021
Nghỉ làm. Bàn chân phải bắt đầu sưng to. Cứ đặt xuống là nó đau dữ dội. Lại nhớ trong “Memories of Murder” của chú Bong Joon-ho có phân cảnh một người phải cắt chân chỉ vì bị một cái đinh cắm vào tạo thành một cái lỗ sâu hoắm không có cách nào chữa trị được thì càng sợ tợn. Hu hu thanh niên đang tràn đầy nhiệt huyết thế này mà lại bảo què với thọt thì biết sống thế nào.
17/5/2021
Nhập viện. Kết quả chụp X-Quang cho thấy vết thương bị nhiễm trùng. Nguy cơ cắt chân không còn chỉ nằm trên film nữa. Ơ hay cái cuộc đời này, định biến mình thành một cuốn self-help hay gì.
Ở một diễn biến khác, làn sóng Covid thứ tư bắt đầu lan rộng. Các bệnh viện thành phố ngừng tiếp nhận bệnh nhân. Việc ốm lúc này đúng là thất sách. Bạn không thể/ không có quyền lựa chọn bệnh viện nào để khám/ chữa. Bạn cứ đi và hy vọng một vài slot nào đó vẫn còn. Thế là gia đình đưa bạn vào đây, một trung tâm ý tế huyện mà ngày thường bạn vẫn hay gọi đùa là Viện Dưỡng Lão, nơi bệnh nhân chỉ toàn là người cao tuổi, đội ngũ y tế thưa thớt và dịch vụ nghèo nàn.
Rồi xong. Mười hai ngày nằm viện là mười hai ngày chiến đấu với kháng sinh, những cơn đau nhức về đêm và những chiếc khẩu trang dùng cả trong khi ngủ. Ngày đều đặn hai lần chích thuốc, nắn dịch, thay băng rồi lại uống thuốc. Bệnh xá tự nhiên “hot” trong một nốt nhạc chỉ vì nó “an toàn” trong tình cảnh này. Toàn bộ bệnh nhân được yêu cầu ký cam kết không trốn khỏi bệnh viện (ủa chứ đi viện hay đi tù?).
Thực ra đợt này nằm viện khá thích. Bệnh xá không tiếp nhận người nhà vào thăm để hạn chế dịch bệnh nên bệnh nhân có cơ hội giao tiếp với nhau nhiều hơn thay vì vừa nằm vừa thều thào kể lại một câu chuyện cũ rích với từng đợt người lố nhố thăm nom. Vả lại nếu một câu chuyện nhạt nhẽo mà cứ phải tua đi tua lại mấy lần một ngày thì kể không ốm cũng thành ra ốm. Như đã nói ở trước, bệnh nhân của bệnh xá chủ yếu tầm tuổi dự “hội nghị diên hồng” nên sự sinh hoạt cũng có nhiều thứ hay ho lắm. Buổi tối các cụ đi ngủ rất sớm nên làm gì cũng phải nhẹ nhàng, đi vệ sinh thì cứ theo tác phong các cụ là ưu tiên dùng bô cho nó tiện. Mình đau chân nên tất nhiên là cũng chả dại gì mà không hòa chung vào không khí ấy. Cụ nào khỏe còn xung phong đi đổ bô cho các bạn yếu hơn, mở đóng ngoặc đám yếu hơn ấy có mình vì (again) mình không đi được (đấy là những hôm không có mẹ ở lại ngủ cùng vì hết giường, mà bệnh xá gần nhà nên bố mẹ vẫn tranh thủ đi về được). Ban ngày thì rảnh hơn, khi không phải tiêm hoặc truyền gì thì mình tranh thủ đọc sách, kể cũng nhã lắm, ngoại trừ những lúc đi thay băng về chỉ muốn lao đầu vào gối rồi ko tỉnh lại nữa. Ai bảo “đi qua những ngày mưa mới thấy yêu thêm những ngày nắng” vậy? Mưa nắng gì mà ko phải thay băng với tiêm chọc là mình cũng chịu à.
24/5/2021
Mình đã gặp một người rất giống Bà Nội. Hay đó là Bà Nội trong một hình hài khác. Mình không chắc nữa. Nội là người bà duy nhất mình có vì cả Ông Nội và Bà Ngoại đều đã mất trước khi mình ra đời. Ông Ngoại thì mất khi mình còn quá nhỏ nên ký ức về ông chẳng có gì nhiều. Kể từ ngày Bà mất cũng đã hơn hai năm. Hai năm mà mình thấy như hai mươi năm vậy. Ngày bà mất mình đang trên lớp dạy thêm, dạy xong lẳng lặng xin về. Cũng không rơi nổi một giọt nước mắt. Dạo sau khi bà mất, thi thoảng có ấm ức mình hay nhìn lén di ảnh của bà rồi khóc, như một cách kể lể. Cứ thút thít một lúc rồi thôi. Thế nên, ở trong sâu thẳm mình biết mình vẫn luôn thèm khát thứ tình thương của bà Nội lắm.
Rồi bà xuất hiện, với chỉ một vết thương ở ngón chân cái và luôn cho rằng so với cái bàn chân của mình vết thương ấy chỉ như một vệt mèo cào. Buổi tối, mỗi khi thấy mình cựa nhiều trong giấc ngủ, bà thường bảo mẹ ngồi dậy bóp chân cho mình: “Chị dậy xoa chân cho cháu đi, xin ít nước nóng trườm vào, đắp thêm chăn ở phần trên cho con đỡ lạnh”. Không hiểu sao lúc ấy mình hoàn toàn hết đau, mắt nhòe đi rồi ký ức về Bà Nội cứ thế kéo về không chờ ai rủ. Hóa ra tình thương của Nội là như thế, là lo lắng cho cháu những buổi có cỗ không thấy qua ăn lại lén lút để phần, là những đồng quà vặt những ngày cắm trại giấm giúi cho thêm, là những miếng bánh để dành chờ cháu đi học về sẻ nửa, là cái quạt tự đan, là cái túi tự khâu, là cái chổi tuốt từ cọng rơm đem ngoài chợ bán, là khi cháu gái đích tôn chạy đến mách rằng bố mẹ mắng chỉ vì cháu không phụ bán hàng. Rồi bà sẽ xoa đầu, lôi một cái gối dự phòng nữa ra và một vốc kẹo sắc màu với đủ hình dạng kích cỡ: “Nằm xuống nào, tối nay ngủ lại đây, mai bà xử lý.”
Ở viện những ngày rỗi rãi đọc sách mình hay nhìn trộm bà, thấy hoặc là mắt bà đang lim dim ngủ, hoặc là đang ngáy rất to, trông vừa đáng yêu lại vừa giống trẻ con nữa. Chiều nào hai đứa cháu bà cũng lên chở bà về nhà tắm giặt, ăn uống, rồi lại chở bà ngược ra viện ngủ để sáng mai có mặt điểm danh đầu giờ như một bệnh nhân nội trú mẫu mực.
27/5/2021
Hôm nay bà cụ ấy ra viện. Dù ngày mai cũng đến lượt mình nhưng vẫn thấy bị buồn gì đâu. Cả tối qua bà với hai đứa cháu đã lục tục gói ghém đồ đạc để chuẩn bị sáng nay làm thủ tục xong là về thẳng. Bà bảo tớ khỏe rồi, về còn chiến đấu với bọn trẻ con đang không được đi học vì covid. Khoảnh khắc bà kéo mình vào lòng, cùng mấy cái hôn chụt chụt vô tư vào má, tự nhiên mắt đỏ hoe. Vội quay người qua một bên để bà không nhận ra mình đang sắp khóc.
13/6/2021
Tròn một tháng kể từ ngày “gặp nạn”, mình đã có thể lóc cóc đi lại nhẹ nhàng cả ở nhà lẫn ở công ty. Thế nhưng dù cho vết thương đã lành mà trong lòng vẫn còn vương mãi mùi bệnh xá. Ký ức về một chuỗi ngày tuy “đau đớn” thật sự, nhưng lại giúp mình tìm thấy một thứ cảm xúc xa xỉ mà mình đã vô thức đánh rơi. Nói thì bảo cliché, nhưng mình luôn tin mình là một ngôi sao may mắn. Cố thêm một chút là cuộc sống lại thú vị ngay mà.
Khoảng thời gian ưa thích nè
Khoảng thời gian ưa thích nè
Bà nội Găngxtơ sáng hôm ra viện đây, LV hẳn hoi nhé
Bà nội Găngxtơ sáng hôm ra viện đây, LV hẳn hoi nhé
Hình chụp hôm chuẩn bị ra viện. Không liên quan nhưng đứa bạn bảo cái quần này trendy vl
Hình chụp hôm chuẩn bị ra viện. Không liên quan nhưng đứa bạn bảo cái quần này trendy vl