Vì thành phố này thuộc về những điều bình dị dễ thương. Là con sông Mê kông hiền hoà uốn lượn vòng quanh, là những ngôi chùa mái cong với những nét chạm khắc tinh xảo. Tôi ngỡ mình đang bước về nhà ngay khi vừa đặt chân đến đây. Vì cái cảm giác bình yên và chầm chậm quá đỗi.

Thành phố này rõ ràng không dành cho những kẻ ưa không khí hội hè và náo nhiệt, nếu không muốn nói là buồn tẻ quá. Nếu không thỉnh thoảng nghe thấy tiếng nhạc người ta hát múa đuổi tà ma, khéo tôi lại tưởng mình đang lạc vào một xứ sở không người. Dường như cái xứ nào theo Phật rồi con người ta cũng vậy, cứ lặng lẽ, hiền hoà và chân chất đến ái ngại.
Và chắc vậy nên đời sống cũng cứ nhạt nhoà, chẳng biết ngày nào mà khấm khá lên. Vì sáng còn mải chờ sư đi khất thực, chiều có lẽ còn bận đi chùa!

Tôi nhớ mình từng đọc được bài viết của ai đó về Luông Pra băng, từ lâu lắm rồi, rằng anh thích cái cảm giác ngồi trên căn gác thượng một quán cafe nào đó mà ngắm nhìn cái cảnh ấy, từng nhóm nhỏ các nhà sư trong màu đỏ áo cà sa đi lại dọc phố phường. Đó là một nghi thức đặc biệt ở đất nước này và anh thấy trái tim mình thổn thức vì những điều bình dị ấy. Tôi đến đây một phần cũng vì bài viết ấy và phần nào vì bị ai đó rủ rê.

Nếu phải bình chọn một nơi yên bình nhất trong những chuyến đi của mình, tôi nghĩ đó là Luông Pra băng vào sáng sớm. Khi cả thành phố này vẫn còn chưa kịp thức giấc thì màu áo cà sa đỏ đã tràn ra khắp nẻo đường. Những bước thong dong, những đôi chân trần và màu đỏ nổi bật ấy, nhiều năm nữa về sau, tôi cho rằng vẫn sẽ là hình ảnh in đậm trong trí nhớ mình.

Còn gì nữa để nhớ về Luông Pra băng? Tôi cho đó là hình ảnh những ngôi chùa san sát nằm dọc phố. Những ngôi chùa không lộng lẫy, nguy nga nhưng đẹp cổ kính với lối kiến trúc mái cong sâu gần mặt đất tôi mới chỉ nhìn thấy ở Lào.

Thành phố này, nếu phải so sánh để dễ hình dung, thì có lẽ là sự pha trộn tinh tế giữa một cố đô Huế cổ kính mộng mơ và một phố cổ Hội An trầm mặc.
Tất nhiên nếu là Huế thì đâu thể tìm thấy những dãy cafe và quán ăn ven đường theo lối kiến trúc phương Tây dưới giàn hoa giấy buông rủ.
Còn nếu là Hội An thì liệu tìm đâu ra những ngôi chùa cổ kính nằm san sát nhau với không khí trang nghiêm của chốn cố đô.
Và rồi cả những ngã tư không đèn nhắc tôi nhớ nhiều đến Đà Lạt mộng mơ, nhưng Đà Lạt thì buồn và tẻ nhạt quá.
Vậy là tôi đoán chắc thành phố này cũng phải có nét gì đó riêng, vì chẳng lẫn vào đâu cả. Có điều tôi cứ cố gán cho nó một hình ảnh quen quen để mà nhớ, lỡ một ngày lại quên.

Mà quên làm sao được vì những câu chuyện dọc đường vẫn hằn sâu trong trí nhớ. Chuyến đi này, tôi gặp một bác người Anh cùng nhà nghỉ, chọn nơi này để quay lại cho thư thái tâm hồn vì nỗi đau mất đi người anh trai. Nhưng rồi có nhiều thứ dọc hành trình khiến bà không vui mà khéo chẳng buồn quay lại nữa. Tôi cho rằng đó là do tâm trạng người ta mang theo khiến cho cả hành trình dài bị phá hỏng. Bởi thành phố này thì vẫn thế thôi, vài năm nữa, tôi tin, nó vẫn vậy, mộc mạc và bình dị như ngày đầu người ta ghé thăm.
Trong cái bưu điện cũ nóng bức đến ngột ngạt, tôi lại gặp một bạn gái Mã lai. Bạn tử tế phát hotspot cho tôi để tìm lại địa chỉ gửi postcard rồi tự nhiên lưu liên lạc của nhau để hẹn ngày gặp lại, vì bạn bảo, cái bưu điện này chả mấy ai còn ghé nữa nên có lẽ là duyên.
Anh chị chủ khách sạn thì đến từ Sài Gòn. Ngày cuối chia tay, anh chở chúng tôi ra sân bay. Nghe những câu chuyện anh chị kể mới thấy vỡ lẽ đôi điều. Rằng ở thành phố xô bồ quá, đôi khi lại khiến người ta dễ phát điên. Nên là, ở Luông Pra băng thật chẳng có điều gì đặc biệt diễn ra cả. “Tôi làm gì ở đó, không, tôi không làm gì hết. Tôi đi để tránh điên”. (*)
(*): câu chữ của Nguyễn Ngọc Thuần