*Bài viết tổng hợp một phần nội dung đợt 1 của chương trình tập huấn về bình đẳng giới thực chất và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của CEPEW Team thực hiện tại Đại học Thái Nguyên với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương (CFLI), diễn ra vào tháng 10/2020. 
Nội dung bài viết bao gồm:
1. Bạo lực và nguyên nhân gốc rễ
2. Những điều chúng ta đã bỏ qua khi nói về bạo lực

Bạo lực và nguyên nhân gốc rễ

Bắt đầu chương trình, chúng mình gợi ý thảo luận về một ví dụ: 
M là sinh viên đại học, em có lớp học bổ sung vào buổi tối. Sau khi kết thúc lớp học, em và bạn ra bãi gửi xe để đi về. Bạn đi cùng M cảnh báo: “Trường mình dạo này nhiều biến thái lắm đấy. Trên group khoa có mấy bài đăng bảo đêm nào cũng có người gặp.” Vừa nói xong, 2 em nghe tiếng huýt sáo đâu đấy nên sợ hãi, vội vàng lấy xe ngay. Vừa đi qua đoạn công trường đang sơn sửa của trường, một người đàn ông lao ra với hành động (như hình dưới) khiến 2 em hoảng hốt, loạng quạng rồi ngã. Hôm sau kể lại với các bạn trong lớp, M nhận lại tiếng cười: ''Ai bảo chúng mày đăng ký học tối làm gì?" "Là do bạn mặc váy ngắn nên biến thái nghĩ bạn hứng thú đấy bạn ơi, hahaha''
Bạn nghĩ, trong tình huống trên:
- Có những hành vi bạo lực nào?
- Ai là nạn nhân, ai là người gây ra bạo lực?
- Những tác nhân nào gây ra hành vi bạo lực?
Theo phản hồi tại các buổi tập huấn, chúng mình nhận thấy đây là tình huống diễn ra khá nhiều trong đời sống và rất có thể ai đó trong chúng ta đã từng nghe hoặc gặp phải. Hành vi trong tình huống được gọi tên là "phô dâm" - một chứng bệnh tâm lý nhưng trong thực tế, rất nhiều hành vi tương tự chưa được đặt tên cũng đã xảy ra, như: bị chạm vào bộ phận nhạy cảm lúc đi đường, bị huýt sáo, buông lời trêu ghẹo hay thậm chí là gạ gẫm, cưỡng hiếp,... Các nạn nhân trong nhiều trường hợp có thể phải hứng chịu tình trạng: victim-blaming (đổ lỗi cho nạn nhân) như nhân vật M trong ví dụ trên.
Với CEPEW team, tất cả những hành vi đó đều được gọi là hành vi bạo lực.

Vậy bạo lực là gì?

Bạo lực được Liên minh phòng chống bạo lực (VPA) định nghĩa là "việc cố ý sử dụng vũ lực hoặc quyền lực, dù là đe dọa hay thực tế, với bản thân, người khác hoặc với một nhóm hoặc cộng đồng, dẫn đến hoặc có khả năng cao dẫn đến thương tích, tử vong, tổn hại tâm lý, kém phát triển hoặc bị tước đoạt quyền". [1]
Bạo lực xảy ra khi xuất hiện mâu thuẫn trong phương thức hay chiến lược đáp ứng nhu cầu giữa các cá nhân, cá nhân - tổ chức và thậm chí cá nhân - xã hội.  Bạo lực là hệ quả của việc mất kết nối hay còn được mô tả như điều tất yếu xảy ra khi giao tiếp từ bản chất không được thực hiện. 
Một trong các nguyên tắc thực hành về Non-Violent Communication - NVC (giao tiếp phi bạo lực) là công nhận những nhu cầu phổ quát của đối tượng giao tiếp và chấp nhận chiến lược hay cách thức đáp ứng nhu cầu của mỗi người có thể không giống nhau. Những nhu cầu đó là nhu cầu bản năng, hoàn toàn thuần khiết và giúp kiến tạo một trạng thái hài lòng như: được yêu thương, được an toàn, được học, được vận động, được tôn trọng, được lắng nghe,... Khi chúng mình tham khảo ý kiến học viên về những yếu tố trong một cuộc sống lý tưởng, các bạn thường đề cập đến những ước mơ như: có thật nhiều tiền, có người yêu, môi trường không bị ô nhiễm, ăn nhiều mà không béo,... Tất cả những điều đó thoạt nhìn có thể được hiểu là nhu cầu nhưng về bản chất chỉ là những cách thức để đáp ứng nhu cầu tầng sâu. Lấy ví dụ, việc bạn mong muốn ăn nhiều mà không béo có thể là tổng hòa của nhu cầu được tự do trải nghiệm (cụ thể là ẩm thực) và nhu cầu được công nhận (về mặt sắc đẹp). Hay khi có người mong muốn có thật nhiều tiền, chúng mình đặt thêm câu hỏi: Bạn nhận được điều gì hoặc cảm thấy như thế nào khi có nhiều tiền? Câu trả lời là: tự do làm điều mình muốn và bạn bè ngưỡng mộ. Đấy chính là nhu cầu tự do ra quyết định và được công nhận.
Như vậy, hầu hết chúng ta đều có những nhu cầu giống hệt nhau và không hề xung khắc với nhau. Bạo lực xảy ra khi chúng ta đồng nhất chiến lược và nhu cầu phổ quát ẩn sâu và xuất hiện bất đồng trong chiến lược/ phương thức đáp ứng những nhu cầu đó. Vì vậy, lý thuyết để hạn chế bạo lực là không giới hạn khả năng đạt được nhu cầu chỉ trong một chiến lược duy nhất. Việc lựa chọn và đưa ra nhiều phương thức không chỉ giúp bạn tự do trải nghiệm mà còn giúp bạn có cơ hội tìm được những phương thức đáp ứng nhu cầu hài hòa với người khác. Trong 5 ngôn ngữ tình yêu (language of love) của Gary Chapman, một người có thể có nhiều hơn 2 cách thức để cảm thấy "được yêu". [2] Để cảm thấy mình được yêu thương, một bạn gái cho rằng những lời động viên chân thành và khoảng thời gian chất lượng có thể hiện thực hóa điều đó. Bạn trai của cô gái đó lại cho rằng, ngoài những lời động viên, mình cần được ôm ấp hay thậm chí là sex. Nếu bạn trai quá bận rộn và bạn gái đang ngại việc sex, hai người vẫn có thể đáp ứng nhu cầu yêu thương tới đối phương bằng lời nói thay vì chì chiết những điều cả hai đang bị cản trở.

*Về bạo lực trên cơ sở giới (gender-based violence - GBV)

Chủ đề của buổi tập huấn xoay quanh về GBV, do đó, chúng mình cũng xin phép được đề cập một phần nội dung này trong bài viết.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người Tị nạn (UNHCR), bạo lực trên cơ sở giới (BLG) là bạo lực nhằm vào một người trên cơ sở đối xử phân biệt giới hoặc giới tính. Nó bao gồm các hành động gây hại hoặc gây đau đớn về thể xác, tinh thần hay tình dục, gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành vi này, sự cưỡng bức và tước đoạt tự do dưới các hình thức khác nhau. BLG có thể gây hại cho cả phụ nữ, trẻ em gái, trẻ em trai và nam giới. [3]
Đe dọa bao lực có thể là đe dọa làm tổn thương ai đó về thể chất hoặc đe dọa từ chối các quyền lợi. Cưỡng bức là các hành vi hăm dọa, lừa dối, thao túng nhằm mục đích ngăn cản ai đó đưa ra lựa chọn với đầy đủ thông tin hoặc thực sự đồng ý với một quyết định nào đó. [4]
Ngoài khái niệm này, Ủy ban Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử đối với Phụ nữ (CEDAW) cũng phát triển khái niệm về BLG như sau:
“BLG là một hình thức phân biệt đối xử; bạo lực nhằm vào một phụ nữ vì người đó là phụ nữ hoặc gây ra sự mất công bằng đối với phụ nữ. BLG bao gồm các hành  động gây đau đớn về thể xác, tinh thần hay tình dục, bao gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành động này, sự cưỡng bức hay tước đoạt tự do dưới các hình thức khác nhau.” (CEDAW, 1992)
Trên cơ sở khuyến nghị của CEDAW, Tuyên bố về Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ 1993 (DEVAW) nêu rõ bạo lực dựa trên cơ sở giới là:
“Bất kỳ một hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới mà gây tổn hại hoặc đau đớn cho phụ nữ về mặt về thân thể, tình dục hoặc tâm lý, kể cả việc đe dọa thực hiện những hành động như vậy, sự ép buộc hay tước đoạt sự tự do, cho dù xảy ra ở nơi công cộng hay cuộc sống riêng tư.” (Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 1993).
BLG có thể xảy ra dưới các dạng: 
- Thể chất: hành vi gây ra các chấn thương về thể chất và các vấn đề sức khỏe.
- Tình dục: hành vi tình dục hoặc cố gắng thực hiện hành vi tình dục mà không có sự đồng ý của người đó.
- Tâm lý: hành vi lạm dụng tâm lý, chẳng hạn như kiểm soát và cưỡng chế.
- Kinh tế: hành vi gây ra những tổn hại kinh tế cho ai đó, như từ chối các nguồn lực hoặc quyền tiếp cận các dịch vụ. Chúng ta thường bỏ qua dạng bạo lực này khi tiếp cận và xử lý các tình huống thực tế.
Nguyên nhân gốc rễ của BLG là các chuẩn mực giới có từ lâu đời và bất bình đẳng quyền lực. Chuẩn mực giới xác định vai trò, trách nhiệm, cơ hội, đặc quyền và giới hạn của mỗi giới và định hình các mối quan hệ quyền lực. Trong cuộc sống, quyền lực liên quan trực tiếp đến các lựa chọn, vì vậy những người có ít quyền lực - chẳng hạn như trẻ em và phụ nữ - có ít lựa chọn hơn và dễ bị tổn thương hơn trước BLG.
Các chuẩn mực giới, trong đó nam tính được cho là phải hung hăng và làm chủ, còn nữ tính thì phải thụ động và phụ thuộc, cũng khiến việc bình thường hóa bạo lực bị duy trì lâu dài hơn. [5]
BLG có thể xảy ra trong suốt cuộc đời của một người, từ lúc sơ sinh đến tuổi già, ví dụ như: [6]
Trước khi sinh: Nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính; đánh đập trong quá trình mang thai với các ảnh hưởng về tình cảm và thể chất đối với phụ nữ, ảnh hưởng đến kết quả sinh đẻ; mang thai ép buộc (ví dụ hiếp dâm hàng loạt trong chiến tranh)

Sơ sinh: Tục giết trẻ sơ sinh gái; lạm dụng tình cảm và thể chất; sự phân biệt trong chế độ dinh dưỡng và chăm sóc y tế cho trẻ sơ sinh gái.

Thời thơ ấu: Tảo hôn; cắt bỏ bộ phận kích dục (như âm đạo và bao quy đầu); lạm dụng tình dục bởi các thành viên gia đình và người lạ; sự phân biệt trong chế độ dinh dưỡng và chăm sóc y tế đối với trẻ em gái; mại dâm trẻ em.

Thời niên thiếu: Bạo lực hẹn hò; ép buộc tình dục; lạm dụng tình dục ở nơi làm việc; hiếp dâm; quấy rối tình dục; mại dâm ép buộc; buôn bán người.

Tuổi sinh sản: Lạm dụng bạn tình; hiếp dâm trong hôn nhân; lạm dụng và giết người vì của hồi môn; giết bạn tình; lạm dụng về tâm lý; lạm dụng tình dục tại nơi làm việc; quấy rối tình dục; hiếp dâm; lạm dụng người khuyết tật

Tuổi già: Lạm dụng phụ nữ hoặc đàn ông góa; lạm dụng người cao tuổi

Những điều chúng ta đã bỏ qua khi nói về bạo lực

Ẩn sâu dưới các hành vi bạo lực "nhìn thấy được" 

Đôi khi trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng cần một ai đó gây ra một hành động nào đó mang tính bạo lực, chúng ta mới thấy bị tổn thương. Chúng ta có thể tổn thương ngay cả lúc không nhìn thấy rõ những tác nhân gây bạo lực. Nhưng những cảm xúc đau khổ, xấu hổ, tội lỗi hay sợ hãi vẫn xuất hiện.

Ví dụ, trong một đêm tối, khi đang lái xe đến một ngã tư đèn đỏ, bạn lờ mờ nhận thấy vài người trong bộ quần áo ánh vàng, bạn run sợ cho rằng có "chốt" phía trước và thở phào khi nhận ra đó chỉ là những cô chú lao công ca tối. Khoảnh khắc đó bạn có trải nghiệm như một đứa trẻ đang bị "ông kẹ" dọa nhưng để lý giải tại sao thì bạn không thể. 


Hai hình trên mô tả một cấu trúc bạo lực dưới dạng một tảng băng trôi với phần nổi là những hình thức bạo lực trực tiếp có thể thấy được như đánh đấm, mắng mỏ, chì chiết, đe dọa,...  Tuy nhiên, điều chúng ta vẫn thường bỏ quên là phần chìm bị ẩn sâu bao gồm Bạo lực văn hóa (Cultural Violence), Bạo lực cấu trúc (Structural Violence) và sâu hơn nữa là những sang chấn chưa được chữa lành (unhealed trauma) có thể trải dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, không gian này sang không gian khác. 
Bạo lực văn hóa có thể là những nỗi sợ, cảm giác yêu ghét, thương tiếc,... hằn sâu bên trong mà chúng ta mặc định là bẩm sinh vốn đã có như: ghét bọn Tung Của, không chấp nhận lũ Tàu Khựa, người Việt mình kém, thấy cảnh tăng thương mà không cảm động là đồ máu lạnh, nghèo là khổ....
Bạo lực cấu trúc được thể hiện qua các yếu tố về điều kiện sống, tiếp cận thông tin, quy chuẩn về giàu nghèo,... Trong các buổi tập huấn của CEPEW team, một vấn đề được các Nhóm Tiên phong (nhóm hoạt động vì quyền của người dân tộc thiểu số) thường đề cập là tình hình xây, sửa hệ thống giao thông ở các tỉnh vùng cao. Suốt 10 năm, người dân ở xã A gặp khó khăn trong việc di chuyển đến bệnh viện, trường học vì đường sá không được tu bổ, xuống cấp chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng. Điều này vô tình khiến người dân khó tiếp cận đến giáo dục, y tế.
Và theo, Galtung: Cái làm tăng khoảng cách giữa TIỀM NĂNG và THỰC TẾ, hoặc hạn chế làm giảm khoảng cách giữa TIỀM NĂNG và THỰC TẾ, nhằm ngăn chặn con người hiện thực hóa tiềm năng của họ chính là Bạo lực.

Một người chịu những áp lực thăng tiến, kiếm tiền ở ngoài có thể thực hiện những hành vi bạo lực lên những người trong gia đình (nơi họ tự do và an toàn thể hiện hơn), những người yếu thế, phụ thuộc khác. Những người đó lại vô tình tự bạo lực chính mình và những người yếu thế hơn - thường là trẻ nhỏ. Ví dụ khác được lấy trong buổi tập huấn là: 
Một người phụ nữ ở tỉnh H. phải phá thai tới 18 lần để sinh được con trai cho nhà chồng vì chồng là con trưởng. Chị chia sẻ: “Từ ngày tôi lấy chồng đến giờ, vì cuộc sống gia đình nghèo khó nên vô cùng vất vả. Tôi đẻ 3 lần đều là con gái, chúng tôi cố gắng để có con trai nhưng vẫn không thể được. Đẻ người con thứ 4 vẫn là con gái, tôi vô cùng chán nản và có ý định tử tự, bỏ lại tất cả, đến độ tôi không buồn cho con bú.” Đau đớn thay, chính người chồng cũng không hề thông cảm mà thậm chí còn ngày ngày đi tìm kiếm một đứa con trai ở ngoài với những người phụ nữ khác. Nhiều lần vợ chồng chị cãi nhau, thậm chí là đánh nhau khiến mâu thuẫn gia đình càng trở nên căng thẳng. Tuyệt vọng, chị cho rằng đến cuối đời, cuộc sống của vợ chồng chị sẽ chẳng còn gì vì cả ngày hai người chẳng nói với nhau câu nào. (theo Kenh14)
Người vợ trong trường hợp này chịu bạo lực từ người chồng và từ đó vô tình bạo lực chính mình cũng như những đứa con. 
Bạo lực kéo dài xuyên suốt cả không gian, thời gian, thế hệ, xuyên văn hóa, có tính tiếp diễn. Bạo lực không chỉ áp lực đơn lẻ, mà đè nén chồng nhau. Bạo lực ở khắp mọi nơi và diễn ra ở nhiều tầng nấc khác nhau. Dù là người bị ảnh hưởng hay tác nhân gây ra thì chúng ta đều là nạn nhân của bạo lực.

Rape Culture (Văn hóa quấy rối) - một dạng bạo lực vi tế

Rape Culture (tạm dịch là văn hóa quấy rối) là những hành vi bạo lực theo giới tính thường được xã hội "bình thường hóa" thể hiện qua một số khía cạnh chính như trêu ghẹo (sex/rape jokes), đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming), vật hóa (objectification) và miệt thị ngoại hình (body shaming).
Khi nói về Sex/Rape Jokes chúng ta có thể nghĩ đó là những biểu hiện "cao xa" nào đó mà bỏ qua rằng: việc thốt lên những từ ngữ như "ngon quá" khi ai đó mặc một bộ đồ sexy cũng có thể làm họ cảm thấy khó chịu. Đôi khi, tiếng huýt sáo hay tiếng gọi vọng theo: "em ơi, lên xe anh đèo", "xin được rụng trứng",... cũng vậy.
Những năm gần đây, Victim Blaming không còn là cụm từ quá xa lạ. Quay lại tình huống ban đầu, việc M bị các bạn cười ghẹo "do mặc váy ngắn quá", "do đi tối" có thể làm M cảm thấy xấu hổ, lạc lõng và thiếu an toàn. Điều này về lâu dài khiến em đánh mất sự tự tin chia sẻ trải nghiệm cá nhân hoặc tố cáo các hành vi nguy hiểm.
Nguồn: Kênh 14
Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân còn dẫn đến việc nạn nhân của bạo lực tự đổ lỗi cho chính mình một cách vô thức, trong khi họ không phải là nguyên nhân gây ra bạo lực.

Vật hóa là việc đánh giá phụ nữ/đàn ông chỉ bằng sự hấp dẫn hình thể/tình dục, hoặc quy giản phụ nữ/đàn ông về những bộ phận cơ thể mời gọi dục vọng mà không coi họ như một con người đầy đủ.
Và thuật ngữ còn lại là body shaming - miệt thị ngoại hình. Đây là thuật ngữ chỉ việc dùng ngôn từ miệt thị để chê bai hay chế giễu ngoại hình của người khác (hoặc bản thân), khiến cho người đó cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm (dùng một khuôn mẫu về hình thể/sắc đẹp làm thước đo để phê phán).

Demonizing (Ác quỷ hóa)

Khi nói đến các hành vi bạo lực, điều mà chúng mình nhận thấy ở các buổi tập huấn là cách xử lý: lấy bạo lực đối phó bạo lực. Một trong số đó là xu hướng ác quỷ hóa (demonize) người gây ra hành vi bạo lực. Các bình luận như: "đánh chết nó đi", "loại này giết không tha", "vả vào mồm đi", "quỷ chứ không phải người", "kinh tởm loại này"... có thể xuất hiện ở bất cứ bài đăng nào xuất hiện hành vi bạo lực. Chúng ta vẫn hay đùa: "kẻ bị tổn thương lại đi làm tổn thương người khác" nhưng điều đó đã và đang xảy ra hàng ngày trong cuộc sống.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, bạo lực luôn có tính tiếp diễn, nếu không dừng lại quan sát và chọn cách xử lý hòa bình và khoan dung, những nỗi đau sẽ chồng chất nỗi đau. Những tổn thương có thể tạm thời được xoa dịu nhưng đồng thời một tổn thương khác có thể xảy ra nếu chúng ta lựa chọn giải pháp bạo lực. Và như tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã nói: Bức xúc không làm ta vô can. Chúng ta vừa là nạn nhân cũng vừa là nguyên nhân của bạo lực. Buổi tập huấn có thảo luận về việc: Có nên bỏ án tử hình? mở ra rất nhiều ý kiến đa chiều. Tuy chưa có kết luận nhưng chúng mình đều đồng ý rằng: 
Bạo lực không thể giải quyết ngày một ngày hai được. Dù trong một số trường hợp cần biện pháp can thiệp tạm thời hoặc tác động ngay lập tức nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ qua những phương thức có giá trị lâu dài, bền vững.
Cuối cùng, chúng mình mong bạn có thể tham khảo livestream hướng để hỗ trợ giải quyết vấn đề bạo lực tầm cấu trúc ở đây nhé.
Nguồn tham khảo:
[3] Liên Hợp Quốc (2014), Tài liệu thảo luận của Liên Hợp Quốc về Bạo lực trên cơ sở giới, trang 12
[4] UNHCR (2016), SGBV Prevention and Response - Training Package (Module 1), trang 16
[5] Liên Hợp Quốc (2014), Tài liệu thảo luận của Liên Hợp Quốc về Bạo lực trên cơ sở giới, trang 14
[6] UNFPA (2007), Nghiên cứu rà soát các chương trình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam, trang 15-16