Ái kỉ thường được gắn liền với những biểu hiện bên ngoài như thèm muốn sự chú ý, mặc cảm tự tôn, tự coi mình là trung tâm, thích thao túng người khác, thiếu tin cậy, xâm phạm ranh giới cá nhân, cảm xúc tiêu cực và nhiều đặc điểm khác.
Trong khi đó, nhà tâm thần học Glen Gabbard cho rằng không ít người ái kỉ thực ra lại mang tính cách hướng nội. Theo Gabbardm, những người ái kỉ tồn tại trong khoảng hai cực: Ái kỉ vô tâm hướng ngoại và Ái kỉ siêu cẩn trọng hướng nội. Không phô trương theo kiểu kiểu “tôi là đặc biệt và là duy nhất” giống như ái kỉ vô tâm hướng ngoại, những người ái kỉ siêu cẩn trọng có xu hướng tránh xa ánh đèn của sự chú ý, thường “nhạy cảm một cách thanh cao”, luôn thấp thỏm nỗi sợ hãi thường trực và mãnh liệt về việc bị người khác chối bỏ.
Glen Gabbard nói rằng: “Người ái kỉ siêu cẩn trọng lắng nghe người khác để tìm ra những dấu hiệu của thái độ phê phán họ, và thường cảm thấy bị xúc phạm bất kể bạn có cố gắng làm gì đi chăng nữa.”
Chúng ta rất cần chỉ ra sự khác nhau giữa xu hướng nội tâm, bệnh rối loạn giao tiếp xã hội, sự xấu hổ thông thường và xu hướng ái kỉ siêu cẩn trọng. Một người sống nội tâm sẽ chọn ở nhà thay vì ra ngoài giao lưu bởi vì cô ấy (hoặc anh ấy) muốn ở một mình. Người mắc chứng rối loạn giao tiếp xã hội thì muốn giao lưu với mọi người tuy nhiên vì quá lo lắng nên rút cục cũng lựa chọn ở nhà. Một người xấu hổ muốn hòa đồng nhưng vẫn giữ tính cách rụt rè của mình khi giao tiếp. Người ái kỉ siêu cẩn trọng cũng muốn giao lưu và luôn luôn cẩn trọng trong mọi giao tiếp để được công nhận, tránh trở nên nổi bật vì sợ bị phản đối và thường hành động theo cách không giống bản thân mình để làm hài lòng người khác, tránh bị từ chối.
Dưới đây là những so sánh giữa những người ái kỉ vô tâm với những người ái kỉ siêu cẩn trọng. So sánh dưới đây chỉ mang tính khái quát. Mỗi cá nhân sẽ có những đặc điểm tính cách riêng. Nhiều người ái kỉ mang những đặc điểm của cả hai kiểu nhân cách này.
Ái kỉ Vô tâm:
  • Thiếu nhạy cảm với cảm xúc, suy nghĩ của người khác.
  • Sợ cảm giác bị đứng ngoài lề và không được yêu thương.
  • Thích sự chú ý và phô trương.
  • Xâm phạm ranh giới của người khác, thích thao túng trong các mối quan hệ.
  • Thường đưa ra những quyết định để nâng cao hình ảnh bên ngoài và đạt được những thành công nhằm mục đích tự đề cao bản thân.
Ái kỉ Siêu cẩn trọng:
  • Rất nhạy cảm với cảm xúc, suy nghĩ của người khác.
  • Sợ bị từ chối và bỏ rơi.
  • Tránh sự chú ý, nhưng có thể luôn khao khát anh hào quang trong thầm lặng (sự phô trương lặng lẽ”)
  • Thường xuyên có những phản xạ Phản kháng – Bỏ chạy – Tê liệt khi cảm tháy bị chối bỏ.
  • Thường đưa ra những quyết định để tránh khỏi nỗi đau và sự thất bại.
Điểm chung tìm thấy ở cả người ái kỉ vô tâm và người ái kỉ siêu cẩn trọng là hình ảnh mà họ tạo dựng và luyện tập kỹ lượng để đánh lừa người khác (như những vai diễn trong một vở kịch). Bản ngã “chú vịt xấu xí“ của họ bị dấu nhẹm đi để đóng vai thiên nga được mọi người ngưỡng mộ và/hoặc được chấp nhận. Đối với những người ái kỉ siêu cẩn trọng, nỗi đau thầm kín của họ là sự mong mỏi được gắn kết trong nỗi lo sợ bị chối từ.
Translator: Hà Phan
Editor: TML, Nevange