Trong quá khứ, tiêu thụ nhiều đồ là cánh cổng đến với tầng lớp thượng lưu. Đó là cách chúng ta chứng tỏ mình “cool” (kun ngầu). Khoảng vài thập kỷ trở lại đây, khi những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững được đem ra ánh sáng, đặc biệt là lời cảnh báo về biến đổi khí hậu và một thế giới ngập tràn rác thải nhựa, “cool” không còn đơn giản là tiêu thụ nhiều đồ. Không. 
“Cool” hiện giờ là tiêu thụ đồ đạc có thể tái sử dụng. Bảo vệ môi trường và lối sống bền vững đã trở thành một xu hướng thời thế chứ không còn là lời giảng của thầy cô nữa.
Ống hút tre? Check. 
Túi giấy? Check.
Nếu bạn hay ghé thăm Starbucks, chắc hẳn bạn cũng để ý mỗi cửa hàng đều bày bán một dãy bình nước và ly inox sáng choang. Các quán trà sữa cung cấp một cơ số quai vải bên cạnh hàng loạt cốc nhựa take-away, và thay vì đựng snack trong túi nylon, nay một số cửa hàng tiện lợi “khuyến mãi” cho khách hàng các túi giấy sử dụng nhiều lần.
“Bền vững” hay “sustainability” giờ đây là một chiến thuật bán hàng, xây dựng thương hiệu và dán mác sản phẩm có chủ đích để thu hút người tiêu dùng. Còn tiêu dùng đã luôn là phương tiện để ta đạt được hạnh phúc, khoái cảm, căn tính cá nhân và cảm giác có nghĩa kể từ thế kỷ 18. Chỉ khác là chúng ta đang ở thời đại mà ô nhiễm môi trường và sự thoái hóa của văn hóa — kinh tế đang đến nhanh hơn bao giờ hết. Với cương vị “người tiêu dùng”, ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo dòng chảy: trở thành những “người tiêu dùng bền vững” hơn.
Ảnh: Unsplash.
Thực tế, trong vòng đời của mình, chúng ta không bao giờ sống mà không sử dụng bất kỳ tài nguyên nào cả. Bản thân sự hiện diện đậm đặc của chủ nghĩa tiêu dùng trong đời sống hiện đại càng chứng tỏ rằng: việc theo đuổi một lối sống bền vững hoàn toàn là bất khả. Con người không muốn dậm chân tại chỗ; họ muốn tăng trưởng. Theo đó, ngành công nghiệp bền vững mới được sinh ra cũng không hoàn toàn phục vụ cho mục đích thuần khiết mà nó vin vào. Ống hút tre và túi giấy thì vẫn cần chặt cây để sản xuất. Những nhà tư bản “xanh” hiện đại chỉ nói cho ta cách làm sao để duy trì lối sống tiêu dùng một cách bền vững trong khi tăng trưởng không ngừng.
Vậy chúng ta có nên thanh lý hết đồ đạc và chuyển vào rừng sâu mà sống? Thực sự mình không có ý định chỉ trích xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thân thiện và bền vững hơn sản phẩm truyền thống, bởi ít nhất, đó là một dấu hiệu cho thấy con người đã quan tâm hơn một chút đến sức khỏe địa cầu. Mình chỉ băn khoăn rằng nếu như sự tăng trưởng là không thể tránh khỏi, liệu chúng ta có thể làm tốt hơn? Đâu mới là cách hiệu quả nhất để giảm bớt dấu tích vật chất của xã hội loài người?
Bài báo này của The Guardian đề xuất một giải pháp mình cho rằng khá thú vị và đánh trúng vào bản chất. Đó là tiêu dùng chậm, và tốt hơn hết thì hãy giảm thiểu trước khi tái sử dụng. (Chắc hẳn đây cũng là lý do tại sao Reduce đứng trước Reuse trong mô hình 3 R’s.) Mấu chốt chỉ nằm ở hai điều:
(1) Tận dụng tối đa đồ đạc mình hiện có trước khi mua sắm các vật dụng không cần thiết.
(2) Yêu thương những món đồ nhiều hơn.
Có thể chúng ta sẽ không đảo ngược được những hủy hoại hệ sinh thái môi trường — văn hóa — kinh tế đã rục rịch lăn bước từ thời đại công nghiệp (và có thể là trước đó nữa). Nhưng bằng cách sống giản đơn hơn, chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai dài hơi của loài người và những sinh vật khác cùng cư ngụ trong ngôi nhà chung.
Tương lai đó bắt đầu từ việc ngày hôm nay, bạn tự hỏi bản thân trước khi “mở ví” cho bất kỳ món đồ nào: liệu mình có thực sự cần nó không?