Chú ếch buồn
Từ này có lẽ mình tự đặt biệt danh cho mình thôi. Có lẽ là chú ếch béo buồn. Sao lại là ếch? Người Việt có câu: Ếch ngồi đáy giếng....
Từ này có lẽ mình tự đặt biệt danh cho mình thôi. Có lẽ là chú ếch béo buồn. Sao lại là ếch? Người Việt có câu: Ếch ngồi đáy giếng. Mình tự thấy mình vừa ngồi dưới giếng, vừa béo lại hay buồn. Nên là Ếch béo buồn.
Lâu nay mình vẫn ưa nghĩ là, ồ sao mí bạn bè mình hay thờ ơ với diễn biến xã hội, sao mí bạn không giành chút thời gian quan tâm tới nó, những gì xảy ra quanh đời sống mình, nhất là ở Việt Nam? Hóa ra, các bạn dành cho nó nhiều sự quan tâm hơn mình tưởng. Diễn biến tranh cử, tranh luận, chiến lược của mỗi Đảng, chiến lược đàm phán, kết quả bầu cử, góc nhìn cá nhân, mọi thứ diễn ra ở cường quốc của Thế giới đều được mọi người cập nhật đầy đủ. Mình không cần lên trang web nào cả, lên Facebook là cập nhật đủ. Hay vậy ta, hay là những connection của mình trên Facebook chỉ còn toàn những con người chất lượng, dù là trường hợp nào cũng là tuyệt vời.
Với cá nhân mình, đó là chuyện đã qua và kết quả rõ ràng đã có ở Mỹ, rất khó thay đổi kết cục. Nếu là công dân Mỹ, mình sẽ không bạo loạn biểu tình tại mình lười, ở dưới giếng và hay buồn mà. Mình sẽ lắng nghe nhiều phía và cùng với mọi người chung tay phát triển đất nước. Từ sau khi đắc cử, Tân TT Trump đã có những động thái, phát biểu có phần điềm đạm và chuẩn mực hơn. Hy vọng là điềm tốt cho nước Mỹ. Với những người bạn đang du học và sinh sống ở nước Mỹ, mình mong mọi việc tốt đẹp sẽ đến. Thời kỳ chuyển giao quyền lực giữa 2 Đảng luôn là thời kỳ khó khăn.
Chết, lan man quá, mình là chú ếch Việt. Quay về quê hương nào! Mình tự đặt ra câu hỏi và cố gắng tự tìm cách trả lời nó. Tại sao bầu cử ở quê mình không ai xôn xao bàn tán, tranh luận, bày tỏ quan điểm như cách họ làm với xứ người?
Tới giờ mình chỉ có 2 mục cho câu trả lời thôi:
1. Không còn niềm tin: Ít nhất là với những connection của mình trên Facebook hiện tại, đa số không ai có niềm tin rằng việc bầu cử ở quê mình được quyết định bởi lá phiếu của người dân. Vận mệnh đất nước được quyết định bởi “người” mà ai-cũng-biết-là-ai nhưng không ai lên tiếng được. Muốn bàn bạc cũng không được, bởi mình còn nhớ lần bầu cử gần nhất, mấy ngày đó tin nhắn có nội dung liên quan tới “bầu” và “cử” đều bị chặn hết ráo. Bởi vậy, không ai quan tâm.
2. Không được bày tỏ quan điểm: Việc này rất rõ ràng, là sự khác biệt lớn nhất ở xứ ta và xứ người. Ông Trump là một tỷ phú, giờ là Tân TT Mỹ, nhưng mọi người có quyền nói rõ quan điểm, thậm chí chỉ trích một cách thẳng thắn. Nhưng quê mình, đó là việc không thể. Tại sao? Tại sao mình không được quyền không thích, chỉ trích, đối lập với người đứng đầu chính đất nước mình đang sống? Tại sao mọi người sinh ra phải đều cùng một lối suy nghĩ giống nhau? Việc bị cấm bày tỏ quan điểm sẽ khiến mọi người thôi không bày tỏ quan điểm. Thờ ơ, lạnh nhạt, và nghiễm nhiên nghĩ những việc đó là việc “nhạy cảm”. “Nhạy cảm”???
Nói như vậy không phải Ếch tui kêu mấy bạn hãy ra đường ăn nói hàm hồ đi, nhưng mà mình chỉ mong mọi người đừng im lặng trước những gì mấy bạn không đồng ý. Mấy bạn hỏi không im lặng thì làm gì? Thì hãy mạnh dạn nói ra, lên tiếng. Tiếng nói của mình, một người bình thường, có thể không làm dậy sóng xã hội, nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng với những người quanh mình. Gia đình, bạn bè, bạn học, đồng nghiệp. Đã quá lâu mình quen với việc nghe ông này tham nhũng, ông kia nhận hối lộ, chung chi ngoài đường, đút lót, bôi trơn, đi đêm, “gặp gỡ đối tác”. Đã quá lâu mình quen với việc ai lãnh đạo cũng được, không phải chuyện của mình. Tuy chưa lâu lắm nhưng hình như mọi người đã tạm quen với việc quần đảo Trường Sa đã bị xây dựng tùm lum. Có hình chụp từ vệ tinh đó không ai lấp liếm được đâu. Mọi người có muốn quen với việc Quốc họi họp hành có tàu khựa dự giờ không? Mọi người quá quen với việc báo chí đăng tin biểu tình, chống đối Tân TT ở Mỹ, nhưng Sài Gòn, Hà Nội biểu tình chống Formosa, chống chính sách nhân nhượng với Formosa, biểu tình giáo dân ở Hà Tĩnh, không báo chí nào đăng, mọi người đã quen chưa? Mình không nói bên nào đúng, bên nào sai, nhưng việc đưa tin rõ ràng đã bị kiểm soát ngặt nghèo.
Nếu im lặng mãi, sẽ còn lèo tèo như vầy hoài. Đừng nói với tui mới 40 năm, chưa kịp. Mí chục năm trước có ai nghĩ hôm nay phải xách dép qua Singapore du học, sống bển không? Có ai không vậy?
Ếch tui buồn nói zậy thôi. Chứ người Sài Gòn như tui phóng khoáng, cởi mở, có sao nói vậy, chất phát thật thà, không có để bụng gì đâu. Mong nước Việt luôn vui! Mai Ếch tui xách vali về nước chơi với mấy bạn! Khỏi nhắc lại hen, Ếch tui tập sống tử tế. Mí bạn cũng hãy zậy nghen!
/quan-diem-tranh-luan
- Hot nhất
- Mới nhất