Chiến tranh Genpei và sự thành lập Mạc phủ Kamakura - sự trỗi dậy của tầng lớp samurai
Nhắc đến lịch sử Nhật Bản thời trung đại, có lẽ quãng thời gian được nhiều người biết và nhớ đến nhất chính là thời Chiến Quốc (Sengoku...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
Nhắc đến lịch sử Nhật Bản thời trung đại, có lẽ quãng thời gian được nhiều người biết và nhớ đến nhất chính là thời Chiến Quốc (Sengoku Jidai) kéo dài từ năm 1478 (sau sự kiện Loạn Onin) đến năm 1605 khi Tokugawa Ieyasu thoái vị chức Sei-i Daishogun (Chinh Di Đại Tướng Quân) và nhường chức cho con trai là Tokugawa Hidetada như một lời ngầm khẳng định chính quyền Tokugawa đã bền vững. Không thể chối cãi rằng thời Chiến Quốc là thời kỳ lịch sử nhiều biến động bậc nhất Nhật Bản với những cuộc chiến liên miên, với những samurai và daimyo (lãnh chúa) đã quen thuộc với mọi người. Quả đúng là ở thời kỳ này, quyền lực của tầng lớp samurai, hay bushido - võ sĩ đạo là đỉnh cao nhất khi Thiên hoàng chẳng là gì trong mắt họ cả, nhưng sự trỗi dậy mạnh mẽ của tầng lớp samurai không phải đến tận thời Chiến Quốc mới bắt đầu, mà nó đã bắt đầu gần bốn thế kỷ trước đó rồi. Chuỗi sự kiện liên quan đến sự trỗi dậy của samurai bắt đầu vào cuối thời kỳ Heian, với đỉnh điểm là Chiến tranh Genpei (1180-1185) và kết thúc khi Minamoto no Yoritomo nắm chức Chinh Di Đại Tướng Quân và thành lập Mạc phủ Kamakura.
1. Nhật Bản cuối thời kỳ Heian
Thời kỳ Heian là một trong những thời kỳ mà xã hội Nhật Bản phát triển rực rỡ nhất về nghệ thuật, thơ ca và văn học. Đây cũng là thời kỳ mà quyền lực của Thiên Hoàng đạt đỉnh cao nhất (mặc dù quãng thời gian Thiên Hoàng nắm thực quyền không dài cho lắm). Thời kỳ Heian bắt đầu vào năm 794, khi Thiên Hoàng thứ 50 - Kemmu dời đô từ Heijo-Kyo ở Nara đến Heian-Kyo (nay là Kyoto). Đầu thời Heian, do vẫn còn ảnh hưởng từ thể chế từ thời Nara nên Nhật Bản vẫn thuộc thể chế tập quyền trung ương với Thiên Hoàng là trung tâm quyền lực, nhưng dần dần đến khoảng giữa thời kỳ Heian thì thể chế này dần dần băng hoại đi và khắp cả nước xuất hiện những trang viên, thái ấp do các quý tộc tự cai quản. Quyền lực trung ương không còn nhiều ảnh hưởng tới các lãnh địa riêng của quý tộc nữa, nói nôm na là thực quyền của Thiên Hoàng dần bị thu hẹp lại.
Vậy khi đó, tầng lớp samurai có địa vị ra sao? Xin thưa là không hề cao quý gì như sau này. Samurai khi đó chỉ đơn giản là thuộc hạ của quý tộc, làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh địa, quản lý trang viên, nói tóm lại là họ như quản gia vậy, quán xuyến hầu hết mọi việc bởi vì quý tộc mặc dù có lãnh địa riêng nhưng hầu hết thời gian họ sinh sống ở kinh đô và rất hiếm khi về lãnh địa của mình. Kể cả khi quý tộc có được phong quan ở một địa phương nào đó thì họ cũng chẳng thật sự làm gì mà giao hầu hết việc cho các samurai dưới quyền, nào là bắt nông dân nộp thuế, trừng phạt những kẻ phạm luật, có thể nói thì vào thời điểm đó, các samurai làm những việc bẩn thỉu thay cho quý tộc và vì thế, tầng lớp samurai thường bị ghét bỏ bởi đa số người dân, giới quý tộc thì xem thường và coi họ là tầng lớp ti tiện.
Đọc thêm:
Tuy nhiên, một khi đã được trao nhiều thực quyền như vậy thì ai cũng sẽ dần muốn mạnh lên và có thể độc lập, thoát khỏi sự kiểm soát. Các samurai cũng không ngoại lệ. Họ dần trở nên mạnh hơn qua việc đàn ấp nông dân, họ dần giàu lên khi biết bớt xén niên cống cho quý tộc, tích trữ dần dần để tự lập được về kinh tế. Dần dần, các samurai tự độc lập được quay ra triệt tiêu, thu phục nhau để mở rộng tầm ảnh hưởng và thế lực của mình. Đây chính là điểm bắt đầu của những gia tộc võ sĩ mạnh mẽ và có thế lực lớn sau này, mà điển hình là hai gia tộc Minamoto (hay còn được gọi là Genji) và gia tộc Taira (hay còn được gọi là Heike).
Lúc này, thực chất Thiên Hoàng không còn nắm thực quyền nữa mà quyền lực rơi vào tay gia tộc Fujiwara. Gia tộc Fujiwara được hình thành khi người sáng lập - Nakatomi no Kamatari được Thiên Hoàng Tenji ban cho họ "Fujiwara" vào thế kỷ thứ 7, sau đó, dần dần, bằng việc kết hôn với các thành viên hoàng gia, gia tộc Fujiwara dần dần bước vào và nắm nhiều quyền hành, có người lên tới chức Nhiếp chính (Sessho) và Quan Bạch (Kampaku), tức là nhiếp chính cho ấu chúa. Quyền lực của nhà Fujiwara dần bao trùm cả hoàng gia và họ dần nắm được quyền kiểm soát ngai vàng. Đến cuối thế kỷ thứ 9, các Thiên Hoàng gần như không còn có thể kìm hãm được Fujiwara nữa và đến năm 1000, Fujiwara no Michinaga thậm chí đã có thể phế lập Thiên Hoàng theo ý muốn. Ngai vàng gần như không còn chút thực quyền nào mà mọi sự đều nằm trong tay Fujiwara, nhà sử học George B. Sansom gọi đây là một hình thức "độc tài cha truyền con nối". Việc này cũng tương đồng với chế độ Mạc phủ sau này khi các Mạc phủ Kamakura, Ashikaga hay Tokugawa cũng đều nắm thực quyền và chức vị tối cao Chinh Di Đại Tướng Quân đúng là cha truyền con nối chứ Thiên Hoàng chẳng thể can dự vào được. Tuy nhiên, chúng ta không gọi chế độ nhiếp chính của Fujiwara là Mạc phủ, bởi lẽ Fujiwara là quý tộc chứ không phải võ sĩ như các gia tộc Minamoto, Ashikaga hay Tokugawa sau này.
Mặc dù Fujiwara vẫn đang nắm đỉnh cao quyền lực, hai gia tộc khác cũng có nguồn gốc từ hoàng gia là Minamoto và Taira cũng không hề kém cạnh khi liên tiếp chiếm cứ và tuyên bố quyền sở hữu các vùng đất của riêng mình. Nhật Bản gần như phân ba với ba thế lực Fujiwara, Minamoto và Taira kìm kẹp và lăm le đánh chiếm lẫn nhau.
Đọc thêm:
Cho đến triều đại của Thiên Hoàng Go-Sanjou (1068-1073), ngài quyết tâm phục hồi quyền lực thông qua sức mạnh kiểm soát cá nhân, thi hành các cải cách để kiềm chế ảnh hưởng của nhà Fujiwara. Ngài cũng sáng lập ra những cơ quan có chức năng chứng thực giấy tờ về đất đai để một lần nữa tái xác nhận quyền kiểm soát trung ương. Hệ thống Insei - Viện Chính được thành lập, quyền kiểm soát các vùng đất của nhà Fujiwara bị bó hẹp dần, hàng loạt các thành viên gia tộc Fujiwara bị thay thế trong bộ máy chính quyền. Thêm nữa, trong thời gian này, Fujiwara cũng phân hai bởi mâu thuẫn trong chính nội bộ gia tộc khiến quyền lực của gia tộc suy yếu dần dần và bị lép vế trước hai thế lực kia - Minamoto và Taira.
Cuối cùng, sự thống trị của gia tộc Fujiwara chấm dứt vào năm 1156 khi Loạn Hogen diễn ra. Hai người đứng đầu hai phe của gia tộc Fujiwara ủng hộ hai ứng cử viên khác nhau cho vị trí Thiên Hoàng. Mà không chỉ có Fujiwara, cả các thành viên của Minamoto và Taira cũng đều phân đôi, mỗi bên ủng hộ một phe. Một bên ủng hộ Thiên Hoàng Go-Shirakawa với nòng cốt là Fujiwara no Tadamichi, Minamoto no Yoshitomo và Taira no Kiyomori, bên kia ủng hộ vị Thiên Hoàng già Sutoku với nòng cốt là Fujiwara no Yorinaga, Minamoto no Tameyoshi và Taira no Tadamasa. Cuối cùng, Thiên Hoàng Go-Shirakawa thắng lợi, và mặc dù nhà Fujiwara chưa hề tuyệt diệt, nhưng quyền lực tối cao của họ đã không còn nữa và nhà Fujiwara bước vào phía trong, nhường chỗ cho hai đối thủ mới là Minamoto và Taira.
2. Taira nắm quyền
Sau khi Loạn Hogen kết thúc, Taira và Minamoto trở thành hai gia tộc mạnh nhất và lẽ đương nhiên là kẻ này muốn tiêu diệt hoàn toàn kẻ kia để độc bá quyền lực mặc dù Minamoto và Taira đã từng liên minh trong Loạn Hogen. Dĩ nhiên đó chỉ là liên minh tạm thời mà thôi, về bản chất, Minamoto và Taira, kẻ này nhất định phải tiêu diệt kẻ kia để tồn tại, không còn cách nào khác. Kể cả nếu như một trong hai không có ý định tranh giành quyền lực, thì kẻ còn lại cũng sẽ tự nhiên nghĩ rằng rồi sẽ đến lúc bên kia nổi dậy tranh quyền, vì thế, xung đột là không thể tránh khỏi. Căng thẳng giữa Minamoto và Taira leo thang dần và cuối cùng dẫn đến sự biến Loạn Heiji năm 1160 khi Minamoto và Taira quyết chiến để xác định kẻ nào sẽ nắm được quyền lực tối cao.
Loạn Heiji diễn ra từ ngày 19/1 đến ngày 5/2 năm 1160 giữa Minamoto và Taira, giữa hai người đứng đầu mỗi gia tộc là Minamoto no Yoshitomo và Taira no Kiyomori. Cuộc chiến diễn ra khá ngắn ngủi với kết cục là Minamoto đại bại, Yoshitomo cùng hai con lớn là Tomonaga và Yoshihira tử trận. Con trai thứ ba của Yoshitomo là Yoritomo bị bắt giải về Kyoto và suýt bị chém đầu, may được người vợ thứ của Kiyomori xin tha mới khỏi chết nhưng bị đi đày ở Izu. Đất đai, quyền lực của gia tộc Minamoto gần như đều bị Taira chiếm lấy cả, những người còn sống sót của nhánh chính Minamoto như Yoritomo, Noriyori hay Yoshitsune thì hoặc bị đi đày, hoặc bị quản thúc. Các nhánh khác của Minamoto thì không còn đủ quyền lực hay sức mạnh để thách thức Taira thêm nữa. Bởi thế, nhà Taira tiếp bước Fujiwara và trở thành gia tộc võ sĩ đầu tiên chi phối được toàn bộ quyền lực hoàng gia. 20 năm đỉnh cao của Taira bắt đầu.
Taira no Kiyomori, với quyền lực và sức mạnh trong tay, dần dần leo đến đỉnh cao quyền lực vào năm 1167 khi được phong chức Daijo Daijin (Thái Chính Đại Thần). Ông trở thành người đầu tiên xuất thân từ một gia tộc võ sĩ nắm chức vụ này, báo hiệu cho buổi hoàng kim của tầng lớp samurai sắp sửa bắt đầu. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Kiyomori từ bỏ vị trí lãnh đạo nhà Taira, với mục đích duy trì uy tín chính trị và xã hội của việc giành được chức quan cao nhất nước, nhưng vẫn không cần phải góp mặt. Điều này trở thành một thông lệ trong rất nhiều năm trên những tầng nấc cao nhất của chính quyền Nhật Bản và làm như vậy, Kiyomori xác nhận rằng quyền lực của nhà Taira là tuyệt đối. Dĩ nhiên các gia đình quý tộc không lấy làm vui vẻ gì với điều này, các gia đình quý tộc đã từng có tột đỉnh quyền lực, nhưng giờ đang bị lép vế dần trước một gia tộc samurai - tầng lớp mà trước đây họ khinh rẻ, bảo sao họ hài lòng cho nổi?
Đọc thêm:
Năm 1171, Kiyomori sắp xếp một cuộc hôn nhân giữa Thiên Hoàng Takakura với con gái mình là Taira no Tokuko, bằng cách này, vị thế của nhà Taira thậm chí còn cao hơn, nhất là khi đến năm 1178, hoàng tử Tokihito, người sau này trở thành Thiên Hoàng Antoku ra đời. Một năm sau, Kiyomori tiến hành đảo chính quân sự, buộc mọi kẻ đối địch với Taira phải rời khỏi triều và thay vào các vị trí đó bằng các thành viên gia tộc Taira, thậm chí tống giam Thượng hoàng Go-Shirakawa. Đến lúc này thì có lẽ không một thế lực nào có thể hay dám đứng lên thách thức chính quyền Heike này được nữa
(À, trừ nhà Minamoto, dĩ nhiên, nhưng giờ gia tộc Genji lẫy lừng thuở nào đang bị Taira kìm kẹp thì làm sao mà đứng lên được, và Minamoto vẫn nằm yên chờ thời).
Tất nhiên, sự lộng quyền của nhà Taira dần trở nên quá đáng hơn bao giờ hết khi vào năm 1180, Kiyomori ép Thiên Hoàng Takakura thoái vị, truyền lại ngôi cho hoàng tử Tokihito. Và như thế, Kiyomori nghiễm nhiên trở thành ông ngoại của Thiên Hoàng. Heike cuối cùng đạt tới đỉnh cao quyền lực.
Nhưng, mỉa mai thay, khi Heike đạt tới đỉnh cao của quyền lực, cũng là lúc đánh dấu điểm đầu tiên của sự sụp đổ của gia tộc Taira, mà nguyên nhân chính vì sự độc đoán và chuyên quyền quá mức của họ mà ra, thêm nữa, cũng vào năm 1180, nạn đói hoành hành ở Nhật Bản, lòng dân vốn căm phẫn nay còn căm phẫn hơn trước sự bạo tàn của Heike.
Tháng 5 năm 1180, em trai của Thiên Hoàng Takakura - Hoàng tử Mochihito cùng với Minamoto no Yorimasa, phất cờ đứng lên chống lại nhà Taira, mở đầu cho cuộc chiến mà về sau này, người ta gọi là Chiến tranh Genpei.
3. Chiến tranh Genpei (1180-1185)
Cuộc chiến bắt đầu khi hoàng tử Mochihito cùng với bề tôi là Minamoto no Yorimasa phất cờ đứng lên để lật đổ sự chuyên quyền của Taira. Tuy nhiên, sức mạnh của Taira lúc này vẫn còn rất lớn. Các thành viên gia tộc Minamoto vẫn đang phân tán, chỉ với sức mạnh của một mình Yorimasa thì cũng khó có thể làm gì nổi Taira. Cuộc nổi loạn của hoàng tử Mochihito nhanh chóng thất bại dù họ đã chiến đấu ngoan cường trong Trận Uji, nhưng vẫn không đủ để đánh bại Taira. Minamoto no Yorimasa thà tự sát chứ quyết không để rơi vào tay Taira, đó là một nghi lễ seppuku nổi tiếng và là khởi đầu cho truyền thống "thà tự sát chứ không để kẻ địch bắt được" mãi sau này. Hoàng tử Mochihito thì bị bắt và ít lâu sau đó cũng bị xử tử.
Một khởi đầu đẫm máu cho phe chống đối Taira, mặc dù hoàng tử Mochihito thất bại, nhưng hạt giống của cuộc chiến đã được gieo. Bởi vì ngay khi giương cờ lên, Mochihito đã gửi mật chiếu đến các thế lực chống đối Taira toàn thiên hạ để kêu gọi đồng minh, giá như Taira không tiến đánh Mochihito nhanh đến như vậy, rất có thể các thế lực ủng hộ hoàng tử sẽ có thể tập hợp và lúc đó thì chưa chắc Taira đã có thể thắng. Tất nhiên đó chỉ là giả định, nhưng không thể chối cãi một điều, bức mật chiếu đã đến tay các nhân vật chủ chốt nhất của nhà Minamoto - Minamoto no Yoritomo, Minamoto no Yoshitsune và Minamoto no Yoshinaka. Chính họ sẽ là những người đem đến đoạn kết cho Taira.
Hãy cùng nói qua một chút về ba nhân vật trên. Dĩ nhiên gia tộc Minamoto còn rất nhiều các thành viên khác, nhưng tôi cho rằng ba người kể trên là ba Minamoto quan trọng nhất. Yoritomo nắm quyền chỉ huy gia tộc và sau này là người thành lập Mạc phủ Kamakura, Yoshinaka là người đã đuổi đánh Taira ra khỏi Kyoto, và Yoshitsune - vị tướng huyền thoại yểu mệnh của gia tộc Minamoto, một trong những samurai nổi tiếng nhất lịch sử Nhật Bản.
Đọc thêm:
Đầu tiên là Minamoto no Yoritomo, con trai thứ ba của Yoshitomo - người chết trận trong Loạn Heiji khi đối đầu với Taira. Khi bị bắt và đi đày đến Izu, Yoritomo mới chỉ 13 tuổi, suốt 20 năm đi đày, Yoritomo tích cực tìm kiếm đồng minh, những bạn bè của gia tộc cũng như những người phẫn uất với Taira. Đến tháng 4 năm 1180, ông nhận được mật chiếu từ hoàng tử Mochihito và đến tháng 8 thì giương cờ đứng lên nổi dậy ở Izu. Tuy nhiên, ngay trong trận đối đầu trực diện đầu tiên với quân Heike ở Ishibashiyama, Yoritomo thua thảm, phải trốn vào hang động sau đó lưu lạc đến Awa. Nhờ tiếp viện của các tướng như Kazusanosuke Hirotsuke, Chibanosuke Tsunetane của dòng họ Miura, lãnh chúa vùng Joso Kaso mà đánh ngược lên chiếm lấy Kanto. Tháng 10 năm đó, Yoritomo thắng trận Fujikawa, mà thực ra, phần nhiều là nhờ... ăn may khi tướng của quân Heike không hiểu thần hồn nát thần tính thế nào mà giữa đêm nghe tiếng đàn vịt đập cánh trên sông lại tưởng kỵ binh Genji phục kích mà mau chóng rút quân. Yoritomo thắng trận Fujikawa, nhưng sau đó hầu như không ra trận nữa mà chỉ tập trung xây dựng thành Kamakura và chính quyền nơi ấy. Hầu hết những trận đánh lẫy lừng sau này là do Minamoto no Yoshinaka và Minamoto no Yoshitsune chỉ huy.
Chi tiết thêm về Yoritomo và chế độ Mạc phủ Kamakura tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau.
Về Yoshinaka, mặc dù cùng thuộc gia tộc Minamoto, nhưng ông lại có hiềm khích với Yoritomo, bởi lẽ cha của Yoritomo là Yoshitomo, trước đây rất lâu, lấy vị thế nhánh chính của gia tộc mà đã chiếm lấy khá nhiều đất đai thuộc về cha của Yoshinaka. Bởi lẽ đó, Yoshinaka luôn ôm hận với nhánh chính của Minamoto và luôn tự nhủ sẽ tự tay đánh bại Taira để đoạt lấy quyền lực.
Để xoa dịu Yoritomo, Yoshinaka gửi con trai đến làm tin ở Kamakura, nhưng bên cạnh đó, bản thân Yoshinaka cũng tiếp tục gây dựng quân đội để đợi thời cơ tiến về Kyoto.
Năm 1181, Taira no Kiyomori chết vì bệnh, để lại một gia tộc Taira quá lớn cho con trai Munemori gánh vác. Munemori thì kém xa so với người cha lừng lẫy của mình, lãnh đạo cả một gia tộc lớn như Taira là quá sức đối với ông. Vấn đề về việc chống lại Minamoto đã đủ đau đầu, nay lại thêm nạn đói kéo dài đến tận năm 1183 càng khiến cho tình cảnh của nhà Taira thêm bi thảm. Khi nạn đói cơ bản đã được khắc phục, vì muốn thảo phạt Yoshinaka nhanh chóng nên Munemori đã gấp rút ra lệnh cho quân Heike tiến công Yoshinaka, đạo quân do cháu nội Kiyomori - Taira no Koremori chỉ huy. Quân của Heike vốn đã giảm sút khá nhiều vì nạn đói, cho nên dọc đường họ phải nhanh chóng tuyển thêm quân, và quân số lên tới khoảng 4 vạn người, mặc dù phần lớn đều là nông dân ô hợp, tuy đông nhưng quá hỗn loạn.
Đối đấu với 4 vạn quân Heike là khoảng 5 ngàn quân Kiso của Yoshinaka. Mặc dù thua kém quân số quá nhiều, nhưng 5 ngàn quân Kiso đều là lính tinh nhuệ, hơn nữa trong trận này, Yoshinaka đã dùng mưu rất hay và chính xác. Trận chiến này diễn ra ở đèo Kurikara, thuộc Tonamiyama của tỉnh Etchu, sau này được gọi là trận Kurikara hoặc trận Tonamiyama.
Tiến đến những con đèo nối phía Tây Honshu với phía Đông, Koremori chia quân đội của mình làm hai đạo, một đạo tiến đền đèo Kurikara rồi đến Tonamiyama, đạo khác tiến vào tỉnh Etchu qua tỉnh Noto hướng lên phía Bắc.Yoshinaka, thấy rằng quân Heike đang tiến qua đèo, ra lệnh cắm một số lượng lớn cờ trắng (trắng là màu của gia tộc Minamoto) trên ngọn đồi cách đó vài km để đánh lừa quân địch rằng quân đội của ông lớn hơn thực tế nhiều. Đây là chiến thuật trì hoãn, với mục đích giữ chân quân Heike trên đèo cho đến khi đêm xuống, để phần thứ hai trong chiến lược của ông có thể thực hiện được.
Ông chia quân làm ba đường, đưa một đạo tấn công vào sườn quân Taira, một đạo dưới chân đèo, là đội mai phục, và đạo thứ ba ông đi cùng và đánh vào trung tâm. Để che giấu những hành động này, Yoshinaka đánh lừa quân địch bằng một trận đánh rất thông thường, bắt đầu với việc bắn qua lại tên hao thỉ (loại cung tên phát ra tiếng khi bắn mang tính lễ nghi trong các trận chiến của Nhật thời trung cổ). Sau đó là trận đánh một chọi một (khi các chủ tướng mỗi đạo quân tiến ra đấu tay đôi), thứ mà nhà Taira rất mong muốn, với hy vọng danh được vị trí cho mình trong lịch sử và những thiên anh hùng ca thường có sau những trận chiến kiểu như thế này.
Trong khi đó, quân đội của Yoshinaka chiếm lính vị trí, và khi mặt trời lặn, quân Heike thấy rằng sau lưng mình có một đội quân Genji nữa, cắm nhiều cờ hơn so với số cờ của đội quân này, lại một lần nữa họ nghĩ rằng quân Genji đông hơn mình. Trung quân của Yoshinaka, đã tập trung một đàn bò, giờ thả chúng xuống đèo, thẳng vào vị trí quân Heike, với đuốc cháy trên sừng của chúng. Rất nhiều binh lính Heike bị đàn bò húc phải và chết, trong khi nhiều người khác bị hất khỏi con đèo, và tử nạn trên những vách đá lởm chởm phía dưới. Rất nhiều người cố rút chạy, nhưng bị lạc trong nhiều con đường, bị quân Genji đợi sẵn kết liễu, hoặc xấu số rơi xuống các hẻm núi. Yoshinaka đại thắng và thất bại của quân Heike nặng nề tới mức ngay sau đó, đại quân của Yoshinaka thẳng đường tiến về Kyoto mà gần như chẳng gặp trở ngại gì. Gia tộc Taira buộc phải chạy khỏi Kyoto, đem theo Thiên Hoàng Antoku cùng các thần khí của Nhật Bản đến thành trì của họ ở Honshu và Shikoku.
Về phần Yoshinaka, ông suất lãnh đại quân gồm khoảng 5 vạn quân Kiso tiến thẳng về Kyoto, để rồi nhìn thấy cung điện Rokuhara và các công trình xung quanh đang cháy rừng rực - nhà Taira khi rút chạy khỏi Kyoto đã nổi lửa đốt chúng. Được sự ủng hộ của Thượng hoàng Go-Shirakawa, Yoshinaka tiếp tục cho quân truy đuổi nhà Taira. Yoshinaka giờ lại tiếp tục ôm tham vọng đánh bại Yoritomo và trở thành tộc trưởng gia tộc Minamoto, đòi lại những gì đã mất của cha mình. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng với công lao của mình, ông xứng đáng được ban chức Chinh Di Đại Tướng Quân. Tuy nhiên, vinh quang của Yoshinaka chẳng kéo dài được lâu, mặc dù khi mới tiến quân vào Kyoto, quân Kiso được nhân dân đón chào nhiệt liệt vì đã đánh đuổi được nhà Taira, nhưng chỉ ít lâu sau đó, Yoshinaka, quá say chiến thắng nên trị quân không còn nghiêm nên quân Kiso tự do cướp phá, hạch sách dân chúng, Yoshinaka dần mất đi uy tín và thế lực quân Kiso không còn mạnh nữa, đặc biệt là sau thất bại của quân Kiso tại Mizushima và Muroyama.
Nhận thấy tình hình ngày càng bất lợi, Yoshinaka bàn với chú mình là Yukiie, âm mưu đánh chiếm kinh đô, bắt giữ Thượng hoàng, thậm chí có thể lập một triều đình mới ở phía Bắc để đối chọi với Kamakura của Yoritomo. Tuy vậy, Yukiie tiết lộ kế hoạch này với Thượng hoàng, và sau đó Thượng hoàng ban mật chỉ tiến đánh Yoshinaka cho Yoritomo.
Chỉ đợi có như thế, Yoritomo lập tức cử hai người em của mình là Noriyori và Yoshitsune lập tức tiến quân về Kyoto đánh đuổi Yoshinaka. Biết mình bị phản bội, Yoshinaka lập tức chiếm quyền điều hành kinh thành, nổi lửa đốt Hojujidono và bắt giam Thượng hoàng, nhưng đã quá muộn. Đội quân của Noriyori và Yoshitsune tới sau đó ít lâu và đập tan quân Kiso của Yoshinaka. Yoshinaka bị đánh đuổi khỏi Kyoto, đại bại ở Uji và cuối cùng tự sát ở Awazu năm 1184. Minamoto no Yoshinaka, đánh đuổi quân Heike ra khởi Kyoto, cuối cùng lại có kết cục bi thảm như vậy. Nội loạn của gia tộc Minamoto chấm dứt, nhưng nó thật sự không có ảnh hưởng gì quá nhiều tới lực lượng của Yoritomo. Bây giờ, mọi chướng ngại vật đã biến mất, quân Genji cuối cùng cũng có thể thẳng đường tiến đánh những thành trì cuối cùng của quân Heike tại Honshu và Shikoku. Và những trận đánh cuối cùng của Chiến tranh Genpei, ghi dấu ấn đậm nét của vị samurai huyền thoại Minamoto no Yoshitsune.
Minamoto no Yoshitsune (1159-1189) là con trai thứ chín của Yoshitomo, khi Loạn Heiji xảy ra thì Yoshitsune mới có 1 tuổi. Yoritomo - anh trai ông thì bị đày đến Izu, còn Yoshitsune - thuở bé có tên Ushikawaru thì bị giam lỏng tại đền Kurama trên núi Hiei gần Kyoto. Sau đó vài năm, ông trốn đến Hiraizumi và được lãnh chúa Fujiwara no Hidehira bảo hộ. Đến năm 1180, nhận được mật chỉ của hoàng tử Mochihito, Yoshitsune rời Hiraizumi và nhập quân với những người anh em của mình để khởi binh tiến đánh Taira. Yoshitsune chỉ thực sự cầm quân chiến đấu sau khi đánh bại Yoshinaka năm 1184, những trận chiến ông tham gia không phải là nhiều, nhưng đều là những trận chiến kinh điển trong toàn cuộc chiến Genpei. Đó là các trận Ichi-no-Tani, trận Yashima và cuối cùng là trận thủy chiến huyền thoại Dan-no-Ura.
Sau khi dẹp yên quân Kiso của Yoshinaka tại Kyoto, đại quân Genji do Noriyori và Yoshitsune chỉ huy rời Kyoto và tiến về Honshu và Shikoku - cứ điểm cuối cùng của quân Heike. Về phía nhà Taira, họ nhận được thư của Thượng hoàng rằng nếu họ đầu hàng trước ngày 7/2 năm 1184, nhà Minamoto sẽ đồng ý đình chiến. Dĩ nhiên đó chỉ là một trò đùa, bởi vì không lý nào nhà Minamoto lại ngừng chiến chỉ vì một bức thư, thêm nữa là với Minamoto, Taira quá nguy hiểm, thời cơ không đến hai lần. Đây là lúc tốt nhất để tiêu diệt Taira, một lần và mãi mãi. Tuy nhiên, trong hàng ngũ các lãnh đạo của quân Heike có sự xao động nhất định, mặc dù người lãnh đạo lúc đó là Munemori có ý muốn hòa, nhưng phần đông các tướng lĩnh của quân Heike - dẫn đầu là em trai Munemori - Taira no Tomomori lại muốn quyết chiến đến cùng.
Quân Genji mở cuộc tấn công đầu tiên vào thành Ichi-no-Tani, một trong những thành chính và lớn nhất của quân Heike tại Honshu. Theo đó, quân Genji chia làm hai đạo, Yoshitsune dẫn 1 vạn quân vòng qua phía Bắc lên để tấn công thành từ phía Tây. Noriyori dẫn 5 vạn quân tấn công thẳng thành từ phía Đông. Vào ngày 18/3, Yoshitsune đến pháo đài Mikusayama và ngay lập tức đột kích trong đêm để hạ nó, quân Heike nhanh chóng bị đánh bại và rút khỏi Mikusayama với khoảng 500 người bị giết. Yoshitsune sau đó chia quân làm hai đạo, 7000 quân do tướng Doi Sanehira dẫn đầu sẽ tiếp tục tiến đến Ichi-no-Tani ở mặt Tây, bản thân Yoshitsune dẫn 3000 quân còn lại leo lên một ngọn đồi ở phía trên thành nhìn xuống. Khi quân của Noriyori và Sanehira đang công thành thì Yoshitsune cùng gia thần Benkei dẫn một đội kỵ binh (tương truyền là chỉ 100 người) mạo hiểm phi từ vách đá xuống thẳng phía dưới và nhảy vào trong thành, số quân còn lại trên đỉnh đồi thì yểm trợ bằng cung nỏ. Bị bất ngờ trước đòn tấn công này, quân Heike hoảng loạn và Yoshitsune nhanh chóng mở được cổng thành, mở đường cho đại quân Genji tiến vào. Thành Ichi-no-Tani bị hạ, tướng giữ thành là Taira no Tomomori dẫn tàn quân Heike lui về Shikoku.
Thắng trận Ichi-no-Tani, theo lẽ thường thì quân Genji phải nhanh chóng tiến đến Shikoku, nhưng sự thật là mãi đến 6 tháng sau trận chiến tiếp theo mới diễn ra. Quân Genji cần thời gian để tập trung lực lượng và tổ chức một hạm đội, vì ai cũng biết quân Heike giỏi thủy chiến, không chuẩn bị kỹ thì không thể thắng, rõ ràng trận quyết chiến với quân Heike phải là trên biển. Ngay sau trận Ichi-no-Tani thì Noriyori cùng Yoshitsune trở về Kyoto báo tin chiến thắng. Tuy nhiên, mầm mống của mối bất hòa giữa Yoshitsune và Yoritomo cũng bắt đầu nảy sinh khi Yoshitsune có vẻ nghiêng về phía Thượng hoàng Go-Shirakawa, mà điều này lại trái ý với Yoritomo (đó là lý do vì sao Yoritomo rất giận dữ khi biết tin và không khen thưởng chút gì cho công lao của Yoshitsune tại trận Ichi-no-Tani và thậm chí còn cấm Yoshitsune tham gia cuộc chiến)
6 tháng sau trận Ichi-no-Tani, vào tháng 10 năm 1184, Noriyori dẫn 3 vạn quân rời Kyoto và tiến về hướng Shikoku. Mục tiêu của họ là thành trên đảo nhỏ Yashima ngoài khơi Shikoku, phòng tuyến của quân Heike. Tuy nhiên, Noriyori có quá ít thuyền nên không thể ra khơi, rất may là sau đó ít lâu, một số gia tộc samurai ở Kyushu quyết định gia nhập quân Genji và đem cho họ số thuyền cần thiết. Tháng 3 năm 1185, Noriyori tiến quân, cùng lúc đó Yoshitsune cũng được Yoritomo cho phép quay lại cuộc chiến.
Vào ngày 22/3, Yoshitsune quyết định đó là thời điểm thích hợp để tấn công Yashima, nhưng đêm đó trời lại bão to và xem ra không thể lái thuyền ra Yashima được, nhưng Yoshitsune vẫn quyết định ra khơi, bởi ông cho rằng càng như thế, quân Heike sẽ càng bị bất ngờ. Yoshitsune dẫn một hạm đội nhỏ ra khơi, hầu hết bị bão đánh tan, nhưng cuối cùng ông cũng cập bến Yashima, mặc dù chỉ có hơn 100 người.
Tuy vậy, Yoshitsune vẫn quyết định tấn công Yashima. Ông cho nổi lửa thật lớn để lừa quân Heike rằng đại quân Genji đã đánh tới. Chủ tướng thành Yashima hiện tại là Munemori, quá sợ vì nghĩ đại quân Genji đánh tới nên vội vàng ra lệnh rút khỏi Yashima nhanh nhất có thể. Họ bỏ lại thành trì và cung điện, lên thuyền bỏ chạy cùng Thiên Hoàng Antoku và các thần khí. Khi bỏ chạy, nhà Taira thậm chí còn đặt một chiếc quạt trên cột buồm một trong các con tàu của họ ở cách xa bờ, thách thức quân Genji bắn rơi được nó, và trong hàng ngũ quân Genji, một người lính Genji là Nasu no Yoichi cưỡi ngựa nhảy xuống biển, và một phát bắn rơi chiếc quạt. Khiếp vía trước kỳ công ấy, quân Heike rút chạy khỏi Yashima. Yoshitsune thắng trận, chiếm được Yashima, nhưng toàn bộ hạm đội Heike vẫn chạy về được Shikoku. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng nghĩa lý gì, vì chỉ một tháng sau đó, trận quyết chiến giữa quân Genji và quân Heike diễn ra tại một nơi có tên Dan-no-Ura.
Một tháng sau trận Yashima, quân Genji tập hợp được lực lượng hạm đội của mình, họ có khoảng 850 thuyền chiến và tiến về Shikoku, đối đầu với hạm đội quân Heike có khoảng 500 thuyền. Mặc dù vượt trội về quân số, nhưng quân Heike lại giỏi thủy chiến hơn, nên lợi thế quân số không thực sự có ý nghĩa gì.
Ngày 25/4 năm 1185, trận quyết chiến cuối cùng giữa quân Genji và quân Heike diễn ra tại Dan-no-Ura, thuộc eo biển Shimonoseki. Quân Heike chia hạm đội của mình ra làm ba đội, trong khi quân Genji tụ hợp thành hạm đội lớn, và cung thủ sẵn sàng. Đầu trận đánh chủ yếu là các loạt tên thăm dò đối phương trước khi hai bên xáp lá cà. Đầu tiên thì thủy triều có lợi cho quân Heike và giúp họ bao vây hạm đội quân Genji lại dù có số lượng ít hơn, nhưng đến khoảng trưa và đầu giờ chiều, thủy triều lại đổi hướng và thành ra có lợi cho quân Genji. Tuy thế, hai bên cũng lao vào đánh xáp lá cà quyết liệt và không thể nói trước được bên nào sẽ chiến thắng.
Tuy nhiên sau đó, một tướng của nhà Taira là Taguchi Shigeyoshi bất ngờ phản bội, cho hạm đội của mình tập kích sau lưng quân Heike, lợi thế bất ngờ nghiêng hẳn về phía quân Genji. Một lý do nữa là Yoshitsune lệnh cho cung thủ cứ nhằm vào lái thuyền mà bắn. Có một quy tắc bất thành văn thời đó là khi thủy chiến, chẳng ai bắn vào lái thuyền, vì họ đều là dân chài, nếu bị bắn thì sau này họ sẽ sợ và không dám lái thuyền cho quân đội nữa, thủy quân không thành được. Nhưng khổ nỗi Yoshitsune là người miền Đông, lại cũng chẳng nghĩ xa lắm về điều ấy cho nên ông cứ nhằm lái thuyền mà bắn tên. Hạm đội của quân Heike lập tức hỗn loạn và quân Genji nhân đó tràn lại tấn công áp đảo. Nhận ra trận chiến đã thua, rất nhiều tướng lĩnh và quân lính Heike nhảy xuống biển tự tử, một số còn kêu lên rằng "Yoshitsune là đồ hèn!". Trong số những người tự sát theo cách này có Thiên Hoàng Antoku và bà ngoại, góa phụ của Taira no Kiyomori. Đến ngày nay, ở eo biển Shimonoseki vẫn được người Nhật cho rằng đang lưu giữ linh hồn của các chiến binh nhà Taira. Nhà Taira cố ném các thần khí xuống nước nhưng mới chỉ ném được thanh kiếm và chiếc gương trước khi con thuyền giữ các thần khí bị chiếm giữ. Gương đã được thợ lặn tìm lại; nhiều người nói rằng thanh kiếm đã bị mất đi vào lúc đó, mặc dù về chính thức thì nó đã được tìm lại và được thờ tại đền Atsuta.
Với việc đại bại tại Dan-no-Ura, tộc trưởng Taira no Munemori bị bắt sống, nhà Taira chính thức bại về tay nhà Minamoto. Kỷ nguyên cai trị của nhà Taira chấm dứt sau hơn hai mươi năm ngắn ngủi, nhường chỗ cho nhà Minamoto - gia tộc sẽ thành lập nên Mạc phủ Kamakura.
Tuy nhiên, số phận của danh tướng số một quân Genji - Minamoto no Yoshitsune lại cực kỳ bi thảm sau những chiến công lẫy lừng như vậy. Sau khi chiến tranh Genpei kết thúc, Yoshitsune ngả về phe Thượng hoàng Go-Shirakawa để chống lại sự manh nha độc bá quyền lực của Yoritomo nhưng thất bại, ông chạy về Hiraizumi để cầu viện Fujiwara no Hidehira nhưng không thành vì Hidehira mất ít lâu sau đó, Yoshitsune bị phản bội bởi con trai thứ của Hidehira là Fujiwara no Yasuhira, bị phục kích trong trận Koromogawa và bị ép phải tự sát. Gia thần Benkei của ông cũng tử trận nơi đây khi một mình chống lại quân của Yasuhira, tạo nên một huyền thoại Benkei tuy đã chết nhưng vẫn đứng vững.
Cuộc đời của Yoshitsune tuy ngắn ngủi nhưng vinh quang có thừa, được mệnh danh là "ánh sáng của quân Genji", những chiến công của Yoshitsune đều là những chiến công huyền thoại và lưu danh sử sách.
(À quên mất, có thuyết cho rằng Yoshitsune thực ra không chết tại Koromogawa mà trốn thoát, đào tẩu tới Mông Cổ và sau đó trở thành... Thành Cát Tư Hãn. Thuyết này khá thú vị và dựa trên sự tương đồng về tuổi tác của hai người, khả năng quân sự và sở trường về kỵ binh, thêm nữa là Gengis Khan đọc khá giống với phiên âm tiếng Hán của Yoshitsune - đọc là Gen Gi Ken. Tất nhiên đây chỉ là một thuyết vô căn cứ mà lập ra cốt để bất tử hóa hình tượng Yoshitsune mà thôi. Tuy vậy thì với đại đa số người, cái chết bi tráng của Yoshitsune đã đủ để khiến tên tuổi ông bất tử rồi).
4. Thành lập Mạc phủ Kamakura
Sau thất bại tại Dan-no-Ura, gia tộc Taira chính thức sụp đổ, mặc dù chưa thật sự tuyệt diệt. Nhà Minamoto lên nắm quyền hành thay cho nhà Taira, và việc Minamoto no Yoritomo đạt đến đỉnh cao quyền lực chỉ còn là vấn đề thời gian.
Năm 1192, Minamoto no Yoritomo được phong chức Chinh Di Đại Tướng Quân, Mạc phủ Kamakura chính thức được thành lập. Tuy nhiên, tiếng gọi là Mạc phủ, thực sự Mạc phủ Kamakura và bản thân cái danh Chinh Di Đại Tướng Quân của Yoritomo chưa thật sự giống với các Mạc phủ sau này như Ashikaga hay Tokugawa.
Đọc thêm:
Nhắc đến Chinh Di Đại Tướng Quân, thường người ta nghĩ ngay đến chức quan đứng đầu tầng lớp samurai và cũng như đứng đầu thiên hạ (giống như Tokugawa Ieyasu chẳng hạn). Nhưng vào thời Mạc phủ Kamakura thì Chinh Di Đại Tướng Quân không phải (hay chính xác hơn là chưa phải) như vậy. Thời đó, miền đông Nhật Bản, tức là từ vùng Kanto tới vùng Tohoku ngày nay, còn có người Ezo chưa chịu thần phục triều đình Yamato, cư ngụ. Theo nhân chủng học, thì trong đám người này có lẽ có người thuộc dân tộc Ainu. Tuy nhiên, thời ấy, tất cả những người ở miền đông không chịu tuân theo triều đình Yamato, đều bị gọi là Ezo. Cũng như vậy, những người ở miền nam Kyushu thời đó không chịu thần phục triều đình Yamato, thì gọi là Kumaso. Chinh Di Ðại Tướng Quân là chức quan đánh dẹp người Ezo, đối lại với chức quan đánh dẹp miền nam là Trấn Tây Ðại Tướng Quân. Nói cách khác, Chinh Di Ðại Tướng Quân là tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, chẳng qua là một chức võ quan lâm thời mà thôi chứ chưa đến mức "quyền khuynh thiên hạ" mặc dù về thực tế mà nói thì Yoritomo thực sự cũng đã đạt đến mức "quyền khuynh thiên hạ" rồi. Bởi vì Yoritomo đã lợi dùng quyền chỉ định và sa thải các tư lệnh địa phương mà trước kia pháp hoàng Go-Shirakawa đã ban cho ông bằng một bức thư riêng, khiến samurai toàn quốc phải nghe theo chỉ thị của mình sau khi được phong tổng tư lệnh quân đội miền Ðông.
Về phần thể chế của Mạc phủ Kamakura, một lần nữa tỏ được sự mưu mô và đáng ngại của Yoritomo. Ông giữ nguyên thể chế quan lại “nhị quan bát tỉnh,” không đụng chạm gì đến các quan chức ở kinh đô từ Thái Chính Đại Thần trở xuống. Với Yoritomo, Chinh Di Ðại Tướng Quân không những đã chỉ nắm quyền quân sự của quân đội miền Ðông, mà còn lần lượt đặt ra và phong thêm nhiều quan chức khác nữa. Ðây là những “quan chức ngoài luật lệnh,” tức là những quan chức không có quy định trong luật lệnh. Yoritomo biết phân biệt thể chế luật lệnh (hình thức) và cơ chế mạc phủ (thực chất), làm thành một cấu trúc quyền lực hai tầng.
Ðúng ra, Mạc phủ Kamakura không phải đã cai trị được đất đai cả nước Nhật Bản. Mạc phủ Kamakura với tư cách tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, tuy đã thu hút được samurai trên toàn quốc vào dưới trướng của mình, song trên thực tế, đất đai do samurai cai quản mới chỉ được một nửa trên toàn quốc. Một nửa còn lại là trang viên của quý tộc hay của đền chùa. Những nơi này vì không thuộc quyền quản lý của samurai, nên quyền hành của bộ tổng tư lệnh quân đội miền Ðông không ảnh hưởng tới được.
Thêm nữa, Mạc phủ Kamakura cũng không có quyền chỉ định các quan chức của thể chế luật lệnh, từ Thái Chính Đại Thần trở xuống. Quyền này vẫn là thuộc triều đình ở Kyoto. Đương nhiên, các quan chức như vậy trên thực chất đều không có quyền hành gì tương xứng cả. Triều đình có quyền cai trị đất đai và quyền phong quan cai trị, song Mạc phủ Kamakura lại có võ lực, nên khi cần có thể bắt giữ lưu đày quý tộc hay hoàng tộc tùy ý muốn, đó là bản chất của Mạc phủ đầu tiên.
Yoritomo còn học thêm được một bài học sau cái thất bại của Taira no Kiyomori. Ông đã tách chức năng thủ phủ chính trị đem ra Kamakura, một nơi xa hẳn kinh đô để tránh ảnh hưởng của bè phái và quyền lợi. Ông đã, bằng sự cách ly về địa lý và hình thái của hai đô thị, thực sự cho người ta cảm thấy rõ rệt cái cấu trúc hai tầng của quyền lực, một hình thức và một thực chất. Triều đình, vẫn đóng ở tại Kyoto, chỉ có bề ngoài, còn thực chất quyền lực nằm ở Kamakura, do Mạc phủ nắm giữ.
Chính thức thành lập năm 1192, kéo dài đến năm 1333, Minamoto no Yoritomo đã thành lập nên Mạc phủ đầu tiên và qua đó, khẳng định sự lên ngôi của tầng lớp võ sĩ đạo và sự cáo chung về quyền lực của tầng lớp quý tộc cũ. Kể từ thời Mạc phủ Kamakura, quý tộc cũng như hoàng gia chỉ có hư danh chứ không còn thực quyền nữa (mặc dù vào thời Mạc phủ Ashikaga thì có hơi khác biệt khi Mạc phủ chia sẻ nhiều quyền lực hơn với Thiên Hoàng).
Minamoto no Yoritomo, với tư cách tộc trưởng một gia tộc võ sĩ đạo, đã sáng lập nên nền chính trị võ gia. Tuy thế, cả đời ông chỉ vào kinh đô Kyoto đúng hai lần, còn lại toàn bộ thời gian đều ở Kamakura. Mặc dù là người sáng lập Mạc phủ Kamakura, Yoritomo không được biết đến và cũng không được yêu thích nhiều như những người em trai của ông - đặc biệt là Minamoto no Yoshitsune. Sự thực thì Yoritomo không phù hợp với chiến trường, mà phù hợp với chính trường. Dày công xây dựng Kamakura, giữ vững nơi đó, nuôi quân, thành lập và củng cố chính quyền, xét kỹ ra thì Yoritomo quả là một người không tầm thường. Ông có cái tài nhìn xa trông rộng, có sự thâm hiểm và có đủ sự tàn nhẫn (mà có khi còn hơi quá tàn nhẫn) khi sẵn sàng xuống tay giết chết các em của mình như Noritomo hay Yoshitsune. Kể cả với những người đồng tộc thì Yoritomo cũng chẳng kém tàn nhẫn. Kết quả là ông có rất ít con cháu và người thân thích, để đến mức sau ba đời thì bị đứt đoạn dòng máu. Yoritomo đã sát hại nhiều công thần trong sự nghiệp xây dựng Mạc phủ Kamakura, đó cũng là một lý do vì sao gia tộc bên vợ ông - gia tộc Hojo sau này lại nắm nhiều quyền hành và trở thành nhiếp chính cho gia tộc Minamoto.
Minamoto no Yoshitsune có thể được yêu thích và ngưỡng mộ hơn Minamoto no Yoritomo, nhưng sự thực rằng chính Yoritomo với thành quả là Mạc phủ Kamakura mới chính là thứ đã giúp tầng lớp samurai từ hạng bề tôi ti tiện vươn lên thành tầng lớp có địa vị cao bậc nhất trong xã hội phong kiến Nhật Bản. Đó là một công lao không ai có thể phủ nhận được của Chinh Di Đại Tướng Quân Minamoto no Yoritomo.
*Hy vọng là sau bài viết này, mọi người có thể có một cái nhìn rõ hơn về lịch sử Nhật Bản thời kỳ cuối Heian và đầu Mạc phủ Kamakura, cũng như sự trỗi dậy của tầng lớp samurai và cuộc chiến quan trọng bậc nhất lịch sử Nhật Bản - cuộc chiến Genpei. Bài viết chắc chắn còn thiếu sót, rất mong được góp ý thêm.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ những nguồn sau:
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất