"Dù trong bụng bồn chồn rối bời như thể có đàn bướm bay loạn xạ thì cũng không sao cả, điều quan trọng là bạn phải làm cho chúng bay theo đội hình."
Tôi từng nghĩ việc chạy bộ chỉ đơn giản là hoạt động thể dục thể thao, nhằm rèn luyện sức khỏe không hơn không kém. Nếu không chạy bộ, ta hoàn toàn có thể thay thế bằng các môn thể thao khác hoặc gắn bó với phòng tập gym để mang lại hiệu quả rèn luyện thể chất tương tự.
Tôi chỉ bắt đầu có một góc nhìn mới về chạy bộ khi biết được các nhà văn mình yêu mến hầu hết đều gắn bó với bộ môn này. Ở Việt Nam có tác giả Trang Hạ và trên thế giới có tiểu thuyết gia Haruki Murakami. Họ không ngại ngần chia sẻ về việc chạy của mình một cách hào hứng khiến tôi phải tò mò tìm hiểu xem chạy bộ có gì vui thú đến thế? Lúc này, tôi mới nghe đến khái niệm “chạy là một phương pháp thiền cho những người có tâm động”, họ suy nghĩ nhiều đến mức khó lòng tập trung vào hơi thở với cách thiền thông thường và chạy bộ lại giúp tâm hồn họ tĩnh lặng hơn. Chạy bộ cũng được xem là cách tập thiền dễ nhất cho những người bị phân tán bởi nhiều mục tiêu và bối rối trước những dục vọng cùng hàng hà sa số lựa chọn trong cuộc sống bản thân.
Và gần đây, tôi có dịp hiểu rõ khái niệm này hơn với cơ duyên đọc quyển “Chạy trong chánh niệm” của tác giả Mackenzie L.Havey.
Mackenzie L.Havey đã đưa ra một ý niệm rất hay “Đau đớn là không thể tránh khỏi. Đau khổ là tự nguyện khi bạn chạy với chánh niệm.”
Chánh niệm là một cụm từ mang đậm triết lý Phật giáo, có thể hiểu là sống trọn vẹn, hiện diện ở giây phút hiện tại; khi bạn ăn bạn biết bạn đang ăn, khi bạn thở bạn biết bạn đang thở. Và khi bạn chạy bộ trong chánh niệm, bạn sẽ tập trung suy nghĩ của bản thân vào từng bước chân, nhịp thở. Bạn tập trung vào cơ thể, tâm trí của bản thân và tận hưởng môi trường xung quanh, bao gồm màu sắc, mùi hương và cảnh vật trên chặng đường chạy của mình.
Tác giả Mackenzie L.Havey cũng chia sẻ, đối với cô, chạy bộ chính là thiền định. Nó đưa cô vào trạng thái của một nhịp điệu đẹp đẽ, thoát khỏi bất kì suy nghĩ, mong muốn, thúc đẩy hoặc tác động nào. Mỗi buổi chạy là một cơ hội để nhìn nhận chính mình.
Nếu bạn bắt đầu các buổi tập và tham gia các giải chạy với niềm hân hoan nhẹ nhàng và lòng biết ơn, thì bạn không những có được tinh thần  khỏe mạnh mà còn giúp cơ thể tạo ra các phản ứng hóa học giúp buổi chạy đó đạt được hiệu quả cao nhất. Việc này làm bạn tạm thời quên đi những căng thẳng hay bộn bề khác. Tâm trí bạn trở nên nhẹ nhõm và thư giãn. Và bạn sẽ cảm thấy dường như việc chạy không còn là một hoạt động thể chất đơn thuần nữa, đây là một hoạt động tâm linh, giúp kết nối bạn với chính mình và là liệu pháp tự chữa lành những tổn thương. Chính quy trình chạy trong chánh niệm từ tập trung đến thấu hiểu, bước vào trạng thái dòng chảy  đã tạo nên cầu nối giữa chạy bộ và thiền.
Cũng qua đây, tôi mới phát hiện ra rằng không những quan niệm trước giờ của mình về chạy bộ rất nông cạn mà cả kỹ thuật chạy cũng sai be bét nốt. Đó là chỉ biết cắm đầu chạy, thở hồng hộc và kiên trì theo đuổi mục tiêu đo đếm số bước chân, lượng calo được đốt cháy chứ chẳng biết cách hít thở và điều hòa hơi thở sao cho đúng cũng như cảm nhận và tận hưởng quá trình chạy bộ. Phương pháp chạy trong chánh niệm không chỉ giúp chúng ta có thể tập trung vào thế giới nội tại mà còn tận hưởng cảnh sắc trên đường chạy một cách trọn vẹn. Đây cũng là thông điệp chính được truyền tải xuyên suốt quyển Chạy trong chánh  niệm.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào thông điệp này mà đánh giá Chạy trong chánh  niệm là một quyển sách thuần thiên về “tinh thần” giúp độc giả tìm ra ý nghĩa của việc chạy, hay cách thức chạy để mang lại vui vẻ và hạnh phúc thì thật thiếu công bằng.
Khi tập trung tâm trí vào việc đọc, bạn sẽ cảm nhận được tác giả cực kỳ hiểu và đứng dưới góc độ của một runner để chia sẻ chứ không chỉ với góc độ một người chữa lành. Trong suốt 8 chương sách, độc giả sẽ dễ dàng nhận thấy điều này. Và qua những mẩu chuyện nhỏ về các runner cũng như câu chuyện của chính bản thân tác giả, chúng ta có thể nhận thấy bên cạnh các ý niệm về thiền mang đậm triết lý Phật giáo còn là những chuyên môn về việc chạy bộ có cơ sở khoa học vững chắc và kinh nghiệm thực tiễn.
Điều này có thể dễ dàng lý giải dựa vào lý lịch trích ngang của tác giả Mackenzie L.Havey. Cô là một phóng viên thể thao và nhiếp ảnh gia tự do. Cô có bằng thạc sĩ về vận động học, ngoài việc đã hoàn thành 14 giải marathon và một giải Ironman, Mackenzie L.Havey còn là huấn luyện viên điền kinh.
Bên cạnh tác giả, dịch giả Jesse Nguyễn là một phiên dịch y khoa đã từng tham gia các giải chạy lớn ở Việt Nam và ở Mỹ cũng như từng học thiền theo phương pháp của Làng Mai. Bản thân dịch giả Jesse Nguyễn cũng từng bị chấn thương ở đĩa đệm và buộc phải ngừng chạy một thời gian. Có thể nói, kinh nghiệm và trải nghiệm của dịch giả Jesse như sinh ra để dành cho cuốn Chạy trong chánh niệm và cô đã thổi vào sách làn gió mát của sự đồng cảm và tính chân thực.
Do đó, dù bạn có chạy hay không chạy bộ, dù bạn là vận động viên điền kinh chuyên nghiệp hay chỉ xem chạy bộ như một hoạt động rèn luyện sức khỏe đơn thuần thì quyển sách này vẫn dành cho bạn, bởi lẽ độc giả sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế và những gợi ý vô cùng đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả tinh thần.
Và hơn hết, chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng cần học cách ứng dụng chánh niệm vào mỗi khoảnh khắc trong đời sống để có thể sống vui vẻ và hạnh phúc khi tận hưởng cuộc đời màu nhiệm này!