Chính phủ thế giới, hình thái nhà nước hoàn hảo hay ước vọng chẳng bao giờ trở thành hiện thực?
Chiến tranh giữa các quốc gia, các nước kém phát triển, nạn đói hay thậm chí là thuộc địa hóa các vì sao, tất cả những vấn đề đó có...
Chiến tranh giữa các quốc gia, các nước kém phát triển, nạn đói hay thậm chí là thuộc địa hóa các vì sao, tất cả những vấn đề đó có lẽ sẽ được giải quyết bằng một trong những hình thái chính phủ vĩ đại nhất: Chính quyền thế giới.
Chính quyền thế giới được định nghĩa là một cơ quan chính trị chung cho tổng cộng 195 quốc gia và vùng lãnh thổ theo ghi nhận của Liên Hợp Quốc. Vậy liệu chúng ta có thể thực sự biến nó thành hiện thực hay không? Hay đơn giản đó chỉ là ảo mộng hão huyền của tôi và một số người khác?
1. Sự hình thành
Tôi có ba giả thuyết cho sự hình thành của một nhà nước như vậy, ta hãy cùng điểm qua chúng:
1.1 Tự phát
Có thể nói trong cả ba con đường thì đây là con đường nhẹ nhàng nhất, bền vững nhất, nhưng lại là khó khăn nhất. Để có thể xuất hiện một nhà nước lớn như thế này, mọi con người sẽ phải tự mình loại bỏ đi sự thù hằn giữa sắc tộc, tôn giáo, màu da, đất nước. Tưởng tượng mà xem, các nước xã hội chủ nghĩa đồng ý hòa hợp với các nước tư bản, Trung Quốc thôi lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam để rồi cùng bắt tay lại cho những điều to lớn hơn. Đấy là còn chẳng nói đến việc những nhà lãnh đạo khó mà từ bỏ đi thứ quyền lực vô tận của bọn họ cho một sự nghiệp lâu dài hơn của loài người. Phải, nghe bất khả thi lắm đúng không? Vậy ta hãy cùng chuyển qua con đường thứ hai.
1.2 Siêu cường quốc
Đây là cách bạo lực và đẫm máu nhất, chưa kể về lâu về dài thì đây là con đường có nhiều cuộc đấu tranh nhất, có khi là còn nhiều hơn cả những cuộc chiến hiện nay. Có một đất nước, một nhà khoa học ở đất nước đấy phát minh ra một thứ vũ khí có đủ quyền năng để thôn tính toàn bộ nhân loại. Tại sao phải là phát minh ra một thứ vũ khí mới? Bởi vì đơn giản là cho dù có là đất nước đông nhất thế giới mang tên Trung Quốc với 1,438,466,014 người (tính đến thời điểm viết bài) cũng chẳng thể địch nổi 6,343,759,386 kẻ thù. Cho dù mang cho mình dáng vẻ khả thi thì đây cũng là một con đường đầy máu, bạo lực và nó sẽ chẳng thể nào duy trì được những điều tốt đẹp, những lí tưởng mà một nhà nước thế giới chân chính mong đợi. Với thứ sức mạnh đó có lẽ nó sẽ chiếm được thế giới, có lẽ nó sẽ đánh bại được dân chúng, nhưng nó sẽ chẳng bao giờ bẻ gãy được ý chí con người. Họ sẽ vùng lên, có thể sẽ bị đánh gục, nhưng rồi lại vùng lên đòi lại độc lập, tự do. Và chắc chắn họ sẽ làm được.
1.3 Siêu kẻ thù
Đây chính là con đường khả thi nhất, bền vững nhất. Con đường này chính xác là sự pha trộn của hai con đường kia. Nó cần người ta gạt bớt lòng tự trọng của mỗi bên đi và nó cũng cần một kẻ thù cực kì mạnh mẽ. Trong tác phẩm 1984 có một câu nói với hàm ý như sau:
Cách tốt nhất để giữ mọi người đoàn kết là tạo ra một kẻ thù chung cho tất cả.
Hoặc như trong Doctor Who, khi thế giới bị đe dọa, một hiệp ước đã được kí kết để có thể tạo ra một đất nước duy nhất với chỉ một vị tống thống nhằm đạt được sức mạnh của toàn bộ nhân loại. Điều này không phải là vô lí mà đã được chứng minh là có thể trong lịch sử. Như cái cách mà Warszawa được thành lập nhằm chống lại Nato. Diễn biến của quá trình này sẽ là:"Một thế lực với thứ sức mạnh có thể quét sạch toàn bộ nhân loại, thế lực này mạnh đến nỗi chính phủ, luật pháp, quân đội của mỗi quốc gia không còn ý nghĩa gì nữa. Liên Hợp Quốc sẽ là không đủ để có thể thống nhất lực lượng quân sự trên toàn thế giới. Chính lúc này cần phải hợp nhất tất cả các quốc gia thành một nước duy nhất, với độc một chính quyền để có thể huy động tối đa mọi nguồn lực." Mối đe dọa ở đây có thể là một quốc gia giống như ở kịch bản thứ 2 hoặc là một mối đe dọa từ bất cứ đâu. Nó có thể là một đội quân, một thực thể hoặc đơn giản là một tai họa, một thiên thạch, bất cứ thứ gì đủ mạnh để đe dọa giống loài cấp cao nhất trên hành tinh này, nhưng không được quá mạnh để có khả năng quét sạch mọi sự sống.
2. Hình thái chính phủ
Mọi nhà nước đều cần có cho mình một chế độ.
Đầu tiên để có thể chọn được chế độ tốt nhất cho nhà nước này, hãy bàn đến con đường hình thành của nhà nước này.
2.1 Thể chế nhà nước
a) Cộng sản
Nếu hình thành theo con đường 1.1 thì khả năng cao, với sự tiến bộ trong tư duy và ý thức của mọi cá nhân, đây sẽ là một hình thức xã hội lý tưởng hay chính là hình thái xã hội cộng sản với câu khẩu hiệu mà chắc các bạn không còn lạ gì nữa:
Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
Một xã hội nơi mà ý thức của mọi người đều ở mức cao nhất với lượng của cải làm ra khổng lồ, đủ để thỏa mãn tất cả mọi cá nhân. Một thiên đường, một nơi mà ai ai cũng sẽ hạnh phúc.
b) Đế quốc, thực dân, phát xít và quân phiệt
Nếu như nhà nước đi theo con đường 1.2 với những cuộc đàn áp, bạo loạn khởi nghĩa, cách mạng kéo dài liên miên thì một trong bốn chủ nghĩa trên có thể là hình thái nhà nước của chính phủ thế giới, hoặc có thể là bốn. Tôi không thể đưa ra một hình thái cụ thể và rõ ràng vì không chắc chắn được người lãnh đạo trong một xã hội giả tưởng như vậy sẽ quyết định điều gì.
c) Vẫn là cộng sản nhưng lại là kiểu khác

Nếu như chính phủ chiến thắng được thứ sức mạnh kia thì tôi khá chắc rằng đây sẽ là một nhà nước kiểu mới. Nhà nước này phải đồng thời thỏa mãn được hai điều kiện: Thứ nhất, nó phải có đa Đảng, điều này sẽ ngăn chặn sự tha hóa quyền lực của cá nhân đứng đầu, và thứ hai đây phải là nhà nước đề cao sự công bằng, nó phải đảm bảo được sự phân phối tài nguyên đồng đều giữa mọi cá nhân trên lãnh thổ của nó. Trong tác phẩm tứ kị sĩ khải huyền nhân vật tử thần có nói:
Nếu con có tà tâm, nhân loại sẽ bị tiêu diệt.
Chỉ có một chính quyền. Chính quyền đấy chỉ có một người lãnh đạo. Không một ai có quyền lực cao hơn người đó. Và điều gì đến cũng phải đến. Sự tha hóa sẽ đến, dù sớm hay muộn. Nghĩ mà xem, ai cũng có thể mờ mắt vì thứ quyền lực đó, thứ sức mạnh sáng ngang với Chúa. Chỉ có đa Đảng, nơi mà mọi người tự giám sát với nhau, nơi đất nước được điều khiển bởi nhiều quyền lực ngang nhau. Chỉ có vậy mới khiến nhà nước không bị sụp đổ. Nhưng đây chắc chắn sẽ không phải là chính quyền tư bản. Tại sao ư? Vì chính quyền tư bản đặt nặng lợi ích của một bộ phận nhỏ người dân, bộ phận ấy lại nắm trong tay phần lớn các quyền lợi, điều này lại vô tình làm tăng thêm sự mâu thuẫn xã hội, vấn đề khó giải quyết nhất của một nhà nước kiểu này. Vậy đâu mới là chế độ đúng đắn? Tư bản hay Cộng sản?
Ta cần một chế độ hoàn toàn mới. Một chế độ thỏa mãn cả đa Đảng và sự công bằng, một chế độ nơi mà người cầm quyền của nó phải thực sự vì dân phục vụ.
2.3 Ngôn ngữ
Với lịch sử xâm lăng thuộc địa của mình, cộng thêm việc ngày nay càng ngày càng có nhiều người học tiếng Anh nhằm giao tiếp, mở rộng khả năng của bản thân ra ngoài lãnh thổ quê hương, tiếng Anh khả năng cao sẽ trở thành ngôn ngữ chính. Nhưng bên cạnh đó, nhằm duy trì sự đa dạng văn hóa của mỗi vùng miền cấc ngôn ngữ khác có thể được dạy song song dưới hình thức một môn học tự chọn.
2.3 Lập pháp
Đây có lẽ là bài toán khó nhất cho những nhà lập pháp. Hầu hết các quốc gia hiện nay đều ban hành hiến pháp dựa trên cơ sở hệ thống dân luật La Mã - Đức và hệ thống luật chung của Anh và Mỹ, nhưng bên cạnh đó còn tồn tại hệ thống luật Islam giáo (một bộ luật được miêu tả là lỗi thời, cũ kĩ và thiếu quyền bình đẳng cũng như tự do với mỗi cá nhân). Sẽ rất khó để hòa hợp tất cả các bộ luật cùng một lúc, vậy nên đề xuất tốt nhất lúc này có thể sẽ là chia đất nước thành các bang với lãnh thổ của mỗi bang tương đương với quốc gia đó khi còn đứng riêng lẻ. Bên cạnh đó, với bộ luật chung do nhà nước ban hành, các bang khác có thể đưa ra biểu quyết, sửa đổi bộ luật sao cho phù hợp với con người ở đó. Ví dụ bang Mĩ có thể cho thêm dự luật mang súng đạn, còn bang Việt Nam có thể tăng nặng khung hình phạt của tội buôn ma túy từ chung thân lên mức tử hình.
3 Lợi ích và vấn đề
Riêng ở phần này, tôi xin được mạn phép không nhắc tới những lợi ích và vấn đề mà hai nhà nước được hình thành theo con đường 1.1 và 1.2. Với con đường thứ nhất, đây có thể là một xã hội kiểu mẫu, một thiên đường đúng nghĩa mà mọi vấn đề, dù là nhỏ nhất cũng sẽ tiêu tan, chỉ còn lại sự hạnh phúc vĩnh hằng. Còn với con đường thứ hai, đây sẽ là một con đường bất tận của máu, nước mắt và đày ải. Nó có nhiều vấn đề đến nỗi, chẳng còn một điều tốt đẹp nào nữa. Vậy hãy cùng đến với con đường thứ ba, con đường thực tế nhất và khả thi nhất.
3.1 Vấn đề
Một nhà nước kiểu này sẽ đòi hỏi những người lãnh đạo giỏi hơn bao giờ hết, vì trước đây, những gì chính trị gia làm chỉ là điều hành một đất nước, còn giờ họ phải điều khiển cả thế giới. Và vấn đề đầu tiên họ sẽ gặp phải đó là: Sự phân biệt giàu nghèo, phân chia giai cấp sâu sắc trong xã hội.
Đây vốn không phải vấn đề gì mới mà nó đã tồn tại ngay từ đầu ở mọi quốc gia, nhưng khi tất cả mọi người sát nhập vào lại một vùng lãnh thổ khoảng cách ấy giờ đây còn tăng lên gấp hàng trăm lần. Hãy thử so sánh. GDP của Burundi (quốc gia có GDP thấp nhất thế giới) nằm ở mức $290 trên người trong khi đó ở Luxembourg GDP của đầu người lên đến $104,103 trên người (theo số liệu của ngân hàng thế giới vào năm 2017). Khoan, chờ chút. Thật đấy à?

Đúng rồi đấy, bạn không nghe, à đọc nhầm đâu. GDP của hai quốc gia này chênh nhau xấp xỉ 350 lần. Vậy nên nếu như đất nước này không muốn tự hủy diệt chính nó với tỉ lệ tội phạm, bạo loạn lật đổ chính quyền, chống đối xã hội tăng vọt thì nó sẽ phải tự tìm cách giải quyết. Nhưng đừng quá lo lắng, giải pháp đã có ngay ở phần sau.
Vấn đề tiếp theo mà tôi muốn nhắc đến đó chính là xung đột tôn giáo và sắc tộc. Một lần nữa, ở đây những người lãnh đạo lại cần có cho mình khả năng ưu việt hơn để có thể hài hòa đạo Thiên Chúa và đạo Hồi, đạo Phật cũng như đạo Hindu. Họ cũng đồng thời phải ngăn chặn sự phân biệt chủng tộc giữa các màu da, dù là vàng, đen hay trắng, họ phải được tuyên truyền, giáo dục để có thể nhận thức rằng tất cả đều là những đứa con trong cùng một chính phủ. Họ là anh em một nhà, mà đã là anh em thì không còn phân biệt, không còn mâu thuẫn nữa.
3.2 Lợi ích
Ôi đây thực sự là phần mà tôi thích nhất đây này. Nhà nước này có quá nhiều lợi ích, đến nỗi mà tí vấn đề ở trên sẽ chẳng thấm vào đâu. Nào đưa tay ra đây bạn ơi, mãi bên nhau bạn nhó, tôi dẫn bạn đi xem hình thái chính phủ lý tưởng này.
Chiến tranh: Chẳng còn quốc gia nào khác cả, chẳng có vùng đất nào là của riêng ai cả. Lúc này đây, mọi cuộc chiến vì lãnh thổ sẽ chẳng còn nữa, cho dù đó là cuộc chiến quân sự hay cuộc chiến kinh tế. Những cuộc chiến vì sắc tộc hay tôn giáo sẽ dễ dàng bị đè bẹp bởi luật pháp và quân đội thế giới. Ngân sách cho quốc phòng giờ đây sẽ được giảm đi đáng kể, thậm chí có thể giảm gần tới không do chẳng còn kẻ thù ngoại xâm nào nữa. Hãy thử nhìn vào bảng dưới đây mà xem.
FY | DoD Base Budget | DoD OCO | Support Base | Support OCO | Total Spending |
2003 | $364.9 | $72.5 | $437.4 | ||
2004 | $376.5 | $91.1 | $467.6 | ||
2005 | $400.1 | $78.8 | $478.9 | ||
2006 | $410.6 | $124.0 | $109.7 | $644.3 | |
2007 | $431.5 | $169.4 | $120.6 | $721.5 | |
2008 | $479.0 | $186.9 | $127.0 | $792.9 | |
2009 | $513.2 | $153.1 | $149.4 | $815.7 | |
2010 | $527.2 | $163.1 | $160.3 | $0.3 | $851.6 |
2011 | $528.3 | $158.8 | $167.4 | $0.7 | $855.2 |
2012 | $530.4 | $115.1 | $159.3 | $11.5 | $816.3 |
2013 | $495.5 | $82.1 | $157.8 | $11.0 | $746.4 |
2014 | $496.3 | $85.2 | $165.4 | $6.7 | $753.6 |
2015 | $496.1 | $64.2 | $165.6 | $10.5 | $736.4 |
2016 | $521.7 | $58.9 | $171.9 | $15.1 | $767.6 |
2017 | $523.2 | $82.5 | $177.1 | $35.1 | $818.9 |
2018 | $574.5 | $88.1 | $181.8 | $46.4 | $890.8 |
2019 | $616.2 | $68.8 | $206.4 | $10.1 | $904.3 |
2020 Appropriated | $633.3 | $71.3 | $215.0 | $8.2 | $935.8 |
2021 Budgeted | $636.4 | $69.0 | $228.4 | $0 | $933.8 |
Đây mới là ngân sách quốc phòng của riêng nước Mĩ. Chỉ trong năm 2019 Mĩ đã chi tới 900 tỉ đô cho quốc phòng mà với số tiền này người nghèo sẽ không còn phải lo về cái đói, cái nghèo, cái chữ nữa. Số tiền này có thể được dùng cho xóa đói giảm nghèo và xóa đi khoảng cách giữa các giai cấp trong xã hội. Vậy là vấn đề đã được loại bỏ.
Tội phạm: Giờ đây những kẻ tội phạm, phản động, khủng bố sẽ chẳng còn nơi nào để chạy trốn nữa. Trước đây, pháp luật có thể không vươn được tới các quốc gia khác nhưng giờ cho dù có chạy đến cùng trời cuối đất, hang cùng ngõ hẻm thì chúng cũng sẽ bị bắt, phải chịu lấy hình phạt thích đáng.
Khoa học: Giờ đây khi mà những bộ não giỏi nhất hành tinh có thể một lần nữa tập trung vào thứ xa hơn là sự tiến bộ của toàn nhân loại, người ta có thể bắt đầu thực hiện những kế hoạch mà vào thời của chúng ta là không có lợi ích rõ ràng, như: Thuộc địa hóa vũ trụ. Đây là một kế hoạch tham vọng và được chứng minh là hoàn toàn có thể. Với nó con người có thể tiến xa hơn trong lĩnh vực vật lý và khoa học, tiến tới nâng cao sự tiến bộ cho loài người.
Kinh tế: Hàng rào thuế quan giờ không còn nữa, đường biên giới cũng không tồn tại. Đây, đây chính là cơ hội mà mọi công ty, mọi tập đoàn trên thế giới đều nhắm đến. Sản phẩm của họ có thể đi tới bất cứ đâu, sự cạnh tranh về kinh tế khắc nghiệt hơn chắc chắn sẽ là chất xúc tác để nền kinh tế trở nên tốt hơn bao giờ hết.
4 Đôi lời cuối cùng
Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ có thể xuất hiện một nhà nước kiểu mẫu và tuyệt vời như thế. Nhưng chúng ta hãy cứ hi vọng xem sao, rằng loài người, một lúc nào đó sẽ có thể gạt đi cái tôi vị kỉ cá nhân mà ngồi lại với nhau vì tương lai cho tất cả.
Hoặc,
Phải, vẫn luôn có một chữ "hoặc" chua xót.
Có lẽ, ta sẽ kết thúc, kết thúc kỉ nguyên của nhân loại với sự hận thù ghen ghét ích kỉ lẫn nhau. Ngay từ đầu, đố kị và kiêu ngạo đã là hai trong bảy mối tội đầu theo kinh thánh. Có lẽ, chúng ta sẽ kết thúc kỉ nguyên của loài người bằng một quả bom nguyên tử?
Trong lúc viết bài này, một người bạn đã nói với tôi rằng, cô ấy thích cái kết phía dưới, một cái kết tiêu cực vì suy cho cùng, với cô ấy, con người cũng chẳng tốt đẹp gì hơn loài cầm thú.
Có lẽ trong thời khắc cuối cùng ấy, cô ấy sẽ ngồi ngắm nhìn một mặt trời thứ hai, rực rỡ, chói lọi gấp 1000 lần mặt trời tự nhiên. Lúc này sẽ chẳng còn chút suy nghĩ vị kỉ nào nữa, thứ duy nhất còn lại chỉ là những nhân sinh quan và đâu đó là sự nuối tiếc, tình cảm mà cô ấy dành cho mọi người trong cả một đời.
Xin cảm ơn hai con người đã giúp đỡ mình rất nhiều trong bài viết này:
- Em gái mình, người đã cho mình cảm hứng viết bài cũng như là người đã viết cho mình một cái kết của nhân loại.
- Bạn mình, người đã giúp mình sửa chữa hình thức chính phủ và đưa ra ý tưởng về một xã hội kiểu mới, nơi có thể dung hòa được cả hai điều đó là đa Đảng và sự công bằng.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Ptrix_.
"you may say I'm a dreamer, but I'm not the only one"- Imagine- John Lennon
- Báo cáo

THE SIN
hayyyy bạn ơii
- Báo cáo

Ptrix_.
Bị lậm quan điểm này từ khi nghe Imagine mà giờ thấy bài bạn viết lại hoài niệm ghê bạn à
- Báo cáo

THE SIN
Tôi đúng là một kẻ mơ mộng rồi hahaha
- Báo cáo

GunzRagnarok9D
bản thân mình cũng ủng hộ chủ nghĩa hòa bình và tự do, xin được vote cho bạn, em gái của bạn, và bạn của bạn ~^^~
(mình cũng là một tín đồ của giáo phái mộng mơ đây a hi hi, mình mơ một ngày mà thuốc lá sẽ bị kỳ thị như là một tội ác giết người hàng loạt, và bị đem ra xử lý thật triệt để ~^^~)
- Báo cáo

Psycho
Mình đọc bài này mấy ngày rồi nhưng hnay mới quyết định vô comment. Bài viết nhắc mình nhớ lại mình của nhiều năm trước. Quay lại bài viết của bạn, những gì mình viết sau đây sẽ là ý kiến của cá nhân mình thôi. Ở phần đầu tiên nói về sự hình thành xã hội như bạn nghĩ, nếu có, sẽ là tự hình thành. Mọi kẻ thù nào xuất hiện mạnh đến mức con người liên kết lại với nhau mới có thể chống lại được thì chắc chắn 1 điều rằng, nếu lúc "nó" xuất hiện thì loài người mới hợp nhất sẽ là quá trễ. Vậy nên, hoặc là chúng ta đi trước một bước, hoặc là chúng ta xong rồi.
Tất cả những phần sau, đều dùng kiến thức của bây giờ để đặt vấn đề nên mình sẽ muốn nói là dư thừa. Như mình đã lập đi lập lại rất nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau rồi, CNXH chỉ đạt được khi xã hội đã bắt đầu dư thừa của cải vật chất kèm theo trình độ khoa học đã phát triển khủng khiếp. Tất cả chính quyền nhân danh XHCN nhưng chưa đạt được đến trình độ phát triển đó, thì đều chỉ là cái vỏ, giống như hộp bánh Danisa mà đựng kim chỉ vậy.
Kết luận của mình là, CNXH là tiến trình tự nhiên (và bắt buộc) chúng ta sẽ đạt được trong tương lai (hoặc chúng ta sẽ tuyệt chủng trước). Nó chắc chắn ưu việt hơn CNTB nhưng không hề có nghĩa là nó quan trọng hơn. CNXH sẽ đến gần hơn chừng nào ngta càng ít lôi CNXH và CNTB ra để tranh luận
- Báo cáo
Phan Đình Thanh
Ngay cả khi mình đồng ý rằng CNXH là hình thái nhà nước tất yếu không tránh khỏi của xã hội loài người, mình cũng không tin chúng ta, cụ thể là VN, có thể đạt được CNXH trong tương lai gần-cỡ 100 năm. Vì nếu bạn nói đúng, cần phải có một lượng của cải dư thừa và trình độ khoa học công nghệ vượt bậc để tiến lên CNXH, thì không lẽ các nước Tây phương và Hoa Kỳ sẽ tiến lên CNXH trước nhất, vì họ có trình độ KH-CN đứng đầu thế giới. Nhưng cái chính, mình không nghĩ là nền hòa bình toàn cầu có thể duy trì đến lúc đó. Cần phải khai thác bao nhiều tài nguyên từ Trái Đất để có thể tạo ra một lượng của cải dư thừa cho gần 8 tỉ người.
- Báo cáo

Psycho
Mình sẽ trả lời từng câu hỏi của bạn. Đầu tiên nó sẽ là 1 hiệu ứng domino. Chúng ta chỉ cần 1 người giỏi nhất tìm ra được định lý Pythagoras là tất cả mọi người đều đã được xài rồi, không nhất thiết là tất cả mọi người đều phải tìm ra, tương tự, cụ thể là VN, không nhất thiết phải là người tìm ra lối đi (mà 100 năm là bất khả thi). Và bạn nói đúng 1 phần, có lẽ các nước phương Tây và Hoa Kỳ sẽ tiến lên CNXH trước nhất, nhưng key ở đây là khoa học kĩ thuật (khoa học kĩ thuật phát triển sinh ra sự nhảy vọt của của cải vật chất) cho nên việc một cá nhân xuất chúng nào đó có thể đưa 1 đất nước có tiềm năng như Ấn Độ chẳng hạn trở thành nước đầu tiên thì mình cũng không ngạc nhiên đâu (nhưng mình đồng ý với bạn, VN không đủ tiềm lực nổi). Thứ hai, để sản xuất của cải dư thừa cho toàn bộ loài người (mình đoán là chúng ta sẽ có đông dân hơn con số 8 tỉ rất nhiều), key ở đây là nguồn tài nguyên và hiệu suất. Hiệu suất thì như bạn vẫn thấy rồi, chúng ta đang cải thiện qua từng năm (cùng một lượng tài nguyên nhưng cho ra nhiều thành phẩm hơn). Còn về nguồn tài nguyên, Trái Đất sẽ là không đủ, kể cả có đủ đi chăng nữa thì TĐ và toàn bộ hệ mặt trời sẽ không còn nữa trong vài tỉ năm, ở ngoài vũ trụ thì chúng ta có thừa tài nguyên. Mình không nói đến chuyện trăm năm, và nếu bạn nghĩ mình mơ mộng thì thật ra mình là người rất thực tế, nếu chúng ta không thể ra được khỏi TĐ thì TĐ cũng không khác nồi nước sôi là mấy, mà nếu đằng nào cũng chết thì thôi sống được lúc nào hay lúc đấy chứ cãi nhau CNTB với CNXH cái nào tốt hơn để làm gì đâu
À, mà mình cũng không nghĩ chta cần hoà bình, chta cần sống hơn, mình dĩ nhiên thích hoà bình nhưng mình trân trọng chiến tranh
- Báo cáo

THE SIN
Mình hoàn toàn đồng ý với bạn về tầm nhìn và kiến thức có hạn của mình, vậy bạn có thể nói thêm cho mình nghe về những điều mình sai được không? Nếu có thể xin hãy để lại fb. Cảm ơn bạn
- Báo cáo

Psycho
Để trả lời thắc mắc của bạn, đầu tiên tất cả những quan điểm của mình được xây dựng trên lập trường là, hình thái CNXH là tự phát, và sẽ đạt được nhờ vào sự phát triển vượt bậc của khoa học kĩ thuật kéo theo sự gia tăng đáng kể của của cải vật chất. Mình sẽ không bàn về các lập trường khác vì theo đánh giá của mình là bất khả thi. Và cũng chính bạn nhận ra rồi: "Với con đường thứ nhất, mọi vấn đề nhỏ nhất cũng sẽ tiêu tan".
Mình xin lỗi khi nói bài viết này là tầm nhìn hẹp, mình thật sự không có ý công kích đâu. Có 2 điều làm mình nói là tầm nhìn của bài viết này hẹp. T1, bài viết chỉ xung quanh con người, mối quan hệ giữa con người và con người và các vấn đề con người mắc phải, tuy nhiên, bạn cần nhận ra rằng, con người chúng ta phát triển, chưa bao giờ là để đối chọi với nhau, chúng ta phát triển để sinh tồn với tự nhiên. Dẫu cho trong một vài khoảnh khắc cực đoan, chúng ta chiến tranh khủng khiếp năm dài tháng rộng, nhưng cuối cùng khi nhìn lại, những cuộc chiến đó lại cho chúng ta rất nhiều thứ để sinh tồn ngoài kia. V nên, kể cả khi chúng ta đi theo con đường thứ nhất, mọi vấn đề nhỏ nhất thì cũng sẽ tiêu tan, đó chỉ là vấn đề của chúng ta thôi, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết ở ngoài kia (cấp độ hành tinh, hệ mặt trời, vũ trụ và thậm chí là ngoài vũ trụ)
T2, mình thực sự rất khó chịu với đoạn kết của bài này, dù cho nó mở đầu tích cực. Hình như mọi người luôn thích nhìn mặt xấu hơn mặt tốt để tạo cảm giác cho bản thân mình thượng đẳng hơn hay sao ấy. Chta hơn hẳn cầm thú, cả về trí tuệ lẫn tình cảm. Mình cũng rất phẫn nộ với rất nhiều việc con người làm, nhưng đấy không phải là lý do để có 1 suy nghĩ như vậy. Thử hỏi bây giờ chúng ta phát triển đến như vậy rồi, xong quay lại nhìn con khỉ và chê trách nó: "ơ sao nó ngu vậy ta, có mỗi việc đơn giản vậy cũng không biết làm". Nếu chta không trách con khỉ như vậy thì chta cũng nên chấp nhận và khoan dung với lỗi lầm của chta, vì trên tiến trình phát triển, ai mà chẳng một vài lần làm kẻ ngu ngơ, tất cả chúng ta đều đã từng là mấy con khỉ cơ mà.
- Báo cáo

Ptrix_.
Chúng ta đủ tài nguyên để hơn 10 tỷ người sống bền vững trên trái đất hàng triệu năm. Nhưng chúng ta chọn chiến tranh, chiếm hữu tư liệu sản xuất và đặc biệt là nuôi gia súc để làm thức ăn cho khoảng 3 tỷ người
- Báo cáo
Phan Đình Thanh
[Tạm ẩn]
- Báo cáo
Phan Đình Thanh
[Tạm ẩn]
- Báo cáo
Phan Đình Thanh
[Tạm ẩn]
- Báo cáo
Phan Đình Thanh
[Tạm ẩn]
- Báo cáo
Phan Đình Thanh
[Tạm ẩn]
- Báo cáo

Psycho
Có rất nhiều điểm mình không đồng ý trong bài viết của bạn này vì cho rằng tầm nhìn quá hẹp. Tỉ dụ như chiến tranh chẳng hạn, chi phí cho chiến tranh luôn phải được duy trì, thậm chí là rất cao là đằng khác. Chúng ta luôn có đầy rẫy kẻ thù ngoài kia, cứ coi như là người ngoài hành tinh thì hơi khoa học viễn tưởng xíu đi thì 1 mảng thiên thạch nó phi thẳng tới TĐ chắc cũng không có gì mới mẻ với TĐ nữa rồi. Tuy nhiên, thứ duy nhất mình đồng ý lại là cái kết quả cuối cùng của bài viết.
- Báo cáo

rachmaninoff
Chiến tranh là công cụ kinh tế, số tiền có thế kiếm được từ việc làm nhũng loạn nước khác là khổng lồ. Các khoản lợi nhuận có thể kiếm qua việc buôn bán vũ khí, cho vay với lãi suất cao, cho thuê quân đội... và lãi kiếm được sẽ dùng để kéo dài cuộc xung đột này, từ đó kiếm được nhiều tiền hơn. Như mọi loại hình kinh doanh khác, chiến tranh cũng mang đầy tính rủi ro và có khả năng lỗ. Những khoản lỗ này có thể kiếm lại được qua cách cho các đất nước yếu thế hơn lùi lại vài chục năm tiến bộ, rồi từ đấy lại xuất hiện những khoản lời mới từ việc cho vay phát triển, thuê nhân công với giá rẻ mạt, bán công nghệ...
Chiến tranh là một loại hình kinh doanh đầy lợi nhuận chỉ khi nó được kiểm soát, thế nên mới có các hiệp ước cầm dùng vũ khí hạt nhân. Cái thứ hoà bình mà bảo thực ra chỉ là giây phút yên bình trước giông bão, tất cả các nước đang chờ đợi để bung hết tiềm lực của mình khi súng đã nã đạt. Nếu nhìn syria hiện nay với Việt Nam 40 năm trước thì bạn sẽ hiểu được lợi nhuận từ việc này là nhiều tới cỡ nào
- Báo cáo

THE SIN
Mình biết chiến tranh đem lại môt lượng tiền khổng lồ cho lũ buôn vũ khí. Như cái cách Mĩ dùng chiến tranh nuôi chiến tranh, mình cũng chẳng phải đứa ngây thơ tin vào sự hòa bình giả tạo. Nhưng mình thực sự mong muốn có cách nào đó để kết thúc chiến tranh cũng như đoàn kết mọi người lại, tập trung cho một điều gì đó vĩ đại hơn.
- Báo cáo

GunzRagnarok9D
theo cách nghĩ của mình, cái sự quý trọng hòa bình và yêu công bằng sẽ phai nhạt dần theo thời gian, chính vì thế mà gia vị chiến tranh là thứ không thể thiếu, để mà nhấn mạnh ý nghĩa của sự công bằng và giá trị của hòa bình, tất nhiên là mình không ủng hộ chiến tranh kiểu như tàn sát, giết chóc...v.v( có vẻ mâu thuẫn nhỉ ^^), và chắc có lẽ là có rất nhiều cá nhân có lý tưởng giống như mình và các bạn, nhưng chỉ là khó để mà diễn đạt ra và khó mà gặp đc một tâm hồn đồng điệu, nên nó đa phần vẫn chỉ là lý tưởng của mỗi cá nhân thôi chứ chưa thực sự phát triển thành một tổ chức đươc. Còn nhiều thứ muốn nói và chia sẻ lắm. nhưng mà mình cũng là một con người tầm thường thôi.... nên là xin lỗi viết tới đây mình hết ý để diễn đạt nữa rồi, xin lỗi bạn đang đọc >,<
và nếu những dòng mình viết vô tình làm mất thời gian và làm gãy nhịp cảm xúc của bạn, thì mình chân thành xin lỗi bạn. PS: các bạn nghĩ sao về một thế giới không còn khói thuốc lá?( rất mong tìm được nhưng bạn có cùng lý tưởng với mình, dù chỉ một chút thôi- về cái vấn nạn thuốc lá này) _vui vẻ_
- Báo cáo

cookieslovedbybrowser
Đọc phần 1 làm mình có cảm giác tác giả xem hơi nhiều phim với truyện tranh :)) Dù sao thì bài viết cũng có nhiều góc nhìn thú vị. Cảm ơn bạn
- Báo cáo

THE SIN
Mình chỉ cố gắng để bài viết thêm sinh động thôi í. Nhưng mà cảm ơn bạn vì đã đóng góp ý kiến nha.
- Báo cáo

Đinh Đức Anh
Mặc dù khó thực hiện nhưng bản thân mình luôn mong muốn thế giới đạt được sự hài hòa giữa các nhóm lợi ích nhất có thể. Luôn mang trong mình niềm tin của Hokage đệ I và Naruto 

- Báo cáo
Phan Đình Thanh
[Tạm ẩn]
- Báo cáo