Những ngày gần đây cộng đồng mạng không ngừng truyền tai nhau về câu chuyện cặp vợ chồng trẻ bỏ thành phố đi làm nông, xây dựng gia đình nhỏ ở chốn “tuyệt tình cốc”, sống cuộc sống đáng mơ ước của bao người. 
Điều khiến đôi bạn trẻ này nhận được sự chú ý là bởi rất nhiều người dù cũng chia sẻ mong muốn làm điều tương tự nhưng không có đủ khả năng tài chính hay không đủ can đảm khi cuộc sống thành thị vẫn gắn liền với những cơ hội việc làm, với sự tiện nghi và hiện đại. 
Điều khiến người viết băn khoăn là tại sao đối với nhiều người trẻ việc được về quê nuôi cá, trồng thêm rau lại là cuộc sống đáng mơ ước? 
Nếu search câu hỏi này trên google, không khó để đọc được những nhận định rằng vốn dĩ điều mà người trẻ mong muốn không phải là làm nông mà họ chỉ muốn trốn khỏi những deadline, những áp lực nặng nề từ chốn công sở, những mối quan hệ không lành mạnh hay cuộc sống chú trọng vật chất nơi thành thị. Nhiều người cho rằng việc về quê làm nông là không thiết thực, đi ngược lại sự phát triển chung của nhân loại.  
Trên thực tế nông nghiệp thuận tự nhiên đã được biết đến và trở nên phổ biến với nhiều người Việt Nam thông qua cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Masanobu Fukuoka. Trong phần giới thiệu của cuốn sách dịch giả Phương Huyên đã chia sẻ rằng: 
“Tôi nhận thấy nỗ lực phát triển của con người từ trước cho tới nay chỉ nhằm hai mục đích: Biến đổi tự nhiên theo ý mình và Ngăn cách mình khỏi tự nhiên...Chúng ta là loài động vật đầu tiên không chỉ săn bắt hay hái lượm những thứ có sẵn, chúng ta nuôi trồng, sản xuất. Tuy nhiên, điều đáng tiếc của loài người là không bao giờ thấy đủ.
… Tôi tự nhận thấy mình chính là nạn nhân của bản thân vì cách sống, ăn uống và suy nghĩ tách rời tự nhiên như vậy. Và nếu mọi sự cứ diễn ra như thế, tôi sẽ đi xa khỏi chính mình, khỏi tự nhiên, và tôi sẽ mãi mãi tự hỏi: Mình phải làm gì đây?” 
Sách cuộc cách mạng – Vietherb

Điều mà cuốn sách truyền tải không chỉ là hành trình về với làm nông thuận tự nhiên của ông Fukuoka mà là còn là hành trình định hình bản thân của ông. Theo cuốn sách, sự khủng hoảng của nông nghiệp, cũng như sự khủng hoảng của một cá nhân, bắt nguồn từ việc chúng ta có quá nhiều tham vọng và mong muốn điều khiển mọi thứ phục vụ tham vọng ấy. Và cốt lõi của sự “vô canh” - không làm gì, để mọi thứ thuận theo tự nhiên trong nông nghiệp, cũng như sự tồn tại của cá nhân, chính là việc hiểu được giá trị và vị trí của mọi điều tồn tại trong thế giới và hiểu đâu chính là sự “đủ” của mình. 
Như trong bài viết “Giới trẻ và chọn lựa lối sống mới: Từ phố về quê”, tác giả bài báo đã đưa ra 5 nhóm có xu hướng từ phố về quê như sau:

Nhóm 1: làm nông như một cách để giải tỏa tâm lý.
Nhóm 2: làm nông như một thú vui.
Nhóm 3: làm nông như một cách kiếm sống.
Nhóm 4: làm nông như một lối sống, tự cấp tự túc tối đa.
Nhóm 5: không chỉ làm nông như một lối sống mà còn có hàng hóa đưa ra thị trường.
Tác giả khẳng định nhóm 1 và nhóm 2 chiếm đại đa số. Nhóm 3 khá đông. Thành công cũng có, nhưng tỉ lệ thất bại cũng cao.
Ở một khía cạnh khác, là một người sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi làm nông dân, tôi cũng muốn nói lên những suy nghĩ của bản thân về vấn đề này. Nói là nông thôn nhưng chỗ tôi ở chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, thế nên tôi cũng có tiếp xúc với một vài người bạn có lối sống thành thị và chứng kiến một vài người bạn bỏ phố về quê. Nếu như những thập kỷ trước xu hướng là bỏ quê ra phố với mong ước được đổi đời còn người nhà quê là một từ để miệt thị, thì hiện nay những thứ được gắn mác “quê” lại được ưa chuộng tại thành thị: gà quê, gạo quê, thực phẩm quê… Liệu chúng ta có thể nhìn nhận ngược lại rằng bỏ phố về quê cũng đã trở thành một “mong ước đổi đời”? Bản thân thành phố cũng có những vấn đề riêng của nó và việc tìm về quê là một hiện tượng để công nhận rằng thành phố không còn là không gian đáng sống nữa?
Mong muốn về cuộc sống làm nông của những người trẻ như trong câu chuyện vừa rồi hay của cặp bạn trẻ đầu bài có thể xem chỉ là những bồng bột nhất thời hay cũng phần nào nói lên những vấn đề “ai cũng biết nhưng không ai làm gì” trong cuộc sống hiện đại? Cách sống thuận tự nhiên như của ông Fukuoka liệu có thể là một gợi ý để mỗi người nghĩ sâu hơn về ý nghĩa sự tồn tại của bản thân và về cuộc sống mà mình mong muốn đạt được hay không? Trong số 9toTalk tuần này, hãy cùng chia sẻ với Spiderum những suy nghĩ của bạn về chủ đề này nhé.