Con người sinh ra cần phải có ước mơ.
Câu chuyện về ước mơ không hẳn to, mà cũng không hẳn nhỏ. Có thể người ta nhớ đến nó, rồi quên nó rồi lại nhớ đến nó nhưng chắc chắn ước mơ luôn sống cùng họ.
Tôi đã đọc được rất nhiều bài viết, các cuốn sách kĩ năng rồi lại tiếp tục lắng nghe rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về đề tài này với công thức: Người thành công mơ, mơ lớn và thành công.
Thế nhưng trong khi chúng ta vẫn loay hoay với việc làm thế nào để có ước mơ thì thực ra vẫn đang tìm kiếm thứ khác. Bởi vì người ta thường nói có ước mơ thì mới thành công- ước mơ thì trừu tượng, khó hiểu còn thành công thì dễ hiểu hơn rất nhiều vì đo được, đếm được và những người xung quanh chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được.

Thứ đích thực mà hầu hết mọi người tìm kiếm là thành công chứ không phải ước mơ. Ước mơ chỉ là vật trang trí dù lấp lánh nhưng cũng vẫn thật bé nhỏ và dễ dàng bỏ đi.
Sự thật là thành công có thể song hành cùng ước mơ nhưng nó cũng có thể đi ngược hoàn toàn so với ước mơ ấy. Trong một lần đi dạo trên Bờ Hồ, tôi đã thấy rất ấn tướng với câu chuyện sau:
Một nhóm học sinh được đưa đi tìm cơ hội giao tiếp với người nước ngoài. Hai bạn trẻ ngoại quốc đã tiếp đón các bạn nhỏ ấy với thái độ niềm nở. Sau khi hỏi tên, tuổi thì các bạn ấy hỏi “Ở trường các em thích môn học nào nhất và ước mơ sau này của các em khi lớn lên là gì?”.
Câu hỏi vô cùng tự nhiên ấy khiến tôi buộc phải suy nghĩ về con trẻ, ước mơ. Có những ai quan tâm đến ước mơ và các môn học mà học sinh yêu thích nhỉ? Bởi trong cuộc sống thường ngày, mọi câu hỏi của người lớn đều nhằm tìm kiếm những thứ có ý nghĩa với người lớn song lại vô nghĩa với trẻ em.
Trẻ em mà đáp đúng ý người lớn thì được coi là thông minh, giỏi giang. Hiếm người quan tâm đến trẻ em có còn biết mơ ước nữa hay không- thậm chí có nên dạy trẻ  mơ nữa hay không. Người lớn còn ước mơ chứ? Có thể nó vẫn nằm đâu đó, dưới lớp bụi bặm trong tâm trí của họ. Nhưng dù không có nó, người ta vẫn hoạt động tốt ngần ấy năm đó thôi? Con trẻ biết nghe lời, biết ăn, biết học mà không biết mơ song vẫn vận hành ro ro thì cũng đâu có sao?
Đó chỉ là khúc dạo đầu trong tấn bi kịch của mười tám, hai mươi năm sau khi các cô bé, cậu bé giờ đã là những chàng trai, cô gái bơ vơ trước ngưỡng cửa nghề nghiệp.
Không kinh nghiệm, có thể tích lũy.
Không bằng cấp, có thể học tập.
Không ước mơ, thì bảo sao nghe vậy.
Chuỗi ác mộng loay hoay tìm việc, thử việc, xoay sở để thích nghi với việc bắt đầu mà không có ước mơ dẫn lối. Rồi thì công việc mãi mãi chỉ là công việc, không có sự tận tâm thì người ta chỉ nghĩ đến mối liên hệ gần gũi giữa công việc và thu nhập: thêm việc là thêm thu nhập. Căng thẳng quá thì đi nhậu, đi chơi vài ngày rồi quay lại cố gò mình trong cái kén tự tạo ấy.

Đời phụ thuộc cơ bản là tẻ, nhưng bản năng bảo rằng vẫn còn có cái để ăn, để chơi thì nên loay hoay trong cái tẻ nhạt ấy. Rồi thì màu da cứ nhạt dần theo bụi đường và đôi mắt cứ xanh lét thêm bên những màn hình điện tử.
Dù thời gian trôi qua cũng chẳng còn thay đổi gì rõ rệt, vì nếp sống nhại lại ấy khiến người ta tuân thủ đều đặn cái mà người ta chưa hiểu rõ- mà cũng chẳng cần hiểu rõ. Người không ước mơ thì chẳng muốn tự mình tìm hiểu thế giới vì họ tin họ đang biết tất cả mọi thứ thông qua cuộc đời bé nhỏ của mình.
Trong số ấy vẫn có người từng biết ước mơ. Nhưng đáng tiếc là họ không biết cách bảo vệ ước mơ. Cũng không thể trách được, vì có ai dạy họ làm điều ấy đâu, cũng chẳng có ai rèn luyện cho họ lòng can đảm để đường đường chính chính làm việc ấy. Thử thách họ phải đối mắt chính là khái niệm “thực tế khách quan” thông qua con mắt chủ quan của những người xung quanh.
Ước mơ? Thực tế lên đi, mở to mắt mà xem người ta ngày phấn đấu thế này, tháng thu nhập thế kia, năm sắm sửa cái nọ.
Thế là thôi kệ ước mơ ta cứ lên đường theo đuổi thành công đã. Người thành công rồi thì nói gì cũng đúng, đến lúc ta thành công, ta sẽ dạy người khác cách ước mơ và cúi xuống nói với họ rằng xưa ta cũng từng ước mơ nhưng nay ta đã thôi mơ ước để sống đời lý trí. Ta sẽ tưới tắm lý trí đó lên mặt đất để cây lúa thôi mơ làm cây lúa mà mơ thành cây mía, hoa hồng thôi mơ làm hoa hồng mà mơ thành hoa cẩm chướng, hoặc là dẹp hết ước mơ đi, vì tất cả sinh ra là cây táo và phải trở thành cây táo cho thật nhiều quả.
Trước sức mạnh ấy thì liệu mấy mầm non bé nhỏ đủ can đảm để mơ thành đúng thứ mình thường mơ. Vậy là: thôi thì làm mía, dù thân có đắng ngắt; vâng thì làm hoa, mà chẳng có mùi hương; ừ thì làm táo dù vị có chua loét.

Khi người ta không mơ, người ta cũng không thích người khác mơ. Vì nếu giấc mơ đó thành sự thật thì người không mơ lại là người thiệt thòi nhiều nhất.
Có bấy nhiêu năm tồn tại trên đời mà người ta vui lòng gây cho nhau nhiều phiền toái thế đấy. Nhưng ít nhiều, người ta vẫn còn chút bao dung khi cho phép nhau có một giấc ngủ để mơ. Do đó, trong lúc ngủ, bạn hãy mạnh dạn lên mà mơ cho thỏa thích. Nếu ước mơ của bạn đủ rõ ràng, thì bạn sẽ được phép mơ cả khi tỉnh.