Chiều cuối năm ở thành phố Mèo
Nếu được, tôi chỉ mong thành phố Mèo là thành phố có thật nhiều mèo bình thường thôi
Đây là năm thứ hai liên tiếp tôi đón năm mới xa nhà. Năm nay thực ra tôi có thể về nhà, nhưng tôi cứ lần lữ mãi rồi quyết định không về. Đường bay quốc tế mới mở chưa đầy một tháng, lại còn không biết sẽ thay đổi ra sao. Thời gian này tôi cần sự ổn định. Tôi gọi về nhà, bố mẹ tôi bảo tôi không nên về, năm nay có về cũng chẳng đi đâu đâu. Tôi nghe rồi biết thế thôi. Cũng may là tôi không phải con một, năm nào anh tôi cũng đưa cả gia đình về nhà đón Tết, chắc mẹ tôi cũng nguôi ngoai phần nào. Dù sao thì tôi cũng không phải có ý định sang năm mới quay về, tầm tháng Tư mà mọi dự liệu vẫn ổn, thì tôi sẽ về nhà một thời gian.
Tết âm lịch truyền thống của Hàn gọi là Seolla, là một trong hai đợt nghỉ lễ dài nhất ở đây. Tôi có cảm giác rằng đối với hầu hết người Hàn, đặc biệt là giới trẻ, thì những ngày lễ truyền thống thế này dường như không có nhiều ý nghĩa hơn là một kỳ nghỉ dài. Nhà cửa hay đường xá cũng không có gì khác biệt so với ngày thường, có chăng chỉ là trên đường thưa thớt xe cộ hơn mà thôi. Người ta đơn giản là về nhà vài ngày, ăn một vài bữa cơm với gia đình, rồi sau đó lại tất bật trở lại với công việc.
Năm ngoái là năm đầu tiên tôi ở lại Hàn dịp tết âm lịch. Trước đó thì năm nào tôi cũng về, có năm còn nói dối bố mẹ là sẽ ở lại đi chơi, rồi sau đó bí mật xách vali về. Trời lạnh, tôi mua một tá gà + táo đỏ + sâm nhét vào tủ lạnh, mỗi ngày hầm một con, coi như có ăn Tết. Tối 30, tôi gọi điện về nói chuyện cùng mọi người trong nhà chừng một tiếng rồi lên giường đi ngủ. Sáng hôm sau, tôi thức dậy, mong chờ một cảm giác đặc biệt sẽ đến với mình, kiểu như buồn tủi, trống rỗng... Nhưng tôi chẳng cảm thấy gì cả. Tôi cứ nằm trên giường nghĩ ngợi lan man tới hơn mười giờ, rồi sau đó dậy đi hầm gà. Chẳng có gì đặc biệt cả. Nửa con gà + 1 củ sâm + vài quả táo, đổ nước vào rồi đun sôi, hầm trong khoảng 1 tiếng; rau sống làm salad ăn với cà chua, vậy là ổn. Thật ra tôi nấu ăn không tệ, có thể làm vài món ăn phức tạp hơn nữa, nhưng cũng chẳng để làm gì, tôi nghĩ. Ăn một mình, nhiều món hay ít món cũng vậy cả.
Ăn xong, tôi xách ba lô đi leo núi. Quãng đường từ nhà tôi tới chân núi không xa lắm, chỉ hết khoảng 30 phút đi xe bus tính cả thời gian đợi. Ngọn núi này, tôi leo không biết đã bao nhiêu lần, nhưng lần nào quay lại tôi đều cảm thấy vô cùng hưng phấn. Tôi không thích leo thẳng lên đỉnh núi mà thích đi đường vòng. Đầu tiên, leo tới một đỉnh núi thấp hơn, sau đó đi dọc theo cách vách đá cheo leo để đi tới đỉnh núi tiếp theo, sau hai lần như vậy thì sẽ lên tới đỉnh cao nhất. Sau khi nghỉ ngơi, tôi có thể đi thẳng xuống chân núi. Tổng cộng quãng đường leo là khoảng 10km, tôi thường hoàn thành trong khoảng 4 hoặc 5 tiếng, tuỳ thuộc vào thời gian nghỉ ngơi dài bao lâu.
Ở đường đi xuống, gần chân núi, có một ngôi chùa nhỏ. Tôi vào đó, hành lễ giống như hồi đi chùa ở Việt Nam, sau đó mua một tờ giấy hoa sen và viết điều ước của mình lên đó. Tờ giấy màu hồng, được cắt thành hình hoa sen, viền ngoài màu tím, ở giữa là khoảng trắng và vài dòng kẻ để viết những điều ước của mình lên đó. Giá mua không cố định, cũng không có người đứng bán. Ai muốn thì cứ lấy một tờ và trả tiền vào cái hòm từ thiện ở gần đó. Tôi không biết sau đấy người ta làm gì, nhưng năm vừa qua tất cả những gì tôi viết trên tờ giấy hoa sen ấy đều trở thành hiện thực. Thế nên năm nay tôi cũng có ý định đi chùa viết sớ thêm lần nữa. Biết đâu đấy năm nay cũng ứng nghiệm thì sao.
So với ở Hàn, Tết tại Singapore dường như nhộn nhịp hơn nhiều. Với cộng đồng người Hoa đông đảo, không khí Tết ở Sing náo nhiệt chẳng kém gì ở Việt Nam. Đường phố, nhà cửa đều được trang trí với giấy đỏ, câu đối, hoa đào (tôi nghĩ là hoa giả). Thi thoảng tôi còn thấy người ta cầm một cành đào đi trên phố nữa. Tôi viết những dòng này vào chiều 30, khi vẫn còn đang ở office. Mọi người đã về hết từ trưa, tôi định bụng sẽ ngồi thêm một lát nữa, đợi trời bớt nắng thì sẽ ra Chinatown chơi một lát, sau đó về nhà. Chiều 30 Tết buồn tẻ đến khó tin.
Tôi đã nghĩ là mình không nhớ nhà lắm cho đến tối hôm qua. Lúc gọi điện, bố tôi ra ngoài đường chỉ cho tôi xem nhà mình trang trí thế nào, hàng hoá bày bán ra sao. Mẹ tôi có một tiệm tạp hoá nhỏ, cứ ngày Tết là sẽ đầy ắp hoa quả, bánh trái, cá biệt có năm còn có cả quần áo nữa. Từ nhỏ, cứ ngày nghỉ, đặc biệt là ngày Tết, là tôi phải phụ bố mẹ bán hàng, có năm tới thận gần giao thừa. Mẹ tôi hay nói "ngày nghỉ của người ta là ngày lao động của mình". Lúc còn đi học, tôi ghét cái quán tạp hoá ấy lắm. Tôi luôn nghĩ là lúc lớn lên sẽ kiêm thật nhiều tiền, rồi sau đó về nhà bảo mẹ tôi dẹp quách cái quán ấy đi. Cái đầu óc trẻ thơ của tôi chỉ nghĩ được đến thế, vẫn luôn cho rằng mọi sự đau khổ trong cuộc đời mình đều là lỗi ở cái cửa hàng tạp hoá ấy.
Ấy vậy mà giờ nhìn thấy nó, tôi tự dưng thấy nhớ nhà, nhớ không khí Tết. Cảm giác ấy chỉ thoáng qua một chút thôi, vừa mơ hồ, vừa rõ ràng, chân thực. Tận trong thâm tâm, tôi hiểu hơn ai hết cảm giác đó xuất phát từ đâu. Nó phản ánh sự mâu thuẫn trong nội tâm của tôi. Một mặt, tôi vừa muốn sống gần gia đình, mong muốn một bến đỗ bình an trong cuộc đời. Một mặt khác, tôi chán ghét và bất lực trước những gì tôi từng thấy, và đang được nghe nói đến, ở cái xã hội nơi tôi được sinh ra. Tới lúc này, có lẽ điều duy nhất liên kết tôi với nơi tôi sinh ra, chỉ là sự hiện diện của gia đình tôi ở nơi đó mà thôi.
Thành phố Mèo là thành phố người ta chỉ đến được một lần trong đời, tuy nhiên nếu không cẩn thận thì người ta có thể phải dành cả đời ở lại thành phố ấy và sống như một người vô hình. Tôi rất thích hình ảnh ẩn dụ này trong cuốn "1Q84". Đối với tôi, thành phố Mèo có lẽ chính là thành phố chứa những suy nghĩ của bản thân mình. Thành phố của những dòng suy nghĩ bất tận và không bao giờ dừng lại. Tôi biết đó là một thành phố kì lạ, nhưng tôi vẫn dùng dằng không thể bước lên chuyến tàu quay trở về thực tại, bởi tôi luôn tò mò cuối cùng thì dòng chảy suy nghĩ ấy sẽ đưa tôi đến đâu. Tôi sợ rằng lúc tôi biết được câu trả lời thì cũng là lúc chuyến tàu sẽ không dừng lại.
Tôi mong mọi người đều có một năm mới hạnh phúc.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất