Chiến binh cầu vồng
Tôi vừa đọc xong cuốn sách Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata. Dù biết tới cuốn sách này từ lâu nhưng tôi chỉ mượn về đọc khi...
Tôi vừa đọc xong cuốn sách Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata. Dù biết tới cuốn sách này từ lâu nhưng tôi chỉ mượn về đọc khi vô tình thấy nó trên kệ sách ở nhà một người bạn. Vì tính tôi không thích mượn dông dài nên tôi gắng đọc cho nhanh rồi trả sách. Kết quả là tôi ngốn hết hơn 400 trang sách trong vòng 2 ngày, một tốc độ không quá tệ.
Khoảng độ 200 trang đầu, người kể chuyện Ikal đem lại cho tôi cảm giác như đây là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh phiên bản Indonesia. Cách hành văn nhịp nhàng, tác giả trở lại dưới hình hài một cậu nhóc đang tuổi cắp sách tới trường. Những mẩu chuyện vụn vặt chắp vá thành từng chương, từng thước phim tuổi thơ hiện về trong tâm trí, những tháng ngày hạnh phúc bên thầy cô, trường học, bạn bè…
Câu chuyện bắt đầu ở buổi lễ khai giảng đầu năm tại ngôi trường nghèo Muhammadiyah trên đảo Belitung, Indonesia. Belitung nổi tiếng là hòn đảo có trữ lượng thiếc dồi dào, nhưng lợi nhuận lại bị hút hết bởi công ty khai mỏ quốc gia – trong truyện gọi là PN, đồng thời cũng điều hành một trường học sang trọng – trường PN, được tác giả miêu tả như là kình địch của trường Muhammadiyah. Cuốn sách là lời tự sự của nhân vật Ikal, một cậu học sinh tại Muhammadiyah và hành trình tiến tới nền giáo dục mơ ước của cậu.
***
Muhammadiyah là một ngôi trường nghèo ròng rã với lịch sử hơn 100 năm, là nơi các phụ huynh nghèo khó trên đảo gửi gắm con em tới học, cũng là nơi chúng được giảng dạy bởi những giáo viên có tình hình kinh tế chẳng hơn cha mẹ chúng là bao. Cả giáo viên và học sinh đều phải làm thêm ngoài thời gian trên lớp mới đủ sống. Hơn hết, các giáo viên tại Muhammadiyah không được trả lương, tất cả đều được tiến hành trên tinh thần tự nguyện tự giác. Ngôi trường vỏn vẹn có 10 học sinh, sau này tăng thêm thành 11, được chống đỡ bởi hai thầy cô trụ cột là cô Mus và thầy Harfan. Trong truyện, tác giả tự gọi 11 học sinh là các Chiến binh Cầu vồng.
Giấc mộng chữ nghĩa của 11 đứa trẻ tại ngôi trường làng ấy đã nhiều lần bị thử thách. Cơ sở vật chất tồi tàn, sự chèn ép từ phía công ty mỏ, sự thờ ơ của chính quyền nhưng trên tất thảy là cám dỗ của những đồng tiền còm cõi do công việc cu li đem lại. Cái đói và cái nghèo luôn bủa vây, giáo dục xem ra hóa xa vời. Một nền giáo dục mà làm cu li hái tiêu hay đốn trầm hương có thể kiếm đủ tiền để mua ngay chiếc xe đạp mới còn người đường đường là hiệu trường một trường tiểu học lại phải tích từng xu một mới đủ tiền thay xích xe. Một nền giáo dục như thể chỉ trực chờ những học sinh sơ xuất một chút là đẩy chúng quay lại vòng xoáy số phận nghiệt ngã của kiếp dân đen thấp cổ bé họng, cái thực tại mà chúng đang vùng vẫy để thoát ra. Một nền giáo dục như thế, hỏi chăng ai mà không xót xa cho được?
Ngày thằng lớp trưởng Kucai bỏ học để đến hái tiêu ở đồn điền toàn thời gian – cô Mus vật vã tích từng đồng từ việc may vá quần áo để bắt thuyền tới đón nó về. Cô đạp xe hàng mấy chục cây số vào những đồn điền tiêu tận sâu trong cùng để tìm Kucai. “Cô tìm đứa học trẻ của mình giữa hàng trăm trẻ vị thành niên đang hái tiêu thuê ở đấy; không một đứa nào từng đi học”, Hirata viết. Tới tận vài ngày sau cô mới chuộc được Kucai về. Mặt mũi lem nhem, xấu hổ khi đứng trước các bạn, nó òa khóc. Đối với cô Mus, “chỉ mất một học trò thôi là coi như cô mất cả nửa linh hồn”. Vì vậy, cô phải thuyết phục từng đứa quay về trường học bằng được. Lớp học sau mọi biến cố, cuối cùng vẫn nguyên vẹn 11 thành viên.
Thầy Harfan, cô Mus là những tấm gương nhà giáo mà chúng ta ao ước có được. Họ là những con người nhỏ bé nhưng mang trái tim vĩ đại. Họ nghèo khổ nhưng tâm huyết với nghề. Họ, hơn ai hết, chính là người đã thắp sáng và giữ cho ngọn đèn giáo dục khỏi vụt tắt tại ngôi trường xập xệ ấy. Họ truyền cho 11 Chiến binh Cầu vồng tinh thần cho hết sức mình, chứ không phải nhận hết sức mình. Tại ngôi trường nghèo khổ Muhammadiyah, Ikal cùng các bạn đã có một tuổi thơ đẹp nhất, những tình bạn trong ngần, những bài học đạo đức vô giá sẽ đồng hành cùng họ trong suốt quãng đời trưởng thành.
***
Sau tất cả, mọi cố gắng cũng không cứu Muhammadiyah khỏi việc biến mất khỏi bản đồ Indonesia, mà thật ra là nó chưa từng xuất hiện trong đó. Tài năng của Lintang và Mahar, đôi vai của thầy Harfan, cô Mus và mọi nỗ lực của họ nhằm giữ vững nền giáo dục của con em nghèo ở đảo Belitung cuối cùng cũng khuất phục trước thế lực vô hình mang tên: hiện thực cuộc sống. Màn kịch tuổi thơ của 11 Chiến Binh Cầu Vồng tới hồi chấm dứt.
A Kiong, cậu bé với cái đầu hộp trở thành chủ cửa hàng chứ không phải thuyền trưởng, Sahara trở thành vợ của A Kiong thay vì một nhà nữ quyền, Samson thì trở thành cu li khuân vác, Trapani rồi vào trại thương điên. Harun, cậu bé thiểu năng trí tuệ từng cứu vớt ngôi trường Muhammadiyah vào ngày khai giảng, vẫn nụ cười ngờ nghệch và nỗi ám ảnh về số 3 ấy. Lintang, đầu tàu của cả bọn, sau cùng vẫn an phận với kiếp sống lao động chân tay thay vì trở thành nhà khoa học đáng kính mà cậu từng mơ ước. Cơn sóng của cuộc sống đã kéo phăng hết tất cả khát vọng thành danh của lũ trẻ trên đảo Belitung ra tít tắp ngoài khơi, nhấn chìm nó dưới đáy sâu của sự quên lãng bằng thứ gánh nặng mang tên “mưu sinh” đầy nghiệt ngã.
Cuốn sách này lại để lại trong tôi một cảm giác bứt rứt khó tả. Có lẽ vì cái kết của nó không có hậu cho lắm. Từng câu văn như được cô đặc lại từ dòng hồi tưởng của tác giả và vón lại thành con chữ trên trang giấy, đọc tới đâu bồi hồi tới đó. Chiến binh cầu vồng là một áng văn tuyệt mỹ, một cuốn tự truyện chân thực về một quãng hoài niệm đã xa – nay chỉ còn vương vấn trong ký ức.
***
Tôi nhất định phải viết thật dài về Lintang.
Lintang không phải nhân vật chính trong câu chuyện này, tuy nhiên cậu là nhân vật nổi bật và để lại nhiều cảm xúc nhất. Là con trong một gia đình ít học, Lintang là niềm hy vọng của cả nhà. Mỗi ngày, cậu đạp xe 80 cây số cả đi cả về để tới trường học, băng qua một khúc sông đầy cá sấu. Nói cách khác, Lintang đánh cược tính mạng mình mỗi ngày để được tới trường.
Lintang học rất chăm và rất giỏi. Trong khi các bạn còn vật lộn với từng phép tính nhân chia thì cậu đã thông thạo tích phân, đạo hàm mà chẳng cần tới sự trợ giúp của máy tính. Lintang mau chóng trở thành ngôi sao tại ngôi trường nghèo khó, là cánh chim đầu đàn dẫn dắt 9 đứa trẻ còn lại tiến lên. Nhờ Lintang, ngôi trường nhỏ bé Muhammadiyah có một chỗ đứng trên bản đồ. Nhờ Lintang, nhân vật chính của chúng ta – Ikal và các bạn khác biết mơ ước. Từng đứa trẻ dần có những khát khao của riêng mình, khát khao được vỗ cánh thoát khỏi đường ray số phận mà chúng được trao tấm vé thông hành từ thuở mới lọt lòng. Cha mẹ chúng làm cu li, ông bà chúng cũng làm cu li, vậy nên chúng sẽ lớn lên và trở thành cu li. Cái đói, cái nghèo đi liền với thất học, chắc chắn như thể một định lý Toán học của Pascal. Và cậu bé làng chài với dáng người nhỏ nhắn kia, cậu bé từng phải bán nhẫn cưới của mẹ để mua xích xe đạp mới – chính là người thách thức “giả thuyết toán học” ấy. Ánh sáng tri thức mà Lintang đem lại đã dạy Ikal biết mơ ước trở thành nhà văn, Kucai thì ước mơ trở thành chính trị gia còn Sahara thì mong một ngày được đứng trong hàng ngũ biểu tình để vận động cho phong trào đấu tranh nữ quyền. Vậy ước mơ của Lintang là gì? Cậu muốn trở thành một nhà toán học. Cậu thừa sức trở thành một nhà toán học, chỉ tiếc thay sau cùng ước mơ ấy lại bị hiện thực nghiệt ngã vùi dập không thương tiếc.
Ngày thầy Harfan qua đời, cô Mus rơi vào khủng hoảng nên không tới lớp. Lớp học thưa thớt dần, từ 11 người giờ chỉ vỏn vẹn 4, 5 người. Nhưng bạn biết gì không? Lintang vẫn đi học, vẫn là người tới sớm nhất. Lintang đứng giảng bài cho các bạn trong khi cái nóng như thiêu đốt của ngày hè phả xuống làn da cháy sạm kia, mồ hôi nhễ nhại tuôn ra như suối. Lintang vẫn say sưa giảng bài, các bạn còn lại vẫn chăm chú lắng nghe.
Cậu bé ấy không hề mảy may để ý tới số phận cay nghiệt đang treo lơ lửng bên trên ngôi trường. Khi Ikal hỏi tại sao cậu vẫn tiếp tục được như vậy, cậu trả lời: “Chẳng phải tao đã nói với mày rồi sao, Boi? Tao sẽ tiếp tục học cho đến khi cái cột thiêng chống đỡ ngôi trường này ngã xuống mới thôi.”
Vài năm sau ngày Lintang rời khỏi trường trong một tình huống đầy trớ trêu, cây cột đó mới ngã xuống. Đến cuối thì cá sấu cũng không thể ăn thịt nổi khát khao học tập của Lintang, thứ giết chết khát vọng trở thành một nhà toán học trong cậu là cái chết của người cha – vào cái thời điểm không ai mong muốn nhất – vài tháng trước kỳ thi tốt nghiệp. Tôi thấy thương cha con cậu quá thể, vì ông lão ấy là một kẻ mù chữ, kẻ đã bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ thuở thanh niên tới khi đầu lấm tấm sợi bạc và thân hình thì quắt lại như cây thông vì gánh nặng nuôi sống 14 con người trên vai. Ông là người cho Lintang hy vọng và nghị lực để tới trường. Khi ông ra đi, ông cũng mang hy vọng đó theo bên mình. Lintang bỏ học để trở thành cu li, gánh vác trách nhiệm nuôi sống gia đình mà ông để lại.
Ngày Ikal gặp lại Lintang khi cả hai đã trưởng thành, cậu học sinh xuất sắc năm nào giờ đây trông mệt mỏi, ảo lão. Hai người bạn cũ vẫn tâm tình về Thuyết tương đối của Einstein, ánh mắt của Lintang vẫn tràn đầy vẻ nhiệt huyết và thông tuệ - trong khi Ikal vẫn ngước nhìn cậu bằng ánh mắt của sự nể vì, và có lẽ đôi phần của niềm tiếc nuối. Giống như Ikal nói, Lintang chỉ là một trong hàng ngàn những đứa trẻ thông minh không may mắn sinh ra trong những gia đình nghèo khó trên khắp đất nước Indonesia, mà với họ thì số phận của một đứa bé như vậy đã được sắp đặt sẵn để chuẩn bị cho nó trở thành một cu li. Không một lối thoát thân, tất cả chỉ là ngõ cụt.
Lintang, nhà toán học của Muhammadiyah đã biến mất như thế. Quả thực đáng tiếc khi người gieo hy vọng cho kẻ khác vươn lên giành lấy ước mơ của mình rồi lại không thể tự gieo hy vọng cho chính mình. Gánh nặng của kiếp sống mưu sinh đã cướp đi một thiên tài như thế, nhưng tôi vẫn luôn trông chờ vào một kết thúc tươi sáng hơn.
Ikal, sau cùng đã quyết tâm ôn luyện để giành lấy học bổng của một trường nước ngoài, sau đó trở về nước làm trong một công ty viễn thông. Liệu có một cái kết nào viên mãn hơn cho Lintang của tôi?
Lintang, đừng bỏ học nhé!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất