Gân đây mạng xã hội đã có nhiều luồn ý kiến trái chiều về một chiến dịch CSR mang tên Sữa Kun cho em. Cư dân mạng đứng trước 2 luận điểm lớn: Đây là một chiến dịch CSR thực sự nhân văn hay là một chiến dịch lợi dụng lòng thương để thu lại lợi nhuận.

Sơ lược về chiến dịch "Sữa Kun cho em".

Sữa Kun cho em là một chiến dịch dưới sự hợp tác giữa Công ty cổ phần sữa quốc tế IDP và Chương trình "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Hội Đồng Đội Trung Ương tổ chức để trao tặng sữa Kun cho các em bé ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh.
Cách thức tham gia chương trình: Người tham gia thực hiện chia sẻ thông tin dự án hoặc postcard lên Facebook kèm hashtag #SuaKUNChoEm hoặc đăng lại (repost) lên Tiktok, KUN sẽ dành tặng số lượng hộp sữa KUN 100% Sữa Tươi tương đương với số lượng hashtag được hệ thống kiểm đo Social Listening đếm được

Ý kiến từ cộng đồng mạng

Cộng đồng mạng đã tham gia sôi nổi vào việc đưa ra góc nhìn của bản thân đối với dự án của Kun, cụ thể được chia làm 2 luồng chính:

1. Đây là một chiến dịch lợi dụng lòng thương của người tiêu dùng để thu lại lợi nhuận?

Người tiêu dùng cho rằng Kun đang phóng đại giá trị của sản phẩm và hình ảnh thương hiệu khi đặt một vấn đề rất nhức nhối tại Việt Nam - "Suy dinh dưỡng ở trẻ em". Nhiều khán giả cho rằng, việc Kun giải quyết vấn nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em "miền núi" bằng cách trao những sản phẩm của hãng đến tay các em là đang khiến cho người tiêu dùng ảo tưởng về khả năng của sản phẩm trong khi có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự suy dinh dưỡng ở trẻ như: môi trường sống, sự chăm sóc của bố mẹ, thể trạng dị tật,.. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng chiến dịch đang có sự phân biệt vùng miền khi chỉ tặng cho các em ở miền núi, điều đó làm tăng thêm định kiến về vùng miền của người đọc.
Từ những ý kiến trên, người xem cho rằng đây là một chiến dịch bẩn khi lợi dụng tình thương, lòng trắc ẩn của người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi cho tổ chức, phóng đại khả năng của sản phẩm và chiến dịch CSR của Kun là một chiến dịch "đạo đức giả".

2. "Sữa Kun cho em" là một chiến dịch nhân văn và ấm áp.

Với sức lan truyền của chiến dịch, Sữa Kun cho em đã thành công mang một thực trạng lớn đến với sự quan tâm của công chúng. Một điều phải nhìn nhận thật sự rằng chúng ta luôn biết tình trạng suy dinh dưỡng tại Việt Nam luôn là một vấn đề nan giải nhưng các cá nhân có thực sự tìm hiểu tường tận về nó hay không? Kun đã thông qua chiến dịch khiến cho nhiều người đã tìm thêm nhiều thông tin về thực trạng này, những yếu tố phát sinh bệnh và hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, vấn đề Kun đang thu lại lợi nhuận là một điều hiển nhiên, tuy nhiên Kun có đi đến hành động. Tuy một hộp sữa không thể giải quyết được vấn đề nhức nhối này nhưng nó cũng là một sự ấm áp của nhãn hàng. Nếu nhìn rộng ra, Kun đang làm nóng lại vấn đề, nhắc nhở đến toàn thể mọi người về trách nhiệm của mình đối với xã hội, và đó là điều đáng trân quý nhất.

Góc nhìn cá nhân tác giả

Đối với riêng góc nhìn của tôi, tôi trân quý những gì mà Kun làm. Có thể 1 hộp sữa với 1 cộng đồng không to tác, nhưng Kun đã đánh thức trách nhiệm của mỗi người.
Đầu tiên, chúng ta sẽ xét đến mục đích của chiến dịch. Có thể thấy Kun không phải là một ông lớn về ngành sữa. Nhắc đến sữa, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Vinamilk, TH Truemilk, Dutch Lady,... và ở khía cạnh khác, để tham gia chiến dịch thì người tham gia không cần bỏ ra bất kì chi phí nào. Do đó có thể thấy mục tiêu lớn nhất của nhãn hàng là đang muốn thông qua chiến dịch đưa thương hiệu được gần gũi với người tiêu dùng hơn, có một ánh nhìn thân thiện đối với sản phẩm cũng như thương hiệu và nó không phải là một chiến dịch đánh vào doanh thu.
Ngoài ra, thông qua chiến dịch, sẽ có nhiều người thấy được thực trạng hiện tại của các trẻ em vùng núi, nó chẳng phải phân biệt hay tạo định kiến, mà nó đang phản ánh thực trạng. Không lẽ bạn muốn giấu nó đi và để luôn âm ỉ, phát triển trên từng cơ thể nhỏ bé đó? Kun chỉ như một đại sứ làm cầu nối cho mọi người tiếp cận đến các em.
Khi một vài bộ phận cư dân mạng cho rằng, Kun đang phóng đại bản thân như thể "một vị cứu tinh" là một lối suy nghĩ khá suy diễn. Trong khi Kun chỉ nhìn nhận chức năng của sản phẩm chỉ cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng giúp các em cao lớn và tăng đề kháng để có thể học tập và vui chơi, chưa từng có một câu khẳng định nào cho rằng "Kun sẽ giải quyết triệt để vấn đề an sinh xã hội này". Vì vậy mà những dòng nhận xét như thế khá là khắc nghiệt cho những gì mà nhãn hàng làm.

Vậy tại sao người tiêu dùng lại trở nên nhạy cảm và phản ứng mạnh với chiến dịch này như vậy?

Có 2 vấn đề chính dẫn đến sự nhạy cảm của người tiêu dùng: Đối tượng của chiến dịch và nơi thực hiện chiến dịch.
Không chỉ riêng Kun, mà có rất nhiều nhãn hàng lớn bé mà chiến dịch của họ đã gây ra những tranh cãi vì đối tượng chính của chiến dịch là trẻ em như các chiến dịch của Balenciaga, H&M hay rõ ràng nhất là chiến dịch của mì tôm Gấu Đỏ. Trẻ em thực sự là một đối tượng nhạy cảm cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện một chiến dịch nào đó liên quan đến. Đơn giản vì các em là những trang giấy trắng, những thông tin được đưa đến với các em cần phải chọn lọc và chính vì thế đã dẫn đến sự kích động của cộng đồng.
Mặt khác, Kun vấp phải nhiều tranh cãi một phần cũng vì mức độ viral của chiến dịch. Nhiều cá nhân cảm thấy bị "bội thực" vì lướt đến đầu là xuất hiện chiến dịch đến đấy, dẫn đến sự khó chịu và cái nhìn không mấy tốt đẹp đến với thương hiệu. Con người luôn sống trong sự nghi ngờ, thay vì nhìn những điều tích cực hơn trong chiến dịch, họ chọn cách nhìn nhận khác đi, họ cho rằng làm việc tốt thì không cần phải chia sẻ lên mạng xã hội, mà nếu đã chia sẻ lên mạng xã hội thì đó chính là "làm màu", "đánh bóng tên tuổi", "lợi dụng sự đồng cảm, tình thương, lôi kéo sự ủng hộ". Nhưng nếu nhìn khác đi, bạn thấy đó, việc bạn làm là chia sẻ nhưng việc họ làm chính là đưa những hộp sữa đến với các em. Có thể với bạn nó không nhiều nhưng thực tế cuộc sống của các em rất khó khăn, 1 vài hộp sữa cũng làm các em vui. Điều quan trọng là nhãn hàng có 1 hành động rõ ràng cho chiến dich, học hợp tắc với một tổ chức uy tín và chắc chắn rằng NTD không bị lừa.
Vấn đề về an sinh xã hội rất nhiều, không chỉ có thực trạng về suy dinh dưỡng, mà còn về tệ nạn xã hội, về ô nhiễm môi trường,... và hành động của Kun chỉ là giúp mang đến những điều tốt đẹp hơn cho các em. Nếu bạn không thích chiến dịch, bạn có thể không tham gia nhưng đừng chà đạp nó.