Năm 2017, Ed Sheeran tới Liberia để tham gia việc ghi hình video cho một chiến dịch gây quỹ của Comic Relief – một tổ chức từ thiện thành lập từ năm 1985 tại Anh. Video này sau đó đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội do mang nặng tính chất của một sản phẩm poverty porn.

Một xu hướng cũ kỹ

Poverty porn được định nghĩa là “bất kỳ ấn phẩm truyền thông nào, dù là bài viết, ảnh, hoặc phim, lợi dụng điều kiện khó khăn của những người nghèo để gợi lên lòng thương hại và trắc ẩn nhằm bán được nhiều báo, tăng số tiền đóng góp, hỗ trợ cho một tổ chức nhất định” [1].
Hình thái của poverty porn đã được hình thành từ những năm đầu thập niên 80s, “thời kỳ vàng son của các chiến dịch từ thiện”. Vào những năm thời kỳ này, những hình ảnh có tính gợi cảm xúc mạnh, chẳng hạn như những bức ảnh trẻ em suy dinh dưỡng có ruồi đậu trên mắt, được rất nhiều các chiến dịch từ thiện tận dụng, và điều này nhanh chóng trở thành một xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, bản thân thuật ngữ này phải nhiều năm sau đó mới được đặt ra, với lần đầu xuất hiện là khoảng những năm 1999-2000.
Trong một bài báo xuất bản năm 1981 trên tạp chí New Internationalist mang tên “Merchants of misery” (tạm dịch: Những tay buôn sự cùng khổ) [2], Jorgen Lissner, giám đốc một cơ quan viện trợ tình nguyện của Đan Mạch vào thời điểm đó, lên án việc sử dụng hình ảnh những đứa trẻ chết đói trong các chiến dịch gây quỹ là một kiểu social pornography (tạm dịch: khiêu dâm xã hội - thỏa mãn một nhu cầu xã hội bằng những hình ảnh mang tính kích động cảm xúc cao). Ông viết: “Nó (social pornography) trưng ra cơ thể, sự khốn khổ, đau buồn và nỗi sợ hãi của những người nghèo khổ thông qua sự thể hiện rõ nét và vô cảm của những chiếc ống kính máy ảnh”. Gặp phải nhiều sự chỉ trích ngay từ những ngày đầu xuất hiện, phương pháp tiếp cận này dần lụi tàn vào những năm cuối của thập niên.
Tuy nhiên, poverty porn đang có dấu hiệu phổ biến trở lại trong những năm gần đây.

Tác hại của sự hời hợt

Trong video nói ở đầu bài (nay đã bị dỡ bỏ khỏi youtube), Ed Sheeran đã có chuyến đi đến Liberia và anh gặp hai cậu bé đang ngủ trên một chiếc thuyền trên bãi biển. Rất xúc động trước hoàn cảnh của hai cậu nhỏ, anh đã quyết định chi trả tiền thuê phòng khách sạn cho cả hai cho đến khi các em tìm được một nơi ở tốt hơn.
Bản thân nội dung này không có gì sai, nhưng toàn bộ video đã quá chú tâm vào trải nghiệm của Ed Sheeran mà quên đi việc thể hiện những bối cảnh rộng hơn. Thêm nữa, việc nhất thiết phải đưa hình ảnh của một người nổi tiếng vào đã khiến video dường như đang thể hiện khuôn mẫu “vị cứu tinh da trắng” vốn đã lạc hậu. Cùng với hai video chiến dịch gây quỹ khác của Tom Hardy và Eddie Redmayne, video này của Comic Relief đã được đánh giá là “video phản cảm và rập khuôn nhất năm” và “giành” được giải thưởng Rusty Radiator của Radi-Aid, một cuộc thi do Quỹ Hỗ trợ Quốc tế dành cho Sinh viên và Học thuật của Na Uy (SAIH) tổng hợp nhằm nêu bật các vấn đề về sự rập khuôn trong các chiến dịch gây quỹ cho các nước nghèo. Để nhận được đề cử cho hạng mục này, các video chiến dịch “phải” sử dụng các hình ảnh sáo rỗng và thông điệp đơn giản hóa quá mức.
Povery porn được sử dụng vì nó có hiệu quả. Lòng thương hại, cảm giác tội lỗi, sự xấu hổ là một đòn bẩy cảm xúc có thể giúp những tổ chức từ thiện dễ dàng khiến người xem, người đọc chi tiền ủng hộ, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, về dài hạn, cách tiếp cận này hại nhiều hơn lợi bởi nó vừa không giúp lột tả được hết các vấn đề cốt lõi ẩn sâu của sự nghèo đói, vừa tảng lờ những khó khăn mang tính đặc thù và cả sự khác biệt của những cá nhân được miêu tả - tức những người nghèo. Thay vào đó, các chiến dịch gây quỹ viện đến poverty porn để dựng lên một ảo ảnh rằng tất cả những gì ta cần làm là móc hầu bao và bỏ ra chút bạc lẻ, và rồi tất cả các vấn đề này, cả những cảm giác không dễ chịu được gợi lên trong chúng ta, sẽ biến mất.
Với việc chỉ nhìn và nhận biết sự nghèo đói qua những miêu tả rất nông và hời hợt, cộng thêm việc không thấy được sự tiến triển của quá trình xóa đói giảm nghèo trên thực tế, vì chẳng ai biết được chính xác thì số tiền 2 đô-la/tháng mà họ ủng hộ có đóng góp cụ thể gì và các bản tin vẫn tràn ngập những hình ảnh người dân châu Phi gầy tong teo, đã khiến nhiều người tin rằng đói nghèo là một vấn đề sẽ không bao giờ có thể giải quyết được. Thêm nữa, việc tiếp xúc liên tục với những hình ảnh này quá lâu sẽ dẫn đến một sự “nhờn” tâm lý – khi mà người ta trở lên lãnh đạm trước những thước phim thể hiện sự nghèo khổ cùng cực của đồng loại. Cơ chế đề kháng tâm lý này rốt cuộc sẽ giết chết sự cảm thông, nới rộng thêm sự xa cách giữa “ta” và “họ”.
Kết quả cuối cùng của tất cả những điều này sẽ là mất niềm tin và giảm sự ủng hộ.

Góc máy chết

Hãy tưởng tượng, bạn là một nông dân tại một quốc gia châu Phi. Bạn có vườn một chuối, khi muốn ăn thì bạn chỉ việc bước vào vườn ngắm nghía và chọn một buồng. Kế bên vườm ươm chuối này là vườn khoai lang, sắn, khoai tây và kê. Ở phía nam của vườn chuối là một vườn khác có đậu, đậu đũa, đậu phộng. Dưới thung lũng là bãi đất để chăn thả gia súc với hàng chục con bò sữa và bê giống. Chúng cung cấp sữa cho bạn đều đặn 365 ngày một năm. Bạn cũng có khoảng 20 con dê. Tuy nhiên, do ở quê bạn sữa dê thường được coi là không ngon (có thể vì do có quá nhiều sữa bò rồi) nên không ai vắt sữa dê cả. Bạn thường bán các cặp dê để có thêm khoản trang trải cho con đến trường. Ngoài ra bạn cũng nuôi một cặp gà, nhưng chỉ coi đây là thú vui. Do nông trại sản xuất được nhiều hơn mức có thể tiêu thụ, nên bạn thường bán lượng sản phẩm dư để chi trả cho các thứ thiết yếu như dầu lửa (dù bây giờ bạn đã chuyển sang dùng năng lượng mặt trời), xà phòng, đường (tuy nhiên do khuyến cáo của bác sĩ nên bạn chuyển sang dùng mật ong để thay thế). Mọc rải rác khắp trang trại là mía (chỉ để ăn, không phải để làm đường) và cây ăn quả (ổi, xoài, đu đủ, bơ, cam, chanh leo, dứa). Bạn uống nước ép nguyên chất từ xoài và chanh dây tươi. Cuộc sống ở đây hoàn toàn là tự cung tự cấp, thuần organic. Bạn đã sống thế này suốt nhiều chục năm cuộc đời. Tuy nhiên, bạn, cũng như rất rất nhiều người nông dân châu Phi khác, vẫn được coi là “nghèo” – dù khả năng cung cấp sữa tươi, thực phẩm và trái cây cho gia đình của bạn vượt trội so với nhiều người ở thành phố [3]. Bạn bị coi là nghèo vì bạn đang sống dựa trên mức “dưới 1 đô-la/ngày”. Nhưng bạn hiếm khi cần đến tiền, nên gần như chẳng bao giờ bạn giữ tiền trong người cả.
Tất nhiên, không phải tất cả những nông dân ở châu Phi đều giống “bạn” trong câu chuyện trên - không phải ai cũng có vườn tược, có trang trại, có gia súc. Nhưng ngược lại, không phải tất cả những người dân “nghèo” ở châu Phi đều khốn khổ cùng cực.
Các phương tiện truyền thông và các tổ chức từ thiện gần như luôn luôn đưa ra sự khắc họa một chiều về cái nghèo ở các quốc gia kém phát triển hơn, đến nỗi những hình ảnh nghèo khó đau thương này đã trở thành hình ảnh duy nhất người ta sẽ nhớ đến khi nhắc về các quốc gia này.
Rất nhiều nước nghèo hoặc đang phát triển ở châu Phi thường chỉ được các phương tiện truyền thông chú ý và đưa tin khi có những thảm họa thiên nhiên hoặc các cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra. Việc này trở thành một mô-típ quen thuộc đến nỗi, một cách tự nhiên, những người tiếp nhận thông tin sẽ mặc định rằng điều đó đại diện cho toàn bộ quốc gia đó. Vào năm 2002, tổ chức từ thiện phát triển VSO đã công bố những phát hiện của họ từ một cuộc khảo sát để thăm dò quan điểm của công chúng Anh về các nước đang phát triển. Báo cáo có tiêu đề ‘Di sản của Live Aid’ [4] nhấn mạnh rằng 80% số người được hỏi có liên tưởng mạnh mẽ giữa các nước thế giới thứ ba với các hình ảnh về nạn đói, thảm họa và viện trợ của phương Tây. Nghiên cứu được tiến hành 16 năm sau khi Live Aid diễn ra (*Live Aid là một đêm nhạc gây quỹ năm 1985 giúp giảm thiểu nạn đói ở Ethiopia), cho thấy tác động lâu dài của việc thiếu hụt góc nhìn về bức tranh toàn cảnh về các nước đang phát triển. Vào năm 2012, Oxfam đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến [5] với nội dung “kể tên những điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi nghĩ về Châu Phi”. 55% trong số 1.295 người được hỏi đã nói về các vấn đề liên quan đến nạn đói và nghèo đói.
Trong bài Ted Talk mang tên "Sự nguy hiểm của câu chuyện một chiều", nhà văn Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie nói về hậu quả của việc chỉ tiếp xúc với các câu chuyện về một số quốc gia và châu lục nhất định được kể từ một phía duy nhất. Cô nói rằng, “Hành động này đã cướp đi nhân phẩm của những người được nhắc đến trong câu chuyện. Nó cản trở việc công nhận sự bình đẳng giữa con người với con người. Nó nhấn mạnh rằng chúng ta khác biệt như thế nào chứ không phải giống nhau như thế nào.” Việc sử dụng liên tục nội dung poverty porn khiến một số nhóm người đã bị định nghĩa là gắn liền với sự đau khổ. Định kiến được tạo ra và được củng cố, và sự thiếu hiểu biết và thờ ơ ngày càng tăng. Để rồi, người ta ngạc nhiên hoặc thậm chí phản đối khi họ phải đối mặt với câu chuyện không phù hợp với mong đợi của họ.
Trong một nghiên cứu về "thành kiến phát triển", Ngân hàng Thế giới đã khảo sát và yêu cầu nhân viên của họ dự đoán xem có bao nhiêu người nghèo và giàu ở ba quốc gia đang phát triển sẽ đồng ý với tuyên bố: "Điều gì xảy ra với tôi trong tương lai hầu hết phụ thuộc vào tôi". Các nhân viên ước tính khoảng 20% những người nghèo sẽ đồng ý với nhận định này. Kết quả thực tế hoàn toàn khác xa - khoảng 80% người nghèo được khảo sát đồng ý hành động và nỗ lực của chính họ sẽ quyết định kết quả của họ - cho thấy một khoảng cách lớn trong nhận thức của một số người dân phương Tây.
Poverty porn đã tạo ra một định kiến rằng những người nghèo đều là những nạn nhân đầy bất lực và không có khả năng tự giúp mình. Đây là một tư tưởng độc hại, nó tầm thường hóa những người cần sự giúp đỡ, xuất phát từ khuôn mẫu rằng những người nghèo khổ luôn thụ động và cần một “vị cứu tinh” – vị mà, bằng cách nào đó, có thể cung cấp những gì tốt nhất cho họ, và thường là người da trắng. Sự độc hại của tư duy này ngoài ra còn nằm ở chỗ, nó khiến người ta coi thường bối cảnh của sự nghèo đói – vốn vô cùng rộng lớn và phức tạp.
Cần phải hiểu rằng, poverty porn có thể gợi lên lòng thương cảm chứ khó có thể tạo ra sự đồng cảm. Liệu có bao nhiêu người ở các quốc gia phát triển, trong cuộc sống đầy đủ tiện nghi của mình, có thể liên hệ hoặc mường tượng ra được các thách thức và khó khăn của những người thậm chí còn không có đủ lương thực hay nước sạch ở các quốc gia khác? Và tại sao việc trưng ra những khoảnh khắc tồi tệ và mong manh nhất của một người lại là chấp nhận được?
Các chiến dịch đã nâng cao nhận thức về sự quan trọng của tiền bạc cho việc chống đói nghèo, nhưng chúng chẳng bao giờ tìm cách để khiến công chúng phải đặt câu hỏi rằng: Tại sao nghèo đói tồn tại?

Từ thiện và giúp đỡ – đừng chỉ kể chuyện

Khía cạnh quan trọng nhất thường bị bỏ qua trong các cuộc tranh luận về cách những người thụ hưởng từ thiện được miêu tả như thế nào là việc bản thân những người thụ hưởng ấy cảm thấy như thế nào về điều đó. Cố ý hay không, rất nhiều các câu chuyện đang được kể lại dưới một góc nhìn phương Tây. Và trong những chiến dịch sử dụng poverty porn, những người thụ hưởng từ thiện không bao giờ được tự kể lại câu chuyện của chính mình.
Thừa nhận thực tế này, Save the Children, một tổ chức từ thiện bị cáo buộc sử dụng poverty porn, đã xuất bản một báo cáo vào năm ngoái có tên “Những người trong ảnh”, trong đó nêu chi tiết kết quả của một dự án nghiên cứu kéo dài hai năm khảo sát những người là đối tượng trợ giúp của các chiến dịch gây quỹ. Họ đã khảo sát và hỏi những người ở Vương quốc Anh, Jordan, Bangladesh và Niger về trải nghiệm và quan điểm cá nhân về cách họ được các tổ chức từ thiện miêu tả. Trong khi hầu hết những người được hỏi hài lòng với chân dung mà họ được phác họa và hiểu rằng những hình ảnh đau khổ được sử dụng cho mục đích gây quỹ, họ cũng trả lời rằng bản thân sẽ thích hơn nếu việc xây dựng những hình ảnh đại diện mang tính cân bằng hơn, với những câu chuyện và sự kiên cường của các cá nhân và giải pháp, chứ không chỉ hoàn toàn là về các vấn đề.
Những người nhận được hoặc cần sự giúp đỡ luôn luôn nên được trao quyền quyết định cách mà họ sẽ được khắc họa bởi bên thứ ba.
Thật may, nhận thức về vấn đề này đã tăng lên, được thúc đẩy bởi những bên như Radi-Aid và Giải thưởng Rusty Radiator của họ nhằm châm biếm và lột trần bộ mặt của các chiến dịch giật gân. Những người thuộc thế hệ trẻ cũng lớn lên với nhận thức sâu sắc hơn về cuộc sống trên khắp thế giới do được kết nối trực tuyến nhiều hơn. Phương tiện truyền thông xã hội cung cấp một cái nhìn rất khác về các nước đang phát triển so với phương tiện truyền thông dòng chính và các hashtag như #TheAfricaTheMediaNeverShows có vai trò tích cực trong việc xóa tan định kiến.
Các tổ chức từ thiện cũng nên thực hiện các phương pháp tiếp cận dựa trên văn hóa - ví dụ như tạo ra các chiến dịch và nội dung nơi người thụ hưởng chia sẻ văn hóa của họ - như một cách hiệu quả để kết nối khán giả với các vấn đề nghèo đói mà không làm mất nhân tính của người thụ hưởng từ thiện. Hãy miêu tả con người như một con người và không để đau khổ là câu chuyện duy nhất được kể về những người nghèo. Hãy tạo ra sự kết nối chứ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ ủng hộ-thụ hưởng. Cách tiếp cận này cũng bao gồm việc đi sâu vào các vấn đề một cách hiệu quả hơn và cung cấp bối cảnh lớn hơn, giúp khán giả được cung cấp thông tin rõ ràng hơn về các vấn đề phức tạp xung quanh nghèo đói.
Hãy thảo luận các vấn đề và giải quyết nguyên nhân của chúng, thể hiện cho mọi người thấy những tiến bộ đã đạt được. Năm 1981, 42% dân số thế giới sống trong tình trạng nghèo đói tuyệt đối theo Ngân hàng Thế giới; đến năm 2013, con số thống kê đó đã giảm xuống còn 10,7% - tức là khoảng 1 tỷ người không còn sống trong cảnh thiếu thốn.
Hãy giúp mọi người nhận thức được rằng, nghèo đói trên thực tế là kết quả của một loạt các biến số phức tạp thuộc về cơ cấu xã hội, sự phát triển, chính trị. Và vì thế, từ thiện tốt nhất là từ thiện bền vững, tạo ra những sự thay đổi thực sự và vững bền – những thứ cần nhiều thời gian để đạt được - và những người ủng hộ cần lưu ý rằng sẽ cần thêm rất rất nhiều thứ hơn là chỉ mỗi hành động nhấn vào nút quyên góp.
Ngoài ra, hãy nhớ đừng chỉ kể chuyện – để mọi người có cơ hội kể câu chuyện của chính họ sẽ giúp tạo ra sự kết nối sâu sắc hơn.
_______________________________
Tham khảo