* Đây là câu chuyện bình thường của một thanh niên hai mấy năm không xâu nổi cái kim bỏ việc bước chân vào một cửa hàng thủ công truyền thống*
Một năm trước, mình thất tình, mà nghe một người bạn (giờ là sếp mình) đồ rằng: "Em hãy bỏ việc nữa, để trải nghiệm đủ combo thần thánh, sau này còn có cái mà kể cho con cháu nghe." Mình gật gù đắc chí, và rồi chính thức "bị lừa".
Bỏ qua những cái nhìn nghi hoặc của cả gia đình và bạn bè khi mình từ bỏ công việc đúng chuyên ngành khá ổn để đến đây, hành trình lên bờ xuống ruộng chính thức bắt đầu. (Bây giờ vẫn có đứa hỏi mày chưa bỏ việc à, mặt mình giật giật theo tần số 39 Hz, răng nhe ra nhưng trong lòng chỉ muốn cào mặt đứa nào trù mình từ bỏ đam mê =))) )
Mình lúc đó chẳng có gì ngoài một khí phách hừng hực không thể quay đầu, cùng một niềm tin với sếp mình, rằng chúng mình sẽ mang lại những giá trị thật. Ngoài ra, mình chẳng biết gì về tơ tằm, cũng như thủ công truyền thống cả (mình học kĩ thuật cơ mà).
Bản bìa sách đặc biệt đũi tơ tằm thêu tay làm cho Thái Hà Book nhân dịp 20-11. Đúng quyển sách mình thích luôn.

Bài học đầu tiên: Đối diện với sự nghi ngờ.

Quãng thời gian đầu, điều mình luôn phải "chiến đấu" với tất cả mọi người là sự nghi ngờ.
Với gia đình và bạn bè kể cả bạn thân là tưởng mình làm liều hay trò đùa cá tháng Tư, bố mẹ thì cứ gọi bảo về quê làm lần này lượt khác. Thực sự lúc đấy, có nhiều khi rất mệt mỏi, vì không nhận được sự ủng hộ từ những người thân nhất (mình biết là ai cũng lo cho mình nên phản ứng như vậy đó, 5 năm học đại học giờ lại đi theo ngành này, thì không tránh khỏi việc người ta nói này nói nọ). Nên ngọt nhạt đủ hết, đến lúc, thì chỉ im lặng mà cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày thôi. Bây giờ, bảo hết lo thì không hẳn, nhưng lúc mình nhìn thấy bố mẹ share video về cửa hàng chúng mình chiếu trên TV, mình thật sự đã rất vui.
Với bản thân, đó là sự nghi ngờ "Không biết mình có làm nổi không?", khi mà có quá nhiều thứ mình không biết, sếp mình lại theo trường phái tự do tìm tòi, mình làm những mảng mới, tự học thêm những công cụ mới, và không ai có thể giúp mình ngoài bản thân cả. Đôi lúc mờ mịt chưa có câu trả lời, mình nghi ngờ bản thân tột độ, thấy mình kém cỏi và lười biếng quá, nhưng lúc đấy kéo mình dậy là sự động viên của mọi người, là rất nhiều lì lợm rằng đã làm thì phải làm cho trót.
Với khách hàng đó là sự nghi ngờ về hàng thật. Câu mình được nghe nhiều nhất là "Có phải hàng thật không? Không phải là Khải Silk chứ?". Những lúc đó, đôi khi mình cảm thấy chạnh lòng, vì niềm tin thời bấy giờ nó mông lung quá. Nhưng sếp mình hay dặn là: "Bây giờ hàng hóa phức tạp, nên nghi ngờ là tất yếu. Nó không hẳn xấu. Nếu em dùng sự chân thành để nói chuyện, khách hàng sẽ hiểu.". Nên mỗi lần "được" hỏi những câu như vậy, mình vui vẻ không quạu, chia sẻ rõ ràng minh bạch về những sản phẩm, về nguồn gốc, về các phân biệt thật giả. Và tay mình luôn lăm lăm cái bật lửa, để có thể đốt thử bất cứ lúc nào. Quả thật, lúc mình tự tin nhiệt tình, tất cả khách hàng đều hiểu, người này bảo người khác, mọi người truyền nhau ưu ái yêu thương bọn mình rất nhiều.
Được lên tạp chí tiếng Nhật tận hai lần nên rất hay khoe.

Bài học thứ hai : Học cách mỉm cười.

Với nhiều bạn, chuyện này có vẻ rất bình thường, nhưng với mình đó là cả một sự nỗ lực vượt khó, là một trong những bài học đầu tiên khi mình đi làm ở đây. Vì mình đang niềng răng, nên cực kì ngại cười, mình sợ người ta cứ nhìn chằm chằm vào cái đống kim loại ở trên răng của mình. Nhưng không thể nói chuyện với khách hàng bằng cái mặt khó đăm đăm được, mình buộc phải cười. Nhưng nếu chỉ cố tình nhe răng ra, thì mặt méo xẹo lại còn xấu. Nên mình học cười từ tâm. Khi mình thoải mái và vui vẻ, lúc thật sự yêu thương và trân trọng bản thân, mình biết cười thật tươi. Và bất ngờ là, chẳng ai quan tâm mình niềng răng đâu, mà chỉ là, khi mình cười, câu chuyện lúc nào cũng cởi mở và dễ dàng hơn. Một năm qua, mình ở cạnh những người vui vẻ, thái độ ngày một tích cực hơn, hôm nào đi làm cũng vừa đi vừa hát.

Bài học thứ ba : Không gì là không làm được.

Công việc đầu tiên là cầm kim đính mác, kiểm khăn và loại bỏ mấy các xác tằm bé tí ti còn sót lại. Và dù không cần dùng đạo hàm, tích phân mồ hôi mình vẫn túa ra như tắm, tay thì run bần bật. Hai lăm năm cuộc đời trở về trước, mình cầm kim không nổi năm lần, Bố Mẹ cho mình được miễn mấy môn thủ công, để tập trung làm toán. Cuối cùng lưới trời lồng lộng, mình thoát không nổi. 
Từ một đứa chẳng biết gì về tơ tằm, về thủ công, mình tìm đọc tất cả tài liệu, học thuộc, phân tích, viết bài. Mình về làng nghề, đi nhuộm vải để tăng trải nghiệm. Giờ thì có thể kể say sưa cả ngày, nếu một ai đó thật sự muốn nghe là mình đang làm công việc gì ^^.
Từ một đứa rất không chịu khó và kém tỉ mỉ, giờ mình có thể bao thầu các công việc là ủi, biết xếp một set quà thật đẹp, còn biết cả thêu tay. Chúng mình tự đi mua đồ về trang trí giáng sinh, tự làm vòng nguyệt quế, làm hoa đào, bánh chưng, hoa hồng... cái gì cũng tự làm được hết.
Từ một đứa biết chút chút về Word, Excel, PP, mình tự học Photoshop (giờ có thể tự tin chỉnh một cái hình thả thính kèm thêm một câu quote mùi mẫn), mình học quay, học dựng video, học làm banner, học vẽ tranh minh họa... làm tất cả mọi thứ để hình ảnh sản phẩm ngày càng hấp dẫn hơn. Vì gia đình còn nghèo, làm gì có tiền mà thuê =)).
Từ một đứa suốt ngày viết mấy cái status dài thòng chán đời và tự cho thế là hay, mình học viết đúng và đủ, học diễn đạt, học nói,... học tất cả mọi thứ để được tốt hơn.
Từ một đứa thích tự làm mọi thứ, mình phải học cách làm việc, phân phối, nhìn nhận điểm mạnh - yếu để kết hợp với đồng đội được tốt hơn. Phải bỏ cái tôi xuống và lắng nghe nhiều thật nhiều.
Vậy đó, mỗi ngày cảm thấy bản thân thêm trải nghiệm, học được nhiều điều hay, không ngại khó, chẳng sợ khổ, đó cũng là một loại hạnh phúc.
Bức ảnh đầu tiên

Bài học thứ tư: Yêu những điều không hoàn hảo.

Thời gian đầu, mình luôn thắc mắc tại sao chúng ta không làm giống thế này thế nó, không đổi cái này cái khác. Có những ngày, chúng mình loại gần 50% khăn từ làng nghề lên. Khăn nhuộm màu tự nhiên thì đợt nhạt, đợt đậm, phơi không khéo là khăn màu hồng từ tổ kiến lại có mấy cái vết màu xanh lá chàm. Khăn tay thì thi thoảng lại có những sọc không ăn màu vì lẫn kén tằm ăn lá sắn. Khăn đũi còn lẫn cả rơm cả thóc lúc tằm nhả tơ, ngồi làm sạch đến cả buổi. 
Vậy là mình khăn gói về làng nghề. Về đó, 8-9h mọi người vẫn miệt mài làm việc, cái khung cửi nặng ơi là nặng, mà vẫn đạp phăm phăm. Rồi mình nhìn thấy những bàn tay nhăn nheo vì nhúng nước cả ngày để kéo đũi. Mình nói chuyện với các cô các bác. Về những câu chuyện ngày xưa hoàng kim của nghề, còn giờ giới trẻ đi làm nhà máy, xí nghiệp hết. Về những trăn trở để làm sao đưa được sản phẩm tốt, đưa được danh tiếng làng nghề lên. Điều mình khâm phục nhất là, các bác luôn luôn tiếp thu những ý kiến của khách hàng mà bọn mình truyền đạt lại, mẻ khăn sau lúc nào cũng dày và đẹp hơn mẻ trước, rồi thi thoảng nhuộm được những màu mới rất đẹp và lạ mắt. Đấy, người già mà không bảo thủ, thì có lí do gì chúng mình không đổi mới và nỗ lực hơn.
Mình đi nhuộm khăn, nghe chuyện chị kể đi kiếm lá bàng trèo lên cây bị lông sâu róm mẩn hết người. Kể chuyện mấy mẹ con ngồi buộc khăn nhuộm Shibori mất mấy hôm. Rồi khăn tơ tằm phải phơi lúc trời sáng hoặc đêm muộn, vì phơi dưới nắng trực tiếp là nhanh hỏng khăn. Là chỉ cần một cơn gió nhẹ bay bay, khăn dính vào nhau là coi như công sức đổ sông đổ bể. Mình biết, để có những chiếc khăn đẹp, là bao nhiêu công sức, tâm huyết của chị.
Phơi khăn trong nắng sớm...
Sau này, mình không còn bực bội vì khăn không được 100% nét căng như ý mình. Mình yêu những điều không hoàn hảo của sản phẩm thủ công, yêu những gút bông trên bề mặt vải đũi, yêu chiếc khăn màu pháng lúc thì tone cam, lúc thì tone hồng. Bởi hơn hết, mình cảm nhận được hơi ấm, được tình cảm trong mỗi chiếc khăn. Nó tự dưng thành nét đặc trưng, biến mọi thứ chúng mình làm ra thành độc bản. Và khi mang câu chuyện lan tỏa đến mọi người, ai cũng lấy đó làm thú vị và đặc biệt lắm.
Nhất là mấy ông khách nước ngoài, lúc mình kể về những câu chuyện của mỗi chiếc khăn, lúc nhìn các sản phẩm thủ công thì khoái chí lắm.  Còn mình thì thấy chút tự hào, khi giới thiệu được một sản phẩm của Việt Nam đến nhiều nơi hơn nữa trên thế giới, rằng người Việt Nam mình cũng có những sản phẩm rất tốt, chất lượng và tỉ mỉ như thế này.
Những gút sợi trên bề mặt vải đũi là lúc vê tay, mọi người chập các kén tằm lại với nhau.

Bài học thứ năm: Sếp không hề đáng sợ.

Cái này không phải nịnh đâu, thật 100% luôn. Với chúng mình, sếp vừa làm anh, làm thầy, làm bạn. Sếp mình cực khó tính, nhưng lại vô cùng dễ tính. Lúc nào cũng nhận phần lỗi về bản thân chứ chẳng thích phạt bọn mình. Luôn tìm mọi cách để chúng mình tiến bộ, nói một lần không hiểu thì nói hai ba lần, làm mẫu các thứ, hoặc nhờ người khác đến chia sẻ cho bọn mình. Ở đây chúng mình luôn được động viên, khuyến khích và đối xử rất công bằng. Vậy nên ai cũng chăm chỉ và vô cùng tự giác, kể cả các bạn part-time luôn í. Chỉ trừ những lúc tranh ăn với các em thôi, sếp mình dễ thương phết. 
Thực ra làm sếp rất mệt, nhất là sếp của mấy đứa em dại như chúng mình. Đôi lúc kiểu vò đầu bứt tai, xong anh em cãi nhau ủm tỏi lên, sếp phải ghìm cơn giận lại để giải thích. Hay lúc mình khóc huhu, còn phải đưa giấy cho mình lau nước mắt. Rồi có sách gì hay cũng phải mua cho bọn mình đọc.
Đấy, sếp không đáng sợ đâu, khi anh em mình biết cách cảm thông và thấu hiểu cho nhau đó.

Vậy là tròn một năm bước chân vào con đường học đạo, ngộ ra được nhiều điều. Thấy bản thân vững vàng hơn chút. Hơi ngán tẹo là gặp phải đúng em Vy, nên mấy anh em chẳng được oánh chén một bữa ra trò. 
Một năm qua học rất nhiều điều sau rất nhiều lần dại. Gặp thêm được nhiều người, chia sẻ thêm được nhiều thứ. Đợt trước có chia sẻ một bài phân biệt tơ tằm thật - giả, sau đó được một chị giới thiệu hợp tác cho, mặc dù chúng mình chưa cộng tác được, nhưng cảm thấy được động viên rất nhiều.
Con đường mình đi còn nhiều khó khăn lắm, nhất là biến tơ tằm thành hướng tiêu dùng, và mọi người có thể sử dụng được. Nhưng mình luôn luôn có một niềm tin. Tổng kết nhẹ lại một năm. Hứa năm sau nhiều cố gắng, nhiều tiến bộ, nhiều niềm vui hơn nữa.
01/04/2020 .
P/: Tự dưng xóa nhầm, may vẫn còn bản nháp @@