Ai trong chúng ta cũng đều một lần nghe đến câu chuyện cổ tích Tấm Cám nổi tiếng, và cũng đều được các giáo viên phân tích về từng nhân vật. Trong câu chuyện, Tấm được nhận định rằng cô là một người hiền lành, dễ mến. Theo các bạn trẻ hiện tại, Tấm được xem là một cô “bánh bèo”, nhu nhược chỉ biết khóc lóc khi bị chèn ép. Nhưng, liệu có thật sự là như vậy chăng?
Image result for tấm cám minh họa


ĐIỂM LẠI CÁC SỰ KIỆN TRONG TRUYỆN TẤM CÁM
Trong câu chuyện, có nhiều lần Tấm bị chèn ép và đa số các lần đó nàng đều khóc cho đến khi Bụt xuất hiện giúp đỡ. Dưới đây là một số sự kiện điểm lại:
  1. Từ đầu truyện, Tấm đã bị Dì ghẻ bắt làm nhiều công việc gia đình và đồng áng. Phản ứng của Tấm lúc này là luôn ngoan ngoãn làm theo lời Dì bảo.
  2. Tiếp đến là sự kiện Cái áo yếm. Dì ghẻ muốn cho con mình cái yếm nhưng lại sợ chòm xóm dị nghị, bèn bảo Tấm và Cám cùng đi mò cua bắt ốc với giải thưởng là cái yếm cho người bắt được nhiều hơn. Tấm siêng năng hơn, bắt được nhiều hơn nhưng bị Cám lừa “đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về Dì mắng” gội đầu dưới ao để Cám ăn trộm hết số tôm cá mà Tấm bắt được. Phản ứng của Tấm lúc này vẫn là im lặng chấp nhận sự phán xử cái áo yếm thuộc về Cám của Dì ghẻ.
  3. Dì ghẻ lừa Tấm ra đồng xa để ở nhà thịt mất con cá bống. Phản ứng của Tấm lúc này là khóc thương cho con cá vốn là bạn của mình.
  4. Tấm tìm xương, được gà chỉ cho thấy với điều kiện cho nó một nắm thóc. Phản ứng của Tấm khi nghe gà có thể tìm thấy xương cá là vung cho gà một nắm thóc.
  5. Dì ghẻ bắt Tấm phân loại thóc và đỗ, ngăn cho Tấm đến vũ hội cung đình. Phản ứng của Tấm lúc này là cố gắng nhặt rồi sau đó ngồi buồn tủi mà khóc.
  6. Tấm khóc lóc với Bụt vì quần áo của mình rách rưới, không dám đi xem hội.
  7. Tấm đánh rơi giày dưới sông khi đi đến hội. Phản ứng của Tấm là gói chiếc còn lại vào khăn rồi tiếp tục đi đến hội.
  8. Tấm nhớ giỗ cha, rời Hoàng cung về nhà làm giỗ. Dì ghẻ lừa Tấm trèo lên chặt cau, ở dưới đốn ngã gốc cau khiến Tấm chết.
  9. Tấm hóa thành vàng anh bay vào cung bảo với Cám: “Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.”
  10. Sau ba lần bị Cám đàn áp, giết hại, Tấm hóa thành khung cửi chửi rủa: “Kẽo cà kẽo kẹt/Lấy tranh chồng chị/Chị khoét mắt ra.”
  11. Tấm hóa thành quả thị vào ở chung với bà lão, mỗi ngày đều dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng cho bà.
  12. Tấm sống với bà lão, ngày ngày têm trầu cánh phượng cho bà lão bán. Một hôm được vua ghé thăm nhận ra cách têm trầu nên được đón về cung.
  13. Tấm trả thù Cám bằng cách lừa Cám “tắm trắng”, dội nước sôi khiến Cám chết.
  14. Tấm trả thù Dì ghẻ bằng cách lấy thịt Cám làm mắm rồi gửi biếu Dì ghẻ, để bà tự tay ăn thịt con mình rồi khi biết sự thật liền uất lên mà chết.
