Nguyễn Hoàng Cường? Dịch và tổng hợp
Hình ảnh có thể có: văn bản cho biết 'Germany please help me, gib more money. EU please help! Turkey is releasing more immigrants. Oh no help help help What a pussy'

Chắc hẳn khá nhiều người trong chúng ta cũng biết cái tên mà Hy Lạp hay được gọi vui là “Hy Nợ” – bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ công 2009, khi mà quốc gia này buộc phải tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế nợ công luôn là vấn đề kinh niên của đất nước Hy Lạp, ngay từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập 200 năm trước. Chính vấn đề về nợ đã để lại nhiều hệ quả quan trọng đối với sự phát triển của Hy Lạp cho đến tận ngày nay.
Những vụ vỡ nợ lớn trong lịch sử Hy Lạp có thể kể tới như sau:

Lần vỡ nợ đầu tiên (1827):

Năm 1821, sau khi Hy Lạp giành độc lập từ tay đế quốc Ottoman, đất nước này ngay lập tức đối mặt với muôn vàn khó khăn: thiếu sự công nhận quốc tế từ các cường quốc, kinh tế tiêu điều, công thương nghiệp chậm phát triển (do các nhà buôn gốc Hy Lạp chủ yếu tập trung ở Constantinople), lại phải đối mặt với quân đội của đế quốc Ottoman và chư hầu Ai Cập. Trước hoàn cảnh này, chính phủ Hy Lạp quyết định vay nợ từ các ngân hàng Anh và Pháp, lấy “toàn bộ lợi tức và tài sản quốc gia của Hy Lạp” ra thế chấp để đổi lấy 800 ngàn bảng Anh và 20 triệu franc Pháp (tương ứng với 120% GDP của Hy Lạp đương thời) lần lượt vào 2 năm 1824 và 1825.
Tuy nhiên, do quản lý yếu kém và tham nhũng trong chính phủ Hy Lạp, đất nước này nhanh chóng mất khả năng trả nợ và phải tuyên bố phá sản vào năm 1827 – trước khi nền độc lập của đất nước được chính thức công nhận. Chính sự kiện này khiến các chủ nợ Anh, Pháp trở nên mất kiên nhẫn với Hy Lạp, và sau khi nước này chính thức độc lập vào năm 1832, họ thỏa thuận đưa một vị vua xứ Bavaria – Otto Friedrich Ludwig - làm người đứng đầu đất nước. Việc này được coi như là một hành động phản bội với nhiều người Hy Lạp, bởi họ đã “đánh đổ một vị vua nước ngoài chỉ để bị cai trị bởi một vị vua nước ngoài khác”.

Lần vỡ nợ thứ hai (1843):

Để hỗ trợ nền tài chính Hy Lạp sau khi Otto lên ngôi (1832), Anh, Pháp và Nga quyết định cho Hy Lạp vay 60 triệu franc Pháp để trả bớt các khoản nợ cũ, đồng thời các lãnh sự của 3 nước này cũng thể hiện quyền lực của mình trong chính quyền Hy Lạp.
Chính sự ảnh hưởng lớn của 3 cường quốc trên vào đời sống chính trị Hy Lạp khiến cho tình hình kinh tế của đất nước này trở nên hết sức khó khăn. Mặc dù thuế má còn cao hơn cả thời kì thuộc Ottoman để trả nợ, tuy nhiên đến năm 1836, tổng khoản tiền dành cho trả nợ mới của Hy Lạp (24.3 triệu franc) đã cạn kiệt và chỉ 7 năm sau, quốc gia này lại tuyên bố vỡ nợ. Lần này, 3 cường quốc lại bắt Hy Lạp phải tiết kiệm 1 khoản giá 4 triệu franc hàng năm, đồng thời phải dành toàn bộ thuế quan của cảng Syra để trả nợ nước ngoài. Sự kiện này dẫn đến cuộc cách mạng ngày 3 tháng 9 cùng năm, khiến vua Otto buộc phải thành lập nghị viện với các đảng thân Anh, thân Pháp và thân Nga.
Lần vỡ nợ thứ ba (1860)
Đến thời điểm này, chính phủ Hy Lạp buộc phải è cổ ra trả nghĩa vụ nợ do 2 đợt vỡ nợ trước (bắt đầu từ năm 1848). Chính việc này, cùng với việc nước này định tham chiến cùng Nga trong chiến tranh Crimea vào năm 1853, dẫn đến việc hạm đội Anh-Pháp chiếm đóng cảng Piraeus ngay gần Athens cùng năm, buộc Hy Lạp phải từ bỏ giấc mơ giải phóng Constantinople (Istanbul hiện thời).
Thế nhưng, mặc dù chịu áp lực nợ to lớn, chính quyền của vua Otto vẫn không có nỗ lực nào nhằm cải thiện những vấn đề của Hy Lạp. Theo một cơ quan điều tra của Anh-Pháp vào 1857, *“tài chính công của đất nước này thiếu sự giám sát bên ngoài một cách trầm trọng, đồng thời khả năng đánh thuế cũng rất kém và nạn trốn thuế diễn ra một cách tràn lan”.*Chính việc này khiến cho đến năm 1860, nước này lại rơi vào cảnh vỡ nợ. Hệ quả là Hy Lạp bị thị trường tài chính quốc tế cấm cửa trong suốt 18 năm, và vua Otto bị nhân dân lật đổ 2 năm sau đó. Lần này các cường quốc châu Âu liền đồng ý cho George – một hoàng tử người Đan Mạch lên ngôi vua Hy Lạp, đồng thời giảm bớt chút gánh nặng nợ như là “quà đăng quang”. Đổi lại vị vua mới cũng phải đồng ý áp dụng các biện pháp khắc khổ lên Hy Lạp.

Lần vỡ nợ thứ tư (1894):

Sau khi lên ngôi, George đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm tái cấu trúc lại nền tài chính Hy Lạp, bằng các thỏa thuận với các chủ nợ nước ngoài. Thế nên mặc dù chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế 1873, đến thập niên 1870 Hy Lạp đã có thể trả hết khoản nợ 60 triệu franc từ năm 1832.
Thế nhưng đến thập niên 1880, quốc gia này lại quyết định vay tiền ồ ạt từ các chủ nợ nhằm tái vũ trang quân đội, chuẩn bị cho cuộc chiến với đế quốc Ottoman nhằm “giải phóng đất đai của người Hy Lạp” và chiếm lại Constantinople. Nợ công của nước này tăng chóng mặt, tới mức đến năm 1890, 1/3 ngân sách Hy Lạp được dùng để trả nợ. Cùng với đó, cuộc suy thoái kinh tế châu Âu năm 1891 cũng tác động nghiêm trọng đến kinh tế đất nước, khi mà đồng drachma mất 90% giá trị chỉ sau 3 năm. Chính những sự kiện này khiến cho đến năm 1894, Hy Lạp một lần nữa mất khả năng trả nợ. Lần này các chủ nợ nước ngoài liền quyết định thành lập Cơ quan Tài chính Quốc tế (IFC), kiểm soát trực tiếp thu chi của chính phủ nước này. Sự kiện này cùng với thất bại trước đế quốc Ottoman năm 1897 được coi là nỗi nhục lớn của người Hy Lạp vào thời điểm đó.

Lần vỡ nợ thứ năm (1932):

Đến năm 1932, Hy Lạp cũng bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc Đại khủng hoảng. Chính sự kiện này, cùng với những khoản nợ vay từ Anh và Pháp để đánh nhau với quân đội Thổ Nhĩ Kì từ những năm 1920 đến hồi đáo hạn, khiến cho một lần nữa Hy Lạp phải tuyên bố phá sản. Lần này các cường quốc Anh, Pháp, Ý lại không có phản ứng lớn, một phần vì bản thân họ cũng đang vật lộn trong cuộc Đại khủng hoảng lúc đó, và Hy Lạp vẫn phải trả nợ đều cho IFC đến tận năm 1942 ( khi mà cả nước bị phe Trục chiếm đóng).

Lần vỡ nợ thứ sáu (2015):

Sau hơn nửa thế kỉ phát triển kinh tế nhanh chóng, đến năm 2001 Hy Lạp gia nhập khối eurozone bằng... sự gian dối tài chính, khi mà các khoản nợ và thu chi của chính phủ trước khi gia nhập khối đều không được minh bạch. Chính việc này cùng với những khoản chi lãng phí của Hy Lạp cho kì Thế vận hội ở quê nhà năm 2004, khiến cho Hy Lạp trở nên dễ bị tổn thương khi mà khủng hoảng 2008 tác động tới nước này. Đến 2015, nước này trở thành quốc gia đầu tiên không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho IMF. Còn hậu quả của sự kiện này chắc mọi người cũng có thể nhớ, khi mà Hy Lạp suýt nữa ra khỏi khối đồng tiền chung châu Âu và quay lại đồng drachma truyền thống.
· Lời kết:
Như vậy, về tổng quan thì gần một nửa giai đoạn độc lập của Hy Lạp hiện đại (hơn 90 năm), đất nước này gánh chịu khủng hoảng về nợ công. Chính việc này khiến cho Hy Lạp thường xuyên lọt vào “sổ đen” về tài chính trong các quốc gia và các quỹ đầu tư.
Cõ lẽ câu nói phù hợp nhất để tóm tắt tình trạng của Hy Lạp có thể lấy từ kênh Youtube CountryballsExplained: “Trong khi người Hy Lạp coi người Thổ là những kẻ xâm lược man rợ, người Thổ lại coi người Hy Lạp như những kẻ kém cỏi lúc nào cũng kêu cứu khi mọi thứ ngoài tầm kiểm soát”.
Nguồn:
-Wikipedia;
-A.Echoes of History: The International Financial Commission in Greece của Michael Waibel;
-Video của CaspianReport: How independence indebted Greece: https://www.youtube.com/watch?v=E5_smoR1GeA