Vì sao chúng ta lại xuề xòa với tư bản nhiều như thế?
Mỗi ngày có chục bài post vào các hội nhóm kiểu này thì có khoảng 88% trong số đấy là dạng câu chuyện nhân viên thấp cổ bé họng ấm ức về tiền lương, chế độ, môi trường toxic, .. ở công ty, 10% là HR và ứng viên chửi nhau cái thái độ, họa lắm mới có 2% là khen công ty, ca ngợi chế độ mà 90% trong số đó bị chửi là seeding lộ liễu.
Tất nhiên những con số đại khái trên không phản ánh là tất cả tư bản ở cái xã hội này đều tệ. Thực ra thì người ta bị thu hút bởi những điều tiêu cực. Xấu xa ấm ức thì nó mới dễ viral. Ấm ức mới hay giống nhau chứ niềm vui thì ít ai đồng cảm. Nhưng mà chính ra chúng ta xuề xòa với tư bản nhiều phết nhở. Mình mà không cho người ta cơ hội bắt nạt thì làm sao người ta bắt nạt được mình.
Đặc điểm của 88% bài viết trên, nếu đọc kĩ ra thì chúng ta - những nô lệ của chế độ tiền lương - đều sơ hở ở một bước nào đó để nhà tư bản lách vào khe cửa hẹp và tấn công. Có thể đó là sơ hở mà ta không ý thức được, hoặc ý thức được nhưng lại ngây thơ nghĩ là "làm người ai làm thế". Mọi thứ tan vỡ khi một trong hai bên có những hành động không được văn bản quy định. Hoặc vốn dĩ, chẳng có cái văn bản nào cả.
Dưới đây, tôi - một trong những nô lệ ngốc nghếch - sẽ tự phân tích một vài case thực tế của mình để rút ra một hai hành động kém thông minh mà người lao động nên tránh khi làm việc với tư bản.
1. "Cứ làm đi"
Mình hay được người quen giới thiệu đi làm chỗ này chỗ nọ, dự án này dự án kia. Câu cửa miệng là cứ làm đi đã, vì thứ văn hóa chơi hết mình làm hết sức, bám mục tiêu, quan trọng kết quả còn mấy thứ thủ tục chỉ là thứ yếu. Đứa nào hỏi nhiều thủ tục thì trông có vẻ không hết mình.
Tháng 07 mình được gọi đi làm, cũng deal lương, deal vị trí chức vụ đàng hoàng, sếp cũng nói qua qua một vài chính sách, cơ chế của công ty qua messenger chat. Mọi chuyện ổn cho đến khi mình hỏi offer letter thì cả sếp cả HR đều không gửi. Tặc lưỡi lần một. Ừ thì sếp là người quen của mình mà. Với cả chắc là deal qua chat là được rồi. Quan trọng làm việc chứ giấy tờ có sau cũng được.
Có vẻ như mỗi cái tặc lưỡi là một khe cửa hẹp mà tư bản không biết vô tình hay hữu ý để lại để sau này thọc mình một phát
Tuy nhiên mình cũng rút kinh nghiệm mấy lần trước đi làm không tìm hiểu cơ chế chính sách của công ty đàng hoàng, nên sau khi tặc lưỡi lần một, mình cũng liên tục gặng hỏi HR gửi cho mình một vài văn bản kiểu quy định quy chế chung của công ty, chính sách dành cho nhân sự, chế độ OT này nọ. HR kiểu cứ suy nghĩ xong bảo mình gửi sau hoặc bảo mình hỏi trực tiếp sếp. Hỏi mãi chả được mình lại tặc lưỡi lần hai. Thôi thì cứ đến đâu hỏi đến đấy vậy. Quan trọng làm việc chứ quy định quy chế sau biết cũng được.
Kết cục: 4 tháng sau, sếp nghỉ đột ngột. Không có định hướng mới phù hợp, mình xin nghỉ. Hỏi HR thủ tục nghỉ việc, HR tiếp tục không trả lời được, vì mình không thuộc công ty (?). Sau đó mình nhận được HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN CHUYÊN MÔN. Hóa ra ông sếp kia có một deal nào đấy với công ty mà chỉ duy nhất ông sếp là nhân viên của công ty, còn cả team đều là thuê khoán chuyên môn. Lúc vào thì không kèn không trống, không được tạo email công ty, 20/10 còn không được tặng quà như những chị em khác trong công ty, làm việc đến tháng thứ 4 vẫn còn thử việc vì lý do "sếp trực tiếp của bạn chưa qua thử việc". (Vậy mà mình vẫn tặc lưỡi, vì sếp chat là sau khi sếp chốt qua thử việc mình sẽ được truy thu khoản chênh lệch, đúng là tận cùng của sự ngu dốt) Cuối cùng phát hiện ra mình chỉ là Thuê khoán chuyên môn, nhận lương thử việc 80% vô thời hạn mà công ty chẳng làm sao cả (Theo luật là chỉ thử việc 2 tháng nha, không hợp nhau thì nghỉ luôn lúc đó) Đến lúc này muốn ý kiến gì cũng không được. Văn bản đâu? Thỏa thuận đâu? Giờ muốn nhận tiền hay là tranh cãi về những thứ vốn dĩ chẳng tồn tại. Giờ chụp ảnh màn hình chat để nói chuyện với HR à
Nô lệ tiền lương đã làm sai điều gì: Sao đi làm lại không đòi hợp đồng?
Bài học: Đừng làm gì cho đến khi nhìn thấy mặt mũi chân tay của cái offer letter, hợp đồng thử việc, hợp đồng thuê khoán, vv để biết được trách nhiệm và quyền lợi của mình. Thu đi để lại lá vàng, người đi mà không kí hợp đồng là người dễ bị quỵt lương
2. Đừng để tư bản im lặng
Cuối tháng 10, sau khi sếp của dự án nghỉ, mình đã suy nghĩ và cũng xin nghỉ (thời điểm đó dự án đã ngừng lại, thực tế là mình không có gì để làm, không có định hướng gì mới cũng không có tài nguyên gì để vận hành). Mình có hỏi HR về các thủ tục sau khi xin nghỉ việc vì mình ý thức được sự quan trọng của thủ tục bàn giao. Không hoàn thành thủ tục bàn giao có thể là vũ khí để tư bản cho bạn một phát súng không trả lương đúng hạn vào đầu bạn.
HR bảo mình không thuộc công ty nên không biết xử lý theo hướng nào (?). Mình thấy thế đã tự làm một cái email xin nghỉ, trong đó có chứa các file bàn giao và gửi cho ông sếp đã nghỉ đột ngột của mình và sếp tổng. Sai lầm bắt đầu. Thực tế về logic thì mình là một phần của dự án, và vì ông sếp của dự án nói chắc như đinh đóng cột là "anh sẽ nghỉ khi nào bàn giao xong dự án, kiểu đại khái là lo cho các em, vì mình có báo là cuối tháng mình và team sẽ rời khỏi dự án, và muốn ổng hỗ trợ", nên mình viết mail bàn giao cho ổng, và nghĩ ổng có trách nhiệm tổng hợp dự án bàn giao lại cho công ty. Còn thủ tục thì mình lại tặc lưỡi tính sau vì công ty có trả lời được mình đâu. Trong email mình cũng nói rõ sẽ nghỉ không lương từ tháng 11 vì mình không còn công việc gì để vận hành.
Công ty trả lương vào mùng 10. Trong suốt 11 ngày kể từ khi mình email, công ty không mail lại, hay liên hệ warning gì về việc nghỉ thì cần hoàn thành thủ tục như thế nào? Thậm chí lúc đó bản chất bọn mình với công ty là mối quan hệ gì, mình còn không được biết, vì khi bắt đầu làm việc, công ty có gửi cho mình offer letter hay cho mình nhìn mặt mũi hợp đồng gì đâu. Mình không tỉnh táo để nhận ra rằng đó là biểu hiện của sự không thiện chí trong việc hỗ trợ mình kết thúc công việc và nhận lương đúng thời hạn.
Kết cục: Ngày 09/11, công ty liên hệ báo cả team kí vào hợp đồng Thuê khoán chuyên môn, kí nhanh để được nhận lương đúng hạn. 19h00 ngày 10/11, công ty mail báo giữ lương vì nhân sự không hoàn thành thủ tục bàn giao theo đúng quy định (?), tự ý nghỉ không thông báo. 15/11, công ty thông báo chỉ trả lương đến 27/10 (là ngày sếp của dự án nghỉ không đi làm) vì không biết mấy ngày từ 27/10 đổ đi chúng mày làm gì (tự nghỉ không báo cũng không được và đi làm thì không công nhận vì không ai biết chúng mình làm gì) và bắt mọi người làm lại thủ tục bàn giao theo một quy trình hoàn toàn mới, hủy quy trình kí hợp đồng thuê khoán cũ. 18/11, công ty thông báo giờ thủ tục mới hoàn thiện không kịp đợt thanh toán 20/11 nên các bạn sẽ nhận lương vào 20/12. Tức là giữ lương tổng cộng có 50 ngày chứ mấy
Nô lệ tiền lương đã làm sai điều gì: Tại sao không quyết liệt hỏi thủ tục bàn giao hơn nữa mà lại làm theo cách vớ vẩn (viết mail tự sướng)? Sao không ráo riết áp lực để sếp dự án hoàn thành bàn giao cùng mình?
Bài học: Đừng để tư bản im lặng. Phải bắt họ trả lời và làm rõ những trách nhiệm và quyền lợi của mình ngay khi có vấn đề xảy ra, đừng để gần đến ngày mới thụ động làm theo những yêu cầu của họ. Nhất là những thủ tục liên quan đến việc bàn giao. Họ hoàn toàn có thể lợi dụng sự xuề xòa và không chủ động của mình để đưa mình vào tình huống: vì bạn làm chậm nên không kịp thời hạn thanh toán, vì bạn làm sai quy định nên bạn không hoàn thành bàn giao nên tôi hoàn toàn có quyền giữ lương bạn. Trong khi bản chất bạn đã để cho họ im lặng, không đưa trước một quy định nào cả, cho đến khi mọi thứ quá thời hạn.
Viết ra mới thấy mình ngu một cách có hệ thống luôn ấy.
Nhắc lại một lần nữa cho nhớ, mình mà không cho người ta cơ hội bắt nạt, thì làm sao người ta bắt nạt được mình.