Có thể thấy rằng xuyên suốt 14 sự kiện chính xảy ra trong câu chuyện, mức độ phản ứng của Tấm ngày càng tăng dần theo thời gian, tương ứng với mức độ độc ác của hành động chèn ép, giết người của mẹ con Dì ghẻ. Trong đó chỉ có hơn nửa đầu truyện là Tấm còn tỏ ra “bánh bèo” với phản ứng hoặc im lặng hoặc khóc lóc buồn tủi. Điều này chỉ rõ sự thật rằng Tấm không hề nhu nhược mà có sự biến chuyển tâm lý rất hợp lý trong suốt câu chuyện.
TẤM CÓ THỰC SỰ “HIỀN”?
Về căn bản, việc một người thường xuyên im lặng trước sự áp bức và khóc tủi thân không có nghĩa là họ nhu nhược. Điều này có lẽ đã khiến nhiều người hiểu lầm về bản chất và tính cách của họ, cũng giống như trong truyện Tấm Cám vậy. Để nói rõ hơn về vấn đề này, chúng ta có thể dựa trên 14 sự kiện đã nêu phía trên để phân tích sâu thêm một chút:
Image result for tấm cám minh họa


  1. Tấm tháo vát, làm được nhiều công việc đồng áng. Trong suy nghĩ của người hiện đại có thể sẽ lựa chọn phương án bỏ đi, làm công cho người khác sống qua ngày. Nhưng bối cảnh truyện vẫn còn có Vua, nên lúc này hẳn vẫn là thời phong kiến. Mà thời phong kiến thì chỉ khi con gái đi lấy chồng mới dứt khỏi được gia đình.
Tấm im lặng làm việc liệu có phải vì nàng đang chờ đợi cái cơ hội mình sớm được gả đi chăng? Hơn nữa, trong truyện không nói đến việc xóm giềng lên tiếng cho Tấm. Vậy nghĩa là Dì ghẻ cùng Cám đã thảo mai rất giỏi, hoặc Tấm không đi than vãn với ai về việc mình bị ức hiếp. Lý do nàng không tri hô lên, có phải là vì nghĩ đến việc Dì ghẻ và Cám vẫn còn là mẹ kế và em kế của mình hay chăng?
  1. Tới sự kiện cái áo yếm, người đọc có thể hiểu rõ hơn về bản chất của Dì ghẻ và Cám. Dì ghẻ muốn cho con mình cái yếm đỏ mới, nhưng lại làm một cách khôn khéo để tránh việc làng xóm bảo mình thiên vị con đẻ. Cha mẹ ở với con cái bấy lâu chẳng nhẽ lại không biết tánh tình của nó? Có lẽ Dì ghẻ đã hiểu rõ Cám sẽ ham chơi, và Tấm sẽ chăm chỉ bắt tôm cá. Nhưng bà cũng biết rằng Cám khôn, khôn lỏi và ranh mãnh như mình nên sẽ tìm cách “lật kèo” với Tấm. Nếu không hiểu rõ được tính tình của hai đứa con, Dì ghẻ đã không đặt ra cái điều kiện quá dễ dàng tới vậy cho Tấm.
Về phần Cám, tính cách ăn sẵn của cô nàng đã được thể hiện ra rõ rệt. Tính cách của Cám là tính cách khôn lỏi, lưu manh và ma mãnh của những kẻ đầu đường xó chợ. Cám lười biếng, ích kỷ và mưu mô. Nhưng không có nghĩa rằng Tấm không biết điều đó. Sống trong sự chèn ép bấy lâu, có lẽ Tấm đã hiểu được phần nào bản chất của mẹ và em kế mình rồi.
Thế nhưng vì sao Tấm lại im lặng và chỉ ngồi khóc tủi? Tấm khóc tủi chẳng phải vì cái yếm đỏ, nàng biết rõ yếm đỏ chỉ thuộc về Cám. Mà thậm chí có thể Tấm cũng biết được Cám sẽ làm những gì với nàng rồi. Nàng khóc là khóc cho phận mình, khóc cho việc mình bị đối xử như một con tốt thí. Khóc vì không thể lên tiếng thông tri cho chòm xóm biết mình bị ức hiếp, vì Dì ghẻ là tuyên bố, thẳng thừng, rằng sẽ cho cái yếm đỏ nếu ai bắt được nhiều tôm cá hơn. Mà người ta rõ ràng đã thấy phần thắng thuộc về nàng, bởi những gì nàng đã thể hiện trong thời gian qua. Thế nhưng lần này Tấm lại là kẻ mang giỏ không về nhà! Công sức mình bị cướp đi thì chớ, chòm xóm lại dị nghị mình lười biếng vô dụng. Nàng sẽ phân trần được gì khi bằng chứng quá rõ ràng như vậy, cách Dì ghẻ “ra đề” lại “thiên vị” nàng đến thế? Nàng còn thấu hiểu sâu sắc rằng nếu tiếp tục ở với mẹ con Dì ghẻ, Tấm sẽ chẳng bao giờ được thừa nhận năng lực làm việc của mình. Thế nên khi nhìn chiếc giỏ không Tấm khóc, là khóc cho những điều đó đấy thôi. Và cũng chính vì thế, mà khi Tấm trở về liền không bát nháo, không phân trần gì về điều mà Cám đã làm với mình.
Related image


  1. Tấm bị mất con cá bống, nàng lại ngồi khóc. Nhưng lần này có lẽ nàng chẳng khóc cho bản thân mình nữa, mà khóc cho sinh mạng của cá bống đã bị mất đi. Tấm đã hiểu chuyện đến mức im lặng khi bị Cám lừa dối trong sự kiến cái yếm đỏ, thì nàng cũng đủ thông minh để biết người sát hại cá bống là ai. Nhưng câu chuyện chỉ ngừng ở đoạn Tấm “biết có chuyện không may xảy ra với Bống” rồi òa khóc, nghĩa là nàng chẳng khóc vì bị Dì ghẻ ức hiếp lần nữa, hay khóc vì bản thân mình có số phận hẩm hiu, mà khóc vì cá Bống đã chết. Ấy là việc khóc thương cho một người bạn của mình đấy thôi.
  2. Phản ứng của Tấm khi nghe gà có thể tìm thấy xương cá là ngay lập tức vung cho gà một nắm thóc. Điều này chứng tỏ Tấm khá rộng lượng và sẽ không ngại trả giá để đạt được mục đích. Ở với Dì ghẻ bấy lâu, bị chèn ép đủ điều, liệu Tấm có được phép vung vãi thóc cho gà ăn như thế? Thế nhưng để đạt được mục đích kiếm lại xương của cá Bống, Tấm đã ngay lập tức trả công cho gà trước khi nó tìm được điều nàng muốn. Nếu có bản tính lươn lẹo, hẳn Tấm đã bảo gà tìm cho ra xương rồi “quỵt lương” luôn rồi.
  3. Dì ghẻ bắt Tấm phân loại thóc và đỗ, ngăn cho Tấm đến vũ hội cung đình. Phản ứng của Tấm lúc này là cố gắng nhặt rồi sau đó ngồi buồn tủi mà khóc: Có thể nói phản ứng của Tấm lúc này chia làm hai giai đoạn “Cố gắng thực hiện bằng sức mình” và “Nhờ người khác giúp đỡ”. Tấm không nhờ đến người khác trừ khi nàng nhận ra được công việc này thực sự không vừa sức với nàng.
  4. Tấm khóc lóc với Bụt vì quần áo của mình rách rưới, không dám đi xem hội: Quả thực, Tấm rất khéo. Nàng khéo ở cái chỗ hiểu rõ địa điểm nào nên mặc trang phục nào, trong khi từ đầu truyện đến cuối truyện, Tấm chẳng hề than vãn việc mình ăn mặc rách rưới. Cái thứ đến là nàng biết lựa người mà khóc để nhờ vả, bởi nàng đã thấy và hiểu năng lực của Bụt, nên có cậy cũng chỉ cậy đến Bụt đấy thôi.
  5. Tấm đánh rơi giày dưới sông khi đi đến hội. Phản ứng của Tấm là gói chiếc còn lại vào khăn rồi tiếp tục đi đến hội: Không phải Tấm thèm khát chơi bời đến rơi giày cũng không thèm nhặt đâu nhé, nếu mà thế thật thì nàng đã chẳng “gói chiếc giày còn lại vào khăn” làm gì. Tấm gói giày vào khăn là để phòng trừ trường hợp có ai đó nhặt được giày, và mình thì có bằng chứng để nhận lại. Có điều đời Tấm lên hương khi người nhặt giày lại là ông Vua thôi ấy mà LOL
    Related image


  6. Tấm nhớ giỗ cha, rời Hoàng cung về nhà làm giỗ. Dì ghẻ lừa Tấm trèo lên chặt cau, ở dưới đốn ngã gốc cau khiến Tấm chết: Tình tiết này là cái nổi bật nhất để nói về sự biết điều của Tấm, đúng thật, nàng hết sức biết điều. Tấm còn biết điều hơn là khi làm hoàng hậu rồi, giỗ cha nàng vẫn về để làm đám với hai mẹ con mẹ kế vì nàng hiểu được cái giỗ chạp là chuyện Gia-Đình, mà về mặt pháp lý thì mẹ kế vẫn là vợ hợp pháp của bố nàng. Tấm có thể tự tổ chức giỗ cha trong cung một mình nhưng tại sao vẫn phải về nhà? Đó là vì Tấm biết điều, Tấm coi trọng bố mình hơn việc phải quay lại, chung chạ với những kẻ đã chèn ép mình và ức hiếp mình.
  7. Tấm hóa thành vàng anh bay vào cung bảo với Cám: “Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.”: Từ chi tiết này thì Tấm đã bắt đầu có sự biến chuyển tâm lý, nàng bắt đầu “đánh tiếng” với Cám, để Cám biết đường mà lui. Cái sự biết điều của Tấm càng thể hiện rõ nét hơn thông qua việc này, luôn để đường lui cho người khác bằng việc đánh tiếng, nhắc nhở họ trước khi ra tay hành động trả thù.
  8. Sau ba lần bị Cám đàn áp, giết hại, Tấm hóa thành khung cửi chửi rủa: “Kẽo cà kẽo kẹt/Lấy tranh chồng chị/Chị khoét mắt ra.”: Tấm đã cố đánh tiếng hòng mong Cám quay đầu, thế nhưng Cám lại thiếu hiểu biết đến độ năm lần bảy lượt giết Tấm. Điều kì lạ là sau ba lần bị giết, Tấm mới khẳng định Cám muốn “lấy tranh chồng chị”? Liệu có phải nàng đã cố gắng cảnh báo Cám trước con đường tranh chồng này nhưng bị Cám liên tục mặc kệ, nên mới đi đến kết luận Cám cố ý lấy tranh chồng mình chăng?


  9. Tấm hóa thành quả thị vào ở chung với bà lão, mỗi ngày đều dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng cho bà: Sau tình tiết vung thóc cho gà, Tấm lần nữa thể hiện mình là một con người sống rất biết điều. Ở nhà ai thì trả lễ nhà ấy, thậm chí bà lão chỉ hái thị về để ngửi hương thơm chứ không hẳn là cưu mang gì Tấm, nhưng nàng vẫn đáp lễ bằng cách này hay cách khác.
  10. Tấm sống với bà lão, ngày ngày têm trầu cánh phượng cho bà lão bán. Một hôm được vua ghé thăm nhận ra cách têm trầu nên được đón về cung: Liệu việc têm trầu có nằm trong suy tính của Tấm? Nàng biết rõ rằng Hoàng thượng vẫn thường ăn trầu mình têm, và ắt hẳn chẳng chóng thì chầy cũng sẽ có người nhận ra cánh phượng trên trầu giống với hình thức mà hoàng hậu ngày trước đã têm. Khi vua đến tiệm của bà lão ăn trầu, Tấm cũng chẳng hề vồn vã chạy ra “nhận chồng” mà phải đợi đến lúc vua hỏi đến mới ra. Cái cử chỉ chủ động trong sự thụ động ấy người đàn bà phải sắc sảo lắm mới có hành vi như thế được.
  11. Tấm trả thù Cám bằng cách lừa Cám “tắm trắng”, dội nước sôi khiến Cám chết: Đây là bước biến chuyển tâm lý của Tấm từ việc “cảnh báo đánh tiếng” tới “hành động trả thù”. Sự chuyển đổi tâm lý rất tốt, thậm chí tốt đến mức người ta nhận ra được Tấm trước đó đã hiểu chuyện, biết điều và rộng lượng đến thế nào đối với mẹ con nhà Cám. Liệu có ai “bánh bèo” mà có thể sử dụng quyền lực hoàng hậu của mình để xử tử những kẻ đã ám hại bản thân trước đó? Và liệu có là độc ác khi Tấm giết chết những người đã “giết” mình đến tận 4 lần?
  12. Tấm trả thù Dì ghẻ bằng cách lấy thịt Cám làm mắm rồi gửi biếu Dì ghẻ, để bà tự tay ăn thịt con mình rồi khi biết sự thật liền uất lên mà chết: Cách trả thù của Tấm là cách tàn bạo nhất, khủng khiếp nhất đối với một người mẹ. Cách trả thù này của Tấm cũng phản ánh lại chính tội lỗi của Dì ghẻ – một mụ đàn bà chỉ chăm chút cho con cái mình mà thẳng tay đàn áp, sát hại con cái của người khác. Thế nên bạn nào nói Tấm chỉ biết khóc lóc nên nghĩ lại, Tấm mà bánh bèo thì đâu có nghĩ ra trò lừa Cám “tắm trắng” với “hóa chất fake”, Tấm mà hiền thì nàng cũng méo làm trò dần Cám thành mắm rồi cho bà mẹ ăn dưới dạng “quà biếu” như thế này đâu.
HIỀN LÀNH VÀ BIẾT ĐIỀU LÀ HAI CHUYỆN KHÁC NHAU
Thật ra trong truyện Tấm Cám, Tấm gọi là “Biết điều” chứ không phải hiền lành. Chính vì biết điều nên mới cố gắng bỏ qua và im lặng trước những gì mẹ con Cám làm. Chính vì biết điều nên mới cư xử phải phép trong việc về làm giỗ cha, quăng thóc cho gà và quét tước nhà cho bà cụ hái thị. Từ đầu truyện đến cuối truyện, Tấm dường như chẳng hề sử dụng quyền lực với ngôi vị Hoàng hậu của mình cho điều gì ngoại trừ trả thù, tất nhiên là sau khi đã bị giết đến 4 lần trong nhiều trạng thái và hình thức khác nhau.


Tấm biết điều ở chỗ nàng hiểu lúc nào nên im lặng, lúc nào nên cho người khác con đường lùi và lúc nào thì nên thẳng tay với họ. Nàng biết điều ở chỗ biết nương nhờ ai, trông cậy ở ai, đối xử với từng loại người bằng những thái độ khác nhau và luôn lấy nhu thắng cương, luôn chủ động trong sự thụ động của mình.
Cái giỏi và sắc sảo ở Tấm là ở cách nàng đối nhân xử thế, những kẻ gây ra nhiều tội ác với nàng, Tấm vẫn cố gắng chừa lại đường lùi cho họ. Nhưng nếu họ vẫn ngoan cố tiếp tục hãm hại nàng thì, well, quẩy lên thôi!
Các hình tượng nhân vật trong câu chuyện này căn bản giống và phù hợp đến tận ngày nay. Những người biết điều thường im lặng trong thời gian rất lâu, hoặc sẽ tìm cách hòa hoãn trong khi những người khác không thể chấp nhận được những điều đó xảy ra với mình. Đây khó có thể gọi là nhu nhược, mà là vì người ta càng biết điều hiểu chuyện, họ lại càng tránh xung đột hết mức cần thiết và trong lúc quá trình đo xảy ra, họ vẫn sắp đặt đưa ra phương hướng giải quyết dần chứ không hề bế tắc.
Tựu chung, lúc nhỏ được đọc truyện cổ tích Tấm Cám cho nghe thì chỉ biết yêu – ghét một vài nhân vật thôi. Nhưng khi lớn rồi đọc lại, nhìn lại, ngẫm lại mới thấy trong câu chuyện có rất nhiều khía cạnh. Mà chúng thì, phân tích khía cạnh nào cũng đều thú vị hết cả, nhỉ?