Để mở đầu cho chủ đề này, tôi muốn khẳng định rằng, bài sau đây mang tính cá nhân cao, bởi chính người viết cũng từng trải qua những cảm xúc và khó khăn dưới đây. Bài viết này phần nhiều nói về những lập luận của cá nhân về năng lực nói chung trong môi trường học đường và ảnh hưởng của chúng. Những vấn đề ngoài lề, xin được hẹn dịp khác.
I. CÁI NHÌN BAO QUÁT

1.Cạnh tranh, cội rễ từ đâu?

Có thể nhận thấy, sự cạnh tranh lớn nhất trong trường học đến hiện tại là cạnh tranh về năng lực với nhau, nhằm mục đích chứng minh giá trị của bản thân với xã hội; phần lớn trong số chúng là cuộc chạy đua về năng lực ở mọi mặt của đời sống: học tập, thể thao, kĩ năng, tài lẻ,...

2. Tiềm năng, tiềm lực và năng lực.

Tuy nhiên, năng lực là tiềm lực đã bộc lộ một phần cùng với rèn luyện, từ đó, nâng cao khả năng của cá nhân trong các lĩnh vực nhất định. Có thể nói, khẳng định năng lực bản thân là một trong những bước đầu để trở nên thành công, bên cạnh vô vàn yếu tố ngoại vi khác, thể nhưng là yếu tố quan trọng nhất, cuộc đua này thật không cân sức khi có những cá thể có khả năng vượt ngoài tầm trung bình và biểu hiện đầu tiên ta được tiếp xúc là điểm số.
Tiềm năng, hay tiềm lực ngược lại, không được thể hiện nhiều dưới dạng thành tích. Có thể ví chúng như một nguồn năng lượng được nén lại, chưa thể được giải phóng, và cần một xúc tác để bùng nổ thành năng lực. Với bản thân tôi, câu “Genius is one percent inspiration and ninety-nine percent perspiration” của Thomas Edison, chữ inspiration không chỉ đơn thuần được hiểu theo mặt cắt là “may mắn” mà đại bộ phận người hiểu cụm từ này như là “may mắn khi có tiềm năng lớn” được gán dưới dạng “thông minh”. Trong bất cứ trường hợp nào, thông minh thường được cho là biểu hiện qua tư duy rành mạch khi chưa rèn luyện, hoặc là sự thụ đắc nhanh kiến thức hơn mức trung bình.
II.TƯƠNG QUAN GIỮ MAY MẮN VÀ RÈN LUYỆN
Mục này có sự tham khảo một số bài viết khác của các tác giả trên Spiderum

1.Từ sự may mắn, cố gắng

Đầu tiên, nên khẳng định chúng ta sinh ra không có tiềm lực như nhau, về lĩnh vực cũng như phẩm chất. Thế nên, đòi hỏi mục tiêu chung cho mọi người là việc gần như không thể, ví như không thể bắt con cá chạy đua với con báo, cũng đâu thể bắt con báo thi lặn với con cá. Nhưng trong bình diện cùng phẩm chất, rèn luyện mang lại một lợi ích lâu dài trên cơ sở nền tảng kiến thức tích luỹ, còn tiềm lực mang lại lợi ích về đà khởi đầu rất cao. Để dễ hiểu, rèn luyện là làm đến quen một kỹ năng, để phục vụ cho (trong chặng ngắn) học tập. Có thể thấy, để nhuần nhuyễn một dạng bài tập, cần đầu tư nhiều thời gian và công sức cho cùng một hành động mang tư duy một chiều, nhưng ngược lại, khi gặp chút ít thay đổi cần tư duy, tiềm lực đóng một vai trò không hề nhỏ trong thành tích chung của toàn bài. Trên cùng, kỹ năng là thứ có thể rèn luyện, còn tiềm năng là không thể.

2. Đến cào bằng, một bĩ cực của công bằng

Vì thế đòi hỏi một mặt bằng chung cho mọi học sinh dường như là điều không thể. Hơn nữa, vừa có thể làm nhụt chí của học sinh giỏi, khi em phải chờ những bạn khác; bên cạnh đó, lại tạo áp lực cho những bạn không may sinh ra với tiềm năng thấp hơn mặt bằng chung. Từ đó cũng có thể hiểu, đòi hỏi sự thành công như nhau cho mỗi người là vô lý, vì nếu ta cào bằng tất cả mọi người, liệu còn sự đột phá; hơn nữa, mức trung bình nằm ở đâu để không quá nhiều người phải cố. Nếu thấp quá, liệu có bất công cho những cá nhân nổi trội; nếu cao, bao nhiêu rèn luyện để bù vào khoảng 1% may mắn kia. Nếu sự công bằng giả tạo được duy trì theo ý nghĩa “Tạo điều kiện như nhau cho mọi người” Liên Xô đã không là quá khứ.

3. Câu trả lời cho sự đòi hỏi

Khoan bàn về tiềm năng toán học hay văn học, 2 loại thông minh được xem trọng ở nước ta dù không hoàn toàn là 2 loại duy nhất, hãy lấy Cristiano Ronaldo làm ví dụ. Có những lộ trình tập luyện như CR7, những công thức ăn uống như CR7, thậm chí chủng tộc như CR7, thế giới vẫn ngóng chờ một Cristiano Ronaldo thứ 2. Vì theo một số nghiên cứu, chuyển hoá và hệ cơ xương khớp của anh ta là hoàn hảo cho việc đá bóng, tạng người phù hợp cho vận động cường độ cao,... Tổng hoà của những thứ đó khiến anh ta trở nên khác biệt. Nếu không đòi hỏi lò La Masia tạo ra một Messi đệ nhị hay làng túc cầu tạo ra Pele con, thì tại sao lại tạo một tiêu chuẩn chung để đánh giá năng lực của học sinh?
III. KỲ VỌNG VÀ THẤT VỌNG

1. Môi trường học đường

Trong môi trường cạnh tranh cao như môi trường học đường, nhất là trong quá trình nguồn lực trẻ đang dồi dào nhưng quy mô nền kinh tế lại không theo kịp tốc độ phát triển. Học sinh phải thực sự cố gắng rất nhiều, không phải từ những năm cấp 3, mà là lớp 7 lớp 8. Ở lứa tuổi đó, rất ít trẻ nhận thức được thực sự kỳ vọng mà xã hội đặt lên chúng; chỉ biết nếu vô trường L, trường P (tác giả học tập tại TP.HCM) hay bất kì trường nào trước tên có chữ Chuyên thì đột ngột đường sự nghiệp sẽ rạng rỡ. Như một hệ quả tất yếu, kỳ vọng lên sự cố gắng của chúng khi bỏ ra quá nhiều thời gian, công sức là vô cùng lớn. Từ đó, dễ hiểu tại sao rớt cấp 3, một cụm từ ít được nghe ở các nước phát triển, lại nặng nề đến vậy.

2. Đánh giá từ ngoại cảnh

Như ví dụ ở phần II và những ảo vọng quá lớn, có thể nhận thấy: kỳ vọng đặt ra để trở thành một ai đó là viển vông (Đối với những người không có tiềm lực), nhưng sự phấn đấu để đến mục tiêu đó lại đáng tuyên dương. Chỉ vì xã hội nhìn vào kết quả với không một chút suy xét về quá trình đã khiến những cố gắng kia trở nên dang dở. Thế nhưng, xét trên mô hình lớn hơn, sự cố gắng của một cá thể nếu ít mang lại lợi ích thì nó là sự cố gắng vô nghĩa, nếu đem so với một cá nhân có cả tiềm năng và sự chịu khó thì sự hiệu quả lại quá chênh lệch. Vì thế quan điểm nào cũng có lý, chỉ là cách ta chấp nhận sống theo lối nào, có rèn luyện nữa hay không.

3. Cái giá của kỳ vọng

Cuối cùng, để khẳng định lại về kỳ vọng và thất vọng, người viết muốn nêu quan điểm rằng: dù có cố gắng, nhưng cố gắng không tiềm năng là cố gắng vô vọng. Ngược lại, kẻ mang tiềm năng lại mang thêm tâm lý biếng nhác, cũng sẽ thành kẻ bất tài.
III. ĐỊNH HƯỚNG

1. Lộ trình chung và mơ ước của đám đông

Lộ trình bao gồm: Mầm non, cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học, thạc sĩ, cử nhân,.... Đã trở thành thước đo chung gần như cho cả xã hội về đóng góp của con người cho xã hội. Mấy ai mơ được là công nhân, làm nông dân đâu, mục tiêu của con em ta gần như chỉ trong nhóm ngành tri thức, những công việc bàn giấy hay mang lại không danh vọng thì tiền tài. Vì xã hội ta trọng kiến thức? Người viết không cho rằng như vậy, tâm lý ta sợ cái nghèo chứ không trọng cái giàu. Và những công việc bị cho là nhàm chán và thiếu tính tư duy thường không được đánh giá cao ở nước ta, thế hiện qua mức lương được nhận. Đồng ý rằng luận điểm dưới đây không thực sự có luận cứ, nhưng theo nhu cầu thị trường, hẳn là những ngành ít người làm được, đòi hỏi tay nghề cao, nhu cầu xã hội cao như: Dev, Bác Sĩ, Coder, Kĩ sư phần mềm,... có con số thu nhập hết sức ấn tượng là điều dễ hiểu. Nhưng, đồng nghĩa với điều đó, kĩ năng của những cá nhân làm trong lĩnh vực đó sẽ phải vô cùng lớn, đòi hỏi nhiều công sức và tư duy. Thế nhưng, thật mỉa mai, ngành càng khó, càng kén chọn lại càng có nhiều người theo.
Xu hướng chung của một đám đông có thể thao túng tư duy, điều đó là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, việc lên án những ngành nghề bị cho là thấp kém, không đáng đầu tư lại khiến nguồn lao động đi lệch hướng khỏi quỹ đạo nhu cầu xã hội. Ví dụ ở một số ngành nóng, bộ phận lớn người học không thực sự có tiềm năng đủ lớn để cạnh tranh những người may mắn được được sinh ra với lợi thế đặc biệt hơn người.

2. Góc nhìn từ lớp chuyên (đã bỏ cuộc)

Dễ thấy nhất là ngành lập trình, không phải ai cũng thực sự giỏi trong việc viết những dòng code và tối ưu chúng, hoặc có chăng chỉ là quen với lối tư duy trong viết lệnh cho họ lợi thế tạm thời trong các cuộc thi. Bên cạnh đó, cùng với việc giảng dạy hệ chuyên tin trong môi trường THPT đã khiến cho nhóm ngành này cạnh tranh hơn bao giờ hết. Xét trên nhiều mặt, cạnh tranh là tốt khi cung cấp một môi trường đào thải nhanh để chọn lọc những cá nhân ưu tú nhất; mặt khác, môi trường cạnh tranh cao lại loại đi những cá nhân có tiềm năng thực sự, còn đà để phát triển trong tương lai. Nhưng nếu dung túng cho sự thiếu chuẩn bị, thiếu rèn luyện, xã hội lại chứa chấp cho một thiên tài biếng nhác, và đó lại là một nguy cơ lớn hơn.
V. TRƯỜNG CHUYÊN LỚP CHỌN
16 năm sống trên đời, quá nửa số đó là để (cố và thất bại) vào trường chuyên

1.Trường chuyên, chức năng và mặt trái

Chuyện ở trường cũng chẳng khác mấy, cũng thật dễ hiểu rằng: người làm công tác giảng dạy thường ưa chuộng những học sinh có tiềm năng hơn, hay cụ thể hơn là khả năng hiểu bài, tư duy thụ đắc nhanh hơn những bạn cùng trang lứa. Vì dẫu làm công việc gì, sự hiệu quả luôn là liều thuốc thúc đẩy việc duy trì công việc đó. Trước khi trách sự thiên vị, hãy tự hỏi rằng liệu ai mà mong muốn những câu hỏi đã được nhai đi nhai lại cả chục lần, ai cũng muốn công việc thật suôn sẻ, không rào cản. Vì thế, để thấu hiểu được chân lý: mỗi cá thể là độc nhất thực sự khiến nghề giáo là một trong những ngành đáng kính nhất. Thế nhưng, sự khác biệt ấy nhiều lúc bị xem nhẹ, nhất là khi sự đồng hoá lên ngôi trong một xã hội trong quy tắc. Có thể thấy, tính cá nhân hoá trong giáo dục là điều xa xỉ khi học sinh trong một lớp là quá đông ở hệ thống giáo dục công lập. Còn ở dân lập, 20 em/ lớp cũng là quá nhiều để sự cá nhân hoá diễn ra.
Tôn trọng khác biệt không chỉ là tôn trọng những ý kiến trái quan điểm, mà còn là tôn trọng những tiềm năng có và không có của cá nhân người học. Từ đó, sự cá nhân hoá giáo dục ra đời như một cứu cánh cho học sinh chưa khám phá ra tiềm năng bản thân; đáng buồn thay, sự cá nhân hoá này lại tạo ra nhiều thêm những áp lực dường như đã quá nhiều từ kỳ vọng.

2. Từ kế hoạch đến bế tắc

[1]Chương trình THPT chuyên, cụ thể là các lớp chuyên là một nỗ lực chuyên biệt hoá từng nhóm người học có tiềm năng khác nhau. Phục vụ công tác giáo dục và tạo những bước đà cho người học nhằm phát triển tiềm năng thành kĩ năng. Bằng những bước sàng lọc ban đầu mà chủ yếu là thi tuyển, sự xác định mức độ và loại tiềm lực được hoàn thành qua tổ hợp các môn (tuỳ từng địa phương). Dù mục tiêu ban đầu là tốt đẹp, rằng để trang bị kiến thức chuyên sâu cho những người thực sự có năng thực để hiểu và áp dụng, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng (rất cao) cho nền kinh tế. Nhưng việc biến nó thành định hướng để tranh tài với những bạn có tiềm năng cao hơn lại tạo ra một áp lực đáng kể lên học sinh. Xin được mạn phép ví việc thi học sinh giỏi trong các thành phố và quốc gia như Đấu trường La Mã thế kỉ XXI, vì mục đích cuối cùng là tìm ra người có năng lực cao nhất. Hơn nữa, việc xếp hạng dựa trên một đề thi cào bằng lại đi ngược với tôn chỉ chọn lọc theo năng lực ban đầu.
VI. SUY NGHĨ KẺ THUA CUỘC
Đôi lời tâm sự cuối bài của kẻ thất bại
Bên cạnh những yếu tố nói trên, một động lực khác để môi trường học đường thêm phần cạnh tranh là Matthew Effect. Không cần phải nói quá nhiều vì đã có rất nhiều nghiên cứu và cách tiếp cận từ hiệu ứng này, nên tôi chỉ đề cập áp dụng nó trên quy mô trường học.
Như đã đề cập ở mục V, chúng ta khuyến khích những cá nhân có thành tích cao và mong muốn những cá nhân chưa đạt được thành tích phải thật cố gắng. Nó khai thác trực tiếp vào tâm lý mưu cầu công nhận của con người, vì thế, tỏ ra hiệu quả trong thời gian dài áp dụng. Tính hiệu quả được thể hiện qua các chỉ số học sinh giỏi, khá hằng năm luôn vượt chỉ tiêu, số học sinh đạt giải Olympic của nước ta thuộc vào những nước cao... Nhưng không vì thế mà bỏ qua được những mặt trái cố hữu, dù đã xuất hiện quá nhiều vẫn chưa được khắc phục.
Mặt trái dễ nhận ra là tư duy hình thức khi mà khao khát được công nhận vượt qua giá trị thực tế kiến thức mang lại thì sẽ tồn tại những con điểm ảo, không sát với thực tế năng lực của học sinh, thông qua các phương pháp gian lận. Hơn nữa, áp lực kỳ vọng đặt lên các em sẽ không tạo ra bất kì niềm ham thích kiến thức nào, mà chỉ là căng thẳng kéo dài.
Hơn nữa, việc phân chia nguồn lực không đồng đều tạo ra sự  bất công trong môi trường giáo dục, dẫn đến chênh lệch trình độ giữa học sinh mang tiềm năng cao và thấp ngày càng rõ rệt. Trên bình diện rộng hơn, nguồn lực tập trung vào 2 loại thông minh chính là thông minh ngôn ngữ và thông minh logic tạo ra sự phân bố tài nguyên không đồng đều ở các cá nhân gây ra sự thiếu hụt nhân tài ở nhiều lĩnh vực ít được quan tâm của xã hội. Vì thế, chất lượng của những “hạt giống” ở các lĩnh vực xu hướng càng giảm, trong khi số lượng tăng; ngược lại, ở những ngành ít được quan tâm hơn, số lượng người học ngày càng giảm do tiềm năng không được khai phá đúng mức.
Bên cạnh đó, không phải học sinh nào cũng đủ nhiều tiềm lực về trí tuệ để đi đến hết chương trình, nhất là khi đó là chương trình THPT chuyên, bản thân người viết cũng đã trải nghiệm qua. Do đề thi đầu vào không quá thách thức khi so sánh với khối lượng kiến thức mà học sinh phải nạp vào. Không dừng lại ở đó, tâm lý cào bằng nội dung học giữa các trường chuyên top 1 và các trường khác có cùng hệ chuyên cũng không hề dễ chịu, nhất là khi sự so sánh là thường xuyên diễn ra giữa các trường với nhau.
Và trên hết, dưới góc nhìn của học viên, sự cạnh tranh sẽ gây nên peer (group) pressure[2] chứ không hẳn là một nguồn động lực lâu dài và bền vững. Tệ hơn, sự hiểu sai lệch không tác động trực tiếp lên những người lãnh đạo, mà đã phá huỷ tiềm năng rất lớn từ lớp trẻ. Chuyện học ngoài được ca ngợi như con đường dẫn đến sự thông thái thì giờ đây, lũ trẻ nhìn nó với con mắt chán chường, làm thui chột đi những giá trị hiện hữu và bền vững sự học mang lại, giá trị đó to lớn hơn sự cạnh tranh trống rỗng mà một số cơ sở giáo dục tạo ra
Chú thích:
[1] Mục tiêu của chương trình giáo dục THPT chuyên được quy định tại điều 2 chương I tại Quy chế ban hành kèm theo thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, do nguyên bộ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký. Trong thông tư không kèm theo điều này, những lập luận trên được đưa ra dựa trên cảm nhận và đánh giá của học sinh chuyên.
[2] Áp lực gây ra trong một nhóm (thường là trẻ em) về việc ứng xử hoặc hành động theo cách mà cả nhóm ứng xử (tạm dịch theo từ điểm Cambridge online). Xin được phép cắt nghĩa rằng: trẻ bị áp lực để cố gắng chạy theo đám đông để đuổi kịp