Nhờ vị trí địa lý gần gũi và nhiều nét tương đồng về văn hóa, Trung Quốc là một quốc gia không mấy xa lạ trong mắt người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chuỗi bài viết “Sự trở lại của điệp viên Trung Quốc” đã cho thấy có một đất nước Trung Quốc thời hiện đại với nhiều điểm khác biệt so với tưởng tượng của độc giả Spiderum. Trong số Humans of Spiderum lần này, hãy cùng làm quen với Cherish Vũ (Sweetie Cherish) – cô “điệp viên” 26 tuổi đứng sau một trong số những series bài viết được đón nhận nhất Spiderum.

TUỔI TRẺ LÀ TRẢI NGHIỆM

Tự nhận bản thân là "một người lạc quan trong vỏ bọc của một kẻ hướng nội", Cherish Vũ đã trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi gắn bó 4 năm với ngành Marketing tại Trung Quốc. Theo học chuyên ngành du lịch khi còn là sinh viên nhưng không cảm thấy thấy phù hợp, chị học thêm IELTS và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm với mục tiêu trở thành một giáo viên Tiếng Anh. Sau khi ra trường, Cherish lập tức thử sức với các công việc khác nhau. từ biên-phiên dịch, tới làm việc cho một khách sạn tại Hà Nội, trước khi quyết định “liều mình” sang Trung Quốc làm việc tại Thâm Quyến – thành phố trẻ có GDP thuộc top 10 đất nước tỷ dân:
“Nếu là ở thời điểm hiện tại, nếu có ai đó khuyên mình sang Trung Quốc làm việc thì mình sẽ không dám sang đâu. Nhưng hồi đó còn trẻ, “ngựa non háu đá” nên không sợ gì. Hơn nữa, sang bên này mình học được nhiều thứ, có những trải nghiệm mới mà mình nghĩ sẽ không bao giờ có được nếu mình chỉ ở Việt Nam.”
“máu liều” sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới, Cherish tiếp tục đảm nhận nhiều vai trò khác nhau khi làm marketing ở Trung Quốc, từ gặp gỡ khách hàng, viết content website tới tối ưu hóa SEO cho sản phẩm trên Alibaba. Đây đều là những công việc chị chưa từng làm trước đây, nhưng nhờ tích cực học hỏi và giữ cho mình tiêu chuẩn cao, Cherish luôn hoàn thành mọi việc với chất lượng tốt và dần thăng tiến lên các vị trí cao hơn trong doanh nghiệp hiện tại. Tư duy làm việc tỉ mẩn và để ý đến từng tiểu tiết này được hình thành và rèn giũa từ những năm tháng chị còn làm việc ở khách sạn và được đào tạo dưới sự nghiêm khắc của một cấp trên cực kỳ kỹ tính nhưng rất có tâm. 8 tháng ngắn ngủi nhưng đầy áp lực đã tôi luyện nên một nữ “điệp viên” không chỉ có khả năng hoàn thành tốt công việc ở Trung Quốc mà còn được độc giả Spiderum hết mực yêu quý và ngưỡng mộ vì khả năng quan sát và để ý tới những chi tiết tuy nhỏ nhưng hết sức thú vị trong cuộc sống ở đất nước tỷ dân này. Ngay trên Spiderum, Cherish cũng từng chia sẻ quan điểm “Tiểu tiết không quan trọng nhưng sẽ tạo nên dấu ấn” và đưa ra ví dụ về việc bản thân đã từng vì quan điểm này mà… tranh cãi gay gắt với sếp Trung về việc nâng cao khả năng viết email bằng Tiếng Anh cho khách đúng ngữ pháp, chính tả:
“Lúc đó sếp mình bảo chỉ cần nhân viên báo giá đúng thôi là được, những tiểu tiết kia không quan trọng. Mình không phục lắm nhưng cũng đành thôi. Sau này, khi công ty gặp phải “phốt” vì nhân viên sales báo giá và chốt đơn sai cho khách do hạn chế về ngôn ngữ nên phải đền hàng chục nghìn đô, sếp mình mới dần thay đổi quan điểm.”
Sống xa nhà trong suốt một thời gian dài, lại ở một đất nước thường được khắc họa tương đối “xấu xí” hay “đáng sợ”, “điệp viên Trung Quốc” cho biết yếu tố quan trọng nhất giúp chị giữ được động lực dù phải liên tục thay đổi công việc và môi trường sống chính là sự kiên định. Trong quãng thời gian ở nơi xứ người, không ít lần Cherish cảm thấy nhớ nhà, nhớ bạn bè và người thân ở Việt Nam, thậm chí tủi thân hoặc giận dữ khi bị đánh giá sai, hoặc không thể phát triển những mối quan hệ với người Trung cao hơn mức xã giao. Lúc này, chính sự kiên định đã giúp Cherish vượt qua được những khó khăn để tiếp tục hướng về phía trước. Một khi đã quyết định lựa chọn con đường cho riêng mình, chị sẽ giữ vững niềm tin và bỏ qua những định kiến hay đồn đoán của xã hội. Kết hợp với sự sáng tạo và cần cù trong công việc, những khó khăn và thử thách sẽ mang đến cho Cherish những trải nghiệm và bài học mới.

CUỘC SỐNG CỦA MỘT "ĐIỆP VIÊN"

Tuy có vị trí địa lý gần gũi và nhiều nét văn hóa tương đồng, con người Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt trong suy nghĩ và lối sống khiến cho Cherish khó tìm được một người bạn “tâm đầu ý hợp” như thời còn ở Việt Nam. Theo “điệp viên Trung Quốc”, đó là hệ quả của một xã hội khép kín với các nguồn thông tin bên ngoài bị hạn chế, song hành sự bùng nổ kinh tế quá nhanh chóng. Lấy ví dụ, nhiều người trẻ Trung Quốc hiện nay bị ảnh hưởng bởi lối sống coi trọng vật chất. Lối sống này, kết hợp với sự chênh lệch trong tỉ lệ giới tính, khiến cho phụ nữ Trung Quốc khi đến tuổi lấy chồng trở nên rất “có giá”. Cherish cho biết rất nhiều bạn nữ Trung Quốc vì “dựa dẫm” vào đặc điểm này mà trở nên lười biếng và thực dụng hơn chứ không được “đa nhiệm” như phụ nữ Việt Nam: họ không cần biết nấu ăn, chăm sóc gia đình con cái, ngược lại chỉ cần chú ý đến ngoại hình để chọn được cho mình một người chồng có đầy đủ nhà, xe và tiền bạc. Với tư duy này, họ gần như không quan tâm tới các vấn đề xã hội và chỉ dành thời gian xem Tiktok, WeChat và theo dõi các trào lưu trên mạng. Trong công việc, họ cũng có xu hướng tìm kiếm sự ổn định và có thể làm 4-5 năm chỉ ở một vị trí thay vì phấn đấu để phát triển sự nghiệp. Áp lực tiền tài và danh vọng đè nặng lên vai người đàn ông đến tuổi lấy vợ, khiến cho một bộ phận nhỏ nam giới Trung Quốc ngán ngẩm và lựa chọn... tìm đến các quốc gia kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam, để “mua vợ” với “giá rẻ” hơn lấy vợ trong nước. Điều này tạo nên định kiến trong một bộ phận người dân Trung Quốc về một đất nước Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu đến nỗi phải “xuất khẩu” vợ. Khi mới sang Trung Quốc, thậm chí Cherish Vũ từng bị hiểu nhầm rằng bị lừa sang để… lấy chồng Trung Quốc.
Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng có xu hướng khắc họa Việt Nam thông qua các hình ảnh và thông tin tương đối thiên lệch và lạc hậu, khiến những người Trung thuộc tầng lớp công nhân, nhân viên thường có thái độ… dè bỉu khi nhắc đến Việt Nam. Trong mắt tầng lớp này, Việt Nam là một đất nước vừa nghèo lại vừa… hoang dã, đến mức phải đi tắm rửa, giặt đồ ở suối, hay câu cá và… ăn thịt chó để sinh tồn. Chính vì lý do này mà Cherish đã không ít lần phải nén giận khi nghe những câu bình phẩm kiểu:
“Ôi, cái thằng A sống ở nhà B nhà C gì đấy có con vợ mới mua ở VN rẻ lắm. Mất có 3000 tệ (khoảng 10 triệu đồng) thôi”
Hoặc những câu hỏi như:
“Ở Việt Nam vẫn phải giặt đồ ở suối cơ à? Sao đất nước của em/cháu nghèo thế?”
Dẫu vậy, công bằng mà nói thì tầng lớp có tài chính và điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn tin ngoài lãnh thổ Trung Quốc vẫn đánh giá Việt Nam là một đất nước đang phát triển nhanh với nhiều cơ hội đầu tư. Nhưng bộ phận này chỉ là thiểu số và việc kết nối với họ thường không dễ dàng.
Với những lý do này, không khó hiểu khi Cherish luôn cảm thấy những mối quan hệ nơi đây chỉ có thể dừng ở mức xã giao trong công việc. Chị không thể tìm được một mối quan hệ bạn bè thực sự để chia sẻ những ý nghĩ sâu xa trong lòng.
Chính trong khoảng thời gian sống và làm việc tại Trung Quốc, chính xác là năm 2017, Cherish được bạn bè giới thiệu và biết đến nền tảng Spiderum. Chị đã đọc được các bài viết rất thú vị về các chủ đề khoa học, lịch sử,… và bắt đầu chia sẻ những bài viết đầu tiên về cuộc sống nơi xứ người. Ban đầu chỉ là những bài viết được hoàn thành trong lúc rảnh rỗi, nhưng sau khi nhận được sự ủng hộ của các độc giả và có được thêm những quan sát mới mẻ ở Trung Quốc, Cherish tiếp tục bổ sung và viết series “Sự trở lại của điệp viên Trung Quốc” – một trong những chuỗi bài viết được đón nhận nhất trên Spiderum.
Cũng nhờ Spiderum, Cherish đã phần nào bớt cô đơn nơi đất khách. Thông qua Spiderum, chị có thêm được những mối quan hệ mới, biết thêm những con người thú vị và tài năng thuộc nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội: có người là chủ doanh nghiệp, có người là giảng viên đại học, có người lại là tác giả sách… Chị cũng nhận được rất nhiều đề xuất hợp tác và thậm chí là cả cơ hội công việc:
“Mình từng nhận được đề nghị về Việt Nam làm việc từ anh giám đốc kinh doanh của một thương hiệu bán lẻ lớn tại Việt Nam thông qua Spiderum. Tuy nhiên do chưa phải thời điểm thích hợp và do bản thân cũng muốn tự xây dựng một thứ gì đó của riêng mình khi về Việt Nam, mình đã từ chối.”

TƯƠNG LAI CỦA "ĐIỆP VIÊN"

“Điệp viên sắp về rồi” là chia sẻ của Cherish trong phần đầu buổi phỏng vấn của Humans of Spiderum. Với tinh thần “liều mình” sang Trung Quốc làm việc để trải nghiệm và trang bị kiến thức, Cherish luôn xác định sẽ trở về Việt Nam trong tương lai không xa. Giờ đây, cô “điệp viên” đã dần có những kế hoạch cụ thể hơn cho ngày trở về quê hương.
Khách quan mà nói, chính khoảng thời gian bị cách ly ở Hồ Bắc do dịch Covid-19 đã có tác động sâu sắc đến suy nghĩ của Cherish. Suốt khoảng thời gian 2 tháng đó, chị đã tự đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân mình, tự nhìn lại lý do sang Trung Quốc làm việc và suy nghĩ về con đường mình đã chọn. Quãng thời gian này càng khiến chị quyết tâm xây dựng “một cái gì đó của riêng mình”, dựa trên những lợi thế về kiến thức, trải nghiệm và mối quan hệ đã gây dựng ở xứ người trong suốt 4 năm vừa qua.
Theo quan sát của Cherish, chị sẽ có những lợi thế nhất định nếu quay về Việt Nam khởi sự kinh doanh. Trước hết, Trung Quốc thường đi trước đi trước Việt Nam trong các xu hướng nên quãng thời gian ở Trung Quốc và những mối quan hệ ở nơi đây sẽ giúp chị có thể dự đoán và đón đầu các xu hướng ở quê hương. Ngoài ra, với kinh nghiệm làm việc tại Trung Quốc, Cherish cũng tin rằng mình có thể tối ưu hóa khâu tìm kiếm nguồn hàng, thuê kho bãi ở nước bạn và vận chuyển hàng hóa về Việt Nam.
Mặc dù vậy, Cherish cũng lường trước những khó khăn khi kinh doanh và không hề để những lợi thế hiện tại khiến bản thân trở nên chủ quan. Trên thực tế, chị vẫn đang trong quá trình thử nghiệm liên tục để xây dựng đội nhóm và tích lũy thêm kinh nghiệm. Đối với giai đoạn này, thất bại với chị không phải một điều gì đó quá đáng sợ, chúng chỉ tăng thêm trải nghiệm và độ “lì đòn” của “điệp viên nằm vùng” mà thôi. Kết thúc buổi phỏng vấn, chị chia sẻ:

“Một ý tưởng của mình cũng… toang rồi. Nhưng mà không sao cả, mình đang vét nốt vốn để thực hiện một ý tưởng khác đây. Cứ phải chày cối với đời thôi, nó vả mình mấy cái rồi mà không vả lại được nó phát nào nên cay lắm!”

Thực hiện: Hoàng Phương, Hữu Cường
Thiết kế: Tú Anh