Chúng ta đang thiếu trầm trọng tư duy về cái đẹp, và một trong những hệ quả của nó, là sự tôn sùng Âu hóa, tôn sùng những giá trị quan không thuộc về mình. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất, chính là quan điểm về cái "đẹp" trong nét chữ.
Một nét chữ có thể "tạm" coi là "đẹp" đối với đại đa số.
Đối với một nét chữ đều tăm tắp, chữ nào cũng giống chữ nào và thêm một chút hoa lá cành, đại đa số sẽ coi đó là tiêu chuẩn cái đẹp. Học sinh tiểu học được khuyến khích viết chữ đẹp theo những phông chữ cho sẵn, và hiểu rằng thế là đẹp. Các cô giáo tiểu học đua nhau luyện chữ đẹp, và dạy học sinh rằng thế là đẹp. Quan niệm đó ảnh hưởng đến tư duy mãi về sau này. Và chưa từng một lần nào những con người đó trăn trở thế nào là cái đẹp hay sao?
Con người, chưa bao giờ ngang hàng với máy móc, và có lẽ sẽ không bao giờ, vì con người là thay đổi. Không thể lúc nào cũng một màu. Sống, con người có hỉ nộ ái ố, có vui vẻ, có bi phẫn. Chẳng lẽ, lúc nào cũng thể hiện một cảm xúc mới là đẹp hay sao?
Ví dụ như, khi viết "Anh yêu em", cảm xúc cũng giống hệt như viết "chế độ diệt chủng Đức Quốc xã đã tiêu diệt hàng triệu người Do Thái", thì tôi chắc chắn, người đó hoặc là không hề nghĩ gì khi viết (viết theo bản năng, viết như cái máy), hoặc người đó chính là một kẻ tâm thần. Ấy vậy, mà tiêu chuẩn đẹp như cái máy được đem ra dạy không biết bao lâu nay rồi. Chính tôi, cũng đến khổ vì phải học theo cái lối mòn đấy.
Vậy, cái gì đẹp và đẹp thế nào?
Có lẽ đơn giản nhất để hiểu được cái đẹp trong chữ, chúng ta phải hiểu tại sao lại có tình trạng trên xảy ra. 
Nguyên nhân thực ra hết sức đơn giản. Chúng ta là nền văn minh á đông, nhưng sử dụng chữ latin - một sản phẩm của văn minh phương tây. Khi đó, ta đem những chuẩn mực của văn minh phương tây vào con chữ của chính mình.
Đối với phương tây, đều tăm tắp, chữ nào cũng như chữ nào, quy củ, trật tự chính là cái đẹp. Chẳng khó khăn gì khi search google những từ khóa như "calligraphy" hay "handwriting", ta có thể thấy rõ ràng những chữ đó là "đẹp" theo tiêu chuẩn phương tây - một vẻ đẹp logic, ngăn nắp, và chắc chắn không đem lại cảm xúc gì cho người đọc.
Chữ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhưng khi khen những chữ của phương Tây là đẹp, tôi lại chưa từng thấy những người xung quanh tôi chê rằng chữ của bác Trịnh Công Sơn là xấu. Thậm chí còn khen bác viết sao nghệ sĩ thế, tài hoa thể hiện trên con chữ?
Chữ của bác Tổng
Còn nhìn chữ của bác Trọng, tôi đố ai dám nói là xấu, nhưng cũng chắc chắn không phải là con chữ mà trong trường học dạy cho học sinh tiểu học, và tôi cũng "khá" chắc chắn, là những con chữ này không phải là sản phẩm của "quá trình luyện chữ".
Và, bên cạnh đó, nếu hỏi rằng những "người phương tây" cảm thấy thế nào về những nét chữ trên, họ cũng sẽ không nói là xấu, thậm chí còn thấy có cảm xúc và thích thú trong đó - tuy nhiên tôi không có số liệu, bạn chỉ nghe thôi nhé, đừng bắt tôi nêu ra.
Vậy nên, chắc chắn không phải đẹp là logic, quy củ. Đúng là logic quy củ sẽ đem lại cái đẹp, nhưng đó chỉ là chuẩn mực thấp nhất của cái đẹp trong chữ viết. Khi cái đẹp thô sơ đấy được cho là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá cái đẹp, thì chính là một sự què quặt.
Để một chữ viết được gọi là đẹp, nó phải thể hiện được đúng tính cách của người viết, thể hiện được tình cảm, tâm tư của người viết trong con chữ, chứ chưa cần kể đến nội dung.
Lấy ví dụ như, viết câu "Anh yêu em" thì phải lãng mạn bay bổng, nét chữ nhẹ nhàng, chữ nếu viết đến đấy mà lại gằn nét bút, viết hằn học từng chữ một như chém đinh chặt sắt, thì là "anh giết em" chứ đâu phải anh yêu em?
Có bạn sẽ nói, đấy là vấn đề về phông chữ, phương tây cũng có nói rồi. Vậy, tại sao hiện tại chữ viết "tay" lại chỉ có duy nhất một phông chữ để học theo?
Sẵn tiện nói luôn, chữ viết trong thư pháp mà trăm chữ như một, ngàn chữ như một được gọi là viết theo "phông", là chữ vứt đi, không đáng một xu.
Thế nhưng thế thì sao?
Vấn đề là, con chữ sẽ luôn thể hiện tính cách con người. Nếu như tính cách bạn tự do phóng túng, phong lưu phiêu dật mà lại bị dồn nén vào trong một nét chữ cứng nhắc, thì việc "luyện chữ" đối với bạn mà nói, còn đau khổ hơn đi tù. Nếu nét chữ của bạn điên cuồng cổ quái, nhã đạm cao cổ, nhưng lại bị trói trong cái phông chữ trẻ con của học sinh tiểu học, thì về cơ bản mà nói là bạn chỉ có thể "cố" viết đẹp vài nét, còn lại thì vẫn là nét chữ của bạn, thế thì học viết chữ đẹp làm cái đếch gì? Thời gian đấy chẳng thà đi học đàn, chơi game, còn có ích hơn cho xã hội.
Vậy điều này thì liên quan gì đến giáo dục
Ăn rau muống bàn chuyện chính trị. Đúng vậy, quan điểm về cái đẹp chính là quan điểm về giáo dục. Việc bắt hàng vạn người học theo cùng một kiểu chữ chẳng khác gì việc bắt tất cả những người có tư duy trình độ và khả năng học khác nhau cùng nhau học theo một chương trình.
Có lẽ ta đã quá quen với những lớp học nhồi nhét tận 40 - 50 người một lớp, nên thấy chuyện đấy đã quá là thường rồi. Và tôi nghe nói gần đây, có một trường Dờ nào đó, xin phép được giấu tên, ép con số này lên tận 200. Tôi phải nói rằng đây là một sự cào bằng kinh tởm, không tôn trọng cá nhân, ý chí và nguyện vọng cá nhân. Và nếu giáo dục vẫn tiếp tục không tôn trọng con người, hay không "cá thể hóa giáo dục" thì vĩnh viễn sự "được giáo dục" là một điều xa xỉ của một số ít con người, chứ không dành cho đại chúng.
Tóm lại
Để bàn về con chữ đẹp, còn rất dài qua bài viết ngắn này, có lẽ chỉ mong cho mọi người có một chút ít khác biệt về thế giới quan, và mong là mọi người sẽ đón nhận những bài viết tiếp theo của tôi về vấn đề này.