Chiều sâu và chiều rộng của tình yêu
Chúng ta sinh ra, lớn lên, đặt câu hỏi với chính bản thân mình, đặt câu hỏi về cuộc đời, tất cả đều xoay quanh chữ "Yêu"
Disclaim: Bài này mình recap lại bài nói của Cha Lm. GB Phương Đình Toại. Tuy mình không theo đạo Thiên Chúa nhưng khi được nghe Cha giảng cảm thấy đồng cảm và được an ủi rất nhiều. Hi vọng các bạn cũng sẽ cảm thấy chút an lòng khi đọc bài viết này.
Người ta đưa ra rất nhiều lý thuyết về tình yêu, người ta viết rất nhiều bài thơ, bài hát về tình yêu. Chúng ta sinh ra, lớn lên, đặt câu hỏi với chính bản thân mình, đặt câu hỏi về cuộc đời, tất cả đều xoay quanh chữ "Yêu". Nhưng có lẽ chúng ta là những người đau khổ nhất cũng vì tình yêu, chúng ta lạm dụng hay bị lạm dụng nhiều nhất cũng vì chữ yêu. Vậy thì như thế nào là "Yêu"? Người ta đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta biết rất nhiều về tình yêu mà vẫn đau khổ, vẫn lúng túng, gặp nhiều trắc trở trong tình yêu?". Có thể vì chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những lý thuyết không thật về tình yêu, gọi là lý thuyết lãng mạn. Ví dụ như chúng ta bị ảnh hưởng bởi phim kiếm hiệp có yếu tố tình yêu. Mình luôn nghĩ mình phải yêu một người hùng, đẹp trai, cứu được bá tánh, giúp mình trả thù hay chuộc mình ra khỏi đau khổ,...rồi sau đó hạnh phúc mãi mãi, không bao giờ phải chia tay đau khổ nữa. Những câu chuyện cổ tích, những bộ phim về tình yêu luôn nói đến việc một ai đó chiến thắng trong tình yêu và kết thúc một cách đẹp đẽ. Chúng ta thích xem những bộ phim, câu chuyện có kết cục như vậy. Vô hình chung, sự lãng mạn của những bộ phim này ảnh hưởng lên cách chúng ta mong đợi nơi người mình yêu. Chúng ta mong đợi sự lãng mạn, hạnh phúc, niềm vui bất tận. Và chỉ khi nào mình đối diện với xung đột, thất vọng hay cái mong đợi không được đáp trả, lúc đó mình mới thức tỉnh và đặt câu hỏi: "Tôi có yêu người này không?". Và nhiều bạn trẻ vì sợ mình phải thất vọng nên đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn về người mình yêu và bắt người ấy phải theo tiêu chuẩn đó: "Anh/em có đủ những yếu tố này thì mình sống với nhau được, không có thì thôi". Vì thế người ta cũng tự tạo ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho chính bản thân họ để đến với nhau. Các nhà nhân chủng học khám phá ra rằng: Vì những tiêu chuẩn cầu toàn đó mà giới trẻ ngày càng trễ nải trong việc yêu nhau, kết hôn và ở lại trong tình yêu của nhau. Càng cầu toàn, lý tưởng hóa về người mình yêu thì càng mau thất vọng, mau chán và tìm kiếm mẫu người khác thay thế. Sự chung thủy càng ngày càng giảm dần. Vậy cuộc đời chúng ta, làm sao mình sống trong tình yêu? Chúa mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa, vậy ở lại nghĩa là gì? Nghĩa là để cho tình yêu của Chúa ảnh hưởng, uốn nắn và là cách để chúng ta yêu. Không phải là cách của truyện cổ tích, lý thuyết suông mà là cuộc cứu rỗi mà Chúa đã làm trước. Và từ đó mình sẽ như thế, sẽ yêu theo cách của Chúa vì Chúa là tình yêu, Chúa đã yêu mình. Không có cách nào hoàn hảo hơn là yêu theo cách của Chúa.
Một bác sĩ tâm lý thuật lại, một ngày nọ, ông phải chữa bệnh cho vợ của đồng nghiệp. Người đồng nghiệp này là một giáo sư y khoa, bác sĩ tâm thần nổi tiếng, đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sự nghiệp y tế. Một hôm, ông chạy đến tìm vị bác sĩ tâm lý này, bộc bạch rằng: "Anh ơi, anh có thể giúp cho vợ của tôi không? Vì vợ của tôi bị trầm cảm, tôi đã cho thuốc nhưng tôi cảm thấy mình không thể chữa được bệnh của cô ấy. Anh hãy giúp tôi với". Người đàn ông này, mỗi ngày ông sẽ có mặt ở bệnh viện từ 6h30 sáng để thăm khám, cho thuốc bệnh nhân. Vào lúc 8h30 sáng, ông ta sẽ hướng dẫn các sinh viên thực tập. Sau bữa trưa, ông đi về phòng mạch riêng và tiếp tục khám bệnh. Đến 8h tối, ông trở lại bệnh viện để tiếp tục làm việc. Đúng 12h đêm ông mới trở về nhà. Y tá trong bệnh viện xầm xì rằng: "Có lẽ vợ ông là người đáng sợ đến nỗi ông không dám ở nhà, giữa hai người có lẽ có vấn đề gì đó nên ông không dám về nhà". Ai nấy đều cho rằng vợ ông là người có vấn đề, vì ông là một người hoàn hảo. Thế rồi ông bác sĩ tâm lý đi gặp vợ người đồng ngiệp này, với suy nghĩ là người vợ có vấn đề. Nhưng khi tiếp chuyện người vợ, người bác sĩ này mới khám phá ra cô ta là một người tuyệt vời, rất chân thành, dễ thương, tốt bụng, hiểu biết, chịu đựng, chăm lo cho gia đình. Ông đặt câu hỏi cho người vợ: "Chuyện gì đã xảy ra vậy?". Người vợ trả lời: "Anh biết không, chồng tôi là một người hoàn hảo cho công việc của mình, cho sinh viên của mình, cho sự nghiệp khoa học. Nhưng chồng tôi chưa bao giờ cho gia đình mình thời gian và con người của anh ta. Hai đứa con của chúng tôi không hiểu anh ta, không nói chuyện được với anh ta. Chúng đau bệnh thì anh ta cho thuốc, còn ngoài ra, chúng nghĩ gì anh ta không biết. Những gì anh ta biết đó là nói cho nó biết phải làm gì, nhưng anh ta không biết chúng muốn gì". Sau đó, vị bác sĩ này ghi trong cuốn sổ của mình rằng: "Có một số người rất tài giỏi trong cuộc đời này, nhưng họ không có khả năng yêu vì họ không có khả năng cho đi". Theo logic của Chúa, thì để ở lại với Chúa, phải cho đi; để ở lại trong tình yêu, phải cho đi. Yêu là phải biết cho. Nhưng cho nghĩa là gì? Là phải chấp nhận mất đi.
Giáo sư của tôi từng thách đố chúng tôi:
"- Các anh có thật sự yêu Chúa không?
- Dĩ nhiên rồi!
- Vậy thì các anh mất cái gì khi đi theo Chúa?"
Tất cả khựng lại vì không ai nghĩ là mình sẽ mất. Hôm qua tôi có dịp nói chuyện với một người bạn Việt Kiều giữ một vị trí cao trong công ty lớn tại Việt Nam. Và anh ta nói khó khăn lớn nhất khi anh về Việt Nam mà anh phải thay đổi, tập chấp nhận đó là khác biệt trong cách ứng xử của đa số những người anh gặp. Tâm thế của những người này, dù họ ở vị trí cao thế nào, cũng đều đặt câu hỏi "Tôi có lợi gì trong việc này". Bất cứ cuộc gặp gỡ nào, ngay cả với tình yêu. Anh ta nói mình lớn lên trong bối cảnh mà anh ta được dạy rằng, khi đến với người khác, mình luôn bắt đầu bằng câu hỏi "Tôi có thể giúp gì cho bạn?". Anh ta rất ngạc nhiên khi những người anh ta gặp ở Việt Nam đều luôn đặt câu hỏi "Tôi được gì khi quen anh?". Xã hội đi theo "được gì", "có gì", "lợi như thế nào". Nếu ai cũng muốn "được" mà không muốn "cho" thì xã hội của chúng ta sẽ như thế nào. Đức Thánh Cha Fan - xi -cô đã nói: "Nếu chúng ta sinh ra trong cuộc đời mà tất cả những gì chúng ta nghĩ là "Mình được gì" thì chúng ta sẽ rất cô đơn, vì chúng ta không bao giờ biết yêu". Vì yêu là cho đi, mà cho đi là đánh mất.
Đầu tiên, chúng ta cần nghiệm ra được, không phải chỉ chúng ta đã cho, mà mình đã được người yêu thương cho như thế nào?
Thứ hai, trong cách chúng ta yêu thương nhau, chúng ta làm như thế nào? Mình yêu theo kiểu dùng kéo cắt người ta, bắt người ta phải là hình ảnh của mình hay mình yêu bằng tình yêu cho đi chính mình. Nhiều khi mình gặp gỡ nhau luôn đòi hỏi anh/em phải thế này thế kia thì mới được, chứ không bao giờ bắt đầu từ việc mình phải làm gì cho người đó, làm gì để cứu rỗi cuộc đời người đó.
Thứ ba, hãy nhớ đến những người mẹ. Đất nước nào cũng có ngày của mẹ. Nếu mình ngồi ở đây, mình đã có mẹ. Có thể mẹ không hiện diện nhiều trong cuộc đời của mình nhưng ít nhất mình đã được mẹ cho mình 9 tháng 10 ngày. Tôi ôm đứa bé mồ côi được đưa đến mái ấm cách đây 2 ngày. Bé chưa được 2 ngày tuổi, chưa rụng rốn. Tôi biết đứa bé đó lớn lên trong cuộc đời sẽ rất đau khổ vì thiếu mẹ, nhưng ít ra mẹ nó đã can đảm cưu mang nó 9 tháng. Cái mình cho nhau nhiều nhất là thời gian, vì một khi cho đi rồi thì không lấy lại được. Nhiều bậc cha mẹ hôm nay đau khổ lắm, hơn bao giờ hết. Những người mẹ quay về nhà thấy con đã lớn lên, thay đổi suy nghĩ, lên án cách mẹ đã dạy mình, cho nó tất cả mọi thứ vì yêu thương nó. Vì sao vậy? Vì đã không chấp nhận những gì mẹ đã cho mình. Và tôi thường nói với các bạn trẻ, không có người mẹ nào hoàn hảo, nhưng không có sự cho đi nào của người mẹ là bất toàn. Đừng mong đợi có mẹ hoàn hảo, nhưng phải nhớ một khi mẹ đã cho đi, đó là món quà hoàn hảo nhất mà mình có được. Và nhiều khi chúng ta mong đợi mình có mẹ của người khác, mà không chấp nhận cái mẹ đã cho mình. Do đó, mỗi chúng ta ý thức được tình mẹ, mình đã có mẹ trong đời, mình đã được sinh ra, và người mẹ dù còn sống hay đã mất, đã cho mình cả cuộc đời vì yêu thương mình. Và vì yêu thương mình, đã mất đi chính bản thân họ.
Link:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất