Bài viết tham khảo cuốn sách Mật mã từ cổ điển đến lượng tử (Simon Singh)
Kì 2:
Một buổi sáng đẹp trời ngày 15/10/1586, nữ hoàng Mary bước vào phòng xử án tại lâu đài Fotheringhay. Những năm tù đày và bệnh phong thấp đã có sự ảnh hưởng nhất định nhưng trông bà vẫn rất cao quý, điềm tĩnh và uy nghi. Bà đi qua các quan lại, chức sắc, rồi tiến đến ngai vàng ở giữa căn phòng. Mary đã tưởng ngai vàng đó như một cử chỉ tôn kính với bà, nhưng bà đã lầm. Ngai vàng đó tượng trưng cho nữ hoàng Elizabeth, kẻ thù, người xét xử Mary, và cũng là chị em họ của bà.
Nữ hoàng Mary xứ Scotland, trong thời gian bị giam lỏng tại nước Anh, đã bị buộc tội mưu đồ tạo phản, âm mưu ám sát nữ hoàng Elizabeth để chiếm ngôi vương. Ngài Francis Walsingham, quan thượng thư, đã bắt những kẻ đồng phạm và lấy lời khai. Giờ đây ông dự định sẽ chứng minh Mary chính là kẻ chủ mưu và nếu sự việc xảy ra như vậy, bà sẽ phải nhận án tử hình.
Những kẻ phản nghịch là một nhóm quý tộc Anh theo thiên chúa giáo, họ dự định lật đổ Elizabeth - người theo đạo Tin lành và để Mary, người theo đạo Thiên chúa lên thay.
Walsingham biết rằng trước khi xử tử được Mary, ông phải thuyết phục nữ hoàng của mình. Mặc dù rất ghét Mary song Elizabeth vẫn có nhiều lý do để lưỡng lự. Thứ nhất, người ta sẽ đặt câu hỏi rằng liệu tòa án nước Anh có đủ thẩm quyền để xử tử người đứng đầu một quốc gia hay không. Thứ hai, xử tử Mary sẽ tạo ra tiền lệ xấu - nếu nhà nước cho phép việc này xảy ra thì trong tương lai bà cũng sẽ không nằm trong ngoại lệ. Thứ ba, dù sao 2 người cũng là chị em họ. Tóm lại, Elizabeth chỉ chuẩn y quyết định xử tử chỉ khi Walsingham chứng minh một cách chắc chắn rằng Mary là kẻ chủ mưu.
Trong quá trình xét xử, bị cáo cấm không được có cố vấn và không được phép gọi nhân chứng. Tuy nhiên, cảnh ngộ của bà cũng không phải là vô vọng vì bà đã rất thận trọng đảm bảo tất cả các thư từ của bà và những đồng minh được mã hóa. Mật mã biến thông điệp của bà thành dãy chữ cái vô nghĩa, Mary tự tin rằng ngay cả khi lá thư bị bắt thì chẳng ai khác có thể hiểu được nội dung thư. Nếu những lá thư vẫn còn là bí ẩn thì chúng không thể là bằng chứng chống lại bà được. 
Thật không may cho Mary, khi một thân tín, đóng vai trò là người đưa thư của bà - bí danh Gifford lại là một điệp viên hai mang. Walsingham đã tuyển ông làm điệp viên và thực tế là người đã yêu cầu ông tiếp cận và xin phục vụ cho Mary. Với vỏ bọc Thiên chúa giáo hoàn hảo của mình, Gifford đã thâm nhập vào nhiều âm mưu chống lại nữ hoàng nước Anh trước đó. Khi xin được vị trí này, mỗi lần Gifford lấy được thư gửi đến hay gửi đi, ông đều mang đến trước cho Walsingham. Ông trùm mật thám này trước hết chuyển cho một chuyên gia làm giả, phá xi, sao lại một bản rồi gắn xi lại bằng một con giấu giả. Những lá thư này trông như chưa từng bị bóc trộm, và khiến cho những kẻ phản nghịch, lẫn Mary đều không hề hay biết.
Để giải mã, Walsingham đã nhờ đến Thomas Phelippes - một chuyên gia giải mã. Mỗi lần nhận được bước thư, Phelippes đều ngấu nghiến tìm lời giải cho nó. Chẳng bao lâu, ông đã nhận ra rằng Mary đang sử dụng loại mật mã thay thế dùng một bản chữ cái - một loại mật mã dựa trên ý tưởng của mật mã Caeser, trong đó mỗi chữ cái hoặc mỗi cụm từ sẽ được thay thế bởi một ký hiệu/ chữ cái nào đó. Ngoài ra, để đánh lạc hướng người giải mã, loại mật mã này còn có những kí tự null và ký tự chỉ dẫn. Cụ thể, Pelippes đã phát hiện ra mình phải đối mặt với 35 ký hiệu kỳ quặc, cộng thêm 4 ký tự null và một ký tự ám chỉ việc biểu thị chữ cái kép ở vị trí tiếp theo.
Bản mã mà Mary sử dụng, được gọi là bảng mã Babington - theo tên người sáng lập ra nó. Nguồn: Wikipedia
Để nhận ra được điều này, ông đã sử dụng phương pháp phân tích tần suất, đếm số lượng mỗi loại ký tự xuất hiện và so sánh tỉ lệ xuất hiện của chúng với những văn bản thông thường khác, ví dụ đơn giản về phương pháp này: giả sử a là chữ cái xuất hiện nhiều nhất trong một văn bản bất kỳ và kí hiệu < cũng xuất hiện nhiều nhất trong bản mã, ta có thể nghi ngờ rẳng < được biểu thị cho a. Với sự kiên trì của mình, ông đã xác định được 4 ký tự null và gạt chúng sang một bên. Cuối cùng những từ còn lại có thể đoán ra bằng cách đối chiếu hoặc đặt bản mã vào một số ngữ cảnh thích hợp (chẳng hạn như nếu biết bức thư có liên quan đến kế hoạch ám sát thì sẽ có từ slay, hoặc sẽ có những từ chỉ thời gian, địa điểm, ...).
Khi Phelippes phát hiện ra âm mưu ám sát, ông đã báo cho Walsingham, tuy nhiên ý muốn của ngài thượng thư lớn hơn việc chỉ bắt vài kẻ phản loạn. Ông đợi thời cơ với hy vọng rằng Mary sẽ đáp lại kế hoạch, nhờ đó có thể có bằng chứng xác thực bà là kẻ chủ mưu. Hy vọng của Walsingham cuối cùng đã được báo đáp.
Ngày 17/7, Mary đã trả lời thư, hành động như chính thức kí vào bản án tử hình của mình. Bà đã bày tỏ rõ ràng mối quan tâm của mình đối với kế hoạch, và đặc biệt đến việc bà phải được giải thoát trước hoặc ngay khi thực hiện cuộc ám sát. Vậy là Walsingham đã có đủ bằng chứng, tuy nhiên để triệt phá đường dây này một cách hoàn hảo, ông cần biết tất cả tên những người tham gia. Ông yêu cầu Phelippes viết thêm một đoạn vào tái bút của Mary, trong đó đề nghị cung cấp một vài thông tin. Một trong những tài năng của Phelippes được biết thêm đó nữa là khả năng giả mạo chữ viết rất giỏi, đoạn giả mạo được thể hiện ở phía đầu hình trên.
Ngày 11/8, nữ hoàng Mary được đặc ân ngoại lệ là cho phép cưỡi ngựa trên địa phận lâu đài Chartley. Mary chợt trông thấy một nhóm người cưỡi ngựa đến gần và nghĩ rằng sự giải thoát đã tới. Tuy nhiên, bà cũng sớm nhận ra đó là nhóm người đến để hộ tống bà.
Sau thời gian dài xét xử và chối cãi, cuối cùng vào ngày 8/2/1587, tại đại sảnh của lâu đài Fotheringhay, 300 khán giả tụ tập để chứng kiến buổi xử trảm. Mary ngả người xuống bệ chém, sau 2 nhát rìu của đao phủ, đầu bà đã lìa khỏi cổ. Đoạn, đao phủ nhìn thấy con chó nhỏ luồn dưới quần áo bà mà y không thể bắt nó rời xa cơ thể đã chết của chủ nó, nhưng rồi sau nó đi ra và nằm giữa đầu và vai của bà, một tình tiết còn được truyền tụng mãi sau này.
Vụ hành quyết nữ hoàng Mary xứ Scotland. Nguồn: mrallsophistory
Cuộc hành quyết bi thảm của nữ hoàng Mary là một minh chứng đầy ấn tượng cho mật mã dùng một bảng chữ cái, và trong cuộc chiến tranh giữa các nhà lập mã và giải mã, phần thắng đã thuộc về những nhà giải mã. Vấn đề giờ đây đặt nặng lên những nhà lập mã, họ phải làm gì để có một loại mật mã mạnh hơn và có thể chống được phương pháp phân tích tần suất?
Đón xem câu chuyện lịch sử: mật mã Vigenère và cuộc săn tìm kho báu chưa từng có hồi kết tại những kì sau.
Kì 4: