Đó là một buổi tối cuối tuần. Và như mọi cuối tuần của những ngày tháng này, tôi dự định sẽ đến night club đồng tính quen thuộc, uống thật say và kết thúc buổi tối trên giường của một gã xa lạ.
Mọi thứ đã diễn ra như đúng kế hoạch. Cho đến khi tôi đã cởi bỏ hết quần áo và ma sát cơ thể trần truồng của mình với một cơ thể trần truồng khác, điện thoại reo. Với vội tay tắt, tôi bực dọc vì sự làm phiền. Nhưng dường như người ở đầu dây bên kia rất kiên nhẫn, điện thoại lần nữa lại reo. Lần này, tôi mới chịu để ý màn hình. Số lạ. Tôi miễn cưỡng bắt máy, không quên sẵn giọng gay gắt “A lô”.
“Huy hả? Huy phải không con. Má nè Huy. Huy ơi, ba con chết rồi. Con về nhìn mặt ba lần cuối nhe con. Huy ơi, con có nghe Má không?”
Cái giọng quen thuộc đang nức nở ấy như một cú đấm thoi mạnh vào thái dương, khiến đầu tôi muốn vỡ tung. Tôi đáp vội, giọng nhỏ xíu.
Thấy tôi vội ngồi dậy mang quần áo vào, gã người tình ngỡ ngàng: “Này, làm gì vậy cưng? Đi đâu vậy?” Tôi không buồn trả lời, bước nhanh ra khỏi căn hộ ấy. Lúc đóng cửa lại, tôi còn nghe hắn hét to trong điên tiết “Khốn kiếp!”
***
Tôi phóng xe như bay trên xa lộ tối và lạnh. Ký ức tôi cứ tràn ra bất tận. Tôi chợt nhớ ngày thơ bé, tôi rất sợ cha mình. Mỗi khi tôi tỏ ý muốn đi chơi cùng đám trẻ hàng xóm hay bày tỏ một quan điểm trẻ con nào đó, ông lại quát vào mặt tôi bằng giọng ồm ồm những lời răn dạy. Suốt thời niên thiếu, tôi được chu cấp đầy đủ hơn nhiều đứa trẻ khác. Tôi sẽ được những món đồ chơi mình muốn chỉ cần tôi luôn học giỏi ở trường, biết nghe lời cha mẹ và không tò mò quá nhiều về những chuyện không phải của mình. Lớn hơn một chút, khi biết nhiều hơn về thế giới và bản thân mình, tôi tự biết sắm vai một đứa con ngoan trước mặt cha và chỉ bộc lộ những suy nghĩ thật với vài bạn bè thân. Vào đại học, sống xa gia đình, tôi như một con chim thoát khỏi lồng. Tôi sống và hành xử như mình mong muốn từ lâu.
Khi không còn phải sắm vai, tôi cũng quên bẵng cách đóng kịch trước mặt người thân. Tôi và cha cãi nhau lần đầu khi ông phát hiện tôi có một hình xăm ở vai. Ông bảo rằng chỉ có bọn du thủ du thực mới phải xăm hình. Và lần cãi nhau thứ hai vào cách đây hai năm cũng là lần cãi nhau cuối cùng. Đó là khi ông phát hiện tôi đang quen một người đàn ông có vợ. Ông đã tát tôi một phát như trời giáng và đuổi ra khỏi nhà. Tôi sẵn sàng ra đi. Điều tiếc nuối duy nhất là tôi đã khiến mẹ buồn. Nhưng mẹ tôi cũng như cha, cũng xem đồng tính luyến ái là một căn bệnh. Việc tôi đồng tính là một nỗi hổ thẹn của gia đình và dòng họ. Đó là suy nghĩ phổ biến ở hầu hết mọi gia đình nơi tôi lớn lên.
Từ đó đến nay, tôi chưa một lần trở lại căn nhà ấy. Cũng chẳng ai liên lạc với tôi. Có lần tình cờ gặp một người bạn cũ cùng quê trên đường, sau một cuộc trò chuyện ngắn, tôi hay tin rằng ông bà vẫn khỏe mạnh. Nhưng thực sự điều đó chẳng làm tôi khá lên. Tôi đã cố gắng quên đi quá khứ và việc gặp lại một người của quá khứ chỉ gợi lại trong tôi những ký ức không vui. Và cả trách nhiệm nữa. Tôi thấy mình là một thằng con bất hiếu. Thi thoảng khi nghĩ về chuyện cũ, tôi vẫn luôn thấy như vậy. Nhưng tôi luôn cố để quên đi chúng bằng công việc hoặc những cuộc vui.
Ngày ấy, vì một người đàn ông những tưởng yêu mình thật lòng mà tôi đã ném tình cảm của cha mẹ cùng những giá trị gia đình truyền thống mà ông bà tin tưởng vào sọt rác. Để rồi sau đó, gã đàn ông kia lại vì vợ con mình mà bỏ mặc tôi. Ngày ấy, tôi đã đấu tranh hết mình cho công khai nhân dạng tính dục, tôi hô hào phá bỏ các giá trị cũ và khẳng định những giá trị mới. Để rồi năm tháng trôi qua, sau những tin tưởng và bội tín, tôi cảm thấy những tuyên ngôn ấy cũng chẳng mang lại cho người ta hạnh phúc thực sự.
Trong mỗi gia đình, mỗi người có đều có giải pháp của riêng mình cho các xung đột thế hệ. Tôi đã có lựa chọn của riêng mình, một lựa chọn cực đoan của tuổi trẻ. Giờ đây tôi không hối tiếc nhưng cũng chẳng tự hào. Đó chỉ đơn giản là vượt qua một ranh giới. Và khi đã vượt qua rồi, chẳng thể nào quay lại, chỉ còn có thể đi tiếp mà thôi. Dù có thể rằng tương lai cũng tối tăm mênh mông và cô độc như con đường trước mắt.
Giữa đường đi, có một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến con đường tạm thời bị phong tỏa. Hai chiếc xe tải và một chiếc xe khách tông nhau. Đường ngập các mảnh kính vỡ. Trong cái chớp tắt của đèn xe cảnh sát, tôi thấy phần đầu của chiếc xe tải bị biến dạng. Đứng quanh dải băng cấm màu vàng giăng ngang đường, những người chờ đợi thông đường như tôi mang đủ gương mặt sợ hãi lẫn kinh hoàng.
Một viên cảnh sát đến nhờ tôi và những thanh niên có mặt ở đó nhấc một phần của chiếc xe tải để lôi đứa trẻ đang khóc ra. Khi phần xe tải được nhấc lên, mọi người thấy một đứa bé chừng 2 tuổi nằm kẹp trong lòng một người đàn ông. Phần đầu ông ta bị mất đi một mảng sọ bự, nhưng đôi tay vẫn kiềm chặt đứa bé không rời.
Tôi đứng trân người nhìn hình ảnh ấy. Cho đến khi đứa bé được gỡ ra khỏi người đàn ông. Họ giao nó cho nhân viên cứu thương. Còn người đàn ông thì được mang đến đặt cạnh những cái xác khác. Lúc ấy tôi thầm nghĩ trong đầu, ngay cả khi người cha không còn nữa, có lẽ cái bóng của ông ta cũng sẽ phủ xuống hết phần đời còn lại của đứa trẻ này. Và nếu tôi là nó, tôi sẽ ước được chết đi trong cái đêm này.
Trong một cuộc đời bình thường,
sao chúng ta chỉ bằng lòng trả giá cho những điều không thuộc về ước mơ?
Một bịa tạc vào tháng 6 năm 2017