Chuyện Thiền: Từ hiểu sai đến thực hành đúng
Thiền cũng từng chạm ngõ mình bằng hình thức Sampling - một phương thức bán hàng trong Marketing.
Thông tin mình chia sẻ trong bài viết này hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân, không có dẫn chứng khoa học. Với bài viết mang tinh thần “Newbie”, mình hy vọng bạn sẽ tìm thấy một điểm chạm để hiểu đơn giản nhất về thiền. Có khi những thứ nguyên sơ nhất chính là tất cả những gì mà bạn muốn tìm kiếm.
Không ai khuyên hoặc ép buộc mình thiền, mà mình chủ động thực hành để thúc đẩy sự phát triển bản thân. Mình thiền sau khi phát khởi sự tỉnh thức. Nguyên do mình đến với thiền diễn ra tự nhiên, khiến mình thay đổi từ không quan tâm sang chú tâm, từ nghĩ không phù hợp đến khi thực hành đều đặn như một thói quen.
Hiểu về Thiền: Từ chưa đúng đến đúng
Ai đó từng cho rằng “Trên thế giới có hai loại người, người tin vào tâm linh và người đặt nhiều hơn vào những điều khoa học kiểm chứng.” Mình có xu hướng là thành phần thứ hai. Mình có niềm tin vào tâm linh, có tín ngưỡng, nhưng mình khá rạch ròi khía cạnh này với cuộc sống thực tiễn. Thiền là một pháp môn tu hành có nguồn gốc từ Đạo Phật, nên mình từng mặc định thiền là thực hành tâm linh, một hoạt động sinh hoạt Tôn giáo. Lầm tưởng này là rào cản ngăn mình bắt đầu thiền.
Thiền có nguồn gốc từ Á Đông, sau đó du nhập vào văn hoá Phương Tây. Hiện nay, Thiền đang là một liệu pháp tinh thần ở Pháp, Mỹ,… Là người Á Đông yêu giá trị truyền thống, nhưng một phần trong phong cách sống của mình đang chịu ảnh hưởng của văn hoá Phương Tây. Ở đây, người ta có những tín ngưỡng riêng, họ tìm đến thiền như một liệu pháp tìm về bên trong chính mình. Khi biết được điều này, mình đã thay đổi góc nhìn và bắt đầu tìm hiểu về thiền một cách cởi mở hơn.
Thiền là hoạt động có suy nghĩ. Mình biết còn nhiều người vẫn nghĩ thiền là không được suy nghĩ hoặc cố gắng không suy nghĩ. Trong một nghiên cứu, một người có khoảng 6200 suy nghĩ trong một ngày. Làm sao tẩy não hàng nghìn suy nghĩ, theo hướng phản khoa học như thế được? Đây là câu hỏi của mình. Còn đây là câu trả lời: Thà cứ suy nghĩ rồi uống một viên Panadol còn hơn bắt ép chính mình không được suy nghĩ. Vì mình từng hiểu sai như thế, nhưng không sao. Hiểu sai thì rồi cũng hiểu đúng. Chỉ cần giữ tư duy một cách cởi mở.
Mình đã nghe giải đáp như thế này khi hỏi thiền là gì: Thiền là trạng thái khiến chúng ta chủ đích thiền. Khi suy nghĩ đến, không cố ngăn. Khi suy nghĩ đi, không níu giữ. Chúng ta lấy hơi thở làm đối tượng quan sát. Hơi thở là đối tượng kết nối cơ thể với tâm thức. Nó hoạt động khi có sự điều khiển lẫn khi không. Chúng ta không thể điều khiển trái tim, lá phổi, dạ dày,… về việc nó có hoạt động hay không. Nhưng cánh tay, đôi chân, cái miệng, cặp mắt,… thì hoạt động dựa trên sự điều khiển.
Nhiều người đang Thiền thế à?
Mình không chủ đích tìm hiểu Thiền là gì? hay Lợi ích của Thiền là như thế nào? Mình thừa nhận, đáp án của những thắc mắc cứ đến với mình một cách tự nhiên. Nó đến từ yếu tố bên ngoài.
Julia Cameron là tác giả của phương pháp Morning Page (Trang viết buổi sáng) có trong cuốn sách thay đổi cuộc đời mình. Cô là nghệ sĩ hoạt động trên 30 năm với vai trò nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch. Trong The Artist’s Way (12 Tuần phóng thích năng lượng sáng tạo), cô đã đề cập đến thiền với vai trò tái tạo năng lượng để làm mới sự sáng tạo vốn có của người nghệ sĩ.
Trong cuốn sách Deep Work, Cal Newport nhắc đến quá trình làm việc sâu của những nhân vật nổi tiếng. Một vài trong số họ chia sẻ, họ kết hợp thiền trước hoặc sâu giai đoạn làm việc sâu, để sắp xếp hoặc rà soát lại những gì vừa làm.
Khi tìm về phương pháp phát triển bản thân trong môi trường tập thể, mình biết đến Google có hẳn một chương trình thiền “Search insight yourself” từ năm 2007, hay Steve Job thực hành thiền và đưa bộ môn này vào tập đoàn Apple.
Einstein Einstein chia sẻ: Điều thực sự có giá trị là trực giác. Thông qua thiền định, tôi đã tìm thấy câu trả lời trước khi hỏi câu hỏi. Ông có thể phát triển các lý thuyết mới bằng cách dành thời gian thiền định. Một hoạt động tưởng chừng như đơn giản lại có tác dụng lớn đến thế. Khi tâm trí bừa bộn với đủ loại suy nghĩ, rất khó để tìm ra giải pháp cho một vấn đề, viết một bài luận, một bản nhạc hoặc bất cứ điều gì bạn hy vọng đạt được.
Lần đầu chạm ngõ sự vi diệu của Thiền
Nhiều người thực hành thiền không phải là động lực lớn nhất, để mình bắt đầu thiền. Điều tuyệt vời của người này chưa hẳn cũng tuyệt vời với người khác. Đối với mình, phải tự mình trải nghiệm những điều tuyệt vời, thì mới biết có phù hợp hay không.
Trong Marketing có một phương pháp tiếp thị, là dùng mẫu thử (Sampling). Tức là nhãn hàng và người tiếp thị sẽ cho người mua trải nghiệm sản phẩm trước khi họ đưa ra quyết định. Thay chỉ cho hoặc nghe hoặc thấy sản phẩm. Ở cách tiếp thị này, tỉ lệ chuyển đổi mua hàng khá cao. Thiền cũng từng chạm ngõ mình bằng hình thức “Sampling” này. Sự tuyệt vời mà nhiều người có được khi chủ đích thiền, thì đến với mình trong lúc viết nhật ký.
Sau đó, nửa tin nửa ngờ, mình tham gia khoá học thiền chánh niệm Online của Coach For Life, dưới sự hướng dẫn của Coach Quách Hương và anh Thanh Tùng. Mục đích ban đầu, mình muốn biết thiền là gì. Trong 14 ngày học, lý thuyết chẳng có là bao, mà tập trung vào hướng dẫn thực hành. Muốn biết về thiền, tìm hiểu về lý thuyết ít thôi, phải tự mình trải nghiệm. Cũng từ trải nghiệm đó, mình mới quay về “minh oan” cho những hiểu sai của mình về thiền. Đó là những điều mình đã chia sẻ với bạn ở phần “Hiểu về thiền: Từ chưa đúng đến đúng” phía trên.
Mời bạn đọc thêm bài viết tại Phuongminhwriter.net nhé
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất