Thế giới hậu Đại dịch Corona sẽ như thế nào?
Làm việc từ xa, tự động hóa và điều trị bệnh từ xa có thể sớm trở thành những tiêu chuẩn mới Đại dịch coronavirus sẽ luôn được nhớ...
Làm việc từ xa, tự động hóa và điều trị bệnh từ xa có thể sớm trở thành những tiêu chuẩn mới
Đại dịch coronavirus sẽ luôn được nhớ đến với tư cách là một sự kiện sắp xếp lại trật tự thế giới, nằm chung danh sách với cuộc Đại khủng hoảng, sự sụp đổ của Bức tường Berlin, hay như cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Nó sẽ thúc đẩy những bước chuyển mình của xã hội và nền kinh tế tài chính, những thay đổi mà đáng lẽ phải mất hàng mấy năm để thành hình.
Dù cho mất bao lâu đi chăng nữa, chúng ta rồi cũng sẽ thắng được con virus này, và nền kinh tế của chúng ta dần dần sẽ gượng dậy được sau cuộc suy thoái nó đã giáng xuống. Nhưng khi cơn gió đã lặng, những chiếc khẩu trang rơi xuống, cơn đại dịch này vẫn thay đổi xã hội và những hành vi kinh tế của chúng ta, mãi mãi. Đây là một vài tương lai khả dĩ nhất:
1. Những công ty dịch vụ kỹ thuật số và thương mại điện tử sẽ thu lợi nhanh chóng và lâu dài
Khi mà người ta bị cô lập trong nhà và phải cách xa người khác thì những người thắng cuộc trước mắt chính là những người có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà không cần đến tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Những người này có thể là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (Amazon Web Services), mạng dịch vụ làm việc từ xa (Zoom, Slack, Microsoft Teams), công ty thực tế ảo như Oculus, dịch vụ streaming như Netflix, các tổ chức esports như Cloud9.
Lưu lượng social media sẽ tăng vọt, nhưng doanh thu của các nhà quảng cáo sẽ phải ngoi ngóp vì một nền kinh tế đang tê liệt không cần đến việc quảng bá. Coca-Cola đã rút hết những quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, và những công ty khác cũng theo sau. Tổng chi cho việc quảng bá giảm mạnh, ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất, các agency quảng cáo, TV và radio.
2. Làm việc từ xa là điều tất yếu
Vì hoàn cảnh, những người nhân viên đột ngột phải làm việc từ xa sẽ trải nghiệm một phong cách làm việc mới mẻ, giúp họ thoát khỏi những bộ vest và việc đi đi lại lại, khiến lịch trình và những nhu cầu khác của họ linh động hơn. Một số sẽ phát hiện ra mình thích làm việc từ xa hơn, và khi cuộc khủng hoảng đã thoái trào, vài công ty khó mà từ chối lựa chọn này, còn số khác sẽ muốn tận dụng được điều này. Công nghệ làm việc từ xa sẽ được cải tiến, những cuộc hội họp trực tiếp trước đây sẽ chuyển thành trực tuyến. Điều này sẽ gây nên một cuộc suy thoái nghiêm trọng cho ngành địa ốc vì các công ty cắt giảm quy mô không gian làm việc của họ.
Đi kèm với siết chặt việc đi lại và thực hiện cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài nhập cảnh vào một số quốc gia, các ngành phụ thuộc vào kinh doanh du lịch phải gánh chịu một sức ép lớn. Nó cũng sẽ dẫn đến một cuộc chuyển dịch dân cư bởi những nhân viên văn phòng ở các thành phố lớn - một khi quy trình làm việc từ xa đã đi vào nề nếp, các nhân viên có khả năng làm việc từ xa sẽ có thể rời các thành phố lớn đông đúc để chuyển đến những vùng có chi phí sống thấp hơn.
3. Nhiều ngành nghề sẽ được tự động hóa, số còn lại sẽ chuyển sang làm việc từ xa
Để sống sót qua giai đoạn thăng trầm này, các công ty cần phải sa thải những nhân việc có hiệu suất kém, vận hành tự động những gì có thể và số còn lại thì cho hoạt động từ xa. Những công ty nào có thể thực hiện hiệu quả việc này sẽ mang lại một bộ máy tinh gọn và hiệu suất hơn. Và chẳng có lý do nào để họ phải quay lại số lượng nhân viên như trước kia - đồng nghĩa với việc những người từng đảm nhận các công việc nay đã được tự động hóa sẽ thiếu kỹ năng để cạnh tranh trong nền kinh tế hậu khủng hoảng. Những người tham gia lực lượng lao động sẽ vượt qua. Về trung và dài hạn, những công ty này sẽ nhận ra những công việc họ đang thực hiện từ xa có thể được thực hiện bởi những nhân công trình độ cao ở những nước có chi phí sống thấp. Tóm lại, xu hướng việc làm sắp tới chuyển từ làm tại chỗ sang làm từ xa, rồi làm từ xa sẽ chuyển sang làm từ nước ngoài.
4. Điều trị từ xa sẽ là xu hướng mới, đánh dấu cho một cuộc bùng nổ trong ngành công nghệ y tế
Ở Mỹ, trong vòng vài tuần, rất nhiều những rào cản pháp lý đối với việc điều trị từ xa đã bị cắt bỏ. Những y bác sĩ ở Mỹ nay có thể thăm khám vượt ranh giới các bang, có thể email và gọi video cho bệnh nhân theo luật HIPAA (T/N: Đạo Luật về Trách Nhiệm Giải Trình và Cung Cấp Thông Tin Bảo Hiểm Y Tế, giúp bảo vệ thông tin của bệnh nhân). Và bảo hiểm y tế sẽ hoàn trả cho các dịch vụ thăm khám từ xa. Dù thông báo nói rằng những biện pháp này chỉ là tạm thời, những người có dịp trải nghiệm tính tiện nghi và tiết kiệm của việc điều trị từ xa sẽ không muốn từ bỏ nó. Một khi cơn khủng hoảng đã trôi qua, các hình thức chăm sóc sức khỏe sẽ bắt đầu cung cấp từ xa trong cuộc sống hàng ngày chứ không chỉ là khi gặp dịp khủng hoảng, giúp cho những bác sĩ giỏi có thể đưa dịch vụ của họ tiếp cận đến nhiều đối tượng bệnh nhân hơn. Hiện tại, cổ phiếu của Teladoc và các tập đoàn tương tự đã tăng mạnh với kỳ vọng cơn đại dịch này sẽ thúc đẩy tăng trưởng lâu dài cho lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa.
Ngân sách và nhân lực dành cho đại dịch này sẽ chuyển từ Bộ Quốc phòng sang các lĩnh vực điều trị từ xa, các công ty quang tuyến y tế, chẩn đoán hình ảnh, và virus học. Các dịch vụ y tế từ xa sẽ cải thiện và phát triển với các sản phẩm xét nghiệm và chẩn đoán tại nhà, phổ biến hình thức đeo thiết bị liên tục để theo dõi triệu chứng. Các thành phố lớn sẽ áp dụng hệ thống giám sát dịch bệnh vĩnh viễn, các doanh nghiệp và sân vận động sẽ thực hiện theo dõi real-time bằng cách sàng lọc triệu chứng và đo thân nhiệt những người tham gia.
5. Cuộc khủng hoảng nợ sinh viên trên toàn quốc cuối cùng cũng hạ nhiệt khi đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến
Đại dịch đã buộc nhiều trường đại học phải chuyển sang dạy online, khiến các sinh viên kêu gọi hoàn trả học phí và chi phí liên quan. Nếu đến học kỳ mùa thu mà hình thức giảng dạy online vẫn tiếp tục, bao nhiêu phần trăm sinh viên sẽ đăng ký lại mức học phí như trước kia? Thử nghiệm học tập từ xa trên toàn thế giới hiện đang được tiến hành chứng minh rằng giáo dục đại học vẫn có thể hoạt động hiệu quả với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với giảng dạy trực tiếp. Nếu đúng như vậy, nó có thể dẫn đến một sự tính toán làm biến đổi lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt là với các trường đại học ít cạnh tranh, khi sinh viên đong đếm lại chi phí và lợi ích của trải nghiệm cư trú bốn năm.
Các trường đại học cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạn kiệt nguồn tài trợ từ chính phủ liên bang. Cuối cùng, nhiều trường sẽ áp dụng các mô hình hạn chế việc học trực tiếp, tăng các bài tập dự án và học nhóm cho sinh viên. Những điều này sẽ cắt giảm đáng kể chi phí, mà lại giúp những giáo sư giỏi có thể phổ biến kiến thức của họ tới nhiều sinh viên hơn. Một viễn cảnh tốt đẹp hơn là mở rộng khả năng tiếp cận các trường đại học cao cấp,vốn bị giới hạn ở một số lượng nhỏ vì các hạn chế vật lý của những lớp học và khuôn viên.
6. Hàng hóa và con người sẽ bị hạn chế lưu thông giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ
Các quốc gia sẽ thu mình lại, biên giới sẽ chặt hơn và giao thương quốc tế sẽ sụp đổ. Để tăng cường khả năng sống sót trong thời gian tự cô lập kinh tế kéo dài, các chính phủ sẽ đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước và bắt đầu dự phòng đầy đủ cho những chuỗi cung ứng quan trọng. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, vấn đề tiền lương cao hơn ở Trung Quốc, chiến tranh thương mại quốc tế và sự gia tăng của các nhà máy bán tự trị đã thúc đẩy các công ty định hình lại sản xuất, chuyển dịch sang hướng nghiên cứu và sản xuất nội địa. Cuộc khủng hoảng coronavirus sẽ đẩy nhanh xu hướng này: Dần dà, các tập đoàn sẽ ưu tiên cho khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng nội địa hơn là hiệu quả của các chuỗi toàn cầu hóa. Thiếu đi nguồn hỗ trợ để bảo vệ những lợi ích chung của việc hội nhập kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, các tổ chức quản lý toàn cầu được thành lập trong thế kỷ 20, dù là tạm thời, sẽ bắt đầu lung lay.
Khi đại dịch đã qua, những chính phủ đã nhận được các quyền hạn khẩn cấp để quản lý khủng hoảng và giữ trật tự biên giới của mình sẽ không muốn từ bỏ chúng. Chính phủ sẽ tiến hành giám sát rộng rãi hơn và, lấn chiếm hơn, cũng như tuyên bố quyền kiểm soát rộng hơn nhằm kiểm soát và phản ứng với các mối đe dọa về virus. Các trạm kiểm tra tại biên giới quốc gia và khu vực sẽ sử dụng sàng lọc sinh trắc học real-time để phát hiện nhanh các loại virus chết người và áp dụng các biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với khách du lịch đến từ một số quốc gia nhất định. Điều này sẽ tạo ra xích mích đáng kể cho tất cả các loại hình du lịch. Các hãng hàng không, khách sạn và du lịch sẽ trải qua sự thiếu hụt nhu cầu nghiêm trọng dù là trong hay ngoài nước, đó là hệ quả trước mắt của cơn dịch này.
7. Kết thúc làn sóng cô lập, việc hợp tác đa phương có thể khởi sắc
Sau khi rút lui khỏi việc toàn cầu hóa, các quốc gia có thể nhận ra rằng các mối đe dọa về công nghệ và virus vẫn hiện hữu, và do đó cần có sự hợp tác quốc tế. Áp dụng chủ nghĩa quốc tế thực dụng, các nước sẽ xây dựng các quy tắc quốc tế, hệ thống giám sát và báo cáo, các kế hoạch ứng phó và dự phòng phối hợp. Khi đại dịch tiếp theo xảy ra, các hệ thống giám sát và báo cáo toàn cầu sẽ phát hiện ra sớm hơn. Một đối phó phối hợp toàn cầu sẽ làm cho các lệnh tự cô lập có hiệu quả, rút ngắn thời gian đình trệ kinh tế và làm giảm ảnh hưởng lên cuộc sống thường ngày.
Tác giả: Emma Rose Bienvenu từ Medium
Dịch giả: Ngân từ Group QRVN
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất